CHỈ TRONG MỘT NIỆM

...Trăm năm tưởng dài mà cũng chỉ gợi lại trong một niệm, ngàn năm cũng thế. Cuộc đời là hư ảo, không có gì nắm giữ được, kể cả tâm tư của mình. Tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai đều không thể nắm giữ. Tất cả đều qua đi và tan loãng theo dòng thời gian, theo sự biến chuyển của con người...

Mùa đông năm nay đột ngột đến khi hơi thu còn chưa dứt hẳn. Trời trở lạnh với những cơn mưa ào ạt, làm thấm ướt mặt đất thường khô cằn hạn hán của Cali. Buổi sáng sớm tinh mơ trong lúc đang ngồi thiền, tôi chợt nghe tiếng mưa rơi nhè nhẹ ngoài sân. Trong không khí tĩnh lặng hoàn toàn của bầu trời còn tối, tiếng mưa như đánh thức một góc nào đó trong tâm thức, gợi lên một khung trời ký ức xa xôi. Cả một quãng đời đã qua bỗng hiện ra trong một thoáng chớp, như một giấc mộng, và sự hiện hữu ngay lúc này, ở đây cũng chỉ là mộng, giấc mộng lớn của một đời người. Biết bao nước đã chẩy qua cầu, rồi cũng trôi vào hư vô không bao giờ trở lại. Tôi chợt nhớ đến hàng chữ Hán trên cánh cổng gần cây cầu trong một khu phố cổ ở Thành Đô, trong dịp du lịch qua Trung Hoa lục địa: “Thiên Niên Nhất Thuấn”. Ngàn năm cũng chỉ là trong thoáng chốc, huống chi là trăm năm của một cuộc đời. Con người đến rồi đi, từ giã cuộc đời rồi chẳng còn dấu vết gì, có chăng chỉ là những ký ức để lại trong tâm niệm người ở lại. Mưa vẫn nhỏ giọt rơi, như e ngại không dám đánh thức những người đang say ngủ. Một khung cảnh thích hợp cho những bài thơ haiku, trong đó nói lên thật sâu sắc sự tương quan mật thiết giữa thời tiết bốn mùa, cảnh sắc và tâm con người. Tôi chưa từng làm thơ haiku bao giờ, nhưng những lời thơ bỗng hiện ra thật tình cờ như sau:

Tiếng mưa đêm
Gió lạnh lùa khe cửa
Đời người chỉ trong một niệm

Dịch ra tiếng Anh:
The sound of rain in the night
The cold wind seeping through the door
A lifetime is in a thought only

Dịch ra tiếng Nhật :
Yoru no amaoto
Samui kaze ga doa o tourinuke
Isshou wa tada ichinen ni aru
夜の雨音寒い風がドアを通り抜け
一生はただ一念にある

