Những mẫu truyện về "BẢN NGÃ"

Cái tôi

Chuyện kể về một thầy tu sống trong sa mạc Ai Cập, một người vốn quá đau khổ trước cám dỗ đến nỗi không thể chịu được nữa. Vì thế ông quyết định rời căn phòng của mình và đi đến một nơi khác.
Khi ông đang mang dép để thực hiện quyết tâm, ông thấy một thầy khác đang ở cách ông một khoảng không xa. Thầy đó cũng đang xỏ dép vào chân.
“Thầy là ai?”, ông hỏi người lạ mặt.
“Tôi là cái tôi của anh”, người đó đáp. “Nếu vì tôi mà anh rời nơi này, thì tôi sẽ cho anh biết, dù anh đi đâu tôi cũng sẽ theo anh”.
Một khách hàng thất vọng nói với bác sĩ tâm lý, “Dù đi đâu, tôi vẫn dẫn chính mình theo - và nó làm hỏng hết”.
Cả điều bạn chạy trốn - lẫn điều bạn mong muốn - đều ở trong bạn.



Quyền năng của thánh thiện

Một người tầm sư học đạo đến một cộng đoàn ở Ấn Độ do một đạo sĩ trụ trì, một người không chỉ mang danh thánh thiện nhưng còn là một tên lừa đảo. Kẻ tầm sư hoàn toàn không biết điều này.
Trước khi tôi nhận anh là đồ đệ”, đạo sĩ bảo, “tôi phải kiểm tra tính vâng phục của anh. Gần bên chùa, có một con sông lúc nhúc cá mập. Tôi muốn anh lội qua sông”.
Niềm tin của người môn đệ trẻ mạnh đến nỗi cậu thực hiện đúng điều đó, cậu đi qua sông, la lên, “Mọi lời chúc tụng dâng về thầy của tôi!”, Trước sự ngạc nhiên của thầy, cậu qua bờ bên kia và trở lại mà không hề hấn gì.
Điều này cho đạo sĩ thấy rằng, cậu ấy thánh thiện hơn chính ông tưởng tượng về mình, vì thế ông quyết định cho các môn đệ thấy quyền năng của ông đồng thời đề cao danh thơm thánh thiện của mình. Ông bước xuống dòng sông và la lên, “Mọi lời chúc tụng đều dành cho tôi. Mọi lời chúc tụng đều dành cho tôi!”. Bầy cá sấu nhanh chóng chộp lấy và ngốn xác ông.


 Quỷ và thiên thần

Quỷ, biến thành thiên thần ánh sáng, hiện ra với một trong các Thánh Giáo Phụ của sa mạc và bảo, “Tôi là thiên thần Gabriel, tôi được Đấng Toàn Năng sai đến với ông”.
Thầy khổ tu đáp, “Hãy nghĩ lại xem. Chắc ngài được một người khác sai đến. Tôi đã không làm điều gì để được thiên sứ viếng thăm”.
Nghe thế, quỷ bỏ đi và không bao giờ đến gần thầy.


167. Cú phát tuyệt!

Khi thăm sân golf ở Nhật, một du khách phát hiện hầu hết những người phục dịch đều là phụ nữ.
Ngày kia, anh ta đến sân muộn và phải nhận một cậu nhóc mười tuổi làm người phục dịch. Cậu nhỏ nhắn, hầu như không biết gì về sân golf hay môn chơi này, và cậu chỉ nói ba từ tiếng Anh.
Tuy nhiên, nhờ vào ba từ đó, du khách biến cậu thành người phục dịch trong những ngày anh còn ở lại Nhật. Sau mỗi cú phát bóng, dù kết quả thế nào, cậu bạn nhỏ đều giẫm chân và hăng hái la lên “cú phát tuyệt!”.


 Mẹ và bạn gái


Một phụ nữ bị tổn thương trước thái độ của cậu con trai mười lăm tuổi. Mỗi lần họ đi ra ngoài với nhau, cậu đều đi trước bà.
Ồ, không thưa mẹ”, cậu bối rối trả lời. “Chỉ vì trông mẹ quá trẻ đến nỗi con sợ bạn con nghi là con có bạn gái mới”.
Sự tổn thương của bà biến mất như thể bởi phép thuật.



Thần chết và nhà khoa học


Lần kia, một nhà khoa học thành công trong kỹ thuật tái tạo chính mình một cách hoàn hảo đến nỗi người ta không thể nào phân biệt được con người tái chế với con người gốc của ông. Một ngày nọ, biết Thần Chết đang tìm mình, ông tạo ra một tá bản sao của mình. Thần Chết bối rối không biết mẫu nào trong mười ba mẫu trước mặt mình là nhà khoa học, vì thế y bỏ đi và trở về trời.
Không lâu sau, vì là một chuyên gia về bản chất con người, Thần Chết nghĩ ra một mưu kế hết sức tinh vi. Ông nói, “Ông quả là một thiên tài khi thành công tạo ra những bản sao hoàn hảo của ông. Tuy nhiên, tôi đã khám phá một lỗi trong công trình của ông, chỉ một lỗi nhỏ thôi”.
Ngay lập tức nhà khoa học nhảy ra và la lên, “Không thể được. Lỗi ở đâu?”.
Ở ngay đây”, Thần Chết vừa nói vừa chộp ông giữa những bản sao và đem đi.


Cánh cửa tố cáo


Một thẩm phán Ả Rập cao niên nổi tiếng vì sự minh mẫn của mình. Ngày kia một chủ tiệm đến gặp ông, phàn nàn rằng hàng hoá của ông bị ăn cắp nhưng ông không thể bắt tên trộm.
Thẩm phán yêu cầu người ta tháo các bảng lề của tiệm và mang cửa đến chợ, quất năm mươi roi vì nó không chu toàn trách nhiệm bảo vệ kho hàng.
Một đám đông tụ tập để xem người ta thi hành mệnh lệnh lạ thường này. Sau những đòn vọt, vị thẩm phán cúi xuống hỏi cái cửa tên trộm là ai. Rồi ông áp tai vào cửa để nghe rõ điều nó nói.
Đứng dậy, ông công bố, “Cánh cửa cho biết các vụ trộm đã được thực hiện bởi một người đàn ông có một miếng vải mỏng trên chóp khăn trùm đầu”. Lập tức, một người đàn ông trong đám đông chạm tay lên khăn trùm của mình. Nhà ông bị lục soát và hàng hoá bị mất được trả lại.
Chỉ cần một lời dua nịnh hay một câu chỉ trích cũng đủ cho cái tôi lộ ra.


Cái này là của tôi!


Một phụ nữ cao niên qua đời được các thiên thần dẫn đến Tòa Phán Xét. Khi kiểm tra hồ sơ của bà, Thẩm Phán không tìm ra một hành động bác ái nào của bà trừ một củ cà rốt mà bà cho một người ăn mày sắp chết.
Tuy nhiên hành động bác ái duy nhất đó lại thuyết phục đến nỗi Thẩm phán tuyên bố bà sẽ được dẫn lên thiên đàng. Củ cà rốt được mang tới tòa và trao cho bà.
Lúc bà đón lấy, củ cà rốt bắt đầu lớn lên như được kéo bởi một sợi dây vô hình nào đó và bà được nhấc lên tận trời cao.
Một người ăn xin xuất hiện. Ông bám vào viền áo bà và được nhấc lên cùng bà; một người thứ ba chộp lấy chân của người ăn xin và cũng được nhấc lên. Ngay sau đó cả một dãy những người được nhấc lên bằng cũ cà rốt. Dù lạ thường, người phụ nữ vẫn không cảm thấy sức nặng của những người bám vào. Quả thực, vì hướng nhìn về trời, nên bà không thấy họ.
Họ bay lên ngày càng cao cho đến khi gần như chạm cổng trời. Đó là lúc người phụ nữ ngoái lại để nhìn trần gian lần cuối và thấy toàn bộ đoàn tàu người đằng sau bà.
Bà nổi cáu!
Bà hống hách vẫy tay, la lớn, “Buông ra, tất cả các người buông ra! Củ cà rốt là của tôi!”.
Tỏ vẻ hống hách, bà buông củ cà rốt ra ngay lúc ấy - bà rơi xuống cùng toàn bộ đoàn xe lửa.
Một lý do duy nhất cho mọi tội lỗi trên trần gian: “Cái này là của tôi!”.

 Quên cả chính mình



Một anh điêu khắc có tên là Ching vừa hoàn thành tác phẩm chiếc giá treo chuông của mình. Mọi người đều kinh ngạc vì dường như đó là một công trình của thần linh. Trông thấy tác phẩm, Bá tước thành Lu hỏi, “Anh thuộc hạng thiên tài nào mà có thể tạo ra một tác phẩm như thế?”.
Anh thợ điêu khắc thưa, “Thưa ông, tôi chỉ là một tay thợ bình thường, tôi không phải là thiên tài. Nhưng có điều, khi sắp làm giá chuông, tôi cầu nguyện ba ngày để hồi tâm, tôi không nghĩ đến phần thưởng hay thù lao. Rồi sau năm ngày chiêm niệm, tôi không nghĩ đến lời khen chê, khéo hay vụng. Chiêm niệm được bảy ngày, tôi bổng quên cả tứ chi, thân mình; không, tôi quên chính cái tôi của mình. Tôi không còn để ý đến môi trường xung quanh và chỉ còn lại tài nghệ”.
“Với một trạng thái như thế, tôi vào rừng, xem xét từng cây cho tới khi tìm được một cây, ở đó, tôi thấy một giá chuông trong toàn bộ sự hoàn hảo của nó. Rồi tôi bắt tay vào việc. Bỏ qua cái tôi của mình, thiên nhiên gặp thiên nhiên trong công việc. Chắc chắn đây là lý do tại sao mọi người nói tác phẩm của tôi như thể của thần linh”.
Một nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng thế giới nói về thành công khi chơi bài Violin Concerto của Beethoven: “Tôi có một bản nhạc tuyệt vời, một cây vĩ cầm tuyệt vời, một cái vĩ tuyệt vời. Chỉ còn một việc tôi phải làm, đó là đặt ba cái đó lại với nhau và quên cả chính mình”.


 Kẻ tôn kính, người thoá mạ


Một môn đệ đến nói với Thầy Maruf Karkhi, “Con đã nói với người ta về Thầy. Người Do Thái nói Thầy là một trong các vị thầy của họ, người Kitô hữu xem Thầy là một trong các vị thánh của họ và người Hồi Giáo coi Thầy như vinh quang của Đạo Hồi”.
Maruf đáp lại, “Đó là những gì họ nói ở đây, nơi Baghdad này. Khi ta sống ở Giêrusalem, người Dothái coi ta là Kitô hữu; người Kitô hữu xem ta là người Hồi giáo; và người Hồi giáo coi ta là người Do Thái”.
Thế thì chúng con phải nghĩ Thầy là ai?”.
Hãy nghĩ, ta là người đã nói về chính mình thế này, ‘Kẻ không hiểu ta thì tôn kính ta, kẻ thoá mạ ta cũng chẳng hiểu ta”.
Nếu bạn nghĩ mình là người mà bạn bè cũng như thù địch nói bạn là thế này là thế kia, rõ ràng, bạn không biết mình.


Bà là ai?


Một phụ nữ ngất xỉu sắp chết đột nhiên cảm thấy mình được đưa lên trời và đứng trước Thẩm Phán.
Bà là ai?”, Một người hỏi bà.
Tôi là vợ thị trưởng”, bà đáp.Tôi không hỏi bà là vợ của ai mà bà là ai?”.
Tôi là mẹ của bốn đứa trẻ”.
Tôi không hỏi bà là mẹ của ai mà bà là ai?”.
Tôi là giáo viên”.
Tôi không hỏi nghề nghiệp của bà mà bà là ai?”.
Và cứ thế. Dù trả lời gì, thì dường như bà không đưa ra câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi, “Bà là ai?”.
Tôi là một Kitô hữu”.Tôi không hỏi bà theo tôn giáo nào mà bà là ai?”.
Tôi là người đi lễ hằng ngày và giúp đỡ những ai nghèo khó và bần cùng”.
Tôi không hỏi bà làm gì mà bà là ai?”.
Rõ ràng, bà bị đánh hỏng và phải về lại trần gian. Sau khi bình phục, bà quyết tâm tìm cho ra mình là ai. Điều đó đã làm nên một sự thay đổi.
Trách nhiệm của bạn là trở nên chính mình. Không phải trở nên một ai đó, hay không phải một ai đó - vì trong đó có mầm mống của tham lam và tham vọng -không phải là người này, người kia - vì như thế, là bị điều kiện hoá - nhưng phải trở nên chính mình.


Tìm biết mình

Một gã trông có vẻ lo lắng, hút cần sa và mang tràng hạt, quần sờn đáy và tóc dài tới vai đi vào phòng bác sĩ tâm lý.
Bác sĩ bảo, “Anh cho mình không phải là một thanh niên lập dị chống lại những quy ước xã hội. Thế thì anh giải thích thế nào về quần áo, tóc tai và cần sa?”.
Đó là điều mà tôi đến đây để tìm hiểu, thưa bác sĩ”.
Biết việc là học. Biết người là khôn. Biết mình là ngộ.



 Bạn là ai?

Một sinh viên đến gặp một thư ký tại phòng học nghe, cậu nói, “Cho em một cuốn băng trắng!”.
Em đang học tiếng gì?”, thư ký hỏi.
Tiếng Pháp”, sinh viên đáp.
Xin lỗi, chúng tôi không có băng trắng bằng tiếng Pháp”.
Ồ, thế cô có băng trắng nào bằng tiếng Anh không?
À, có”.
Tốt quá. Em sẽ lấy một trong các băng đó”.
Nói đến một cuốn băng trắng, Pháp hay Anh, thì cũng như nói đến một người Pháp hay người Anh. Pháp hay Anh là điều kiện của bạn chứ không phải bạn.
Một đứa trẻ được cha mẹ người Mỹ sinh ra và được cha mẹ người Nga nhận làm con nuôi. Nó hoàn toàn không biết nó là con nuôi và đã lớn lên thành một nhà ái quốc và một đại thi hào diễn tả cái vô thức tập thể của tâm hồn Nga và những khát vọng của quê mẹ là Nga. Vậy nó là người Nga hay người Mỹ? Nó chẳng là Nga cũng chẳng là Mỹ. Hãy khám phá bạn là ai, là gì.



 Vất nó đi

Thiền Sư Bankei được biết là không sáng lập trường học nào cả. Ông để lại những tác phẩm nhưng lại không có môn đệ nào. Ông giống như cánh chim bay ngang bầu trời mà không để lại dấu vết.
Người ta nói về ông, “Khi ông vào rừng, một ngọn cỏ chẳng lung lay; khi ông xuống nước, mặt sông không gợn sóng”.
Ông không động đến đất. Không chiến công hiển hách, không một cuộc xâm chiếm, một thành tựu hay một linh đạo nào sánh bằng điều này: không động đến đất.
Người kia ôm hoa đến dâng Đức Phật. Phật nhìn anh rồi bảo, “Vất nó đi!”.
Anh không tin Phật bảo mình vất hoa đi. Nhưng bỗng anh nghĩ, có lẽ ngài bảo vất những bông hoa cầm ở tay trái, vì trao tặng vật gì bằng tay trái là điều không thích hợp và vô lễ. Thế là anh ta vất những bông hoa đang cầm ở tay trái.
Phật lại bảo, “Vất xuống”.
Lần này anh thả tất cả hoa xuống và đứng tay không trước mặt Phật, một lần nữa, ngài cười và nói, “Hãy thả nó xuống”.
Bối rối, anh hỏi, “Con còn phải vất cái gì nữa?”.
“Không phải hoa, con ạ, nhưng là kẻ mang hoa”, Phật đáp.



 Bình chứa và vật chứa

Một thiền sư được mọi người coi như Đấng Khôn Ngoan Nhập Thế. Mỗi ngày ông giảng về những khía cạnh khác nhau của đời sống thiêng liêng và rõ ràng ai ai cũng nhận thấy không người nào vượt qua ông về sự phong phú, sâu sắc và những giá trị hấp dẫn ở các bài giáo huấn.
Lần nào các môn đệ cũng hỏi thầy mình từ đâu ông có thể múc lấy những kho tàng khôn ngoan vô tận ấy. Ông bảo tất cả sẽ được viết ra trong cuốn sách họ sẽ thừa hưởng sau khi ông chết.
Ngay sau ngày ông qua đời, các môn đệ tìm ra cuốn sách chính nơi ông bảo. Chỉ một trang trong cuốn sách đó và chỉ một câu trên trang đó với nội dung: “Hãy hiểu sự khác biệt giữa cái chứa đựng và cái nó chứa đựng. Từ đó, nguồn mạch khôn ngoan sẽ mở ra cho các con”.

 Kẻ ngắm nhìn

Một câu chuyện từ Upanishads:
Hiền triết Uddalaka dạy con trai mình là Svetaketu nhận ra Đấng Duy Nhất sau những dáng vẻ bề ngoài của phức hợp. Ông dạy con qua những dụ ngôn khác nhau, chẳng hạn dụ ngôn sau đây:
Ngày kia, ông bảo con, “Hãy bỏ muối vào nước và sang mai hãy trở lại”.
Cậu bé làm như cha bảo và ngày hôm sau ông bảo, “Hãy lấy cho cha muối mà con bỏ vào nước hôm qua”.
“Con không thể tìm ra nó”, cậu bé thưa. “Nó đã tan rồi”.
“Hãy nếm nước từ cạnh đĩa này xem”,
Uddalaka hỏi, “Nó có vị gì?”
“Mặn”.
“Nhắp ở giữa. Nó thế nào?”.
“Mặn”.
“Đổ nó đi”
, người cha bảo.
Đứa trẻ làm như thế và quan sát thấy, sau khi nước bốc hơi muối lại xuất hiện. Rồi Uddalaka bảo, “Con không thể nhận biết Thiên Chúa ở đây, nhưng thực sự Ngài có đó”.
Những ai tìm kiếm giác ngộ, sẽ không gặp được bởi họ chưa hiểu rằng, đối tượng của việc tìm kiếm chính là kẻ đi tìm. Theo cách thức của vẻ đẹp, Thiên Chúa hiện diện nơi “cái tôi” của kẻ ngắm nhìn.

Anthony De Mello


Trích:Taking Flight
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh