TÂM VÔ TRỤ - NIẾT BÀN

Tâm vô trụ là tâm vô niệm, là tâm nhất tướng, là tâm vô nhiễm. Tâm vô trụ là tâm phi thời gian, phi không gian, là tâm hiện tiền, vì chỉ có những gì ở ngay hiện tiền mới xuất hiện nơi tâm vô trụ mà thôi. Còn những gì đã thuộc về quá khứ, thì tâm vô trụ không lưu chấp một dấu vết nào. Tâm vô trụ không phải là một kho chứa có then cài, khóa đóng, mà chỉ như một căn nhà trống trải, rỗng không, người đến rồi người đi, vật đến rồi vật đi. Với tâm vô trụ thì "sự lai nhi tâm tuỳ hiện, sự khứ nhi tâm tuỳ không". Người ta ví tâm vô trụ như một tấm gương. Mọi cảnh vật, mọi hiện tượng trước gương đều in hình đầy đủ trong gương. Nhưng một khi thay đổi vị trí thì gương chỉ phản chiếu những cảnh vật, những hiện tượng ở vị trí mới, còn những gì ở vị trí cũ thì gương không hề lưu lại một hình ảnh nào.
Để minh hoạ cái tâm vô trụ, nhà Đại thi hào Trung Quốc, ông Tô Đông Pha đã viết:

"Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh"
"Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh’’

Nghĩa là:

Khi nhạn bay qua đầm nước lạnh, thì bóng nhạn in hình trong đầm nước. Nhưng khi nhạn bay qua rồi, thì nước đầm đâu có lưu giữ hình ảnh nào của nhạn nữa.
Khi gió thổi vào bụi trúc thưa, gây tiếng xào xạc trong bụi trúc, nhưng khi gió đã đi rồi, thì bụi trúc trở lại hoàn toàn im lặng, chẳng lưu giữ lại một tiếng động nào do gió đã gây ra trước đó.
Mặt nước đầm lạnh kia và bụi trúc thưa nọ biểu tượng cho cái tâm vô trụ.

Trong thiền môn Nhật Bản có câu chuyện sau: Một bữa nọ, hai thiền giả, Tanzan và Ekido, trong một chuyến di hành, chẳng may gặp trời mưa lớn. Tới một quảng đường lầy, bùn nước nhớp nhơ, thì hai người gặp một thiếu nữ xinh đẹp, mặt hoa, da phấn, quần áo lụa là, đang đứng phân vân chẳng biết làm thế nào mà vượt được quảng đường lầy dơ bẩn này. Thấy cô gái gặp cảnh khó khăn, nan giải, lập tức Tanzan lại gần, cúi chào và xin phép cô gái, rồi đưa tay bồng cô qua quảng đường lầy. Cô gái cám ơn Tanzan, rồi ra đi. Về phần Tanzan và Ekido, thì cũng tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Tối đến, hai người ghé vào nghỉ tại một ngôi đền. Ekido nhân lúc nghĩ ngơi mới mang chuyệnban ngày ra phê bình Tanzan. Ekido nói "chúng ta là những người tu hành, thế mà không hiểu đạo hữu nghĩ sao mà sáng nay lại đi bồng bế một thiếu nữ như vậy. Đạo hữu không thấy rằng làm như thế là phạm giới và bị người đời dị nghị sao?"
Tanzan đáp: "Tôi có bồng cô gái qua quãng đường lầy, nhưng bồng xong, tôi đã bỏ nàng tại chỗ, không ngờ đạo hữu còn bồng nàng về đến tận đây".

Tâm của Tanzan là tâm vô trụ. Người có tâm vô trụ thấy việc gì cần làm thì làm. Làm xong rồi bỏ, chứ không lưu chấp việc đã làm. Người có tâm vô trụ cũng giống như người đã nhuần thấm tinh thần vô vi của đạo Lão. Vô vi chẳng phải là không làm, mà vô vi có nghĩa là làm mọi việc, không gì không làm (dĩ nhiên là làm trong tinh thần tỉnh giác), nhưng làm rồi thì như thể không làm, làm rồi bỏ, in tuồng như không có người làm và không có việc đã làm, một lối hành xử ly năng, tuyệt sở, một lối hành động trong tinh thần vô tư tuyệt đối (désintéressement total).
Tuy nhiên, tâm vô trụ vẫn khác xa so với mặt gương, mặt nước đầm lạnh, hay bụi trúc thưa, hay căn nhà trống. Vì tâm vô trụ tuy không in dấu các sự kiện đã qua, việc đến thì tâm có, việc đi thì tâm lại không. Nhưng không mà có, các sự kiện qua đi, đã chìm sâu trong quá khứ, tuy không dính cứng vào tâm vô trụ, nhưng một khi cần đến thì những sự kiện kia lại hiện ra rỏ nét trong tâm vô trụ không thiếu, không sót.
Tâm vô trụ là tâm thanh tịnh, là tâm giải thoát. Cuộc sống của con người thiếu gì những khoái lạc, những phiền não, khổ đau và sợ hãi vật lý. Nếu không có tâm vô trụ thì tuy đã qua rồi, nhưng những khoái lạc, phiền não, khổ đau và sợ hãi ấy vẫn hiện diện, đeo cứng để rồi dấy lên trong tâm ta những ham muốn, thèm thuồng, những day dứt, những khủng kinh miên trường, biến cuộc sống thành biển khổ, thành địa ngục trần gian. Nói ngắn lại vô trụ tức giải thoát.
Nhưng làm thế nào để có tâm vô trụ?
Theo Phật Giáo thì muốn có tâm vô trụ phải vứt bỏ sở trụ. Trụ là đứng, là nương tựa. Sở trụ là chổ để đứng, vật để đứng, chổ để nương tựa, vật để nương tựa. Nếu sở trụ đã phá bỏ rồi, thì còn làm thế nào mà trụ được nữa. Chỗ đứng, vật để đứng, chỗ nương tựa, vật để nương tựa đã không còn, thì làm sao ta có thể đứng, có thể nương tựa được nữa. Nói khác đi, cái hậu quả tất nhiên của vô sở trụ là vô trụ.
Phật Giáo dạy pháp vô sở trụ, trong kinh Kim Cang. Là Phật tử, nếu không tụng đọc kinh này thì chắc ít nhiều cũng nghe nói tới. Tinh thần chủ đạo (idée maitresse) của kinh là vô sở trụ. Các nhà nghiên cứu Phật Giáo, cũng như các nhà chú giải kinh Kim Cang, đều nhất trí cho rằng, nội dung chủ yếu của kinh nằm ở điểm vô sở trụ, và nội dung chủ yếu này được tóm gọn trong câu chìa khoá tuyệt vời là:
"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".
Nghĩa là nên vô sở trụ để chân tâm phát sinh. Chân tâm là tâm vô trụ, là tâm giải thoát. Theo tinh thần của kinh Kim Cang thì Phật tử hay các vị tu sĩ Phật Giáo khi hành trì Phật pháp phải lấy "vô sở trụ" làm kim chỉ nam. Nếu không vậy, thì việc tu hành không có kết quả. Trong kinh có dạy rõ, là các Phật tử tu hạnh Bồ Tát khi hành lục độ thì phải hành trì như thế nào để đạt đến cứu cánh giải thoát.
Lục độ còn gọi là sáu ba-la-mật gồm có:

1. Bố thí
2. Trì giới
3. Nhẫn nhục
4. Tinh tấn
5. Thiền định
6. Trí huệ

Bắt đầu là hạnh Bố thí, kinh Kim Cang dạy như sau: "Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư bố thí". Nếu không vì nhịp bốn của thể văn cổ Trung Quốc thì ta có thể viết lại cho dễ hiểu như sau:
Bồ tát hành ư bố thí, ưng vô sở trụ ư pháp (bố thí) nghĩa là Bồ Tát tu hạnh bố thí thì không nên có sở trụ là pháp bố thí. Nói khác đi, hành giả không nên trụ vào pháp tu, mà pháp tu cũng không nên trở thành sở trụ cho hành giả. Nếu còn có pháp tu và còn có người hành pháp tu ấy thì còn vướng mắc dài dài. Tu mà như thể không tu mới thật là tu.

Tu mà như thể không tu thì cuộc sống người hành đạo mới thật sự hồn nhiên, từ đó tâm mới hoàn toàn vắng lặng, thanh tịnh.
Năm độ còn lại cũng phải được hành theo tinh thần vô sở trụ như vậy, nghĩa là:

Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư trì giới cho đến :
Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư trí huệ.

Tất cả sáu độ đều không là sở trụ của hành giả, thì hành giả còn trụ vào đâu. Tức là vềmặt pháp tu thì vô sở trụ, mà về mặt hành giả thì vô trụ. Có tu hành đúng như kinh dạy, thì việc tu hành mới mang lại kết quả tốt đẹp được.
Muốn vô trụ thì phải vô sở trụ. Thật là hợp lý. Thật là đơn giản. Nhưng làm thế nào để vô sở trụ?
- Sở trụ chính là kiến thức và kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ hay nói khác đi sở trụ chính là tư tưởng.
Sở trụ đã không, thì năng trụ cũng không. Tư tưởng (thought) đã không, thì người tư tưởng (thinker) cũng không.
Đã là kiến thức và kinh nghiệm thì sở trụ tất thuộc quá khứ, nghĩa là sở trụ tức thời gian. Vậy phi thời gian thì vô sở trụ. Như thế vấn đề gút lại chỉ còn là thoát khỏi sự chi phối của thời gian, không gian mà thôi. Cứ phi thời gian là lập tức sở trụ hồn nhiên tan biến và tâm vô trụ hồn nhiên phát sanh.

Ta có thể tóm tắt như sau:

Sở trụ = tư tưởng = thời gian
Phi thời gian = phi tư tưởng = vô sở trụ.
Vô sở trụ -> vô trụ -> Tâm vô trụ.
Tâm vô trụ = chân tâm, tâm thanh tịnh, tâm giải thoát.

Chừng nào còn sở trụ và năng trụ nghĩa là còn tư tưởng và người tư tưởng thì hành giả có hành đến pháp nào được coi là vô thượng, thậm thâm, vi diệu đi nữa cũng chẳng giải thoát được, trước sau vẫn bị:

"Ma đưa lối, quỷ dẫn đường"
"Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi"
(Nguyễn Du)



NIẾT BÀN

Niết Bàn thường được nói tới như cái đích tối hậu của tất cả mọi người hành trì phật pháp. Hầu hết phật tử đều quan niệm rằng cứ gắng học, gắng tu sẽ có một ngày nào đó, ở vào một kiếp nào đó, được nhập Niết Bàn. Đức Phật có nói rằng Ngài là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành. Hành ĐẠO và đạt ĐẠO để được nhập vào cảnh giới Niết Bàn, cũng chẳng khác gì đi từ điểm A đến B. Ai khởi hành trước và ra sức đi nhanh thì đến trước, ai khởi hành sau lại đi chậm thì đến sau. Ai không khởi hành thì mãi mãi không bao giờ đến. Nghĩa là tất cả mọi người đều có khả năng đi từ A đến B. Nhưng đến trước, đến sau, hay chẳng bao giờ đến thì cũng tùy mình. Nói khác đi, ai cũng có khả năng thành Phật và được nhập Niết Bàn, lâu mau cũng tùy nhiệt tâm, nhiệt tình của mỗi người. Nhưng Niết Bàn là gì và ra sao?
Một số đông thường quan niệm rằng Niết Bàn là một cõi (cõi Niết Bàn). Cõi ấy ở đâu thì không biết, nhưng không ở trần gian này. Cõi ấy chỉ dành cho những người thánh thiện, những vị tu hành đắc đạo. Còn những người đầy thói hư tật xấu, nặng óc tham, sân, si, thì chẳng bao giờ bén mảng được tới cõi ấy. Muốn lên được cõi Niết Bàn, phải tu luyện để trở thành thánh thiện, nghĩa là phải qua một quá trình dài lâu, có thể nhiều kiếp, nhiều đời, phải kiên trì, tinh tấn loại trừ dần thói hư, tật xấu, diệt dần tham, sân, si, mỗi ngày một chút, tích tiểu thành đại, rồi một ngày nào đó, đạo đủ, duyên đầy thì mới bước chân vào cõi ấy được. Con đường đi đến Niết Bàn dài xa lắc lơ, nhưng mỗi ngày nhích lại một chút, khoảng cách thu ngắn dần, lâu rồi cũng tới. Đi lên Niết Bàn cũng như một phi hành gia đổ bộ lên một thiên thể, phải có phương tiện và thời gian để vượt một khoảng không gian nào đó. Phương tiện của phi hành gia là các loại hỏa tiễn, còn phương tiện của hành giả là công đức học hành, tu tập. Công đức kia phải tu học lâu ngày mới viên thành được. Góp gió thành bão. Chiếc bong bóng, nếu không bơm đầy khinh khí vào, thì nó đâu có thể cất mình bay cao. Khinh khí trong bong bóng tượng trưng cho công đức do ta vun trồng.
Nếu Niết Bàn là một cõi, thì cõi ấy thế nào? — Chắc chắn ta chẳng thể biết được Niết Bàn ra sao, khi chúng ta chỉ mới "Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình", nghĩa là chỉ nghe nói chứ chưa thấy được hình tướng. Ta chỉ biết được Niết Bàn khi đã thật sự bước chân vào cảnh giới ấy, Kinh sách có thể mô tả Niết Bàn, nhưng hiểu biết Niết Bàn qua kinh sách thì cũng chẳng khác gì ta hiểu biết khung cảnh và cuộc sống xứ người qua thư từ của bạn bè, thân thuộc đi định cư ở nước ngoài gởi về. Đọc thư hoài, cả trăm, cả ngàn, mà ta thật sự có biết gì về xứ người đâu. Ngôn từ là vọng. Tin vào ngôn từ, hiểu biết qua ngôn từ thì chỉ là bám níu vào các ảo ảnh mà thôi. Nhưng không tin vào ngôn từ thì cũng không được.
Trong Phật học có chuyện ngụ ngôn rùa và cá. Rùa là loài lưỡng thê, vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước. Còn cá thì chỉ sống dưới nước thôi. Một hôm gặp cá, rùa có khoe với cá là vừa đi dạo trên vùng đất khô về. Cá ngạc nhiên và tò mò muốn biết đất khô là gì, nên cá mới đưa ra một số câu hỏi để rùa giải đáp hầu giúp cá biết được thế nào là vùng đất khô. Cá hỏi:

- Đất khô có ẩm ướt không?
- Đất khô có mát mẻ, êm dịu không?
- Đất khô có trong suốt và ánh sáng xuyên qua được không?
- Đất khô có mềm mại, dễ bơi lội ở trong được không?
- Đất khô có di chuyển và chảy thành dòng không?
- Đất khô có nổi sóng và sủi bọt không?

Câu hỏi nào của cá, rùa cũng trả lời không. Vì thế, cá bèn kết luận chẳng làm gì có vùng đất khô như rùa nói và cho rằng rùa chỉ nói những điều đặt bày, dối trá mà thôi.
Cá chỉ biết có nước, nên rùa có nói gì đi nữa, có giải thích dài dòng đến mấy đi nữa, thì cá cũng chẳng thể biết được đất khô là như thế nào. Đất khô là chân kiện, rùa đâu có thể dùng ngôn từ mà mô tả được chân kiện. Đất khô là đất khô, chân kiện là chân kiện. Cá có đặt bao nhiêu câu hỏi nữa và được rùa trả lời tất cả những câu hỏi ấy, thì cá cũng chẳng thể có được cái biết vềvùng đất khô như rùa. Cá nếu chỉ thấy biết vùng đất khô qua lời rùa thì sai. Vì cái không ẩm ướt, không mát mẻ, không êm dịu, không trong suốt và ánh sáng không xuyên qua được, không chảy thành dòng và không nổi sóng, sủi bọt vẫn chẳng phải là đất khô. Còn nếu cá cho rằng rùa đặt bày dối trá thì cũng không đúng vì đất khô là cái thật có, nên mới nói chấp ngôn từ, văn tự là sai, mà lìa ngôn từ, văn tự cũng trật là vậy.
Rùa từ vùng đất khô trở về nói về đất khô cho cá nghe. Đức Phật sau khi chứng đắc Niết Bàn nói về Niết Bàn cho chúng sinh nghe. Niết Bàn đối với chúng sinh cũng như vùng đất khô đối với cá là những gì thật có. Nhưng cá chỉ thật sự biết đất khô là gì khi đã ra sức vươn mình nhảy lên bờ. Và chúng sinh muốn biết Niết Bàn là gì thì cũng phải nhập vào cảnh giới ấy mới có được cái thấy biết chân thật và đầy đủ về Niết Bàn.
Đúng vậy, chúng ta đã chẳng thể hiểu biết Niết Bàn qua ngôn từ, văn tự và chúng ta cũng chẳng thể hiểu biết Niết Bàn qua suy nghĩ, tư duy. Mọi suy nghĩ của chúng ta về Niết Bàn chắc chắn không đúng. Ta suy nghĩ về Niết Bàn thì cũng giống như người mù suy nghĩ về ánh sáng. Dù suy nghĩ bao lâu đi nữa thì người mù cũng chẳng thể nào biết được ánh sáng như người sáng mắt. Nhưng thói thường ta lại ưa suy nghĩ về những gì mà ta chưa biết và chấp nhận những điều mình suy tư là đúng. Rõ ràng lấy vọng làm chân! Ta đâu có biết rằng tư tưởng chỉ là những cái gì xưa cũ, còn cái ta chưa biết là những gì mới mẻ, nên ta chẳng thể lấy cái cũ mà hiểu biết cái mới được. Chẳng hạn như nay ta không biết Niết Bàn là gì, ta liền tập trung suy nghĩ về Niết Bàn. Ta đang ở cõi Ta Bà và chỉ có kiến thức về cõi Ta Bà mà thôi. Nếu suy tư về Niết Bàn thì ta cũng chẳng làm gì hơn là phóng ra một cảnh giới nghịch đảo với cõi Ta Bà và cho đó là Niết Bàn. Ta Bà dơ bẩn, thì Niết Bàn thanh tịnh, Ta Bà khổ đau thì Niết Bàn hạnh phúc; Ta bà vô thường thì Niết Bàn hữu thường v.v... Ta Bà và Niết Bàn như vậy có một tương quan nhân quả. Vì có Ta Bà dơ bẩn, khổ đau, vô thường nọ, nên mới có Niết Bàn thanh tịnh, hạnh phúc và hữu thường kia.
Nếu Niết Bàn còn được quan niệm là một cõi nào đó và con người phải cần có thời gian tu học mới lên tới cõi đó và cõi đó với thế gian này lại có tương quan nhân quả thì ta còn bị thời gian, không gian và nhân quả trói buộc, và do đó phiền não, khổ đau và sợ hãi còn nhiều và chẳng bao giờ ta tới Niết Bàn được. Một tác giả Tây phương đã minh họa Niết Bàn như sau:
Ông ta vẽ một tam giác ba cạnh đều, một cạnh là cạnh thời gian, một cạnh là cạnh không gian và một cạnh là cạnh nhân quả. Vùng trong tam giác giới hạn bởi ba cạnh tượng trưng cho cõi Ta Bà, còn vùng ngoài tam giác tượng trưng cho Niết Bàn, vì ở vùng này con người đã thoát khỏi sự ràng buộc của không gian, thời gian và nhân quả, nghĩa là con người không còn bị chi phối bởi tư tưởng, mẹ đẻ của phiền não, khổ đau và sợ hãi nữa.



Còn ta, ta cũng có thể minh họa Niết Bàn như sau:






Ta vẽ 2 góc nhọn: góc nhọn ANB tượng trưng cho quá khứ, góc nhọn CND tượng trưng cho tương lai. Vẽ như thế vì tương lai do tư tưởng phóng chiếu ra thường nghịch đảo với quá khứ như đã trình bầy ở bài 1. Dấu ∞ là dấu vô cực.
Điểm N là điểm phi thời gian vì ở đó không có quá khứ, không có tương lai. Tại điểm N này tâm của hành giả là tâm vô trụ, tâm vô nhiễm, tâm nhất tướng, tâm thanh tịnh, chân tâm v.v…Ta muốn gọi là gì cũng được, nhưng tại đó hành giả có một tâm thái an nghỉ, tĩnh lặng, sáng suốt. Tâm thái ấy chính là Niết Bàn.
Nói như thế và minh họa như thế để thấy rằng Niết Bàn chẳng phải đâu xa, Niết Bàn chẳng phải là một cõi cách biệt mà Niết Bàn ở ngay trước mặt. Khi ta thoát khỏi vòng trói buộc của không gian, thời gian, nhân quả, nghĩa là khi ta sống trọn vẹn với hiện tiền tức đã phi tư tưởng thì ta thật sự nhập Niết Bàn, nhập tức thì, nhập ngay cõi đời này, với xác thân này. Và một khi nhập rồi thì ta mới biết được Niết Bàn là gì và như thế nào.
Thiền Tông Trung Hoa có câu chuyện này: một thiền sinh bữa nọ hỏi một thiền sư rằng trong kinh LĂNG NGHIÊM có câu:

"Thập phương Bạc Già Phạm nhất lộ Niết Bàn môn".

Nghĩa là chư Phật ở khắp mười phương đã theo con đường duy nhất này (con đường do kinh chỉ dạy) mà tới Niết Bàn. Đã nói là con đường tất có đầu đường và cuối đường. Niết Bàn là cuối đường, là cái đích mà những người hành trì Phật pháp theo chân chư Phật mười phương nhắm tới. Nhưng để đi tới cái đích ấy, phải khởi từ chỗ nào?
Thiền sư lấy cây trụ trượng đang cầm trong tay vạch lên hư không một đường ngang và nói: "ở chỗ này".
Thiền tông chủ trương bất lập văn tự và cũng ít dùng ngôn từ. Sự trao đổi giữa thầy trò đôi khi chỉ là một cử chỉ, một thái độ, chưa kể đến la hét, đánh đập, coi như một hình thức "dĩ tâm truyền tâm". Rồi ra thiền sinh kia cũng sẽ hiểu được rằng chẳng làm gì có con đường dẫn đến Niết Bàn. Danh từ "con đường" chẳng qua chỉ là một lối nói. Con đường đi tới Niết Bàn là con đường-không-đường, con đường hư không. Niết Bàn chẳng ở đâu xa. Niết Bàn ở ngay trước mặt. Niết Bàn là cuộc sống. Cứ sống trọn vẹn với cuộc sống nghĩa là sống trọn vẹn với hiện tiền, thì hành giả lập tức bước vào một thế giới trong đó tuyệt đối không có bóng dáng phiền não, khổ đau và sợ hãi. Thế giới ấy chính là Niết Bàn tại thế, một thế giới ngập tràn hạnh phúc vĩnh cửu. Nói hạnh phúc vĩnh cửu là cốt để phân biệt với hạnh phúc phù du, chốc lát của thế gian.
Đúng vậy, hạnh phúc Niết Bàn khác xa với hạnh phúc thế gian. Vì hạnh phúc thế gian là sự thỏa mãn một điều tham dục nào đó. Nhưng một điều tham dục này vừa thỏa mãn, thì lập tức một điều tham dục khác lại nẩy sinh, đẩy ta trở lại phiền não, khổ đau và sợ hãi. Như vậy hạnh phúc trần gian chỉ vừa chợt nháng lên đã vội tắt lịm. Khác với loại hạnh phúc tạm bợ, chốc lát của thế gian, hạnh phúc Niết Bàn có tính vĩnh cửu vì do sự chấm dứt mọi tham dục mà có. Tham dục là tư tưởng. Tư tưởng đã "phi" rồi thì mọi tham dục cũng ngưng dứt và hành giả đạt đến một loại hạnh phúc mãi mãi không phai lạt, mãi mãi không lụi tàn, hạnh phúc Niết Bàn. Chừng nào mà tư tưởng còn có mặt, thì Niết Bàn vẫn còn là gì xa lạ đối với ta, chẳng khác gì vùng đất khô đối với cá trong truyện ngụ ngôn trên.
Đúng thế, Niết Bàn là một từ phiên âm của từ Nam Phạn 'Nibbàna" hay của từ Bắc Phạn "Nirvàna" gồm hai phần "Ni" và "Vàna". "Ni" có nghĩa là không, là phủ định, là phi. Còn "Vàna" có nghĩa là tham dục. Niết Bàn chẳng phải một cõi nào, mà chỉ là một tâm thái an tịnh, giải thoát, do sự chấm dứt tham dục mà có.
Đem phân tích chữ Phật 佛 trong Hán tự, ta thấy người Trung Hoa từ ngàn xưa cũng đã nói lên cái ý này. Chữ Phật 佛 gồm có 3 phần: chữ nhân đứng, chữ cung và 2 nét sổ dọc. Chữ“nhân” là con người. Chữ “cung” là cái cung, một loại vũ khí, chỉ sự tranh chấp. Hai nét sổ dọc chỉ sự loại bỏ. Con người một khi đã loại bỏ được mọi sự tranh chấp thì lập tức thành Phật, lập tức nhập Niết Bàn. Và ở thế gian này tranh chấp lớn nhỏ nào lại chẳng từ tham dục mà ra.
Đức Khổng Tử, một đại hiền triết Trung Hoa, trong sách Đại Học cũng đã dạy:
"Tri chỉ nhi hậu năng định".
Chữ "Chỉ" có nghĩa là thôi, là dừng lại. "Tri Chỉ" là biết thôi, biết dừng lại, tức biết ngưng dứt tư tưởng, thì định được tâm. Và tâm một khi đã định thì lập tức có Niết Bàn ngay. Còn nếu quan niệm Niết Bàn là một cõi nào đó cách biệt với thế gian này thì còn lệ thuộc vào không gian, thời gian, tức là còn bị chi phối bởi tư tưởng thì chẳng bao giờ nhập Niết Bàn được.
Chúng ta hầu hết bị cuộc sống lôi kéo, cuốn hút, chạy theo mục tiêu này, rượt bắt ước muốn kia, nên luôn luôn chìm đắm trong phiền não, khổ đau và sợ hãi. Nhưng có một lúc nào đó, chúng ta thử tách khỏi cuộc sống quen thuộc này để sống một lối sống khác, dù chỉ trong chốc lát, một lối sống không so chiếu, chuyện ai mặc nấy, chẳng vơ vào, chẳng chấp trước, không nuối tiếc quá khứ, không ngóng vọng tương lai, không hận thù, không ghen ghét, không yêu thương, không nghĩ thiện, nghĩ ác, không nghĩ rủi may, thành bại, một lối sống vô sở cầu, để tâm tư không một chút ràng buộc, vướng mắc. Nói ngắn lại, ta hãy thử sống hoàn toàn tự do, không để cho kiến thức và kinh nghiệm tích chứa trong ký ức khống chế, ảnh hưởng. Sống như thế chắc chắn chúng ta sẽ bắt gặp một cảnh giới không bút nào mô tả được, mà ngôn ngữ gọi là Niết Bàn. Vâng, Niết Bàn là vậy, nó ở ngay trước mặt chúng ta. Chúng ta muốn vào lúc nào thì vào, muốn ra lúc nào thì ra, tùy ta. Chúng ta muốn ở bao lâu cũng được, chẳng cần phải lễ lạy hay cầu cạnh thế lực nào, chẳng cần sự giúp đỡ của bất cứ tổ chức lớn nhỏ nào, cũng chẳng cần một hình thức bề ngoài nào. Đi thẳng vào tâm! Trực chỉ Niết Bàn! Thật là đơn giản! Thật là dễ dàng!
Tóm lại, nếu có ai hỏi Niết Bàn là gì và làm thế nào nhập được Niết Bàn thì ta có thể trả lời ngắn gọn mà không sợ sai thiếu rằng khi tư tưởng ngưng dứt thì tham, sân, si vắng bóng, và hành giả lập tức nhập Niết Bàn, nhập rồi tất biết.
Trong Phật học gọi loại Niết Bàn tại thế này là Hữu Dư Niết Bàn. Hành giả có thể thân chứng loại Hữu Dư Niết Bàn này ngay tại cuộc sống này, với thân xác này. Đây cũng là một điểm khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác. Theo các tôn giáo khác thì chỉ sau khi lâm chung, người có thiện tâm, có đức tin, mới được đấng Tối Cao đón về cảnh trời huy hoàng, vĩnh cửu và hạnh phúc tuyệt đối. Cảnh trời huy hoàng, vĩnh cửu và hạnh phúc tuyệt đối này tương tự như một loại Niết Bàn thứ hai mà Phật học gọi là Vô Dư Niết Bàn, một loại Niết Bàn chỉ chứng nghiệm được sau khi chết.
Vô Dư Niết Bàn hay cảnh trời huy hoàng, vĩnh cửu và hạnh phúc tuyệt đối thì ta không thể nghĩ bàn. Đức Phật cũng như các vị giáo chủ khác có nói với chúng ta về Vô Dư Niết Bàn hay cảnh trời huy hoàng, vĩnh cửu và hạnh phúc tuyệt đối thì cũng chẳng khác gì rùa nói với cá về vùng đất khô mà thôi.
Niết Bàn, dù Hữu Dư hay Vô Dư, nếu còn là cái đích để nhắm tới, còn là niềm ước mơ để ôm ấp, thì chẳng còn là Niết Bàn nữa mà chỉ là một loại dây oan cột buộc ta vào phiền não, khổ đau và sợ hãi mà thôi.


Trích: Giải thoát tức thì
Tác giả:NHI BẤT NHƯỢC