Bước đi trong tỉnh giác

Bước đi với sự thanh thản

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta bước đi với những bước chất đầy những mối băn khoăn, lo nghĩ – đè nặng bởi sợ hãi. Bạn có thể nói rằng cuộc sống của chúng ta được xây dựng bằng những tháng và năm của âu lo. Đó là lý do ta không thể bước đi một cách thanh thản.
Thế giới này đầy những vẻ đẹp, với nhiều con đường đẹp đẽ và quyến rũ để chúng ta lựa chọn. Có những con đường ngào ngạt mùi hương của hoa, và được tô điểm bằng các màu sắc trang nhã.
Nhưng chúng ta đi ngang qua chúng không ý thức, không ngừng lại để chiêm ngưỡng cảnh vật chung quanh với những bước chân loạng choạng của một người không thoải mái.


Đi bộ jong-grom
 (trong tiếng Thái) là huấn luyện lại cách mà chúng ta đi để chúng ta có thể học để đi lại một cách thanh thản.
Khi tôi còn là một người mới trong cuộc huấn luyện Pháp - Luật (Dhamma- Vinaya) này, khởi đầu tôi bước đi không có sự tự tin, không có sự kiên định. Bước đầu, chúng ta ai cũng đều như vậy cả. Nhưng rồi, sau một vài tuần, chúng ta có thể bước đi một cách vững vàng và kiên định, trong sáng và định tĩnh – hoàn toàn tự nhiên.
Cuộc sống của chúng ta thường bừa bãi và lộn xộn. Chúng ta liên tục lao vào vấn đề này, vấn đề nọ dưới áp lực. Nhưng chúng ta đang lao tới nơi đâu ? Đây là một câu hỏi mà chúng ta thường tự hỏi chúng ta.
Đi bộ jong-grom giống như đi dạo. Chúng ta không phải đặt ra bất kỳ một mục tiêu cụ thể nào hoặc đặt ra thời hạn cho nó. Chúng ta đi thiền hành chỉ là đi thiền hành thôi. Mục đích chỉ là bước đi, không có mục tiêu nào để đạt đến. Thiền hành không phải là một phương pháp – nó là một mục đích. Mỗi bước chúng ta bước đi là cuộc sống của chúng ta.
Mỗi bước là một sự hạnh phúc an tịnh. Đó là lý do tại sao chúng ta không bước đi một cách vội vàng. Đó là lý do tại sao chúng ta bước đều đặn với một thái độ đàng hoàng, chững chạc. Chẳng có nơi nào chúng ta phải đến, chẳng có mục tiêu nào đẩy chúng ta về phía trước. Đi như thế này, chúng ta bước đi một cách chánh niệm, với sự mãn nguyện trên gương mặt của chúng ta.
Chúng ta thực hành thiền hành để vứt hết những nỗi lo lắng, ưu tư cho một lần và mãi mãi.
Giả sử chúng ta có đôi mắt của Đức Phật, chúng ta có thể thấy những dấu chân của những người khác in trên mặt đất – in sâu những thành tích của họ về lo lắng và ưu phiền của chính mình. Chúng ta có thể ghi nhận những dấu vết này khi chúng đi ngang qua như một nhà khoa học quan sát vi khuẩn qua kính hiển vi.
Bí mật của thiền hành hay thiền đi bộ là đi như thế nào để không lưu lại gì cả ngoại trừ niềm hạnh phúc an bình trong mỗi bước chân. Để bước đi như vậy, chúng ta phải học cách để giũ bỏ tất cả mọi lo lắng và ưu phiền, không còn cách nào khác.