Trăm năm tưởng dài mà cũng chỉ gợi lại trong một niệm, ngàn năm cũng thế. Cuộc đời là hư ảo, không có gì nắm giữ được, kể cả tâm tư của mình. Tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai đều không thể nắm giữ. Tất cả đều qua đi và tan loãng theo dòng thời gian, theo sự biến chuyển của con người.
Vài tháng trước đây tôi có dịp hội ngộ với thầy và những bạn đạo trong đạo tràng Anh Đào xưa. Nhắc đến đạo tràng Anh Đào, trong trí óc tôi lúc nào cũng in sâu hình ảnh ngôi nhà trên dốc đồi gần biển của chị H. Mỗi tháng một lần đến đó để buông xả những rắc rối cuộc đời, tìm chút an bình trong những giây phút thiền tập, những trao đổi pháp thoại. Không khí ở đấy thật trang trọng nhưng cũng thật ấm cúng. Giờ đây gặp lại ai nấy đều già đi, một số người cũng đã ra đi về bên kia thế giới. Ngôi nhà cũng đã đổi chủ, người xưa còn đấy nhưng cảnh cũ đã không còn. Trải qua mấy chục năm dâu biển, không biết những bạn đạo ngày xưa có ai đã tìm được niềm hỷ lạc tuyệt vời của thiền định như thầy từng nói đến không? Có lẽ điều đó chỉ có ai đã trải qua, đã uống nước nóng lạnh thế nào mới tự biết mà thôi. Tuy nhiên, tôi hầu như thấy trên mặt mọi người đều có nét bình an, thanh thản, mặc dù đã từng có những biến chuyển lớn đến trong đời. Có lẽ đó là món quà quý nhất mà sự tu tập đem lại.
Những ngày đi họp đạo tràng ấy tôi thường gọi là “một ngày đi tìm hạnh phúc”. Niềm hạnh phúc của một tâm không rỗng tỉnh giác, không vướng mắc những phiền não của cuộc đời. Dù thoáng qua, những giây phút an lạc tạm thời ấy cũng đủ tiếp thêm năng lượng cho cuộc sống đa đoan thường ngày. Nhưng con người sinh ra đã bắt đầu từ tiếng khóc, và trong cuộc hành trình đơn độc của sinh lão bệnh tử, có những đau khổ tất yếu mà con người phải đối diện và vượt qua. Nếu chỉ muốn đi tìm sự an lạc và né tránh đau khổ thì cũng chẳng khác gì sống trong ảo tưởng. Đạo Phật cho ta niềm tin không phải nơi một đấng thần thánh thiêng liêng nào, mà trên sự tìm hiểu, thâm nhập giáo lý và thực hành qua nền tảng giác ngộ chân lý về sự hiện hữu của chúng ta, trong những quy luật thiên nhiên, như quy luật nhân quả, nghiệp báo, vô thường, tánh Không v.v.. Sự hiểu biết chân lý ấy cho ta sức mạnh để bước đi vững chãi trong những biến cố thăng trầm của kiếp người. Dù cho họa hay phúc, giầu hay nghèo, thành công hay thất bại...ta vẫn phải bình tâm tùy duyên mà sống theo hoàn cảnh. Trong câu chuyện trao đổi với các bạn đạo, hầu hết đều không mơ ước những gì cao xa, chỉ cầu cho có được sự an định trong đời sống. Giấc mộng bình thường tưởng chừng như giản dị, nhưng nhiều khi cũng không đến tầm tay, và một lúc nào đó mỗi người đều phải đối diện với một thực tế không tránh khỏi của kiếp nhân sinh, vấn đề sanh tử của chính mình. Một thiền sư ngày xưa đã nói sanh tử là vấn đề quan trọng nhất phải ghi khắc trong tâm, đến nỗi phải dán lên trên trán hai chữ sanh tử, như nhắc nhở cần phải tinh tấn nỗ lực tu tập để có thể làm chủ vận mệnh, chọn lựa hướng đi cho mình, không bị lôi cuốn vào vòng luân hồi khổ ải.
Tâm con người là cả một thế giới bí ẩn, bao la kỳ diệu. Duy Thức Học của đạo Phật phân tích tâm thức của con người làm 8 thức, thức của sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý), mạt na thức (ngã thức, sự nhận biết con người riêng biệt của mình), và tận cùng sâu thẳm nhất là A Lại Da thức, còn gọi là tàng thức hay tiềm thức (dung chứa tất cả những hình ảnh ghi nhớ, những tập khí và thói quen, sở thích...) Tàng thức cũng chính là nghiệp thức, đưa con người vào những cõi giới luân hồi sinh tử. Trong câu chuyện được truyền lại và đưa đến công án “Không” của Thiền tông sau này, có cuộc đối thoại như sau:
Tăng hỏi Triệu Châu:
-Con chó có Phật tính không?
Triệu Châu trả lời:
-Không – vì nghiệp thức che đậy.
Như thế, ta thấy những gì chất chứa trong tàng thức, hay nghiệp thức, chính là yếu tố đưa đến sự tái sinh luân hồi của con người. Nếu chất chứa toàn những việc xấu ác, những tập khí sâu dầy của tham sân si, chắc hẳn sẽ về những cõi giới xấu trong vòng luân hồi lục đạo. Còn nếu tâm thuần khiết, buông xả, hướng thiện, chắc hẳn sẽ được về cõi giới an lành. Thức thứ tám A Lại Da có thể “là hang sâu đen tối của những ác ma” như lời thiền sư Bạch Ẩn nói, cũng có thể là trí sáng tỏ thấu suốt tỏa chiếu khắp trong ngoài như tấm gương tròn đầy của Đại Viên Cảnh Trí. Mỗi niệm khởi đều có ảnh hưởng và tác động riêng của nó. Như Tổ Đạt Ma nói: “Khi một niệm khởi lên là có nghiệp thiện nghiệp ác, có thiên đường địa ngục. Khi không có niệm khởi thì không có nghiệp thiện nghiệp ác, thiên đường hay địa ngục nữa. ” Vì vậy, ta phải rất cẩn trọng trong những niệm khởi của mình, thường xuyên quán sát, buông những niệm ác, năng giữ những niệm lành và thanh lọc thân ý cho được trong sạch, theo như lời Phật dạy. Một A Lại Da Thức được chuyển hóa từ ô nhiễm sang thanh tịnh, không còn những vọng niệm điên đảo sẽ trở thành Bạch Tịnh Thức không rỗng sáng ngời, còn gọi là Như Lai Tạng - đó chính là Phật không sanh không diệt nơi chúng ta.
Một người bạn nói rằng: “Mình sẽ không thể nào thành Phật được, dù có tu thế nào chăng nữa.” Thế nhưng chính Đức Phật nói “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Như Lai Tạng đã có sẵn nơi chúng ta, thường trú và thường chiếu, nhưng chúng ta suốt đời khởi vọng niệm chạy theo những ước vọng phù du nên không thấy Phật ở đâu. Nhưng dù Phật không hiển hiện, những tia sáng phát xuất từ Phật tánh vẫn phản chiếu nơi con người , như những tâm niệm lành, những hành động vị tha, những hành động lợi ích cho mình và cho người. Dù có tu hay không tu, chúng ta hãy tập sống với Phật qua sự thể hiện những tâm niệm tốt lành, qua cái nhìn bình đẳng vô thiên kiến, và một trái tim nhân ái mở rộng đến tất cả mọi người mọi vật.
Người ta thường nói, một người trước khi lâm chung hay có sự phản chiếu rất nhanh về một đời đã đi qua với đầy đủ những biến cố. Chỉ trong một niệm, người ta sống lại những kinh nghiệm quá khứ. Và cũng chỉ trong một niệm, người ta bước sang một chân trời mới.
Chuyện kể lại rằng, tổng thống George HW Bush trước khi lâm chung đã có cuộc đối thoại với cựu ngoại trưởng James Baker rằng:
- Tôi sẽ đi về đâu?
James Baker trả lời:
- Ngài sẽ về nơi ngài muốn. Và tôi cũng sẽ muốn về đó. Đó là chốn thiên đường.
Những bậc chân tu đắc đạo đã biết sẵn đường đi lối về, biết đến từ đâu và đi về đâu, nên lúc nào các ngài cũng ung dung tự tại, ra vào sinh tử tùy theo ý nguyện. Còn phàm phu chúng ta vẫn đắm chìm trong vòng sanh tử, chỉ có thể tập sống với Phật của mình, thực hành những phương cách khai triển tánh Phật để cải thiện bản thân, thanh tịnh thân ý, hầu chuẩn bị cho mình một cuộc hành trình mới về nơi an lành như ý muốn.


Ngọc Bảo
Mùa đông, tháng 12/2018


Theo: ngocbao.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét