Học Đạo là như thế!

Ngày xưa, sau khi Đức Phật chứng Đạo, tại sao Ngài không mở trường Thiền để có thể dạy hàng ngàn, hàng vạn người cùng một lúc? Ngược lại, Ngài chỉ vân du từ nơi này sang nơi khác, tùy căn cơ khai thị cho những người hữu duyên Ngài gặp trên đường? Đơn giản vì trình độ, hoàn cảnh và cơ địa mỗi người một khác, nên đức Phật ngay nơi mỗi người khai thị pháp mà người đó đang trải nghiệm, và vì vậy chỉ người đó mới thật sự biết đức Phật đang chỉ dạy điều gì, người khác có nghe hay đọc lại kinh điển tường thuật thì cũng chỉ để tham khảo hay suy luận mà thôi.
Cách dạy của Đức Phật cũng rất đơn giản, Ngài chỉ hướng dẫn mỗi người biết trở về khám phá sự thật – thực tại thân-thọ-tâm-pháp ngay nơi chính mình, không thể tìm kiếm ở đâu hay bất cứ ai khác. Ngài chỉ dạy đơn giản như thế, còn lại là việc của mỗi người tự mình khám phá, tự mình thấy ra sự thật chứ không có ai khác làm thay được cả. Học Đạo không thể là:"Thầy ơi, Thầy đã giác ngộ rồi, cho con giác ngộ với" được.

CÁI NHÌN MÙA XUÂN

Lời tuyên bố của đức Phật "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành" đã được xiển dương trong các kinh Bắc Tạng thành một công thức vĩnh hằng: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đó là cánh cửa mở vào đời sống Phật giáo. Khi nhìn người khác như một vị Phật sẽ thành, chúng ta sẽ không nói dối với người ấy, sẽ không trộm cắp của người ấy, không tà dâm với người ấy, không thể nào giết hại người ấy. Trái lại chúng ta sẽ vun bồi mọi đức hạnh trong cuộc sống chung (thân hòa đồng trú) với người ấy: tâm từ bi, nhẫn nhục, sự tôn trọng, bố thí cúng dường, sự phát tâm tự mình Bồ đề thành Phật để đưa mọi người thành Phật...