Vấn Đáp Thiền (Thiền Trong Sinh Hoạt)

Trong khi tu Thiền Quán, hành giả không nhất thiết phải tu Chỉ để đạt tới tình trạng an định. Ðiều tối cần là hành giả phải có trí tuệ ba-la-mật (panna paramita) tức là trí thông minh có sẳn. Nếu hành giả có trí tuệ ba-la-mật và ở tình trạng sẳn sàng, thì y có thể đắc ngộ ngay sau khi chỉ nghe một bài giảng. Do đó, với trí tuệ giải thoát, hành giả sống tại gia vẫn có thể đắc ngộ khi quán chiếu vô thường bên trong hay ngoài bản tâm, tại gia hay ngoài xã hội.

Ledi Sayadaw
(Vipassana Dipani)

Thế nào là được tự do?

Theo ý nghĩa Phật giáo, 'tự do' có nghĩa là không còn đau khổ, là đạt được sự tự tại của nội tâm trong đó đau khổ đã chấm dứt. Dĩ nhiên đây là một điều kiện tâm thức lý tưởng - nhưng làm sao chúng ta đạt được đây? Muốn đạt được tự do nội tâm, chúng ta phải tìm nó với một 'tâm hồn tự do'. Cũng như câu nói: 'Muốn bắt được trộm, ta phải biết suy nghĩ như kẻ trộm'. Thứ tự do mà chúng ta đang tìm đây là một tình trạng tuyệt đối - đúng vậy - đó là thứ tự do vô biên, hoàn toàn giải thoát và vô giới hạn. Chúng ta bắt đầu cuộc tìm kiếm với một tâm thức hữu biên, bị trí thức cột trói và trong chính nó đã bị giới hạn rồi. Nếu chúng ta còn nhồi nhét thêm vào đó đủ thứ lý tưởng, quan niệm, giáo thuyết và phán đoán - thì tâm thức vốn đã nặng nề của chúng ta không bao giờ có đủ tự do để thể nghiệm trọn vẹn chân lý.