Khổ Đau - Côi rể của khổ đau


...Khổ đau là bài học để bạn thấy ra chính mình và bản chất cuộc sống thì bạn sẽ biết trân quý nó và sẽ vô cùng cám ơn những nỗi khổ đau đã giúp bạn giác ngộ sự thât. (Viên Minh)
...Chúng ta đang ở trong thế giới dục lạc - Thế giới của Sanh Tử. Do đó đau khổ, bất toàn, và bất như ý là những điều hiển nhiên.(Ajahn Sumedho)
...Nếu bạn chưa đủ khổ với tất cả những gì bạn đã trải qua, thì bạn sẽ không có đủ chiều sâu của một con người, không có đủ sự khiêm cung, và không có lòng xót thương... (Eckhart Tolle)
... Đau khổ là gì? Đó là kết quả của một vài kích thích hay điều kiện. Cũng như mọi sự vật khác, đó là kết quả của những nguyên nhân....(Abhiññana)


1. Khổ đau là bài học... 
     
...Khổ đau là bài học để bạn thấy ra chính mình và bản chất cuộc sống thì bạn sẽ biết trân quý nó và sẽ vô cùng cám ơn những nỗi khổ đau đã giúp bạn giác ngộ sự thât. Chỉ có giải thoát khi nào giác ngộ ra sự thật. Tuyệt đối không có cách nào để giải thoát được khi bạn vẫn chưa thấy ra sự thật về chính mình và cuộc sống. Ví như khi lạc vào rừng, không phải chỉ nôn nóng muốn thoát ra là thoát ra được, mà phải sáng suốt biết rõ khả năng của minh và nhẫn nại khám phá những nguy hiểm của khu rừng ấy thì mới tìm thấy đường ra. Hãy học từ đau khổ bài học giác ngộ giải thoát.
Đau khổ của chúng ta do chính chúng ta tạo nên và tích lũy trong tâm hồn bởi bất lực hay không thấu hiểu được những tình cảm sâu kín nội tại trong chúng ta, và đánh giá sai lầm đối tượng ngoại giới. Nếu chúng ta có một kiến thức chân chính và trí tuệ thích ứng để nhận thức thực tướng của vạn hữu nghĩa là thấy hiện tượng ngoại giới đều là vô thường và bản ngã chỉ là vọng tưởng của một tâm hồn chưa được rèn luyện, thì chúng ta đã tiến xa trong việc tìm kiếm một phương thuốc trị liệu căn bệnh phiền não.
Ngay trong chính khổ đau ai biết lắng nghe cho đến tận cùng thì ở đó, hạnh phúc, tình yêu, và vẻ đẹp vẫn cứ đơm hoa kết trái.
...Chỉ có đau khổ thật sự thì mới là liều thuốc chữa trị được thói quen của lòng tham ái.( Viên Minh)

2. Đau khổ là...điều hiển nhiên

Chúng ta đang ở trong thế giới dục lạc - Thế giới của Sanh Tử. Do đó đau khổ, bất toàn, và bất như ý là những điều hiển nhiên. Bạn không bao giờ tìm được hạnh phúc hoàn toàn, không bao giờ hài lòng và an bình trong thế giới dục lạc. Nơi đây chỉ có thất vọng và sự chết. Thế giới dục lạc là bất như ý, do đó khi chúng ta tìm 'sung sướng' nơi đây - chúng ta chỉ được kết quả đau khổ mà thôi. Chúng ta sẽ đau khổ nơi thế giới nầy khi mà chúng ta đòi hỏi nơi đây nhiều hơn là nó có thể mang lại cho chúng ta. Chẳng hạn như đòi sự an toàn tuyệt đối, tình yêu vĩnh viễn, và mong đời sống của chúng ta chỉ toàn niềm vui và không có đau buồn. (Ajahn Sumedho)

3. Thực tập sự có mặt với Pháp hiện tại

...Nếu bạn chưa đủ khổ với tất cả những gì bạn đã trải qua, thì bạn sẽ không có đủ chiều sâu của một con người, không có đủ sự khiêm cung, và không có lòng xót thương. Cho nên bạn sẽ không có cơ duyên đọc được những dòng chữ này. Khổ đau giúp bạn đập vỡ chiếc vỏ cứng của bản ngã(1), vì đã đến lúc bản ngã của bạn không còn cần thiết nữa. Khổ đau chỉ cần thiết cho đến khi bạn nhận thức rằng bạn không cần phải khổ thêm nữa.
Khi bạn đang khổ, hoặc đang cảm thấy bất hạnh, hãy thực tập có mặt với những gì đang xảy ra trong Phút Giây Hiện Tại. Bất hạnh hay một vấn đề gì khác của bạn không thể tồn tại trong Phút Giây Này.
Khổ đau chỉ bắt đầu khi nào bạn bắt đầu đặt tên, hay dán nhãn hiệu lên một tình huống như thể đó là một điều gì xấu hoặc không hay đã xảy ra. Bạn thích chống đối một tình huống nào đó và sự bực tức này làm cho tình huống ấy trở thành một vấn đề riêng tư của bạn, điều này làm nảy sinh một cái Tôi phản kháng.
Đặt tên hay dán nhãn hiệu lên một người hay một việc gì đấy chỉ là một thói quen, nhưng thói quen đó là điều bạn có thể bỏ được. Hãy thực tập không dán nhãn hiệu, bắt đầu từ những chuyện nhỏ...(Eckhart Tolle)

4. Đau khổ là gì?

 Đó là kết quả của một vài kích thích hay điều kiện. Cũng như mọi sự vật khác, đó là kết quả của những nguyên nhân.
Có hai loại đau khổ chính: Đau khổ vật chất và đau khổ tinh thần. Dĩ nhiên, đã có thân thể thì chúng ta phải nhận chịu nhiều loại đau khổ vật chất. Mặc dầu, chúng ta có thể tránh được nhiều loại đau khổ, nhưng một số đau khổ chúng ta không thể nào tránh được. Đó là những đau khổ gây ra bởi sự tàn rụi của cơ thể. Như một bộ máy, một ngày nào đó chúng ta sẽ chết.
Ngược lại, những đau khổ về tinh thần thì có thể tránh được vì chúng ta có thể chỉ huy tâm trí được nhiều hơn. Cuối cùng, chúng ta có thể hoàn toàn khống chế được đau khổ tinh thần đó. Chúng ta không thể ngăn cản để cơ thể khỏi già và chết, nhưng trí óc nằm dưới sự điều khiển của chúng ta, nếu chúng ta muốn. Thật là vô ích biết bao khi phải lo âu, phiền muộn, nóng nảy giận hờn hay thất vọng xuống tinh thần. Chúng ta đừng để tâm hồn bị đắm chìm trong sự ghen tương, thù hận, ác ý, kiêu căng, ngã mạn. Trí óc chúng ta đầy dẫy phiền não: Tham lam, sân hận, si mê chi phối chúng ta. Chúng ta đau khổ rất nhiều bởi những cảm giác tiêu cực và tai hại. Những phiền não này cũng gây ra đau khổ về thể xác. Than ôi! Đầu óc ta tạo cho ta nhiều đau khổ lắm thay!
...Hãy lắng nghe nó nói vì nó có nhiều chuyện để nói với chúng ta đó. Nó sẽ báo cho chúng ta biết rằng có những điều sai lầm, những điều bất bình thường mà ta cần phải lưu tâm đến. Nó thật sự không phải là kẻ thù như chúng ta nghĩ. Nếu chúng ta chịu khó lắng nghe, cố gắng tìm hiểu thì nó sẽ trở thành hữu ích. Nó như một người bạn dấu mặt hay một vị thầy có gương mặt xấu xí. Từ sự đau khổ của chính chúng ta, chúng ta bắt đầu cảm thông sự khổ đau của người khác. Từ đó khiến lòng bi mẫn phát sanh. Lòng bi mẫn này là một đức tính cao quý nhất mà Đức Phật thường chỉ dẫn cho những ai sẵn sàng muốn biết. Nếu bạn chưa bao giờ đau khổ thì thật khó cho bạn cảm thông được sự đau khổ của người khác. (Abhiññana)

5. Cội rể của khổ đau


Con người trong khổ, và con người vẫn còn trong khổ suốt nhiều thế kỉ. Hiếm khi bạn có thể tìm thấy người không khổ. Nó hiếm hoi đến độ điều đó gần như không thể nào tin được. Đó là lí do tại sao mọi người không tin rằng những người như Phật đã tồn tại. Mọi người không thể tin được vào điều đó - họ không thể tin được điều đó bởi vì khổ của riêng họ. Khổ là như vậy, và họ lại bị vướng mắc trong nó sâu đến mức họ không thấy rằng có thể có khả năng nào thoát ra. 
Mọi người nghĩ chư phật phải đã được tưởng tượng ra, rằng những người như Phật Gautam là giấc mơ của nhân loại. Đó là điều Sigmun Freud nói, rằng những người như Phật là "thoả ước". Chúng ta muốn được theo cách đó, chúng ta muốn thoát khỏi khổ, chúng ta muốn có cái im lặng đó, an bình đó, phúc lành đó - nhưng nó đã không xảy ra. Và Freud nói không có hi vọng nào đâu; nó không thể nào xảy ra được, bởi chính bản chất của mọi sự. Con người không thể trở nên hạnh phúc được.
Freud phải đã được mọi người nghe rất hăng hái và rất sâu sắc; ông ấy không thể đơn giản bị bác bỏ dứt khoát được. Tâm trí ông ấy là một trong những tâm trí xuyên thấu nhất, và khi ông ấy nói hạnh phúc là không thể được, khi ông ấy nói rằng hi vọng vào hạnh phúc là hi vọng vào cái không thể được, ông ấy ngụ ý điều đó. Kết luận này không phải là kết luận của triết gia. Quan sát riêng của ông ấy về nỗi khổ của con người đã dẫn ông ấy tới kết luận này. Freud không phải là người bi quan, nhưng sau khi quan sát hàng nghìn người, đi sâu hơn vào tâm lí của họ, ông ấy đã nhận ra rằng con người được tạo nên theo cách con người có sẵn quá trình gây khổ. Nhiều nhất con người có thể trong thoải mái, những không bao giờ trong cực lạc. Nhiều nhất chúng ta có thể làm cho cuộc sống chút ít tiện nghi hơn, thuận tiện hơn - qua khoa học, công nghệ, qua thay đổi xã hội, qua nền kinh tế tốt hơn, và những thứ khác - nhưng con người sẽ vẫn còn khổ như cũ. Làm sao Freud có thể tin được rằng một người như Phật lại đã từng tồn tại? Sự chân thành như thế dường như chỉ là giấc mơ thôi; nhân loại đã từng mơ về Phật.
Ý tưởng này nảy sinh bởi vì Phật hiếm hoi thế, ngoại lệ thế. Ông ấy không phải là qui tắc.
Tại sao con người vẫn còn trong khổ nhiều thế? Và phép màu là mọi người muốn hạnh phúc. Bạn không thể tìm thấy một người muốn khổ, vậy mà mọi người đều khổ. Mọi người muốn hạnh phúc, phúc lạc, an bình, im lặng. Mọi người đều muốn vui vẻ, mọi người đều muốn lễ hội - nhưng dường như điều đó là không thể được. Bây giờ phải có nguyên nhân rất sâu nào đó, sâu tới mức phân tích của phái Freud cũng không thể đạt tới nó được, sâu tới mức logic không thể nào thấm vào nó được.
Một điều căn bản phải được hiểu. Con người muốn hạnh phúc; đó là lí do tại sao con người lại khổ. Bạn càng muốn được hạnh phúc, bạn sẽ càng khổ. Bây giờ điều này dường như rất ngớ ngẩn, nhưng đây là nguyên nhân gốc rễ đấy. Và khi bạn hiểu quá trình về cách tâm trí con người vận hành bạn sẽ có khả năng nhận ra điều đó.
Con người muốn được hạnh phúc; do đó con người tạo ra khổ. Nếu bạn muốn thoát ra khỏi khổ, bạn sẽ phải thoát ra khỏi ham muốn của mình về hạnh phúc - thế thì không ai có thể làm bạn khổ được. Ở đây là điều mà Freud đã bỏ lỡ. Ông ấy đã không thể hiểu được rằng chính ham muốn hạnh phúc có thể là nguyên nhân của khổ.
Làm sao điều đó lại xảy ra được? Tại sao ngay chỗ đầu tiên bạn lại ham muốn hạnh phúc? Và ham muốn hạnh phúc đó làm gì với bạn?
Khoảnh khắc bạn ham muốn hạnh phúc, bạn đã đi xa khỏi hiện tại rồi. Bạn đã đi xa khỏi sự tồn tại rồi, bạn đã đi vào tương lai rồi - cái chẳng có ở đâu cả, cái còn chưa tới. Bạn đã đi vào giấc mơ rồi. Bây giờ, giấc mơ không bao giờ có thể hoàn thành được. Ham muốn hạnh phúc của bạn là giấc mơ, giấc mơ là không thật. Qua cái không thật, không ai đã bao giờ có khả năng đạt tới cái thực. Bạn đã đáp con tàu sai rồi.
Ham muốn hạnh phúc đơn giản chỉ ra rằng bạn không hạnh phúc ngay khoảnh khắc này. Ham muốn hạnh phúc đơn giản chỉ ra rằng bạn là người khổ. Và người khổ đang phóng chiếu vào tương lai rằng lúc nào đó, ngày nào đó, bằng cách nào đó, người đó sẽ hạnh phúc. Phóng chiếu của bạn bắt nguồn từ khổ; nó mang chính hạt mầm của khổ. Nó tới từ bạn; nó không thể khác với bạn được. Nó là đứa con của bạn - khuôn mặt của nó sẽ giống bạn; máu bạn sẽ tuần hoàn trong thân thể nó. Nó sẽ là sự tiếp tục của bạn.
Bạn bất hạnh hôm nay. Bạn phóng chiếu rằng ngày mai sẽ hạnh phúc, nhưng ngày mai là sự phóng chiếu của bạn, của bất kì cái gì bạn đang là ngày hôm nay. Bạn bất hạnh - ngày mai sẽ bắt nguồn từ cái bất hạnh này và bạn sẽ còn bất hạnh hơn. Tất nhiên, từ bất hạnh nhiều hơn bạn sẽ lại ham muốn hạnh phúc trong tương lai. Thế thì bạn bị mắc vào cái vòng luẩn quẩn: bạn càng trở nên bất hạnh, bạn càng ham muốn hạnh phúc hơn; bạn càng ham muốn hạnh phúc hơn, bạn càng trở nên bất hạnh hơn. Bây giờ điều đó giống như con chó đuổi theo cắn đuôi mình.
Trong Thiền họ có câu nói nào đó về nó. Họ nói điều đó giống như quất roi vào xe. Nếu ngựa của bạn không đi và bạn cứ quất roi vào xe thì cũng chẳng ích gì. Bạn khổ, thế thì bất kì cái gì bạn có thể mơ, bất kì cái gì bạn có thể phóng chiếu, cũng sẽ mang tới nhiều khổ hơn.
Cho nên điều đầu tiên là không mơ, không phóng chiếu. Điều đầu tiên là ở đây bây giờ. Dù nó là bất kì cái gì, hãy cứ ở đây bây giờ - và sự khải lộ vô cùng đang chờ đợi bạn đấy.
Sự khải lộ là ở chỗ không ai có thể bất hạnh được trong ở đây và bây giờ.
Bạn đã bao giờ bất hạnh ở đây và bây giờ chưa? Ngay khoảnh khắc này - liệu có khả năng nào cho bất hạnh ngay bây giờ không? Bạn có thể nghĩ tới hôm qua và bạn có thể trở nên bất hạnh. Bạn có thể nghĩ tới ngày mai và bạn có thể trở nên bất hạnh. Nhưng ngay chính khoảnh khắc này - sự rộn ràng này, cái đập này, khoảnh khắc thực này - bạn có thể bất hạnh ngay bây giờ được không? Không quá khứ nào, không tương lai nào?
Bạn có thể mang nỗi khổ từ quá khứ, từ kí ức của mình. Ai đó xúc phạm bạn hôm qua và bạn có thể vẫn còn mang vết thương đó, bạn có thể vẫn còn mang tổn thương đó, và bạn có thể vẫn cảm thấy bất hạnh về nó: Tại sao - tại sao nó đã xảy ra cho bạn? Tại sao người này đã xúc phạm bạn? Bạn đã làm biết bao nhiêu điều tốt cho người đó, và bạn bao giờ cũng có ích, bao giờ cũng là người bạn - và người đó lại xúc phạm bạn! Bạn đang chơi với cái gì đó không còn tồn tại nữa. Hôm qua đã qua rồi.
Hay bạn có thể bất hạnh vì ngày mai. Ngày mai tiền của bạn sẽ hết - thế thì bạn sẽ đi ở đâu? Bạn sẽ ăn gì? Ngày mai tiền của bạn sẽ hết - thế thì bất hạnh kéo tới. Hoặc nó tới từ hôm qua hoặc nó tới từ ngày mai, nhưng nó không bao giờ ở đây và bây giờ. Ngay khoảnh khắc này, vào lúc này, bất hạnh là không thể được.
Nếu bạn đã học được điều này, bạn có thể trở thành vị phật. Thế thì không ai cản trở con đường của bạn. Thế thì bạn có thể quên đi tất cả về Freud; thế thì hạnh phúc không chỉ là có thể; nó đã xảy ra rồi. Nó ở ngay trước bạn và bạn đang bỏ lỡ nó bởi vì bạn cứ tìm bên đường.
Hạnh phúc là nơi bạn đang hiện hữu - bất kì chỗ nào bạn đang hiện hữu, hạnh phúc đều có đó. Nó bao quanh bạn, nó là hiện tượng tự nhiên. Nó cũng giống như không khí, giống như bầu trời. Hạnh phúc không phải được tìm; nó là chính chất liệu tạo nên vũ trụ này. Vui vẻ là chính chất liệu tạo nên vũ trụ này. Nhưng bạn phải nhìn thẳng, bạn phải nhìn trực tiếp. Nếu bạn nhìn sang bên thì bạn bỏ lỡ nó.
Bạn bỏ lỡ bởi vì bản thân mình. Bạn bỏ lỡ bởi vì bạn có cách tiếp cận sai.
Nhưng cứ chết đi quá khứ và đừng bao giờ nghĩ tới tương lai, và thế rồi cố gắng khổ xem sao - bạn sẽ thất bại! Bạn không thể khổ được; thất bại của bạn là tuyệt đối chắc chắn, nó có thể tiên đoán được. Bạn không thể điều khiển được - dù bạn khổ hiệu quả thế nào bạn, dù được huấn luyện tốt thế nào, bạn cũng không thể tạo ra được khổ ở chính khoảnh khắc này.
Ham muốn hạnh phúc giúp cho bạn nhìn đi đâu đó khác, và thế thì bạn cứ bỏ lỡ. Hạnh phúc không được tạo ra - hạnh phúc chỉ được nhìn thấy. Nó đã là hiện tại rồi. Chính khoảnh khắc này, bạn có thể trở nên hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng.
Đây là cách điều đó đã xảy ra cho Phật. Ông ấy là con vua, ông ấy có mọi thứ nhưng lại không hạnh phúc. Ông ấy trở nên ngày một bất hạnh hơn - bạn càng có nhiều, bạn càng trở nên bất hạnh hơn. Đó là nỗi khổ của người giầu. Đó là điều đang xảy ra ở Mĩ ngày nay: người ta càng giầu hơn thì họ càng trở nên bất hạnh hơn; họ càng trở nên giầu hơn họ lại càng trở nên lúng túng chẳng biết làm gì.
Người nghèo bao giờ cũng chắc chắn về cái gì phải làm: Họ phải kiếm tiền, họ phải xây nhà tốt, họ phải mua xe; họ phải cho con vào đại học. Họ bao giờ cũng có chương trình chờ đợi họ. Họ bận bịu. Họ có tương lai, họ có hi vọng: "Ngày này hay ngày khác..." Họ vẫn còn trong khổ, nhưng có hi vọng.
Người giầu ở trong khổ và hi vọng biến mất. Khổ của người đó là gấp đôi. Bạn không thể tìm được người nghèo hơn người giầu đâu; người đó là nghèo gấp đôi. Người đó vẫn còn bị phóng chiếu vào tương lai, và bây giờ người đó biết tương lai sẽ chẳng cung cấp cái gì cả - bởi vì bất kì cái gì người đó cần, người đó đã có nó rồi. Người đó trở nên bị phiền muộn, tâm trí người đó trở nên ngày một lo âu hơn, sợ hãi hơn. Người đó trở nên đau khổ. Đó là điều đã xảy ra cho Phật.
Ông ấy giầu có. Ông ấy có mọi thứ mà có thể có được. Ông ấy đã trở nên rất bất hạnh. Một hôm ông ấy trốn khỏi cung điện của mình, bỏ lại tất cả mọi giàu sang, bỏ lại vợ đẹp, đứa con mới sinh - ông ấy đã trốn đi. Ông ấy trở thành người ăn xin. Ông ấy bắt đầu tìm hạnh phúc. Ông ấy đi tới guru này, tới guru nọ; ông ấy đã hỏi mọi người phải làm gì để hạnh phúc - và tất nhiên đã có cả nghìn lẻ một người sẵn sàng cho ông ấy lời khuyên và ông ấy đã theo lời khuyên của mọi người. Và ông ấy càng theo lời khuyên của họ, ông ấy càng trở nên lẫn lộn hơn.
Phật đã thử bất kì cái gì được nói với ông ấy. Ai đó nói: "Hãy công phu hatha yoga"; ông ấy trở thành nhà hatha yoga. Chẳng cái gì xảy ra từ điều đó. Có thể bạn có thân thể tốt hơn qua hatha yoga, nhưng bạn không thể trở nên hạnh phúc được. Chỉ thân thể tốt hơn, thân thể mạnh khoẻ hơn, chẳng tạo ra khác biệt gì. Với nhiều năng lượng bạn sẽ có năng lượng sẵn có để trở nên bất hạnh - nhưng bạn sẽ trở nên bất hạnh. Bạn sẽ làm gì với nó? Nếu bạn có nhiều tiền, bạn sẽ làm gì với nó? Bạn sẽ làm điều bạn có thể làm, và nếu ít tiền làm cho bạn khổ thế, nhiều tiền sẽ làm cho bạn còn khổ hơn. Đó là số học đơn giản.
Phật đã vứt bỏ tất cả yoga. Ông ấy đi tới thầy giáo khác, thầy về raja yoga, người không dạy các tư thế thân thể mà chỉ dạy mật chú, tụng niệm, thiền. Ông ấy đã thực hành những điều đó nữa, nhưng chẳng cái gì xảy tới từ nó. Ông ấy đã thực sự đi tìm kiếm. Khi bạn thực sự trong tìm kiếm thế thì chẳng cái gì có thể giúp được, thế không có cách chữa.
Phàm nhân dừng đâu đó dọc đường; họ không phải là người tìm kiếm thực. Người tìm kiếm thực là người đi tới tận cùng của việc tìm kiếm, và đi tới nhận ra rằng tất cả mọi việc tìm kiếm đều vô nghĩa. Bản thân việc tìm kiếm là con đường của ham muốn - Phật đã nhận ra điều đó một ngày nào đó. Ông ấy đã bỏ lại cung điện của mình, ông ấy đã bỏ lại tài sản trần gian của mình; một ngày nào đó, sau sáu năm tìm kiếm tâm linh, ông ấy vứt bỏ mọi việc tìm kiếm. Tìm kiếm vật chất đã bị vứt bỏ trước đó, bây giờ ông ấy vứt bỏ nốt tìm kiếm tâm linh. Thế giới này đã bị vứt bỏ trước đó, bây giờ ông ấy vứt bỏ thế giới kia nữa.
Ông ấy hoàn toàn gạt bỏ ham muốn... và chính khoảnh khắc đó nó xảy ra. Chính khoảnh khắc đó đã có phúc lành. Tất cả mọi ham muốn bị vứt bỏ, tất cả mọi hi vọng bị vứt bỏ, tất cả mọi hi vọng bị bỏ bẵng, bỗng nhiên Gautam Siddartha trở thành Phật. Nó bao giờ cũng có đó nhưng ông ấy đã đi tìm ở đâu đó khác. Nó có đó - bên trong, bên ngoài, nó là cách vũ trụ được tạo nên. Nó là phúc lạc, nó là chân lí, nó là điều thiêng liêng.
_________________
Herenow-Consciousness-Alert