Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường Danh…

Đạo mà có thể nói ra được không phải là đạo thường hằng vĩnh cửu, Tên mà có thể gọi ra được không phải là tên thường hằng bất biến. “Không” là gốc nguyên thủy của trời đất, “Có” là gọi mẹ sinh ra vạn vật. Cho nên thường ở trong Không thì thấy được thể tánh vi diệu của Không, thường ở trong “Có” thì thấy được cái công dụng kỳ diệu của Có.
Tuy tên gọi khác (Có và Không) nhưng đồng là một cùng xuất phát ra, đó là huyền diệu. Huyền diệu lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kỳ diệu…
Ở trong chỗ không lặng tột cùng (cực hư cực tĩnh) thấy vạn vật sinh trưởng rồi lại trở về nguồn, vạn vật phồn thịnh rồi lại trở về gốc (luật phản phục). Trở về gốc thì tĩnh, là trở về mệnh (phục mệnh)). Trở về mệnh là Thường (bất biến). Biết Thường thì sáng suốt, không biết Thường thì vọng động, gặp hung. Biết Thường thì bao dung, bao dung thì công chính, công chính thì thành toàn, thành toàn thì hợp với trời, trời hợp với Đạo, hợp với Đạo thì vĩnh cửu, suốt đời không nguy…
...Đạo biểu hiện qua sự vận hành của hai yếu tố chính là Âm và Dương, trong một quy trình biến hóa theo những quy luật nhất định. Sống vô vi, hài hòa với thiên nhiên, không cưỡng chế, không mưu cầu, biết đủ, biết nhàn là sống hợp với Đạo. Đạo sinh ra vạn vật, Đức nuôi dưỡng cho vạn vật sinh tồn và phát triển. Đức là biểu hiện tự nhiên của Đạo. Biết sống theo Đức thì thiên hạ an vui, vạn vật thái hòa. Còn nếu đem ý mình áp đặt hay can thiệp vào các tiến trình tự nhiên thì sẽ gây rối loạn và tổn hại. Đạo Lão cùng với đạo Khổng và đạo Phật đã mang lại bản sắc đặc biệt cho nền văn minh văn hoá Trung Hoa, ảnh hưởng đến các nước khác của miền Đông Á cho đến Việt Nam. Nhưng trái với sự gò bó kỷ cương của đạo Khổng, đạo Lão mang nhiều tính chất phóng khoáng, như giòng nước trong mát êm dịu xuyên thấu, ôn nhu mà thắng được cương cường, bất động mà trị được động, là một lối thoát tinh thần trong cuộc sống chao động hàng ngày, cho người ta thấy còn có một Cõi Tiên để trở về trong Cõi Tục đầy phiền não...
...Lão Tử đã ra đi, nhưng cũng chính là trở về -- trở về với Đạo là trở về với cội nguồn nguyên thủy. Vạn vật, vạn pháp trong thế giới vũ trụ này đều bắt nguồn từ một cội nguồn nguyên thuỷ...


Trích: Lão và Phật
Tác giả: Ngọc Bảo



...Quan sát sự đi-về của Đạo là đối tượng của chương này. Đạo tùy duyên mà khởi lên tướng dụng: hữu, khi hết duyên thì trở về với thể tánh: vô.
Vạn pháp phát sinh do tâm sổ khởi. Và khi đi qua ý niệm chủ quan thì các pháp trở thành nhiều sự tướng khác nhau. Muốn trả lại bản nguyên của pháp, muốn nhìn pháp đúng như thực tánh của chính nó, thì phải "trí hư cực" nghĩa là trả cái tâm trở về sự bình lặng, trống rỗng, cái tâm trước cả lúc "sơ động chi thời".
Sự sống diễn ra trong mối tương quan giữa ngoại giới và nội tâm. Mỗi khi tâm khởi niệm thì các pháp cũng bị ảnh hưởng theo tâm niệm đó. "Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả." (Dhammapada). Vậy khi tâm đã "hư" thì pháp cũng "hư" hay nói cách khác "tâm bình thế giới bình". Thế giới này là thế giới của tâm, thế giới do tâm sinh khởi, nên một khi tâm đã bình thường - không khởi lên thiện, ác, thị, phi... thì thế giới đó cũng trở nên bình thường như chân như thật. Khi đã trở về được với "cái hư cùng cực" thì nên giữ yên sự tĩnh lặng đó (thủ tịnh đốc). Vì sao phải giữ yên? Để thấy chỗ từ đó vạn vật sinh lên và trở về (Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục).
Vạn pháp tương nhân, tương duyên để cùng sanh khởi. Khi gọi tên một pháp thì phải biết do nhân duyên mà có cái tên đó, do ý niệm mà có cái tướng đó, chứ bản nguyên của nó là "vô danh, vô tướng" - không danh không tướng của lý trí vọng thức. Đó chính là "thực tướng vô tướng" và "danh khả danh phi thường danh". Cho nên khi nhìn các pháp, phải biết nhìn lại cái gốc của nó, quan sát sự trở về của nó, chứ đừng để bị kẹt nơi cái tướng nhân duyên ý niệm - nói cách khác là chú ý đến sự diệt đi của nó (Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành ý diệt). Tại sao phải chú ý đến sự diệt đó? Vì sự tướng do tâm khởi niệm mà phát sinh, rồi trở lại lôi kéo tâm chạy theo ảo tưởng của chính mình. Nếu không biết đưa tâm trở lại gốc, không khéo quan sát đến sự diệt vong của các pháp đó, nói theo Vipassana là không có diệt trí (bhanga nana) thì kết quả chỉ là "luân hồi nào biết mối manh nẻo về"!
Vậy vạn vật sinh sôi nảy nở, sinh hóa hóa sinh một cách trùng trùng duyên khởi, nhưng khi quan sát kỹ ta sẽ thấy chúng luôn luôn trở về gốc của chúng (Phù vật vân vân các phục quy kỳ căn). Trở về gốc chính là trở về với "bản lai diện mục" trở về với "tích ngã vị sinh thời" (lúc chưa sinh). Không thiện không ác chính là bản lai diện mục, bất phi bất thị chính là lúc chưa sinh. Trở về được với những cái đó thì gọi là tịnh (quy căn viết tịnh). Tịnh tức là không sinh không diệt. Trở về với gốc, tức trở về nơi không sinh không diệt, mà cũng là trở về với nguồn sống đích thực của mình (tịnh viết phục mạng).
Con người thường sống với đời sống chủ quan tách riêng của bản ngã do mình tự tạo chứ không sống với đời sống đích thực của sự sống. Do đam mê với những phù phiếm của sân khấu cuộc đời mà con người ôm giữ một vai tuồng, hòa nhập với vai diễn do chính mình dàn dựng để mà sống và thỏa mãn với tất cả những gì hóa trang trên sàn diễn. Đó chính là cuộc sống của bản ngã, cuộc sống do tư ý tư dục của con người tạo nên. Ảo tưởng từ đây phát sinh, đau khổ từ đây khởi hiện. Vậy muốn thoát khỏi những cái đó thì phải trở về với cuộc sống đích thực của mình, cuộc sống không có bóng dáng bản ngã, cuộc sống bình thường vô dục, vô tri.
Trở về được với đời sống đích thực đó của mình thì gọi là thường (phục mạng viết thường). Thế nào gọi là thường? Thường chính là tâm bình thường, thân bình thường, vạn pháp bình thường. Nói như vậy nhưng thật ra con người chỉ cần sáng suốt, thoát khỏi những ảo tưởng, những tham dục của chính mình thì con người sẽ được bình thường. Thân, tâm, pháp lúc này không còn sự ngăn ngại nữa. Tất cả đều bình thường trong cái vô thường, trong cái vô thường mà vẫn thường (vô thường thị thường)! Sự sống vốn "sinh sinh chi vị dịch" nên con người phải bình thường - bình thường như đang là, không khởi ý trước, không vọng tưởng sau - mới có thể cảm nghiệm được sự sinh hóa đó, mới có thể cùng với sự sống đó không hai.
Con người sống trong vô thường nhưng không bị vô thường chi phối, con người sống trong đau khổ nhưng ra khỏi khổ đau, sống trong sinh lão bệnh tử nhưng không vướng mắc trong sinh lão bệnh tử... Đó là do con người biết rõ cái thường, sáng suốt nhận ra cái thường. Nhận ra cái thường, biết rõ cái thường, tức là sáng suốt (Tri thường viết minh). Trí tuệ sáng suốt thấy được thực tướng, thực tánh của các pháp, thấy được cái như chân như thật của mọi hiện hữu trên thế gian này. Vạn pháp hay mọi sự hiện hữu đều tồn tại độc lập trong sự liên hệ toàn thể. Độc lập, vì nó chẳng hai - "Thị pháp trụ pháp vị". Toàn thể, vì nó không phải một - "Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung". Và sự liên hệ đó chính là cái thường. Con người nhận ra điều này sẽ không còn vướng mắc trong vòng đối đãi tử sinh. Ngược lại, nếu không nhận ra nó, thì sẽ còn mãi đắm chìm trong tử sinh đối đãi. Khi tâm không bình thường thì chính là lúc sống đời sống bản ngã. Đã là đời sống bản ngã thì chỉ có thể xử sự theo thiện ác thị phi chứ không thể "xử vô vi chi sự" được. Lúc này, con người nhìn mọi sự mọi vật với cái nhìn đặt để, cái nhìn phân hai đối đãi.
Đã là đối đãi thì làm sao tránh được sự xung đột phát sinh? Đó chính là mầm mống của tất cả của những điều xấu xa nguy hiểm (Vọng tác hung). Vì không nhìn đúng cái thường, không nhìn với cái nhìn nguyên sơ của đạo, không chịu trở về gốc nên con người đã gây ra không biết bao nhiêu vọng nghiệp để phải trôi lăn mãi trong sanh tử luân hồi.
Sự đối đãi phân chia của nội tâm tư tưởng dẫn đến sự phân chia đối đãi của thân pháp, làm tiêu hao năng lượng, tiêu hao nguồn sống của con người. Con người lúc này không trở về được với cái gốc "tịnh" vốn có, với cái "bổn mạng" của chính mình. Vì chia chẻ chấp trước nên con người chỉ biết được cái mà mình biết. Vì đối đãi, ngã mạn nên con người tự giới hạn cái thấy của mình. Tất cả đều do không "tri thường". Khi đã tri thường thì làm gì có sự chia chẻ chấp trước? Khi đã trả tâm về bình thường thì làm gì còn sự đối đãi bỉ - thử, ngã - nhân? Và lúc này tâm mình dung chứa được tất cả, và cái thấy của mình cởi mở đến vô hạn (Tri thường dung).
Khi nhìn một thực thể, nếu bị vướng mắc nơi hình tướng do ý niệm chủ quan mà ra tức là không "quan phục", không "tri thường" thì cái nhìn đó sẽ rất giới hạn, rất xa cách với thực tại tự thân. Ví dụ khi đã gọi thực thể đó là cha hay anh hoặc em thì sẽ không còn nhận ra gì ngoài cha, anh hay em đó nữa, chưa kể là người cha, người anh hay người em đó cũng không có thật - ngoài sự tồn tại cái tạm gọi là danh - sắc mà thôi. Còn khi "tri thường" nhìn thực thể đúng với cái gốc "vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng" thì sẽ bao dung được tất cả, bao dung được tất cả mà không là gì cả! Như cha, anh, em đều có thể dùng để gọi thực thể đó mà thực thể đó không phải là cha, anh hay em.
Từ sự bao dung đó mới có sự công bình (Dung nãi công). Có bao dung mới không riêng tư, mới không chấp đây là cha ta, đây là anh ta, đây là em ta. Có bao dung mới trừ được bản ngã, mới có được cái nhìn bình đẳng đối với vạn pháp. Từ đó mới có thể "dĩ vạn vật vi sô cẩu", mới có thể "đắc chi nhược kinh, thất chi nhược kinh". Và lúc này mới có được cái nhìn cùng khắp, cái nhìn phổ biến (Công nãi chu). Chính cái nhìn bình đẳng mới rộng khắp, mới không bị kẹt, không bị giới hạn bởi khuôn khổ của ý niệm giả phân. Khi không bị vướng mắc, không bị giới hạn thì con người dung hòa được cái phát sinh và cái bình thường, mặt hữu và mặt vô, cái thể và cái dụng... trong sự sống, trong cõi tâm của chính con người. Đó chính là(Chu nãi thiên). Có sự dung hòa tự nhiên đó mới trở về được cái gốc của muôn loài, mới thể nhập được sự uyên nguyên của Đạo (Thiên nãi đạo).
Đạo vốn giản dị, tự nhiên mà viên mãn vô cùng. Vì tự nhiên nên "miên miên nhược tồn", vì viên mãn nên "đạo nãi cửu". Cửu ở đây không phải là trường cửu, mà là "không dứt". Không dứt nghĩa là tồn tại trong sự biến hóa, khởi sinh. Mọi vật diệt sinh theo sự diệt sinh của chính nó, chứ không phải diệt sinh do sự sinh diệt của ý niệm con người. Bản thân cái hoa có nở có tàn, nó chẳng nói nó có nở có tàn gì cả. Còn con người mến chuộng khi nó nở, nuối tiếc khi nó tàn, nở tàn của tâm vọng cầu sở chấp. Sự sinh diệt lúc này chính là sinh diệt của tâm. Con người còn sống với sự sinh diệt đó thì không biết đến bao giờ mới thoát khỏi luân hồi đau khổ. Nếu con người nhận ra sự nở tàn của hoa là tự nhiên, cái vô thường của vạn vật là nguyên lý của sự sống, thì ắt là sẽ tự tại vô ngại với mọi sinh hóa đổi dời. Sống và chết, sinh và diệt chỉ là hai mặt của thực tại. Đó là sự sống. Sự sống bắt nguồn từ cái chết và ngược lại. "Đón nhận cái chết và đón nhận sự sống không gì khác nhau. Từ chối sự chết tức là từ chối sự sống. Sống chết chỉ là hai mặt của cái gì không có quá khứ, không có tương lai..." (Krishnamurti).
Thật ra khi nói sinh diệt hay vô thường, vô ngã cũng chỉ đối trị với vô minh ái dục. Không thấy được thực tánh của pháp nên lăng xăng đi tìm cái thường còn, cái ngã tịnh. Còn khi đã nhận chân ra pháp, đã sống đời sống đạo thì sẽ không còn gọi là vô thường, vô ngã hay gì gì nữa. Nó là nó - không hơn không kém. Vì vậy mà bất sinh, vì vậy mà bất diệt. Sống với cái bất sinh bất diệt đó thì suốt đời sẽ không bị hại (Một thân bất đãi).
Làm sao mà bị hại khi mình cũng như pháp, mình cũng "sinh lão bệnh tử tự cổ thường nhiên"! Khi đã mang lấy nghiệp vào thân, khi đã mang tư kiến tư dục thì mới bị hại, mới gặt lấy hậu quả khổ đau của chính tư kiến tư dục đó. Còn khi trả pháp về với bản nguyên, thì bản nguyên của pháp tự nó không có trở ngại, tự nó không có diệt sinh thì còn đâu là đau khổ! Khi con người sợ chết, chính là lúc sự sống bị tắc nghẽn. Khi con người sáng suốt nhận ra sự chết, chính là lúc sự sống khai thông. Tắc nghẽn hay khai thông đều do con người, chứ bản thân sự sống - chết chẳng khai thông hay tắc nghẽn gì cả. Vậy con người phải sống hoài trong cái chết liên tục! Lúc này mới thật sự bất tử, mới thật sự "một thân bất đãi", mới thật sự tồn tại như sự tồn tại của cái không thể nghĩ bàn là Đạo vậy.
Trong chương này của Lão Tử Đạo Đức Kinh có ý muốn nói đến sự trở về với Đạo. Tạm gọi là trở về vì có đi ra - đi ra theo tiếng gọi của bản ngã, đi ra theo sự lôi kéo của ngũ trần. Sự đi ra đó mang đầy vọng tưởng, nhuốm đầy khổ đau của cuộc đời. Nên phải có lúc trở về, trở về với cái thực, trở về với sự bình an thật sự trong chính cuộc đời này. Một khi sáng suốt nhận ra "phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn", thì lúc này không còn trở về hay ra đi gì nữa, mà chỉ còn dừng chân trên "mảnh đất thực không có đường vào" (Krishnamurti), và đó chính là cái gốc của Đạo vậy. Quả là:

Tri chi bất lai
Tri chi bất khứ
Nhiên khứ lai hề
Thiên thu giả mộng!(Thầy Viên Minh)


Liễu Tánh


(Cảm hứng khi nghe Thầy Viên Minh giảng Lão Tử Đạo Đức Kinh)