Trên con đường tu học, chúng ta thường nghĩ rằng mình cần phải nương tựa vào một phương pháp thực tập nào đó. Tôi nghĩ việc ấy đôi khi cũng là điều cần thiết. Nhưng nếu nhìn cho sâu thì ta thấy rằng, sự thực tập ấy cũng chỉ là làm sao để trải nghiệm thực tại của mình, trong giây phút này với một tâm rộng mở, là ý thức những gì đang có mặt, với một cái thấy như thực. Chứ thật ra ta đâu cần phải làm một cái gì đó! Nếu như có làm gì, thì có lẽ ta chỉ buông bỏ những mong cầu hoặc ghét bỏ của mình mà thôi, để ta có thể tiếp xúc được với những gì đang thật sự có mặt. Mà buông ra thì đâu cần gì đến một nỗ lực nào phải không bạn!
Thật ra, khi ta thực tập một điều gì thì có nghĩa là mình đang là việc ấy. Các Tổ ngày xưa nhắc nhở chúng ta hãy thực tập như mình đã là việc ấy rồi vậy. Một nhà thư pháp sẽ thực tập vẽ như mình là một nhà thư pháp. Một nhà nhạc sĩ tập đánh đàn như là một nhạc sĩ. Trong thiền tập cũng vậy, chúng ta ngồi yên buông thư như là một thiền sư. Ta đi thiền hành với những bước chân tự nhiên và thảnh thơi như các thầy tổ ngày trước đã đi.
Chúng đã muốn nở hoa
Và nở hoa là đẹp; nhưng chúng ta muốn chín
Có nghĩa thành tăm tối và khổ công
R.M.Rilke
(Thái Kim Lan dịch)
Phải chi chúng ta chỉ cần biết buông ra bớt đi thôi. Thái độ buông xả giúp ta dừng lại để thôi tìm kiếm những gì xa xôi và kỳ lạ, để quay lại và thấy được rằng, hạnh phúc hay khổ đau, cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra…
Nguyễn Duy Nhiên
http://nguyenduynhien.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét