Có gì khác biệt gì giữa Tánh Không Luận của Nagarjuna và giáo lý vô ngôn, bất khả tư nghị của ĐứcPhật không?
Không có khác biệt chút nào. Nếu có sự khác biệt thì đấy chỉ là cách phát biểu khác nhau. Long Thọ (Nagarjuna) là một triết gia vĩ đại, một trong những người kỳ tài nhất thế giới. Chỉ vài người trên thế giới, rất ít người, mới có phẩm chất thâm thúy như Nagarjuna. Cho nên, cách nói của Ngài là rất triết học, logic, tuyệt đối logic. Phật là nhà huyền học, không phải triết gia. Cách nói của Ngài nhiều thi vị hơn là triết lý. Hai phương pháp khác nhau, nhưng Nagarjuna nói y hệt như Phật nói. Cách phát biểu của họ chắc chắn là khác nhau, nhưng điều họ nói cần phải hiểu rõ.
Bharti hỏi, “Có gì khác biệt giữa Tánh Không Luận (shunyavada)…” Shunyavada có nghĩa là lý thuyết, triết học về chân không. Trong tiếng Anh không có từ nào có thể tương đương, xấp xỉ tương đương với Tánh Không (shunya). Tánh Không nghĩa là trống không; nhưng không phải trống không tiêu cực, mà rất tích cực. Nó có nghĩa là chân không, nhưng không phải không có gì; nó có nghĩa là tính chất không có vật thể (no-thing-ness). Tánh Không có nghĩa là hư vô, không có bất cứ cái gì. Nhưng bản thân cái hư vô ấy tròn đầy, hiện diện khắp nơi (chân không diệu hữu), cho nên nó không phải chỉ là hư vô. Cũng tựa như bầu trời thăm thẳm, chỉ là không gian trống rỗng, nhưng nó hiện hữu. Mọi thứ đến trong đó rồi ra đi, nó thì còn lại mãi mãi.
Tánh Không cũng tựa như bầu trời - sự hiện diện thuần khiết. Bạn không thể sờ tới nó được, mặc dầu bạn sống trong nó. Bạn không nhìn thấy nó, nhưng không có nó, bạn cũng chẳng hiện hữu được. Bạn sống trong nó, như cá sống trong đại dương, bạn hiện hữu trong không gian, trong Tánh Không. Shunyavada có nghĩa là mọi thứ nảy sinh ra từ chân không-vật thể (no-thing).
Cách đây vài phút tôi vừa nói cho các bạn về sự khác nhau giữa chân lý và thực tại. Thực tại là thế giới của vật thể, còn chân lý là thế giới của không vật thể - shunya. Vạn vật đều sinh ra từ chân không và tan biến trở lại chân không.
Áo Nghĩa Thư có câu chuyện:
Svetaketu từ nhà thầy trở về với cha mẹ. Anh ta đã học mọi thứ. Cha của anh là triết gia nổi tiếng Uddalaka, nói với anh ta, “Svetaketu, con hãy ra hái ít trái cây đem vào đây”. Anh ta ra ngoài hái về một trái. Người cha nói, “Hãy cắt nó ra. Con thấy gì trong đó?” Có nhiều hột trong đó. Rồi người cha lại nói, “Hãy lấy một hột và cắt ra. Con thấy gì trong nó?”
Anh ta nói, “Chẳng có gì hết”.
Người cha nói, “Mọi vật nảy sinh ra từ chân không này. Cái cây lớn này, lớn đến độ cả ngàn xe bò cũng có thể nằm gọn dưới tán lá của nó, đã nảy sinh chỉ từ một hột nhỏ này. Và con đập hột ra mà chẳng thấy gì trong đó cả. Đây là bí ẩn của cuộc sống - vạn vật đều nảy sinh từ chân không. Rồi ngày nào đó cây ấy biến mất, chẳng biết về đâu; con không thể tìm thấy nó ở bất kỳ đâu”.
Con người cũng vậy: chúng ta nảy sinh từ chân không; chúng ta là chân không, và chúng ta biến mất vào trong chân không. Đây là shunyavada.
Còn giáo lý Bất Khả Thuyết và Bất Khả Tư Nghị (avyakritopadesh) của Phật là gì? Cũng y như vậy. Ngài chưa bao giờ khai triển một cách mạch lạc về mặt triết học như Nagarjuna đã làm. Đó là lý do tại sao Ngài không bao giờ nói về nó. Đó là lý do tại sao Ngài nói là nó không thể bàn cãi được; điều đó không thể nào dùng ngôn ngữ để giải thích nổi. Vì vậy, Ngài đã im lặng.
Bạn có biết bài thuyết Bông Hoa không? Một hôm Phật cầm một bông sen trên tay và ngồi im lặng, chẳng nói một lời. Mười ngàn tăng chúng có mặt. Họ chờ để nghe Ngài nói. Ngài thì cứ nhìn mãi bông sen. Tất cả im lặng như tờ. Tăng chúng bắt đấu nhốn nháo. Mọi người bắt đầu bồn chồn. Họ tự nhủ, “Ngài đang làm gì vậy? Ngài chưa bao giờ làm như vậy bao giờ”.
Thế rồi Mahakashyapa (Ma Ha Ca Diếp) mỉm cười.
Phật bèn gọi Ma Ha Ca Diếp và trao cho ông ấy bông sen. Rồi Ngài nói với toàn thể tăng chúng rằng, “Điều có thể nói, ta đã nói cho các ông. Còn điều không thể nói được, ta trao cho Ma Ha Ca Diếp”.
Đây là avyakritopadesh, đấy là bất khả tư nghị pháp. Đây là xuất xứ của Thiền tông, của biệt truyền. Phật đã truyền cho Mahakashyapa cái gì đó, một điều gì hư không - về mặt hữu hình là hư không, không lời, không kinh sách, không lý thuyết. Nhưng cái gì đó đã được truyền. Cái gì vậy?
Các thiền sư đã từng thiền về điều này suốt hai ngàn năm trăm năm: “Cái gì vậy? Cái gì đã được truyền? Cái gì đích xác đã xảy ra?” Thật ra, Phật đã không có gì để truyền cho Mahakashyapa; Mahakashyapa đột nhiên hiểu ra điều gì đó. Ông ấy đã hiểu được im lặng, ông ấy đã hiểu cái im lặng xuyên thấu. Ông ấy đã hiểu cái khoảnh khắc sáng ngời đó, cái khoảnh khắc không có một gợn sóng của ý tưởng. Trong khoảnh khắc ấy ông ấy trở thành một với Phật. Đó là ý nghĩa của qui phục. Ông ấy không làm điều đó: Phật đang im lặng mà ông ấy cũng im lặng, và hai cái im lặng đó gặp nhau, và hai cái im lặng đó tan biến vào nhau. Và hai cái im lặng đó không thể mãi tách biệt được, bởi vì cái im lặng không có ranh giới, không bị giới hạn, và rộng mở từ mọi phía. Ngày hôm ấy trong hội chúng mười ngàn người mà chỉ có hai người im lặng - Phật và Mahakashyapa. Những người khác vẫn còn ở vòng ngoài. Mahakashyapa và Phật gặp nhau: đó là lý do ông ấy mỉm cười - bởi vì đó là bài giảng lớn nhất mà Phật đã giảng.
Không nói lấy một lời mà Ngài đã nói tất cả, tất cả những gì có thể nói được - và tất cả những gì không thể nói được nữa.
Mahakashyapa hiểu và cả cười. Trong cái cười đó Mahakashyapa biến mất hoàn toàn, thành một vị Phật. Ngọn lửa từ chiếc đèn của Phật đã nhảy sang Mahakashyapa. Điều đó được gọi là ‘pháp truyền không lập văn tự’ - bài Thuyết Bông Hoa. Đó là biến cố duy nhất trong lịch sử tâm thức con người. Đó là điều được gọi là avyakritopadesh: lời không nói được, lời không thốt ra - bất khả thuyết, bất khả tư nghị.
Im lặng trở nên rất lớn lao, rất dày đặc, rất hiện thực, đến nỗi như có thể rờ mó được trong khoảnh khắc đó. Phật là chân không, Mahakashyapa cũng hiểu chân không là gì, hoàn toàn trống không là gì.
Không có sự khác biệt giữa Tánh Không Luận của Nagarjuna và giáo lý Bất Tư Nghị của Phật. Nagarjuna là một trong những đại đệ tử của Phật, và là một trong những bộ óc sắc sảo nhất. Chỉ rất ít người - thí dụ Socrates, Shankara có thể sánh được với Nagarjuna.
Ông ấy cực kỳ thông minh. Điều sau cùng mà trí năng có thể làm là tự sát; điều lớn nhất, điểm tối cao nhất có thể xảy ra cho trí năng là vượt qua ngoài nó - đó là điều Nagarjuna đã làm. Ông ấy đã vượt qua mọi ràng buộc của trí năng, và vượt qua ngoài.
Các nhà thực chứng luận lý nói rằng chân không chỉ là một sự trừu tượng. Trong nhiều trường hợp khác nhau của những câu phủ định - thí dụ, cái này không ngọt, tôi không khỏe, tôi không ở đó, hắn không thích tôi vân vân và vân vân - thì cái bị phủ định không có bản chất của riêng nó. Đây là điều các nhà thực chứng logic nói. Phật không đồng ý, Nagarjuna không đồng ý. Martin Heidegger, một trong những tên tuổi lẫy lừng nhất hiện nay, cũng không đồng ý.
Heidegger nói có một kinh nghiệm thực sự về chân không. Đấy không phải chỉ là khái niệm do ngôn ngữ tạo ra, mà có một kinh nghiệm thực sự về chân không. Nó gắn liền với hữu thể. Một thí dụ về kinh nghiệm ấy là sự kinh sợ. Kierkegaard cũng hỏi, “Chân không tạo ra hiệu quả gì?” và trả lời, “Nó gây ra sự khiếp sợ”.
Chân không là một kinh nghiệm thực sự. Bạn có thể kinh nghiệm nó trong khi thiền, hoặc khi chết. Cái chết và thiền định là hai trường hợp để kinh nghiệm nó. Ngoài ra, đôi khi bạn có thể kinh nghiệm nó cả trong tình yêu nữa. Nếu bạn tan biến vào người yêu trong tình yêu nồng thắm, bạn đã kinh nghiệm chân không. Đó là lý do tại sao người ta sợ tình yêu - họ chỉ đi xa đến mức nào đó, rồi bắt đầu hoảng sợ, thế là họ sợ hãi. Đó là lý do tại sao rất ít người đạt được tột đỉnh khoái lạc - bởi vì tột đỉnh khoái lạc cho bạn nếm mùi kinh nghiệm về chân không. Bạn biến mất, bạn tan biến vào trong cái gì đó mà không biết rõ là gì. Bạn đi vào trong chân không xác định nổi, avyakrit.
Bạn vượt qua ngoài xã hội. Bạn đi vào trong hợp nhất nào đó, nơi mà sự tách biệt mất hẳn ý nghĩa, nơi mà bản ngã không tồn tại. Và điều đó thật đáng sợ vì nó giống như cái chết.
Cho nên nó là một kinh nghiệm, hoặc trong tình yêu mà mọi người cố lẩn tránh - rất nhiều người cứ khao khát tình yêu mà lại phá hủy tất cả cơ hội để yêu bởi vì họ sợ chân không - hoặc trong thiền định khi ý nghĩ ngừng hẳn. Bạn nhìn vào nội tâm mà chẳng thấy gì cả, nhưng có chân không hiện diện; không phải là sự vắng mặt của ý tưởng, mà là sự hiện diện của cái gì đó không biết được, bí ẩn, một cái gì đó rất lớn lao. Hoặc là trong giờ chết, nếu bạn còn tỉnh táo. Phần lớn người ta bất tỉnh khi chết. Vì sợ chân không nên họ chết trong mê man. Nếu bạn chết mà còn tỉnh táo… Và bạn có thể chết một cách tỉnh táo chỉ khi bạn chấp nhận cái chết, và để sửa soạn cho việc ấy ta phải học cả đời. Người ta phải yêu để sẵn sàng chết, và người ta phải thiền để sẵn sàng chết. Chỉ người đã yêu và thiền mới có thể chết tỉnh táo. Và một khi chết một cách tỉnh táo, bạn chẳng cần phải trở lại nữa bởi vì bạn đã học bài học về cuộc sống. Thế thì bạn tan biến trong cái đại thể; đó là niết bàn.
Những nhà thực chứng nói rất hợp lý, nhưng có điều họ không hiểu - bởi vì thực tại rộng lớn nhiều hơn logic. Trong kinh nghiệm thông thường chúng ta hiểu họ nói gì: cái ghế này hiện ở đây, nếu đem nó đi, bạn sẽ nói không có ghế ở đó. Điều đó chỉ về sự vắng mặt - cái ghế đã bị dời đi. Đây là những trường hợp thông thường của chân không: ở một thời điểm nào đó đã có một căn nhà và rồi nó đã bị phá đi, nó không còn ở đấy nữa. Đó chỉ là một sự vắng mặt.
Nhưng có những chân không nằm sâu bên trong bản thể của bạn, tại đáy sâu. Tại chính cốt lõi cuộc sống, cái chết hiện hữu. Cái chết là trung tâm của cơn xoáy lốc. Trong tình yêu hay trong thiền định, bạn tới gần trung tâm ấy; trong cái chết của thể xác bạn cũng tới gần nó. Trong lúc say ngủ, không chiêm bao, bạn đến gần nó. Chính nó đã ban cho sự sống, chính nó đã nâng cao cuộc sống. Người không ngủ say được sẽ trở nên ốm yếu, bởi vì chỉ trong giấc ngủ say, khi hắn rơi vào trong chiều sâu thẳm nhất của mình, hắn mới lấy lại cuộc sống, năng lượng, sức sống. Buổi sáng hắn lại tươi mát và đầy hứng khởi, thích thú và sống động.
Hãy học về chết! Đó là nghệ thuật lớn lao nhất cần phải học, khả năng quan trọng nhất cần phải có.
Quan điểm của Heidegger rất hợp với quan điểm của Phật, và ngôn ngữ của ông ấy rất mới mẻ, đó là lý do tại sao tôi trích dẫn ông ấy. Ông ấy nói: “Mọi sinh linh, bất kỳ sinh linh nào, đều từ chân không mà ra”. Ki Tô Giáo cũng có một tín điều tương tự nhưng ít người biết đến - bởi vì các nhà thần học của giáo hội không dám đi sâu vào điều đó vì rất phức tạp, lại nhiều cạm bẫy. Học thuyết đó là creatio ex nihilo: sự sáng tạo từ hư không.
Nếu hỏi nhà vật lý hiện đại thì ông ta sẽ đồng ý với Phật: càng đi sâu vào vật chất thì mọi vật bắt đầu biến mất. Một khi nguyên tử bị đập vỡ - vật thể hoàn toàn biến mất. Và khi đập vỡ âm điện tử, dương điện tử và trung hòa tử thì nào là muốn, nào là neutrino, nào là quarks - chúng không còn là vật thể nữa, chúng là chân không vật thể. Rất khó để hiểu. Nhưng vật lý, nhất là vật lý hiện đại, đã tới rất gần với siêu hình học - bởi vì càng ngày nó càng tới gần với thực tại hơn. Nó đang tiến qua vật chất, và đi tới chân không. Vật chất không tồn tại nữa trong vật lý hiện đại. Vật chất chỉ là một ảo giác: nó chỉ có thực với giác quan, nhưng thực tế thì không. Tính chắc nịch của nó, yếu tính của nó, chỉ là ảo giác; chẳng có gì là thực cả, tất cả chỉ là sự biến đổi không ngừng của năng lượng. Vật chất không là gì ngoài năng lượng. Và khi bạn đi sâu hơn vào trong năng lượng thì năng lượng cũng không phải là vật, nó là không-vật.
Cái chết là điểm mà tại đó tri thức đổ bể, và chúng ta hướng về bản thể. Đó là kinh nghiệm của Phật giáo qua nhiều thời đại. Phật thường phái các đệ tử đi quan sát người chết, đến xem xác đang cháy trên dàn hỏa thiêu: “Hãy thiền ở đó, hãy thiền về chân không của cuộc sống”. Cái chết là điểm mà tại đó trí năng bế tắc, và khi trí năng ngừng hoạt động, tâm trí cũng chịu thua luôn. Và khi tâm trí chịu thua, có nhiều triển vọng để chân lý thấm vào bạn.
Nhưng mấy ai biết. Khi có ai chết, bạn không biết phải làm gì, bạn rất bối rối. Khi có người chết, đấy là lúc thuận lợi nhất để thiền.
Tôi trường nghĩ rằng mỗi thành phố đều cần một trung tâm chết. Khi có người hấp hối và cái chết của người đó gần kề, người đó nên được chuyển vào trung tâm chết. Đó là một đền thờ nhỏ để những người biết thiền ngồi quanh người đó, giúp người đó chết, và nên tham gia vào bản thể của người đó khi ông ta sắp tan biến vào chân không. Khi có người biến mất trong chân không, một năng lượng lớn được thoát ra. Năng lượng bao quanh người ấy, đang được giải thoát. Nếu ở trong không gian tịch mịch gần người đó, bạn có thể nương theo năng lượng của người ấy mà tiếp tục cuộc hành trình lớn. Không có loại ma túy nào có thể đưa bạn tới chỗ đó được. Người ấy đang trả lại cái năng lượng cho trời đất; nếu có thể hấp thụ năng lượng đó, bạn sẽ có thể nếm được kinh nghiệm chết cùng với người đó. Và bạn sẽ thấy điều tối thượng - từ ngọn nguồn đến cùng đích, từ khởi đầu đến chung cuộc.
“Con người là sinh linh mà qua đó chân không xuất hiện”, Jean-Paul Sartre nói. Tâm thức không phải là vật này hay vật kia, nó không phải là bất kỳ vật nào cả; nhưng có chắc nó là nó không? “Không”, Sartre nói, “nhất định là không phải vậy. Tâm thức chưa bao giờ tự đồng nhất với chính mình. Vì vậy, khi tôi suy tư về chính mình, cái chủ thể được suy tư không phải là cái chủ thể đang suy tư. Khi cố gắng phát biểu tôi là gì đó, tôi thất bại. Bởi vì trong khi tôi đang nói, cái mà tôi đang nói về đã trôi vào quá khứ, và cái tôi là gì ấy đã thành quá khứ. Tôi chỉ là quá khứ và tương lai của mình, nhưng tôi lại không hiện hữu trong hiện tại. Tôi đã là người này trong quá khứ, và tôi sẽ là người khác trong tương lai. Nhưng trong hiện tại, chỉ có chân không”. Nếu ai đó hỏi bạn, “Bạn là ai?” bạn sẽ trả lời thế nào?
Có thể bạn trả lời bằng những cái bạn đã là - nghĩa là không còn nữa. Hoặc có thể bạn trả lời bằng những điều bạn sẽ là - nghĩa là chưa đến. Nhưng bạn là ai ngay trong khoảnh khắc này? Không là ai cả, chỉ là chân không.
Chân không này là chính cốt lõi, là tâm điểm - tâm điểm của bản thể bạn.
Thần chết không phải là chiếc rìu đốn ngã cây cuộc sống, nó là hoa trái trổ ra từ cây ấy. Cái chết chính là chất liệu tạo nên con người bạn. Chân không là chính bản thể của bạn. Chân không này có thể đạt tới hoặc bằng tình yêu, hoặc bằng thiền định, mỗi lần nếm một ít kinh nghiệm. Đây là điều Nagarjuna muốn nói về Tánh Không. Đây là điều Phật đã truyền cho Mahakashyapa trong bài giảng Bông Hoa. Đây là điều Mahakashyapa đã hiểu khi ông ấy cười to. Ông ấy thấy chân không, và sự thuần khiết của nó, sự hồn nhiên của nó, sự hồn nhiên nguyên thủy của nó, sự sáng ngời của nó, sự bất tử của nó - bởi vì chân không không thể chết được. Mọi thứ đều chết; chân không thì bất tử, vĩnh cửu.
Nếu đồng nhất với bất kỳ cái gì, bạn sẽ phải đau khổ vì cái chết. Nhưng nếu biết rằng bạn là cái chết, sao bạn phải đau khổ vì cái chết? Vậy thì chẳng có gì có thể phá hủy được bạn; không có gì có thể hủy diệt nổi chân không.
Ngụ ngôn của Phật giáo kể rằng Diêm vương hỏi con ma mới tới là khi sống nó có gặp ba sứ giả của thiên đường không. Và nó trả lời, “Không, tâu Diêm vương, con không gặp”. Ngài lại hỏi nó có gặp một ông già còng lưng vì tuổi tác, hay một người nghèo đói, ốm yếu lại không bè bạn, hay một người chết không?
Phật tử gọi ba sứ giả này là ‘ba thiên sứ’: Lão, Bệnh, Tử - ba thiên sứ. Tại sao? - bởi vì chỉ qua những kinh nghiệm này trong cuộc sống bạn mới để ý đến cái chết. Và nếu bạn để ý đến cái chết và bắt đầu tìm hiểu nó, hoan nghênh nó, tiếp nhận nó, bạn sẽ thoát khỏi ràng buộc, thoát khỏi bánh xe luân hồi.
Heidegger và Soren Kierkegaard đều nói rằng chân không tạo ra sự khiếp sợ. Đấy mới chỉ là một phần sự thật. Bởi vì hai ông chỉ là triết gia nên đối với họ chân không tạo ra khiếp sợ.
Nếu hỏi Phật, hỏi Mahakashyapa, hỏi Nagarjuna, và nếu hỏi tôi, cái chết được nhìn với chỉ một phần sẽ tạo ra sự khiếp sợ. Phải nhìn một cách tuyệt đối, toàn triệt thì nó giải phóng bạn khỏi mọi khiếp sợ, mọi thống khổ, mọi lo âu, nó giải thoát bạn khỏi luân hồi… Bởi vì nếu chỉ nhìn một phần thôi, nó tạo ra nỗi sợ rằng bạn sẽ chết, rằng bạn sẽ trở thành hư không, rằng chẳng mấy chốc bạn sẽ biến mất. Và tự nhiên bản cảm thấy bồn chồn, run rẩy, bật gốc. Nếu nhìn vào cái chết một cách toàn triệt, bạn biết bạn là cái chết, bạn từ nó mà ra. Cho nên chẳng có gì sắp mất mát cả, chẳng có gì còn lại cả. Chỉ còn lại chân không.
Phật giáo không phải là một tôn giáo yếm thế như nhiều người nghĩ. Phật giáo là cách thức loại bỏ cả lạc quan lẫn bi quan, gạt bỏ hẳn nhị nguyên đối đãi.
Hãy bắt đầu thiền về cái chết. Và khi nào bạn cảm thấy cái chết gần kề, hãy đón chào nó qua cánh cửa tình yêu, qua cánh cửa thiền, qua cánh cửa của người đang chết. Và nếu ngày nào đó bạn sắp chết - và ngày ấy đang tới qua từng ngày một - hãy đón nhận nó trong niềm vui sướng, an lạc. Và nếu bạn có thể đón nhận cái chết trong niềm vui sướng và ân sủng, bạn sẽ đạt tới đỉnh cao nhất, bởi vì cái chết là đỉnh cao của cuộc sống. Giấu kín trong cái chết là tột đỉnh khoái lạc, bởi vì ẩn giấu trong đó là tự do lớn nhất.
Cái chết đang tình tự với Thượng Đế, hay Thượng Đế đang tình tự với bạn. Cái chết là tột đỉnh khoái lạc, toàn bộ và rộng lớn như vũ trụ. Cho nên hãy vứt bỏ tất cả những ý tưởng bạn đang có về cái chết. Hiểu sai như vậy nguy hiểm lắm. Chúng làm cho bạn thù nghịch với kinh nghiệm lớn lao nhất mà bạn cần phải có. Nếu chết trong mê man, bạn sẽ phải sinh ra nữa. Trừ phi bạn học được cách chết, bạn sẽ còn tiếp tục phải sinh ra hoài hoài. Đây là bánh xe luân hồi, samsara, thế gian. Một khi bạn nếm được tột đỉnh khoái lạc, bạn không cần phải sinh ra nữa. Bạn sẽ biến mất vì bạn sẽ mãi mãi nằm trong tột đỉnh khoái lạc ấy. Bạn không còn ý tưởng nào về bạn nữa. Bạn không hiện hữu như một thực thể, không còn bị giam hãm, không bị đồng hóa với bất kỳ cái gì. Bạn trở thành đại thể, không phải bộ phận.
Đây là Tánh Không Luận của Nagarjuna, và đây cũng là thông điệp Bất Khả Thuyết, Bất Khả Tư Nghị của Đức Phật. Cả hai giống nhau y hệt.
Osho
Trích: Vương Tâm Kinh