PHÁP NGỮ 1 - Thiền Sư Viên Minh



1. Nguyên lý của thiền


Thiền là tự nhiên, vô tâm và giản dị. Tự nhiên nên nó như nó là, vô tâm nên không khởi niệm tìm cầu, giản dị nên không cần thêm bớt. 

Thực thì thấy thực, vọng thì thấy vọng tức thấy tánh. 

 2. Thực thì thấy thực, vọng thì thấy vọng tức thấy tánh


Tâm và pháp đều đang ở trong tự tánh chân thực của nó. Chưa bao giờ có một pháp rời khỏi thực tánh của mình, chỉ có ảo tưởng mới vẽ ra ảo tướng mà thôi. Nhưng nếu thấy được ảo là ảo tức cũng thấy thực tánh của nó. Khi cái thấy không bị ảo tưởng che lấp thì ngay đó liền kiến tánh. Vậy có việc làm nào mà không thấy tánh được? Cứ ngay đó mà thấy. Thực thì thấy thực, vọng thì thấy vọng tức thấy tánh. Cho nên một vị thiền sư đã nói: "Vô minh thực tánh tức Phật tánh, huyễn hoá không thân tức Pháp thân" là vậy đó. Ví như người chiêm bao tưởng là thật tức mê, chiêm bao mà biết là chiêm bao tức là tỉnh...


3. Cái Thực


...Cái thực là cái như nó đang là, không cần ai biết đến nó vẫn thực, không phải cái mà bản ngã ảo tưởng cho nó là, đòi hỏi nó phải là, hay mong cầu nó sẽ là. Như vậy cái thực chỉ hiện diện tại đây và bây giờ, và thấy thì thấy ngay, đừng khởi tâm lăng xăng tìm hiểu (sở tri) hay cố gắng nắm bắt (sở đắc), vì tất cả kiến thức và sở hữu đều là ảo tưởng ảo giác mà thôi.

4. Thấy Thực Tánh Pháp

Chỉ cần thấy mọi hiện tượng diễn biến của thân - tâm - cảnh như chúng đang là tức đang thấy thực tánh pháp, thì nó sẽ tự sinh tự diệt chứ không có bản ngã lăng xăng phê phán, kiểm duyệt, lấy bỏ, thêm bớt hay tạo tác trong đó


5.  Thấy tức là hành



Thấy tức là hành, do đó con chỉ cần luôn biết mình trong mọi hoạt động thì con sẽ thấy ra bản chất của chính mình và đời sống. Chân lý không nằm ngoài cuộc sống, và nó luôn hiện hữu trong con, vì vậy thường trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm thì con sẽ thấy pháp....Chỉ thấy mà không xen quan niệm và ý đồ của bản ngã vào mới gọi là thấy rõ.

6. T
hấy tức chuyển biến cực kỳ mầu nhiệm


...Chuyển biến là việc của pháp, nên thấy tức chuyển biến cực kỳ mầu nhiệm, còn một khi khởi lên ý đồ muốn chuyển biến tức rơi vào bản ngã, thời gian, nhân quả, trói buộc và khổ đau. Đó chính là rơi vào sinh tử. Và đó là lý do vì sao Đức Phật không bước tới (chuyển biến đến tương lai), không đừng lại (dính mắc trong hiện tại) mà thoát khỏi dòng thác sinh tử trầm luân...

Tánh biết vốn rỗng lặng trong sáng đủ để thấy ra lẽ thật nơi chính mình và cuộc sống mà không cần kiến thức của bản ngã lý trí. Chính kiến thức này trở thành sở tri chướng che lấp sự sáng vốn có của tâm. Vì vậy Đức Phật đã dạy trong kệ Pháp cú 72 rằng: Quả thật điều nguy hại Người ngu sinh sở tri Hủy phần sáng của mình Tự chẻ đầu chính nó. Tự chẻ đầu chính nó bởi vì chính sở tri của bản ngã lý trí tạo ra trạng thái phân vân, do dự, lưỡng lự, nghi hoặc.
 
