Vượt qua khỏi Tôn giáo


Trong buổi thuyết giảng ở New York, Krishnamurti có trả lời một câu hỏi rất lý thú:

"...Theo một người nào đó chẳng bao giờ dẫn tới sự hoàn thiện. Một bông hoa violet không thể trở thành hoa hồng, nhưng một bông violet tự nó có thể trở thành một bông hoa hoàn hảo. Vì không cảm thấy chắc chắn, nên người ta thường đi tìm sự chắc chắn bằng cách bắt chước kẻ khác. Điều này sinh ra sự sợ hãi, rồi từ đó sinh ra ảo tưởng về nơi trú ẩn và niềm an ủi mà ta có thể tìm thấy nơi người khác, cũng như nhiều ý niệm sai lầm về các pháp môn, về thiền định và việc phục tùng một lí tưởng. Tất cả điều này chỉ bộc lộ sự thiếu hiểu biết về bản thân mình, và kéo dài tình trạng vô minh. Đó chính là nguồn gốc của phiền não, nhưng thay vì nhận biết nguyên nhân của nó, bạn lại cho rằng mình có thể tự hiểu mình nhờ một kẻ khác. Cái kiểu cách đi tìm một tấm gương để noi theo chỉ dẫn đến ảo tưởng và đau khổ. Chừng nào còn chưa tự hiểu biết chính mình, thì không thể có khai ngộ..."
Đọc đến đây, làm Cội Nguồn chợt nhớ đến " Thư gởi Thầy 31" của Thường Minh, trong trang web "TRUNG TÂM HỘ TÔNG" . 
Mời các bạn lắng lòng trong chốc látđể cùng đọc lời chia sẻ rất hay trong lá thư này...Và cùng chiêm nghiệm điều này.





  Kính thưa Thầy và các Anh Chị bạn hữu, 

Qua những cuộc trò chuyện với Thầy, những điều mà con trải nghiệm lờ mờ trước đây dần dần đã được sáng vỡ ra, giờ có thể viết rành mạch thành câu chữ. Buổi chiều ngày thứ 7 vừa rồi con đã trả lời cho mình được 2 câu hỏi.

Bài học 1: Vượt qua khỏi Tôn giáo

Con vô cùng mừng rỡ khi Thầy tâm sự rằng: “Có thể đến kiếp sau Thầy sẽ không còn khoác áo thầy tu nữa mà không chừng Thầy sẽ là một nhà tư tưởng tự do như Krishnamurti hay một Cha bên Thiên Chúa”. Đã từ lâu, con thấy Tôn giáo cũng là một hình thức để con người lệ thuộc vào, nếu tự do thực sự thì con người sẽ ung dung, tự tại trong mọi hoàn cảnh, tôn trọng và dung hòa được với mọi thế lực khác trong vũ trụ. Vì rất yêu mến và trân trọng các anh chị bạn hữu và Thầy nên con cũng không dám nói ra vì ngại “đụng chạm” đến tôn giáo mà mọi người đang theo đuổi. Nhưng hôm nay, chính Thầy đã giúp con cởi bỏ được sự e ngại này. Thực ra, cách tiếp cận này giúp cho con không bài trừ bất cứ tín ngưỡng nào mà sẽ cởi mở hơn để tiếp cận với những gì tín ngưỡng đó đã, và đang làm để giúp Con người được Tự do và tránh được những những gì tín ngưỡng đó làm Con người yếu ớt, lệ thuộc vào. Con cũng cám ơn Thầy đã chỉ thêm cho con một người Thầy nữa, đó là Thầy Krishnamurti.

Bài học 2: Sống không tranh đấu

Quan điểm “sống tùy duyên, thuận pháp” được bàn luận chiều thứ 7 vừa rồi có thể được nhìn nhận thêm trên một khía cạnh khác mà anh Pháp Thuận gọi là “Luân hồi vì học mãi chưa xong”.Riêng con lại suy nghĩ làm thế nào học xong bài học kiếp này để kiếp sau còn học bài mới.
Tiếp theo sự gợi ý của Thầy, con tìm đến Thầy Krishnamurti. Thầy có một bài viết “Sống không nỗ lực” mà sau khi đọc xong con xin phép được hiểu là “Sống không tranh đấu”. Thực ra, trước đây con là một đứa rất hay đấu tranh đòi “bình đẳng” vì sợ rằng nếu không thì mình thiệt thòi, rồi đấu tranh vì cái này, cái nọ, vì người này, vì người kia... nhưng từ khi con “bớt” tranh đấu mà chấp nhận những gì mình có, những gì đang xảy ra như nó đang là thì quả thực con thấy mình hân hoan và biết ơn cuộc sống. Con học được nhiều hơn, hạnh phúc đến nhiều hơn... đúng như Thầy Krishnamurti đã viết: “Bạn sẽ phát hiện ra rằng cái trí tự nhiên ngừng tranh đấu; và trong trạng thái đó nó có thể học hỏi vô tận. Rồi thì học hỏi đó không chỉ là tiến trình tích lũy những thông tin, mà còn là một khám phá về sự phong phú lạ thường vượt khỏi lãnh vực của cái trí”.
Vấn đề của con tiếp theo là, bao giờ đủ dũng cảm để cái trí “ngừng” hẳn tranh đấu, nỗ lực. Tức là 100% sống tùy duyên, thuận pháp?
Con không đặt cho mình một cái đích về thời gian, con chỉ biết rằng từng phút, từng giờ, từng ngày, …con tiếp tục thực tập Sống Thiền như Thầy đã chỉ dạy để Tự do. Tự do khỏi Tham - Sân - Si. Tự do khỏi Bản ngã.
Con xin chân thành tri ơn Thầy cùng các Anh Chị bạn hữu đã giúp con mỗi ngày lại học thêm nhiều điều mới.

Con, Thường Minh

Thư gởi Thầy 31
Tác giả : Thường Minh.
www.trungtamhotong.org