1. Thiền Phật giáo chú trọng ở tâm
Câu hỏi: Thưa thầy. Con tập niệm hơi thở khi ngồi con cảm thấy rất khó thở một cách tự nhiên nếu không dựa lưng vào một nơi nào đó như tường, thành giường. Và nếu ngồi bán già hay kiết già thì hơi thở lại càng không tự nhiên và nặng nề hơn nữa, các cảm thọ đau nhức và căng cứng các cơ như "thắt" lồng ngực mình lại. Vậy thì con cứ ngồi thả lỏng, hoặc ngồi ghế chân chạm đất, hoặc nằm không cần ngồi bán già kiết già để niệm hơi thở có tốt không ạ?Trả lời:1) Thiền theo yoga hay khí công thì ngồi kiết già, bán già và thẳng lưng có nhiều lợi thế vì liên hệ tới việc điều thân, điều khí. Nhưng thiền Phật giáo chú trọng ở tâm hơn nên không nhất thiết phải ngồi như vậy, ngồi sao dễ chịu, thoải mái là được, thậm chí không ngồi mà đi, đứng, nằm cũng vẫn tốt. Tuy nhiên nếu làm quen được với thế ngồi trang nghiêm ngay ngắn thì khi tham dự khoá thiền tập thể vẫn ngồi chung được với mọi người mà không bị xem là lập dị. Muốn ngồi kiết già dễ dàng không phải đợi ngồi thiền mới tập mà nên tập khi có cơ hội, ví dụ như khi ngồi học bài, đọc sách, ăn cơm v.v. dần dần vượt qua được cái đau gây căng thẳng lúc đầu và thấy ngồi như vậy thoải mái hơn.
2) Thiền hơi thở trong Phật giáo có mục đích dẫn tâm trở về thực tại tự thân không để tâm đi lang thang, mơ mộng và chìm đắm bên ngoài nữa. Nhưng không phải vì vậy mà quá tập chú vào hơi thở, quá cố gắng định tâm và cố điều tiết hơi thở, vì làm như vậy thực ra cũng là một loại lang thang khác muốn mượn hơi thở để tìm cầu sở đắc. Cố gắng này sẽ đưa đến căng thẳng, khó thở và co thắt cơ ngực, cơ bụng hoặc nhức đầu, thậm chí nếu tham vọng và ý chí quá cao có thể đưa đến tình trạng "tẩu hoả nhập ma". Chỉ nên thư giãn, buông xả và theo dõi động tác thở một cách hoàn toàn tự nhiên thì lập tức chánh niệm tỉnh giác tự ứng khởi, an lạc cũng liền phát sinh, mà không tầm cầu hay ham muốn sở hữu điều gì.
2. THIỀN TRONG MỌI LÚC
Câu hỏi: Kính thưa Thầy! Con cảm thấy khi ngồi hành thiền quán thời gian càng lâu thì tâm càng lắng đọng và tỉnh thức. Nhưng có một vấn đề là khi ngồi được khoảng 1 tiếng rưỡi lưng và đầu gối con bắt đầu đau. Theo Thầy con nên ngồi cho cơn đau biến mất hay thay đổi tư thế cho đỡ đau? Hay ngay từ lúc đầu con nên chọn tư thế ngồi cho được lâu mà không phải dịch chuyển? (chẳng hạn như ngồi trên ghế dựa lưng) Con kính mong thầy chỉ dạy!
Trả lời: Thiền không nhất thiết phải ngồi. Tại sao con không thiền trong mọi lúc mọi tư thế đang diễn biến để khỏi phải phân vân có nên thay đổi tư thế hay không. Lúc ngồi thì cứ ngồi, ngồi sao cũng được, nhưng đừng quan tâm đến thời gian. Bởi vì thời gian chính là tâm mong đợi một kết quả, nghĩa là luôn bất an. Nếu con thực sự tĩnh lặng và trong sáng thì cả ngồi lẫn thời gian đều không còn ý nghĩa gì cả, vậy sao con phải bận tâm?
3. THẤY ĐÚNG THỰC TÁNH PHÁP
Câu hỏi: Thưa Thầy con có 2 câu hỏi: 1/ Một thiền sinh hành thiền quán làm thế nào biết chắc chắn rằng mình thấy đúng thực tánh hay chưa? 2/ Một người hành thiền quán có cần một thiền sư trực tiếp chỉ dẫn hay chỉ cần tham khảo kinh sách? Con xin cảm tạ công đức Pháp thí của Thầy!
Trả lời:
1) Thực tánh xuất hiện khi thấy biết hoàn toàn lặng lẽ trong sáng, không bị một khái niệm nào của lý trí xen vào. Con có thể học và hiểu thực tánh là gì nhưng đó chỉ là khái niệm về thực tánh chứ không phải thực tánh. Nhiều người do học hiểu Phật Pháp rất rành rẽ nên khi hành thiền đã bị cái hiểu đó đánh lừa, tưởng đã thấy tánh mà thực ra đó chỉ là phóng ảnh của khái niệm, vì hiểu vẫn còn qua khái niệm của thức tri, chưa phải là tuệ tri làm sao thấy được thực tánh! Con cần lưu ý một điều là không phải con thấy, nên đừng cố gắng để thấy hay để "chắc chắn rằng mình đã thấy đúng thực tánh hay chưa?". Vì càng nỗ lực để thấy càng không thể thấy thực tánh. Nhưng ngay khi buông ra mọi ham muốn tìm kiếm một sự xác định thực tánh thì thực tánh liền xuất hiện.2) Điều quan trọng không phải là cần hay không cần một thiền sư, mà là con có thực sự thông suốt được thiền quán là gì hay không. Khi con không thông suốt được thiền quán là gì làm sao con biết được sách nào và thiền sư nào nói đúng để hành theo? Con có thể nghiên cứu kinh sách hay tham vấn nhiều vị thiền sư, nhưng chính con phải thấy ra thiền thật sự là gì, nếu không mọi phương pháp hành trì thiền quán đều vô ích. Đặc biệt trong thiền quán Vipassanà thấy tức là hành chứ không áp dụng một phương pháp nào để hành cả. Thấy là tánh biết thấy trực tiếp ngay lập tức không thể thấy qua phương pháp nào được. Vậy hãy thận trọng đừng vội áp dụng bất cứ phương pháp nào để hành cả.
4. TÂM TRẺ THƠ
Câu hỏi: Thưa thầy, Thầy đã dạy rằng quán các Pháp một cách trong sáng, không can thiệp... và Pháp sẽ tự vận động... đưa đến chánh niệm tỉnh giác. Trẻ sơ sinh cũng nhìn cuộc đời với ánh mắt rất trong sáng và hoàn toàn không có nhận xét, không có suy diễn, lý luận,... Vậy tại sao trẻ sơ sinh không đạt được chánh niệm và tuệ giác ạ? Xin thầy hoan hỷ giải thích ạ. Con cảm ơn thầy nhiều. Con nhớ thầy!
Trả lời: Nếu mọi người giữ được tâm như con trẻ mà soi chiếu vạn pháp, không để cho bản ngã cùng với tham sân si xen vào can thiệp thì sẽ chánh niệm tỉnh giác tốt nhất, và dễ dàng giác ngộ giải thoát nhất. Nhưng ba bốn tuồi trở lên thì trẻ đã bắt đầu hình thành bản ngã và tăng trưởng vô minh ái dục do đó không thể giác ngộ giải thoát được. Thực ra, tâm trẻ sơ sinh là tâm quả vô nhân nên dù có trong sáng vẫn không phải là tâm hữu nhân nên không giác ngộ được. Tuy nhiên nếu trẻ được dạy cách sử dụng sự trong sáng đó một cách hữu nhân thì vẫn giác ngộ được, như trường hợp nhiều trẻ đã được đức Phật khai ngộ đạt quả vị Alahán khi chỉ mới 7 tuổi. Chính đức Phật sau bao năm hành thiền định và khổ hạnh không kết quả đã nhớ lại tâm trẻ thơ của mình lúc dự lễ hạ điền với vua cha để sử dụng thành pháp thiền quán chiếu Vipassanà và đắc Đạo Quả Vô Thượng Bồ-đề ngay trong đêm đó.
5. MỤC ĐÍCH CỦA NIỆM
Câu hỏi: Thưa thầy, mỗi khi tâm con lo lắng bồn chồn, con hay niệm thầm "tinh tấn, tinh tấn" lặp lại nhiều lần thì có khi con thấy hiệu quả hơn là niệm Phật Pháp Tăng như miêu tả trong sách Thanh Tịnh Đạo. Khi niệm "tinh tấn" lặp lại một thời gian như trên con thấy tâm hoan hỷ và định tĩnh lại. Từ điều trên con thắc mắc là có phải niệm bất kỳ một khái niệm nào mà khiến tâm mình định tĩnh trở lại thì cũng đều có thể coi là pháp tu tốt phải không thưa thầy?