Đi trong một nơi không có bụi bẩn

Chúng ta phải đi theo cách của một người không có những lo âu. Điều này có nghĩa là bước đi ở một nơi trong sạch, thanh tịnh. Ở một nơi như vậy - ở đó sẽ có cái đẹp, sự an bình cùng với niềm hạnh phúc mênh mông, bao la.
Nếu bạn thấy mình ở một nơi như vậy, bạn sẽ bước đi như thế nào? Bạn có thực sự chắc chắn rằng bạn sẽ không lưu lại những dấu vết của sự lo âu và sầu não của cuộc đời trong những dấu chân của bạn tại nơi thanh tịnh đó? Nếu bạn đem u sầu và lo lắng và in chúng trên mặt đất, chúng ta sẽ làm dơ và ô uế mặt đất bởi những dấu vết ảm đạm của chúng ta. Nếu chúng ta sống trong thế giới này với sự thanh tịnh và hạnh phúc, chắc chắn rằng chúng ta sẽ bước đi với sự an bình, thanh thản này bắt đầu từ khoảnh khắc này trở về sau.
Nếu chúng ta có thể bước trên mặt đất này với sự hạnh phúc và an tịnh thì chẳng cần gì phải đi đến đất Phật cả. Cả hai thứ trần tục và thanh tịnh đều được sinh ra ngay đây trong cái tâm này của chúng ta. Trong bất kỳ khoảnh khắc nào mà chúng ta cảm thấy tự do, an bình và hạnh phúc, trần tục là thanh tịnh và thanh tịnh là trần tục. Chẳng có nơi nào chúng ta cần phải đi đến, chúng ta chẳng cần phải nương tựa vào những dấu chân của Đức Phật lịch sử để lại tại đó.
Khoảnh khắc mà chúng ta chứng nghiệm được rằng trần tục và thanh tịnh đều sinh khởi từ tâm của chúng ta, chúng ta ngập tràn hạnh phúc. Chúng ta hạnh phúc vì chúng ta biết rằng trong bụi có cả bụi và có cả sự tự do. Nếu chúng ta mở mắt và sải bước, chánh niệm, an tịnh và hạnh phúc, chúng ta sẽ bước đi ở thanh tịnh đó. Đây sẽ là nguồn cảm hứng giúp chúng ta đi bộ jong-gromhàng ngày.

Cách chúng ta đi qua cuộc sống

Khi thiền hành, xin hãy bước đi một cách tự nhiên, không cần phải chắp tay ở phía trước ngực, hoặc giữ một tư thế cứng nhắc. Chọn một con đường yên tĩnh và an bình để làm con đường thiền hành ở trong rừng, trong công viên, trên bờ sông hay trong thiền viện hoặc trung tâm thiền.
Chúng ta có thể thực hành mọi lúc. Nếu ai thấy bạn, họ sẽ biết rằng bạn đang đi thiền hành và sẽ không làm phiền bạn. Bất cứ khi nào bạn gặp một người nào đó trong khi bạn đang đi, chỉ cần làm một cử chỉ đơn giản để bày tỏ lòng kính trọng: Chắp hai tay vào nhau và đưa nó lên phía trước ngực , và rồi lại tiếp tục thiền hành.
Tôi thường đi bộ jong-grom vào sáng sớm và buổi chiều khi tôi sống ở trong rừng. Những con thú trong rừng – những người bạn láng giềng của tôi- thường đến và cất tiếng kêu khi chúng trong thấy tôi đang đi. Chúng không quen với chuyển động của một người đang đi trong sự thanh thản. Nhưng, nếu tôi đi nhannh, chúng thường nghĩ rằng, “ Kia là cái gì đó bình thường”, và không còn để ý đến nữa.
Hầu hết chúng ta ngày hôm nay đi qua cuộc sống- cho dẫu chúng ta đi, đứng, ngồi hay nhìn vào tất cả những thứ khác nhau trên thế giới và những sinh vật khác nhau của nó- như thể chúng ta đang bị mộng du. Chúng ta không có ý niệm chúng ta đang làm gì, hay chúng ta đang đi theo phương hướng nào. Sự tỉnh giác của chúng ta sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta có thể bước đi với chánh niệm hay không. Tương lai của tất cả chúng sinh trên trái đất thực sự dựa vào cách mà chúng ta bước đi.
“Người đi theo dấu chân của tâm của mình sẽ thoát khỏi màn lưới của Ma vương”

Đi để huân tập tỉnh giác

Đi bộ jong-grom có thể mở mắt và mở tai của chúng ta với những kỳ quan của vũ trụ, và thay đổi thế giới đưa nó vào một chốn an bình và khinh an. Nó có thể giúp chúng ta đoạn tận khổ đau, buồn rầu, sầu não và lo lắng, và đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc của sự bình an. Tương tự, nó giúp cho chúng ta thấy rõ khổ trong cuộc sống. Nếu chúng ta không thấy những gì sinh khởi trước mặt và chung quang chúng ta, làm sao chúng ta có thể mong đợi để thấy được thiên nhiên của chính chúng ta?
Thấy thiên nhiên của chính chúng ta không giống như hình dung nó qua đôi mắt nhắm của chúng ta. Trái lại, chúng ta phải mở mắt và thấy rõ bản chất thiên nhiên thực sự của sự vật như chúng đang là.
Mở mắt sẽ giúp chúng ta thấy thiên nhiên trong chính chúng ta và bản chất bên trong của chính chúng ta (Phật tánh): Đó là sự tỉnh giác. Những khó khăn, gian khổ của sự nghèo đói, và sự cám dỗ của sự giàu có -ngay cả sức mạnh của những thứ này đang tạo áp lực lên chúng ta cũng không thể tách rời chúng ta ra khỏi bản chất cốt lõi của chính chúng ta.
Những con đường thiền hành rợp bóng những cây dày lá và những loại cây khác, được phủ đầy với những lớp lá rơi, đây là những con đường thiền hành nằm trước mặt chúng ta. Chúng ta nên hân hoan khi thiền hành trên những con đường như thế này. Chúng sẽ không đưa chúng ta đi lầm đường lạc lối. Trong khi đi, chúng ta sẽ quan sát và ghi nhận, có sự tỉnh giác với cái khổ thực sự của thế gian.
Mỗi lối đi trên thế gian này đều có thể là con đường thiền hành cho chúng ta. Khi chúng ta có sự tỉnh giác, chúng ta sẽ không chút chần chừ bước đi trên những con đường này.
Chẳng phải là những nỗi thống khổ trong đời chỉ đơn thuần sanh khởi từ những mối hoài nghi, do dự và lo lắng hay sao? Có sự biết rõ về cái khổ về kiếp người của chúng ta, chúng ta sẽ không còn cảm thấy gì khác đối với mọi loài chúng sanh ngoài sự tử tế và lòng từ bi, giống như một vị Bồ tát.

Thở với chánh niệm

Thở với chánh niệm thì khác với thở bình thường. Thở với chánh niệm có nghĩa rằng khi chúng ta thở, chúng ta biết rằng chúng ta đang thở. Khi chúng ta thở vào dài chúng ta biết chúng ta đang thở vào dài. Khi chúng ta thở vào ngắn chúng ta biết chúng ta đang thở vào ngắn. Khi chúng ta thở vào một hơi thở tế, chúng ta biết chúng ta đang thở vào một hơi thở tế. Làm sao chúng ta có thể tập trung trên việc thở và bước đi cùng một lúc?
Có một cách là kết hợp thở và đi cùng nhau sử dụng kỹ thuật đếm. Chúng ta có thể đếm số bước mà chúng ta bước đi. Hoặc, theo một cách khác, chúng ta có thể đo chiều dài của hơi thở theo số các bước chân: Khi thở vào chúng ta đi được bao nhiêu bước? Và khi thở ra chúng ta đi được bao nhiêu bước?
Hãy thực hành như vậy một thời gian – trong vài tuần lễ. Hãy thử nó để xem nó ra sao. Hãy bước chậm nhưng đừng quá chậm, và thở bình thường. Đừng cố gắng kéo dài hơi thở của bạn. Hãy thử thực hành nó trong một thời gian và rồi bắt đầu ghi nhận: Khi bạn thở vào, có bao nhiêu bước trong đó?
Sử dụng phương pháp này, sự chú ý của chúng ta cùng một lúc sẽ đặt cả trên hơi thở và bước chân, và chúng ta sẽ phát triển một sự kết nối khít khao giữa sự an bình và trong sáng với hơi thở và bước chân của chúng ta. Việc này làm tăng trưởng sự chú tâm, an bình, khinh an và hạnh phúc của chúng ta. Nó làm dịu và làm cho các đối tượng của sự chú ý của chúng ta thêm trong sáng, thuần khiết.
Đây là sự tỉnh giác, Đây là minh. Và đây là trí tuệ.




Luang Por Liem Ṭhitadhammo, sinh năm 1941, là một nhà sư Phật giáo theo truyền thống tu tập ở trong rừng. Sau khi thọ giới Tỳ khưu vào năm 20, ngài đầu tiên tu tập trong một số tu viện ở trong làng trước khi đến với Wat Nong Pah Pong, tu viện trong rừng nổi tiếng của ngài Ajahn Chah tại làng Ubon vào năm 1960. Trước khi Ajahn Chah viên tịch, ngài đã chỉ định Luang Por Liem Ṭhitadhammo làm trụ trì Wat Nong Pah Pong và ngài vẫn tiếp tục giữ chức vụ này cho đến ngày hôm nay.

Theo: Walking with Awareness
Chuyển ngữ: Supañña Thiện Trí






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét