ĐỨC PHẬT DẠY PHÁP THẤY TÁNH

Bài viết này sẽ trình bày rằng Thiền Tông là pháp môn nguyên thủy và cốt tủy do Đức Phật dạy. Nói nguyên thủy, vì Thiền Tông chính từ lời Đức Phật dạy. Nói cốt tủy, vì nhiều cách an tâm trong Thiền Tông là từ các kinh, khi chư tăng cao niên xin dạy pháp ngắn gọn để sẽ lui về một góc rừng ngồi trọn đời cho tới khi giải thoát.
Bài viết này sẽ sắp xếp các lý luận sao cho thực dụng, có lợi cho tất cả những người quan tâm và muốn bước vào Thiền Tông. Tính thực dụng trong cách an tâm sẽ trình bày cụ thể, trong mức có thể được. Bản thân người viết tự xét sở học bất toàn, nên sẽ tránh ý riêng tối đa, để chủ yếu dựa vào các kinh Pali phổ biến, có sẵn với các bản Anh văn trên mạng.
Hy hữu trong đời là gặp được, tin được và tu học được Phật pháp.

THỬ TÌM MỘT HƯỚNG ĐI ĐÍCH THỰC TRONG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT

Trong Lời Tựa cuốn Thiền Tông Chỉ Nam (The Compass of Zen) Thiền sư Sùng Sơn có nói: “Đức Phật dạy chúng ta muốn vượt qua đại dương sanh tử cần phải dùng “Thuyền trí tuệ”(Pràjnã-ship). Cũng giống như tất cả các con tàu đi biển, con tàu này cần có một la-bàn. Nếu không có la-bàn thì không thể nào tìm thấy điểm đến của cuộc hành trình. Điều quan trọng nhất là phải nắm rõ phương hướng. Nếu phương hướng không rõ ràng, bạn sẽ đi lang thang nhiều năm trên các đại dương thăm thẳm. Bạn sẽ dễ dàng bị lạc mất hoặc chìm đắm ở giữa lòng biển khơi, hoặc bạn sẽ hết thực phẩm, bị mắc kẹt trên một số hoang đảo. Vì vậy, không có bất cứ điều gì quan trọng hơn trên cuộc hành trình của bạn, đó là phương hướng…”