7. Tâm kiên định cao nhất.

Chỉ thấy tâm thôi đừng bắt tâm phải kiên định, bắt tâm kiên định có khác nào bắt dòng nước ngừng trôi, như vậy làm sao thấy được vô thường, vô ngã? "Lặng nhìn không nói năng" mới thật là bản chất không lay động của tâm ...Tâm chỉ cần trọn vẹn trong sáng trong từng sát-na mong manh tại đây và bây giờ đó mới thật sự là tâm kiên định nhất.

8. Giới

Giới là điều học (sikkhàpada) giúp chúng ta học ra hành động đúng sai thiện ác một cách thực tế chứ không phải là điều răn cấm mang tính hình thức quy định hay ràng buộc bên ngoài. Nếu chấp vào hình thức của giới mà không thấu rõ nội dung ý nghĩa thực sự của nó thì vẫn gọi là giới cấm thủ, một trong 10 ràng buộc không thể giác ngộ giải thoát được. Một người thông suốt giới sẽ biết uyển chuyển tuỳ trường hợp chứ không chấp thủ một cách cứng nhắc. Và vì là điều học nên mỗi người phải tự mình học ra bài học uyển chuyển đó để giác ngộ chứ không nên ỷ lại vào quan điểm của ai khác.


9. Thiền

- Thiền định (chỉ) là gom tâm vào một đề mục để đạt đến nhất tâm (định xả)

- Thiền tuệ (quán) là phát triển trí tuệ để thấy thực tánh pháp.
- Thiền tỉnh lự là tư duy trong tỉnh thức (chánh tư duy)
Còn trong thiền Vipassana thì định tuệ không thể tách rời (định tuệ nhất như)... tức là thường trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại
- Thiền không lệ thuộc vào một tư thế nào, cũng không dính mắc vào một đối tượng nào. Trong mọi tư thế và mọi hoàn cảnh, tâm thiền mới là chính yếu..

10. Phẩm chất của trí tuệ.

Khi nhận thức đúng thì sẽ hành động đúng ... Cứ lắng nghe quan sát lại chính mình trong bối cảnh cuộc sống rồi con sẽ thấy ra nguồn gốc của mọi sự xuất phát từ thái độ nội tâm. Chỉ thấy mà không phê phán hay kết luận là phẩm chất của trí tuệ.

11. Tầm và tứ

Tầm và tứ là hai thiền chi khởi đầu rất quan trọng trong thiền định. Tầm là hướng tâm tìm đề mục thiền định, ví dụ hướng tâm tìm đến hơi thở. Khi tầm đã hướng đúng vào đối tượng (đề mục) thì Tứ bắt đầu thẩm tra kỹ lưỡng để đáp xuống đối tượng đó. Khi hai chi thiền này hoàn thành nhiệm vụ thì ba chi thiền hỷ, lạc và nhất tâm cũng sẽ xuất hiện tiếp theo và đạt được sơ thiền.
Tầm ví như con bướm bay về hướng một đóa hoa, tứ ví như con bướm quan sát để thử đậu xuống đóa hoa đó, hỷ ví như con bướm thích thú hút mật, lạc ví như con bướm đã cảm thấy no đủ thỏa mãn, nhất tâm hay định xả ví như con bướm đứng yên trên đóa hoa không mong muốn gì nữa. Do đó tầm trừ hôn trầm, tứ trừ nghi hoặc, hỷ trừ sân, lạc trừ trạo hối, nhất tâm trừ dục.

12. Tu Phật

Tu Phật có ba trình độ: 

1) Sống đạo hay sống thuận pháp là cao nhất, nên gọi là Đạo Phật. Đây là thời kỳ Chánh pháp. 
2) Tôn giáo có tên là Phật Giáo lấy giáo lý của một trong những tông phái làm lý tưởng của mình. Đây là thời kỳ tượng pháp. 
3) Tín ngưỡng tuy tự xem là Phật giáo nhưng nặng hình thức đức tin dân gian mà nhiều khi đã trở thành mê tín. Đây là thời kỳ mạt pháp, chia ra rất nhiều nhánh ngọn mâu thuẫn nhau. Trở về thực tại, thấy ra thực tánh pháp và sống thuận pháp tánh với tâm sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định), trong lành (giới) chính là trở về đầu nguồn của chánh pháp.

