Tĩnh Lặng và Trí Tuệ

...Thường thì tâm người không tĩnh tại, nó luôn động vọng, chạy nhảy suốt thời gian. Chúng ta phải làm cho tâm mạnh mẽ. Làm tâm mạnh không giống như làm cho thân mạnh. Để có thân thể mạnh mẽ, ta tập luyện thể dục, gồng ép nó để nó được mạnh mẽ. Để làm tâm mạnh mẽ thì chúng ta phải làm cho nó bình yên, không lăng xăng, không nghĩ này nghĩ nọ. Hầu hết chúng ta không có tâm bình an, nó chưa bao giờ được bình an, nó cũng không có một năng lực định tâm (samadhi), vì vậy chúng ta cần phải thiết lập nó trong một giới hạn. Chúng ta ngồi thiền, với cái ‘‘người biết”. Nếu chúng ta thúc ép hơi thở quá dài hay quá ngắn, chúng ta không có sự cân bằng, và tâm sẽ không được bình an. Chỗ này giống như khi chúng ta bắt đầu đạp bàn đạp máy may. Đầu tiên chúng ta phải tập đạp bắt nhịp, đến khi chân đạp đúng theo nhịp thì chúng ta mới may được.
Theo dõi hơi thở cũng giống vậy. Chúng ta không cần quan tâm hơi thở ngắn dài hay mạnh yếu ra sao, chúng ta chỉ nhìn nó, nhìn theo nó. Ta không xía gì vào nó, chỉ đơn thuần nhìn theo hơi thở tự nhiên đi vào, đi ra. Khi nào nó cân bằng, chúng ta lấy nó làm đối tượng thiền.

Bước đi trong tỉnh giác

Bước đi với sự thanh thản

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta bước đi với những bước chất đầy những mối băn khoăn, lo nghĩ – đè nặng bởi sợ hãi. Bạn có thể nói rằng cuộc sống của chúng ta được xây dựng bằng những tháng và năm của âu lo. Đó là lý do ta không thể bước đi một cách thanh thản.
Thế giới này đầy những vẻ đẹp, với nhiều con đường đẹp đẽ và quyến rũ để chúng ta lựa chọn. Có những con đường ngào ngạt mùi hương của hoa, và được tô điểm bằng các màu sắc trang nhã.
Nhưng chúng ta đi ngang qua chúng không ý thức, không ngừng lại để chiêm ngưỡng cảnh vật chung quanh với những bước chân loạng choạng của một người không thoải mái.