Lạm bàn 2 câu kệ :"Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch / Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

Nhân "nhân duyên", có người hỏi về 2 câu kệ:
“Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền”

Chúng tôi xin được lạm bàn.... Nếu có gì sai sót xin quý vị vui lòng bỏ qua.
Hai câu kệ này được trích từ 4 câu kệ kết thúc trong bài "Cư trần lạc đạo phú" dài mười hội của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Tất cả nội dung trong "Cư trần lạc đạo phú" được tóm tắt trong 4 câu kệ kết thúc, còn gọi là "Cư trần lạc Đạo"




Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền


Ý của bài kệ này, nói về đời sống tùy duyên thuận pháp của một người đã thấy ra lý đạo.*
"Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch" có nghĩa là: "Kho báu trong nhà thôi tìm kiếm."
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, Tánh biết hồn nhiên, rỗng lặng trong sáng còn được gọi là (Chân Tâm, Phật Tánh, bản lai diện mục hay Tánh Giác...) tự nó không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không hữu, không vô, không đến, không đi ** ... 
vốn đã có sẳn nơi mỗi người. Nhưng vì vô minh ái dục, phiền não tham sân si che lấp (như mây che vầng trăng) nên mới chạy đông chạy tây tìm kiếm. Đến khi nhận ra viên ngọc Chân Tâm mới thấy nhẹ nhõm thoải mái như vừa trút được gánh nặng ngàn cân. Nên cứ vậy tùy duyên thuận Pháp mà sống "Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền" vì vậy:


"Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng"

(Kệ ngôn X - Hạnh phúc kinh)

Vậy bằng cách nào có thể nhận ra Tánh giác vốn đã có sẳn nơi mỗi người? Theo sự chỉ dạy của Thiền Sư Viên Minh chính là chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại Thân tâm cảnh ngay nơi Sự Thật Đang Là, mà thấy Pháp... Dù khi đó tư tưởng thiện hay bất thiện khởi lên, đừng phán xét gì cả, chỉ nhìn thẳng vào sự kiện với một thái độ bình lặng, vắng mặt mọi ý đồ can thiệp, chọn lựa, lấy bỏ... Thì ngay đó sẽ thấy Pháp như thị hay thực tánh Pháp hiển bày...
Cho nên, mỗi khi chỉ bày cho mọi người nhận ra viên ngọc chân tâm này, Thiền sư Viên Minh thường bảo mọi người hãy nhắm mắt lại và lắng nghe, ngay lúc đó Thầy vỗ tay, và hỏi mọi người đã nghe thấy điều gì? Thì quả thật tánh biết tự ứng (giác tánh) nên mọi người đều nghe âm thanh...
Khi trở về với thực tại hiện tiền cũng âm thanh tiếng vỗ tay đó, với tâm hồn nhiên trong sáng (Chân Tâm) thì nghe âm thanh đó như thị (pháp đang là...). Còn với tâm bị phiền não tham sân si che lấp thì tùy theo mức độ che lấp mà phân tích, phán xét, âm thanh theo mỗi góc nhìn...
Có người nhận ra thực tánh Pháp ngay sau tiếng vỗ tay đó... Và 
cũng tùy theo duyên nghiệp và căn cơ trình độ của mỗi người mà thấy ra Thực Tánh Pháp với những bối cảnh khác nhau trong những sự việc bình thường nhất.

Có câu chuyện Thiền kể rằng:
"Tướng quốc Bùi Hưu vào chùa thấy hình vẽ trên vách, hỏi thầy trụ trì:
- Vẽ cái gì đây?
Thầy trụ trì đáp:
- Vẽ hình Cao tăng.
Bùi Hưu hỏi:
- Hình có thể thấy, Cao tăng ở đâu?
Thầy trụ trì không đáp được.
Bùi Hưu hỏi:
- Trong đây có Thiền nhân chăng?
Thầy trụ trì đáp:
- Vừa có một vị Tăng vào chùa đang làm việc in tuồng Thiền giả.
Bùi Hưu bèn xin cho gặp. Thấy vị Tăng, Bùi Hưu nói:
- Hưu vừa có một câu hỏi, chư đức tiếc lời, giờ thỉnh thượng nhân đáp thế một câu.
Tăng bảo:
- Mời Tướng công hỏi lại.
Bùi Hưu lặp lại câu hỏi trước.
Tăng dùng tiếng trong thanh gọi:
- Bùi Hưu!
Bùi Hưu:
- Dạ!
Tăng bảo:
- Ở chỗ nào?
Bùi Hưu ngay nơi đó ngộ được ý chỉ của Thiền..."
Lạm bàn: "Ở chỗ nào?" ở ngay nơi Pháp hiện tiền, ngay nơi tánh biết tự ứng "Dạ", Tánh biết tự ứng (giác tánh) Bùi hưu và cao tăng có sai khác không? 

Chỉ thẳng ngay nơi pháp hiện tiền chính là diệu thuật mà các v Thiền Sư thường sử dụng để khai thị thiền sinh và người được hỏi, nếu nhạy bén họ sẽ nhận ra được giác tánh qua 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý căn.) 
Bây giờ chúng ta bàn về câu: "Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền", có nghĩa là: Đối với cảnh (cuộc sống, việc đời...) dù thành hay bại, được hay mất, hơn hay thua, xấu hay đẹp v.v... Tâm không dao động, không dính mắc. Đó chính là Thiền...
Đức Phật dạy ông Bāhiya như sau:
" 
Bāhiya, ông phải thực tập thế này: 
Trong thấy (của mắt) chỉ là thấy.
Trong nghe (của tai) chỉ là nghe.
Trong xúc (của mũi, lưỡi, thân) chỉ là xúc
Trong biết (của ý) chỉ là biết... không có ngươi (cái ta của Bāhiya) ở đó*

Trong kinh Phật có dạy rằng, cuộc sống này "có khổ đau, nhưng không có người khổ đau.” Vì sự tiếp xúc tuy có mặt nhưng không có bản ngã ở đây để bị dính mắc, tất cả chỉ là cái thấy, cái nghe và cái thọ tưởng mà thôi.
Theo Thiền Sư Viên Minh, chúng ta chỉ cần thấy pháp (thấy tánh) thì mới biết thế nào là sống tuỳ duyên thuận pháp * (<trungtamhotong.org>)
Đúng vậy, khi đã nhận ra lý Đạo (kiến tánh) viên ngọc quý (chân tâm) thì mới biết sống tùy thuận Pháp, đón nhận các Pháp tự nhiên đến đi. Pháp vận hành như thế nào thì biết là như vậy, trong sáng, hồn nhiên minh bạch, không hình thành khái niệm, quan niệm hay kết luận nào cả. "Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền". "Vô tâm" không có nghĩa là tâm phải im bặt, mà chính là tâm trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại đang là, và cũng chính là thực tại chân đế...
 Để kết thúc bài viết chúng tôi xin được kể thêm câu chuyện trong nhà thiền "Bà lão đốt am" mà trong nhà thiền không ngớt truyền nhau.
"Có bà lão nhiều đạo tâm, cất ngôi tịnh am lo đầy đủ tứ sự cúng dường ủng hộ một vị sư tham thiền tu niệm. Qua hai chục năm, một hôm bà lão dặn bảo cô cháu gái rằng:
- Bữa nay, sau khi đem cơm cho sư thọ trai xong, con thừa lúc bất ngờ ôm ngay sư mà hỏi: "Lúc này như thế nào? Sư trả lời ra sao, con về đây thuật lại cho bà rõ."
Cô cháu gái y như lời, ôm sư gạn hỏi.
Sư đáp:
- Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí.
Ý sư muốn bảo: Sư đã khô lạnh không còn có tha thiết gì với trần tục nữa "ví như cây khô tựa núi đá lạnh, lại ở vào ba tháng mùa đông, tìm một chút hơi ấm cũng không có.
Cô ch
áu gái trở về thuật lại, lão bà không vui, bảo:

- Thật uổng công ta hai mươi năm lo lắng, không ngờ chỉ ủng hộ một kẻ phàm phu! 
Nói xong, lão bà ra đuổi nhà sư đi, rồi châm lửa đốt luôn cái am.
Sau khi bị đuổi, vài năm sau, sư trở lại tìm bà lão. Và cũng như lần trước, sư nhờ bà giúp cho việc tu hành. Bà cũng hoan hỉ cất lại am và cúng dường cơm cháo đầy đủ cho sư. Sau một thời gian, bà bảo cô cháu gái thử sư như lần trước. Đem cơm cho sư thọ trai xong, cô liền ôm sư và hỏi: "Ngay bây giờ thì thế nào?" sư trả lời:"Tôi biết, cô biết, đừng cho bà lão ấy biết!" khi cô gái về thuật lại cho bà nghe, thì bà khen sư ngộ Đạo, là vị sư đáng cho bà cung kính cúng dường."
Câu chuyện cho ta thấy chỉ cần trở về sống với tâm bình thường tỉnh thức, rỗng lặng trong sáng mà thấy Pháp như thị. Thấy là thấy ngay (sanditthiko) không trải qua thời gian (akàliko)* "Tôi biết, cô biết, đừng cho bà lão ấy biết!".