...Tu hành mà không nắm vững nguyên lý, chỉ nhắm mắt áp dụng theo một phương pháp tu luyện nào đó với ước mong đạt được một năng lực thì rất dễ bị "tẩu hỏa nhập ma". 

...Tu chính là trở về sử dụng tỉnh giác soi chiếu bóng tối của cái ta ảo tưởng để trả pháp lại cho thực tánh bản nguyên của nó...

13. Chánh niệm và tỉnh giác


Chánh niệm và tỉnh giác là hai yếu tố khác nhau về tính chất và tác dụng nhưng lại bổ túc cho nhau và hầu như luôn đi đôi với nhau như hai mặt của bàn tay. 
Chánh niệm thuộc về định, 
tỉnh giác thuộc về tuệ. 
Chánh niệm giữ tâm trọn vẹn trên đối tượng, tỉnh giác soi sáng đối tượng. Có thể 2 yếu tố không cân bằng khi niệm hoặc tuệ yếu hay mạnh hơn. Ví như cây đèn pin, giữ yên hướng chiếu đúng trên đối tượng là chánh niệm, chiếu sáng để soi thấy đối tượng là tỉnh giác... Hai yếu tố này phải cân bằng và đúng mức thì tuệ giác thấy thực tánh pháp mới phát huy được... 


14. Sống Đạo

Ðạo Phật có nghĩa là sự sống giác ngộ, và giản dị làm sao khi con ăn biết mình đang ăn; khi đang đi, đứng, nằm, ngồi biết mình đang làm như vậy. Khi sân biết tâm mình có sân, khi buồn biết tâm mình có buồn, khi đau đớn biết mình đau đớn, khi vui thích biết mình vui thích, khi chơn chính biết mình chơn chính, khi sai lầm biết mình sai lầm... Ðó là sống đạo, đó là sống hồn nhiên và trong sáng...


15. Giác ngộ

Giác ngộ chính là thấy ra mọi hiện tượng thế gian đều không hoàn hảo như lý tưởng cầu toàn, do đó buông xuống cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác để cầu toàn ...

16. Buông


Toàn bộ giáo pháp của đức Phật có thể gói gọn trong một chữ BUÔNG mà Ngài thường dạy là: "Nhất hướng, xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết-bàn".
Trong ngoài lặng lẽ chẳng vin đâu
Sáng suốt hồn nhiên khỏi vọng cầu
Buông hết một phen đừng luyến tiếc
Con ơi, ngay đó thấy đạo mầu.



17. Tâm và Pháp

 ...Tâm và pháp vốn hoàn hảo, nên nếu trở về với tự tánh thì có thể lập tức "đốn ngộ" nên Pháp mới được gọi là sanditthiko, akāliko, ehipassiko... (thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian, trở về là thấy...). Đó là cái ngộ của vô sư trí. Thấy ngã như nó là, thấy pháp cũng như nó là thôi thì ngã hay pháp gì tâm cũng không chấp, không ngại. Đó chính là thái độ rỗng lặng trong sáng trước mọi hiện tượng duyên khởi của vạn pháp.
Pháp vốn tự nhiên và tánh biết cũng tự nhiên thấy pháp. Khi ta ảo tưởng xen vào thì nó cho là ta biết, từ đó có ý chí nỗ lực rèn luyện để trở thành "như ý của ta".

Tâm bình pháp cũng bình
Tâm sinh pháp liền sinh
Sống tùy duyên thuận pháp
Tâm pháp thảy đều MINH.


18. NGÃ VÀ PHÁP

...Khi có bản ngã đang hiện khởi mà tâm như thật biết (tỉnh giác) có bản ngã đang hiện khởi thì tánh biết vẫn vô ngã. Ngay đó trực nhận tánh biết và pháp vốn vô ngã thì chính là tuệ giác hay ngộ vậy.
Đơn giản là bản ngã không biết rằng nó chỉ là ảo tưởng lăng xăng tìm cách bành trướng chính mình. Bao lâu chưa thấy ra sự hoàn thiện của pháp, bản ngã còn muốn trở thành tình trạng tốt đẹp hơn cho riêng mình...