Trả lời: Niệm gì không quan trọng, mà niệm thế nào mới đáng quan tâm. Mục đích của niệm là thoát khỏi thất niệm, tạp niệm và vọng niệm để đưa tâm đến nhất niệm hay định tĩnh. Vậy nếu con niệm "tinh tấn" mà định tĩnh được là đã đạt được mục đích của niệm rồi. Đức Phật giới thiệu nhiều đề mục khác nhau là để mỗi người tự chọn sao cho thích hợp và hiệu quả với mình là được.
6. ĐỪNG ĐẶT TÊN HAY SO SÁNH CÁC PHÁP
Câu hỏi: Thầy dạy: "Chỉ nên thư giãn, buông xả và theo dõi động tác thở một cách hoàn toàn tự nhiên thì lập tức chánh niệm tỉnh giác tự ứng khởi, an lạc cũng liền phát sinh, mà không tầm cầu hay ham muốn sở hữu điều gì". Đây có phải là "định tuệ đẳng trì" không thưa thầy? Cứ vậy mà tu là đúng yếu chỉ của thiền quán? Cảm ơn thầy vì lời dạy giản dị, rõ ràng, cốt tuỷ và xác thực!
Trả lời: Cũng không cần gọi tên động thái đó là gì vì như vậy lại rơi vào ý niệm và kết luận. Chỉ cần thể nghiệm và thực chứng điều đó thì con tự thấy biết pháp một cách chân thực mà không cần đặt tên hay so sánh trạng thái đó với bất cứ cái gì khác, bởi vì ngay khi mình toan đặt tên hay so sánh thì pháp vừa mới hiển lộ liền bị che lấp mất rồi. Thầy hoan hỷ khi thấy con đã nhận ra được điều cốt lõi này.
Câu hỏi: Kính bạch thầy Học và hiểu về "duyên sinh vô ngã" rồi nhưng làm sao thực hiện được vô ngã trong cuộc sống thường nhật Kính mong thầy hoan hỷ giúp đỡ cho con NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT Trân trọng
Trả lời:
Cứ sống và thấy sự sống diễn ra như nó đang là tức là sống vô ngã. Khi nhìn sự vận hành của đời sống mà cứ lăng xăng nghĩ là, cho là, phải là, sẽ là, phải chi là v.v... Thì đó là hữu ngã.
8. ĐƠN GIẢN NÓ LÀ NHƯ THẾ
Câu hỏi: Kính thưa Thầy cho con hỏi là:1. Gần đây con hay có trạng thái là khi nhìn vào bất cứ đồ gì thì y như là không còn chú ý đến vật đó nữa mà chỉ là còn lại cảm giác như đang ngủ vậy. Từng phút giây trôi qua như vậy rồi bỗng chợt tỉnh ra là mình còn những việc cần phải làm trong đời sống hằng ngày.
2. Con có một thắc mắc từ bé là không hiểu tại sao cây lại có thể sống nhờ vào đất được, khi được giải thích thì cũng hiểu là cây phải sống được là nhờ đất nhờ nước, nhưng lại cũng chẳng hiểu gì vì tại sao cây lại cần phải có đất và nước thì mới sống được. Vậy thưa Thầy phải chăng việc học Đạo cũng giống như vậy, nói hiểu nhưng thật ra cũng chẳng hiểu gì, nói biết nhưng thật ra cũng chẳng biết gì, vì đơn giản nó là như thế hay sao?
Con kính mong được Thầy khai mở, con xin tri ân Thầy và chúc Thầy pháp thể khinh an.
Trả lời:
1. Nếu đó không phải là hôn trầm thì tâm xả của con quá nhiều.
2. Có một vị thiền sư đã nói:
Giáo pháp lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Năm nay tính lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.
Nếu "đơn giản nó là như thế" của con giống chữ NHƯ này thì con khỏi hỏi và thầy cũng đỡ trả lời.
9. Trong cái nhìn bất động... thì các pháp sinh sẽ tự diệt
Câu hỏi: Con kính chào Thầy! Thầy cho con hỏi, lúc trước khi con hành các loại Thiền khác, nó khiến Tâm con Thanh Tịnh. Sau này con mới hiểu trạng thái đó là do ức chế tâm mà thành chứ không phải là Thanh Tịnh. Mấy tháng nay con hành theo lời dạy của Thầy, con yên lặng quan sát các vọng niệm khởi lên chứ không phản kháng hay gạt bỏ nó qua như trước kia nữa. Nhưng từ đó con thấy Tâm mình ồn ào, loạn động hơn trước. Con cứ nhìn, còn nó cứ loạn, giống như người ta đứng nhìn một đám người đang đánh lộn mà không biết làm gì vậy. Xin Thầy dạy cho con biết con đã sai ở đâu và phải làm thế nào. Con kính chúc Thầy Vạn An!
Trả lời: Điều đó chứng tỏ rằng sự thanh tịnh trước đây của con chỉ là sự dồn nén của tâm (hữu thức và vô thức) nên khi con không làm như vậy nữa thì sự ồn ào vẫn y nguyên. Nếu con thực sự chỉ đứng nhìn mà không phê phán, kiểm duyệt, giải quyết thì dần dần con sẽ thấy được sự vận hành, sự sinh diệt của các cảm giác, cảm xúc, tư tưởng,... Trong cái nhìn bất động đó thì các pháp sinh sẽ tự diệt chứ không cần cái ta can thiệp vào. Đó mới chính là thanh tịnh.
10. Tu nhiều quá cũng sinh bệnh
Câu hỏi: Lời đầu tiên xin cho con gửi tới thầy lời chúc tốt đẹp nhất ạ!
Thưa thầy, Con thực hiện phương pháp thiền định thường vào buổi sáng sớm (vào lúc 2h sáng) và thường ngồi thiền khoảng 1 giờ đồng hồ. Con ngồi thiền quán theo hơi thở vào ra, và quan sát tâm mình. Hàng ngày con thực hiện việc ăn chay, lúc rảnh rỗi hoặc trước khi đi ngủ là con nghe nhạc niệm Phật A-di-đà, chú đại bi và chú "Om mani padme hum" và đọc thêm một số kiến thức về Phật giáo (tuy nhiên không được theo trình tự gì cả vì con không được chỉ dạy ạ). Đôi lúc trong các việc hàng ngày con tập theo thiền Vipassana, quan sát các cảm thọ của tâm, các hành động của thân, quán chiếu tính vô thường của các pháp.
Vậy kính mong thầy hỗ trợ cho con, con làm như vậy đã đúng hay chưa ạ? Và cần làm những gì để đi đúng chánh pháp ạ? Vì gần đây con cảm thấy việc giao tiếp, đặc biệt là cách ứng đối tức thì của con giảm sút nhiều so với ngày trước.
Ngoài ra thầy cho con hỏi, dạo này con hay mơ thấy những hình ảnh ghê rợn, ví dụ như: thấy cảnh chết chóc, gặp những loài như ma hay ngạ quỷ, và trong mơ những hình ảnh trên tác động lên con. Tuy nhiên sự kỳ lạ ở đây là bất kỳ trường hợp nào xảy ra (trong mơ) thì con luôn chấp tay và niệm A-di-đà Phật, mong cho tất cả những chúng sanh kia biết tới Phật giáo. Vậy thầy chỉ cho con, điều đó do đâu mà có ạ? Và đó là điều tích cực hay tiêu cực ạ?
Một lần nữa, kính mong thầy hoan hỉ trả lời và giúp con tìm được hướng đi đúng đắn của giáo pháp ạ!
Trả lời: Bệnh của con ở đây là bệnh tu. Tu nhiều quá cũng sinh bệnh (ví dụ như con hay nằm chiêm bao). Con cứ ngay trong đời sống hàng ngày mà thận trọng chú tâm quan sát mọi hành động nói năng suy nghĩ của mình để điều chỉnh nhận thức và hành vi, đó chính là tu trong mọi điều kiện tự nhiên của cuộc sống. Qua đó, con mới thấy rõ bản chất của chính mình và vạn pháp, như vậy mới giác ngộ được. Còn thiền định, tụng kinh hay niệm chú thì ngoại đạo cũng làm được mà đâu có giác ngộ giải thoát.
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông