TIẾN TRÌNH GIẢI THOÁT

Pháp chân đế (paramattha sacca) luôn tự thể hiện trong chân như thực tánh (yathābhūtā sabhāva) và độc lập với vô minh dục vọng của con người, nhưng với vô minh ái dục con người đã tự dựng lên bản ngã, tư kiến và thời gian để rồi tự chuốc lấy khổ đau phiền muộn, cũng từ đó chân đế hay thực tánh chỉ còn là bản vẻ đầy hư cấu và ảo ảnh trong thế giới khái niệm của tưởng tri và thức tri. Quá trình huân tập của bản ngã vừa phát xuất từ vô minh ái dục lại vừa làm sâu dày thêm vô minh ái dục, thế rồi pháp chân đế tuy vẫn luôn hiện hữu nhưng con người chỉ thấy cái giả tướng do chính mình thiết lập. Vì vậy, muốn phá cái giả tướng ấy để phục hồi thực tánh cũng phải trải qua một quá trình thời gian nhất định, Đạo Phật gọi đó là tiến trình giải thoát. Lý thì có thể đốn ngộ nhưng sự thì tất yếu phải tiệm tu.

VẤN ĐÁP VỀ THIỀN VIPASSANĀ - Thiền sư U. SILANANDA

1. DO ĐÂU MÀ CÓ THIỀN VIPASSANĀ?
Thiền Vipassanā là một loại thiền căn bản và chính yếu của Phật giáo (xuất xứ từ kinh MahāSatipatthānaDīgha Nikāya).

2. VIPASSANĀ NGHĨA LÀ GÌ?
Chữ "Vipassanā" được chia làm hai phần - "Vi" là " nhiều phương diện khác nhau" có nghĩa là vi tế, tách bạch hay rõ ràng phân minh, và "Passanā" là "nhìn thấy" hay soi chiếu. Vậy "Vipassanā" - tuệ quán hay minh sát - có nghĩa là thấy được nhiều khía cạnh, nhiều thành phần khác nhau hay quán chiếu một cách vi tế, minh bạch.
Một cách rõ ràng hơn. Thiền Vipassanā là thấy sự vật qua ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã.