Trà Đạo ngày 04.08.2016 (“Tọa Vong” trong học thuyết của Trang Tử - An trú Tánh Không)


“Tọa Vong” trong học thuyết của Trang Tử

Hỏi: Trong Thiên Đại Tông Sư của Trang Tử Nam Hoa Kinh có nói: “Giải thể, bỏ thông minh, lìa hình, bỏ trí, đồng với Đạo lớn, đó gọi là tọa vong”. Nếu toạ vong là ngồi quên tất cả thì có trái với chánh niệm tỉnh giác?

-  Nếu “tọa vong” thật sự hoàn toàn không còn bản ngã thì đó chính là "an trú Tánh Không" hoặc “diệt thọ tưởng định” mà đức Phật đã dạy. Nhưng cũng có thể đó chỉ là 4 thiền vô sắc do tưởng “không” mà định. Trước kia khi chưa hoàn toàn giác ngộ đức Phật cũng đã từng an trú 4 tầng định không này, nhưng sau khi giác ngộ Ngài "an trú Tánh Không" sâu sắc hơn. Vì bây giờ là "an trú Tánh Không" của tự tánh Rỗng Lặng Trong Sáng mà đức Phật gọi là Tâm Chói Sáng (Pabhassara Citta) an nhiên tịch tịnh. Đây là bản chất rỗng lặng trong sáng hoàn toàn tự nhiên của tâm. Khi tâm hoàn toàn buông thư, vô vi, vô ngã thì nó trở về với Tánh Không mà Thiền Tông gọi là Vô Tâm hay Vô Sự. Đó cũng là Chánh Định: “Định này tịch tịnh, vi diệu, vắng lặng, nhất tánh, không điều kiện, không đối kháng, không trở ngại” (Dīgha Nikāya).

Trà Đạo ngày 02.08.2016 (Người xiển dương Phật Pháp là người biết đọc quyển sách tâm mình)


Chánh Định – Tà Định / Chánh Kiến – Tà Kiến
Hỏi: Tà định là khi định có mục đích bất thiện. Nhưng trong lúc hành thiền không có bất cứ ý niệm bất thiện nào thì mới vào định được. Chỉ cần có 1 tâm sở bất thiện không thể nào vào định được. Vậy tà định và chánh định khác nhau chỗ nào?

- Tà định thường được hiểu theo nghĩa có động cơ và mục đích xấu, nhưng tà định nói chung chỉ có nghĩa là không phải chánh định thôi. Vì vậy, nên nói “không phải chánh định” chính xác hơn là nói tà định chung chung.