Giác Ngộ - Những lời dạy hay của Thầy Viên Minh


  • Giác ngộ là thấy ra chính mình trong từng khoảnh khắc, trong từng hành động, nói năng, suy nghĩ để không mê mờ với sự sống đang là. Hãy sống với tâm tỉnh thức trong thực tại, đừng sống theo quan niệm, chỉ khi sống với quan niệm mới sinh ra giằng xé mà thôi.
  • Bậc giác ngộ (thấy ra Sự Thật) dù thấy gì, nghĩ gì, nói gì, làm gì v.v... tâm vẫn tịch tịnh, trong sáng nên không còn tạp niệm. Khi con có tạp niệm nhưng vẫn trọn vẹn rõ biết, thì ngay lúc đó vẫn tịch tịnh trong sáng, nhưng nếu con nghĩ sẽ có ngày tịch tịnh thì liền rơi vào tạp niệm.
  • Phật đang ở nơi Tánh Giác của mỗi chúng sanh
  • Tâm vốn thanh tịnh trong sáng nhưng nếu không trải qua những thử thách đời sống thì nó không chứng minh được sự thanh tịnh trong sáng đó.
  • Giác ngộ chính là thấy ra đâu là cái biết hữu ngã, đâu là tánh biết vô ngã. 

  • Sinh ra và sống một đời thực ra không phải để hạnh phúc hay được mọi sự như ý mà để thấy ra sự thật, sự thật về cuộc đời chính là "Vô thường, khổ, vô ngã" để có thể ra đi mà không còn vướng mắc điều gì ở đời. Đời người giống như một bộ phim mà mình và mọi người chỉ là những vai diễn, chủ yếu hiểu rõ ý nghĩa bộ phim muốn diễn đạt điều gì, còn mỗi vai chỉ là diễn viên thôi, không có gì thật cả.
  • Người xưa nói "chẳng thà chấp hữu còn hơn chấp không" rất đúng. Sống bình thường và rõ biết cái bình thường như nó là mới là đạo, vì mọi cái bình thường đều vi diệu.
  • Vô tướng tâm giải thoát là tâm không trụ vào bất cứ tướng nào. Vô sở hữu tâm giải thoát là tâm không bị sở đắc nào ràng buộc. Vô lượng tâm giải thoát là tâm đầy đủ đức tính từ bi hỷ xả. Không tâm giải thoát là tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng.
  • Bản ngã thì ảo tưởng theo ý mình, còn sự thật thì vận hành theo nguyên lý tự nhiên. Thấy ra sự thật là giác ngộ, ra khỏi cái ngã ảo tưởng là giải thoát.
  • Sự hoàn hảo như pháp đang là mà đức Phật cũng đã từng qua đó giác ngộ được chân lý tuyệt vời: Tứ Thánh Đế.
  • Chính cuộc đời đầy bất hạnh đó khai mở cho con thấy vô thường, khổ, vô ngã. Và đó chính là tánh biết thấy vô thường khổ vô ngã, sao con lại đi tìm tánh biết nào nữa để rồi tuyệt vọng?


  • Ngũ giới không phải là quy tắc đặt ra để ràng buộc ai, mà chỉ là những điều học khơi gợi lại tánh bản thiện xuất phát từ lương tâm mỗi người.
  • Biểu hiện đúng tốt trên hình thức là giới, nhưng chấp bất cứ hình thức nào cũng đều là giới cấm thủ.
  • Khi con tự soi sáng thấy rõ tiến trình hình thành, hoại diệt, mặt lợi, mặt hại của ngũ uẩn thì con không còn xem đó là "ta", "của ta", "tự ngã của ta" đó là lúc con buông bỏ Thân kiến.
  •  Suy nghĩ về một sự việc gì đó cho thông gọi là quán tưởng, còn quán chiếu là chỉ soi sáng thực tại với tâm trọn vẹn tỉnh thức nên không cần suy nghĩ gì cả.- Quán chiếu chính là trọn vẹn tỉnh thức trong thấy, nghe, ngửi nếm, cảm nhận và biết mọi sự đang là. Nếu con làm được như vậy là quán chiếu đúng.
  • Biết vô thường trên lý thuyết là một chuyện, thấy vô thường trong thực tế khi lâm vào hoàn cảnh được mất, hơn thua, vui khổ v.v... mà tâm vẫn không động mới là thực chứng vô thường.
  •  Cuộc đời là trường học mà mỗi tình huống trải qua là một bài học giúp con thấy ra chính mình. Còn cuộc đời thì vẫn mãi là những thử thách cam go để giúp mỗi người phát huy trí tuệ và đạo đức mà thôi.
    Cuộc đời là vị thầy
    Dạy biết bao chân lý
    Chính nước mắt vơi đầy
    Là những lời khai thị.


  • Khổng Tử có nói "Tánh tương cận, tập tương viễn" có thể hiểu là tánh thì đồng nhất nhưng tướng thì sai biệt, như tánh nước thì đồng nhưng nước sông, biển, ao, hồ, nước trong hơi, sương, mây, mưa v.v... đều khác nhau. Vậy vạn pháp vừa đồng nhất vừa sai biệt là chuyện bình thường.
  • Tổ Huệ Năng nói: "bất đoạn bách tư tưởng, đối cảnh tâm sổ khởi" kia mà. Đừng cố giữ điều gì hay theo một quan niệm nào cả, "tâm bình thường là đạo". Khi mỗi mỗi đều minh bạch thì sẽ tự biết sống "tuỳ duyên thuận pháp, vô ngã vị tha". 
  • Chỉ cần trọn vẹn tỉnh giác từng khoảnh khắc trong mọi sinh hoạt đời sống hàng ngày của thân tâm tức đang chứng - đang "lo việc của Chúa" - đừng nghĩ tới chứng hoàn toàn vì việc đó "để Chúa lo". Đó cũng là ý của Lão Tử "Tuyệt Thánh khí trí... kiến tố bảo phác" nên không cần phải cầu toàn.

Trích: Mục hỏi đáp Trung Tâm Hộ Tông




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét