TƯ TƯỞNG

Thiền sư Suzuki trong quyển Thiền Tâm, Sơ Tâm có viết:
Khi ngồi thiền, anh đừng có cố gắng ngăn chặn sự suy nghĩ của mình. Hãy để tự nó chấm dứt. Nếu có một tư tưởng nào xuất hiện, hãy để nó đến rồi để nó đi. Chúng chẳng ở lâu đâu. Còn khi anh dụng công để ngăn chặn nó, có nghĩa là anh bị nó làm khó chịu. Đừng bao giờ để chuyện gì làm cho anh phải bực mình. Điều mà anh tưởng rằng đến từ bên ngoài, thật ra chính là những đợt sóng trong tâm anh, và nếu anh không khó chịu vì những đợt sóng, chúng dần dần sẽ trở nên yên tĩnh hơn… Những cảm xúc đến, tư tưởng, hình ảnh phát lên đều là những đợt sóng trong tâm. Chẳng có gì là ở ngoài tâm anh đâu. Nếu anh để cho tâm anh được sự nhiên, nó sẽ trở nên tĩnh lặng. Tâm này ta gọi là Chân tâm.


KINH NGHIỆM THIỀN TẬP: KHI THÂN THỂ BIẾN MẤT

Một con đường tuần tự

Cốt tủy của đạo Phật là con đường tuần tự, quý vị bước từng bước và đạt kết quả. Có người nói rằng bạn không nên tập thiền để đạt được kết quả. Đó chỉ là một cách nói mà thôi. Quý vị cứ tập thiền để đạt kết quả đi! Hành thiền để có được niềm vui, có được sự bình an,, để được giác ngộ mỗi lúc một ít. Nhưng cũng đừng nôn nóng đạt kết quả. Một trong những vấn đề mà người phương Tây thường gặp đó là một khi đặt ra mục tiêu rồi họ thường hay nôn nóng. Thế rồi họ cảm thấy thất vọng, chán nản, giận dữ. Họ không bỏ ra đủ thời gian để thực tập, đủ thời gian để đi tới chỗ giác ngộ. Công việc này đòi hỏi nhiều thòi gian, có khi mất vài kiếp, do đó hày kiên nhẫn. Cứ mỗi bước chân đi quý vị đều có gặt hái một ít gì đó. Cứ buông bỏ đi một ít, quý vị được một ít tự do và an lạc. Buông bỏ nhiều quý vị sẽ cảm thấy hỷ lạc. Ở tu viện của chúng tôi, mọi người đều thực hành như thế. Tôi khuyến khích các thiền sinh nhắm đến các giai đoạn buông bỏ để đạt được trạng tháigọi là định – Jhana.