NGƯỜI GIÁC NGỘ

Theo dịch lý, vạn sự vận hành theo quy luật từ Cực lạc đến Cực khổ. Mùa xuân hoa lá đẹp tươi rồi sẽ dần heo tàn trơ trụi vào mùa đông. Sự vận hành của Pháp là sự xoay chuyển tự nhiên, vận hành đi từ cực này đến cực kia. Mình đi từ Cực khổ là cùng cực của đau khổ đến Thái là hạnh phúc. Rồi đến Cực Lạc là tận cùng của hạnh phúc rồi lại giảm sút đau khổ, đến Bĩ là thực sự đau khổ rồi đến Cực khổ là tận cùng đau khổ. Cứ như vậy, ai chiêm nghiệm sẽ thấy rõ. Vòng luân hồi sinh tử cứ là như vậy. Đức Phật nói thành trụ hoại không - Sinh trụ dị diệt.
Người giác ngộ không phải là người chọn Thái hay chọn Lực Lạc. Mà là người sống trọn vẹn trong cái Thực tại. Nếu là bản ngã thì nó sẽ chọn: Tôi chỉ chọn Thái đến Cực Lạc thôi. Vì vậy, nên trong vòng luân chuyển đó nó sẽ có đến 3/4 là khổ. Giống như 3 mùa xuân hạ thu đông, mình chỉ chọn mùa xuân thôi thì 3 mùa còn lại là 3 mùa đau khổ của mình. Còn nếu mình chỉ chọn duy nhất điểm Cực Lạc mà thôi thì toàn bộ cuộc đời mình sẽ là đau khổ. Vì chỉ bớt lạc đi một chút là đau khổ rồi. Còn nếu một người mà cực khổ cũng chịu được thì toàn bộ cái còn lại đều là lạc hết. Cực khổ còn chịu được thì những cái khổ khác có ăn thua gì. Trong Dịch lý có đạo lý thế này. Thời bĩ tắc bĩ, thời hanh tắc hanh hay là có đạo lý Vật cùng tắc phát. Tức là cái gì đến cùng cực thì tự động nó xoay lại. Mình biết được cái định luật của vũ trụ là như vậy thì tại sao mình lại chọn lựa. Vì có chọn lựa bất kỳ chỗ nào cũng khổ hết.
Vậy hiện tại mình đang ở bất kỳ điểm nào cũng là Pháp cả. Và mình phải thấy ra điểm đó, lúc đó là thái hay bĩ, tham hay sân… quan trọng là ở chỗ là mình phải học ra bài học lúc đó. Đức Phật nói: Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng… chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây, bất động không rung chuyển, biết vậy nên tu tập, hôm nay nhiệt tâm làm, ai biết chết ngày mai. Trong dịch nói nếu mình đang trong cái Bĩ, mình cảm nhận được cái Bĩ này là mình cảm thông được toàn bộ trời đất, hay là mình cảm thông được với cái lý của Pháp. Như vậy, khi mình đang ở cái bĩ hay đang ở tâm sân thì ngay tại đây và bây giờ, mình trọn vẹn với chính nó, thấy ra chính nó. Trọn vẹn với chính nó là Định, thấy ra chính nó là Tuệ. Tức là có Định và Tuệ trong đó. Cho nên mới nói Vô vi giả vô tư giả, tức là không có tạo tác gì hết, ngay đó sân chỉ thấy sân thôi, bĩ chỉ thấy bĩ thôi. Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật nói rất rõ, sân là thấy sân, tham là thấy tham. Trong Dịch lý người ta gọi là Thời vị trung chính, tức là ở trong thời nào thì nó là như vậy.
Ở đây có một điểm vô cùng quan trọng, đó là Trật tự của Pháp. Điểm này chưa có ai nói đến. Trật tự của Pháp là gì? Tại sao mình bất an, là vì mất trật tự của Pháp. Tại sao như vậy. Vì Pháp đang vận hành đến đây thì nó là thế này, mà mình lại nghĩ đến tương lai, hoài vọng quá khứ… Ví dụ như thầy đứng đây yên thì không có gì cả. Yên có nghĩa là để cho Pháp vận hành. Nhưng mình là muốn tới tương lai hay nghĩ tới quá khứ là mất trật tự của pháp vì pháp là thực tại. Mà nếu mình có cố dừng lại ở đây cũng là mất trật tự Pháp vì Pháp luôn biến đổi chứ không nằm một chỗ. Pháp là vô thường vì Pháp cứ vận hành mãi. Vậy mà mình cứ muốn nó thường theo ý muốn của mình, mình muốn đắc được cái định rồi mình muốn giữ lại cái an lạc đó là mất trật tự của Pháp. Đức Phật nói: “ Làm thế nào để thoát khỏi Bộc Lưu?”. Bộc Lưu là sự vận hành sinh diệt tự nhiên của dòng Pháp. Đức Phật nói: “ Như lai không bước tới, không dừng lại nên Như Lai thoát khỏi Bộc Lưu. Vì nếu ra dừng lại thì ta bị chìm đắm, nếu ta bước tới thì ta bị cuốn trôi”. Thoát khỏi Bộc Lưu không phải ra bước ra ngoài dòng chảy của Pháp mà là không dừng lại, không bước tới, chỉ buông ra để tự dòng Pháp vận hành. Coi chừng tất cả Pháp hành của mình là đang bước tới. Và đồng thời tất cả Pháp hành của mình cũng là đang dừng lại. Một người cố vô định, cố an trú trong định là đang bước tới và đang dừng lại. Muốn được an lạc là đang bước tới. Được an lạc rồi thì muốn gìn giữ là đang dừng lại. Nghĩa là mình đang bị cuốn trôi. Câu trả lời của Đức Phật vô cùng kỳ diệu. Và trong Dịch lý mới nói rằng Vô vi giả vô tư giả, là đừng làm gì cả hết. Mình chỉ cần một yếu tố là Giác, thì mình sẽ không bị mê mờ, bị chìm đắm. Trong Thiền Tông có câu chuyện: Có người được hỏi: “Khi một người đắc đạo quả thì người đó có rơi vào nhân quả hay không”. Ông trả lời là “Không” và lập tức bị đọa làm chồn 500 kiếp. Đến lúc gặp Tổ Bá Trượng ông mới hỏi Tổ lại câu hỏi đó. Tổ đáp “ Bất muội nhân quả”. Tức là không mê mờ trong nhân quả chứ vẫn là nhân quả đó thôi. Mà thực ra lại là không nhân quả. Vì chỉ khi nào có ý muốn trở thành, có tạo tác thì mới có nhân quả. Còn khi mình hoàn toàn sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì mình cùng trời đất trở thành một, chứ không còn bản ngã nữa. Nhưng trời đất là một đó cũng là tại đây và bây giời chứ không phải là mình bay ra hóa thành trời đất nào đó. Mình tu là mình tu theo ai? Phật nói không tham – không sân – không si, không – vô tướng – vô tác, không bước tới – không dừng lại. Vậy mà mình làm gì? Mình coi lại đi, mình đang làm gì? Mình tu theo Phật hay tu theo ma. Mình tu theo Pháp hay tu theo bản ngã. Hãy đặt lại câu hỏi cho thật kỹ. Đây là điều vô cùng quan trọng.
Thời vị trung chính chính là trật tự của Pháp. Nếu mình không sống đúng trật tự của Pháp thì hoặc là mình đắm chìm, hoặc là mình bị cuốn trôi.

Hỏi: Kính bạch thầy,

Người hiểu đạo rồi thì sống thế nào? Cứ để thân, ý, thức tự vận hành theo nhân duyên và tâm quan sát? Hay là sao ạ?
Long Thọ nói: Niết-bàn là luân hồi, luân hồi là Niết-bàn. Xin thầy giảng nghĩa thêm cho con. Liệu đó có phải nhằm phá chấp theo cứu cánh của Bắc tông không?

Trả lời:
1) Dù là trạng thái hay hoạt động gì của thân, thọ, tâm hoặc pháp đều cần được thấy minh bạch và trung thực tự nhiên như nó là, không tưởng là, cho là, phải là, sẽ là..., đó mới là thiền, là bài học giác ngộ. Thiền không phải là thái độ thủ xả nhị nguyên của bản ngã trên huyễn tướng mà là thấy ra thực tánh như thị (yathàbhùtà nànadassana) của vạn pháp.
2) Câu này nên hiểu như "Niết-bàn sinh tử thị không hoa" hoặc "Vô minh thực tánh tức Phật tánh, huyễn hoá không thân tức Pháp thân" nghĩa là nếu thấy rõ thực tánh sinh tử là sinh tử, huyễn thân là huyễn thân thì tánh thấy vẫn không sinh tử (Niết-bàn), hoặc giống cách nói của Lão Tử: "Phù duy bịnh bịnh thị dĩ bất bịnh!" (Ôi, nếu thấy bệnh chỉ là bệnh tức đã không bệnh). Trong Kinh Nhất Thiết Pháp, Majjhima Nikàya, đức Phật dạy: "Vì Như Lại thấy rõ địa đại là địa đại..., Niết-bàn là Niết-bàn nên không vui thích trong Niết-bàn, không xem Niết-bàn là ta, của ta, tự ngã của ta". Ngài xem bốn đại, tám thiền, các cõi giới, các sở đắc, sở tri v.v... cho đến Niết- bàn đều như vậy.

Hỏi: Con kính sư, Phật Gotama (Thích Ca) là Phật Chánh Đẳng Giác (Sammasam-buddha). Quả thứ 2 là Phật Độc Giác (Pacceka-buddha). Quả thứ 3 là Phật Thanh Văn đệ tử (Arahant-buddha)
con chưa hiểu 3 quả vị Phật này là như thế nào. Mong sư chỉ dạy ạ!

Trả lời:
Trước hết chứng quả Phật là hoàn toàn bình đẳng không lớn nhỏ như nhiều tông phái chủ trương sai lệch. Chân lý luôn đồng nhất, tánh giác cũng luôn đồng nhất, do đó không có sai khác trong thực tánh. Nếu có khác thì chỉ khác về cách chứng ngộ thôi. Phật Thanh Văn chứng ngộ Thể Tánh của Tâm và Pháp qua sự khai thị của Phật Toàn Giác mà trở về Tánh Giác. Phật Độc Giác chứng ngộ Chân Tướng của Tâm và Pháp qua tánh duyên khởi tự nhiên mà trở về Tánh Giác. Phật Toàn Giác chứng ngộ Diệu Dụng của Tâm và Pháp qua trải nghiệm đại dụng của vạn pháp mà trở về Tánh Giác.
Trở về Tánh Giác (thành Phật) thì thể tướng dụng bình đẳng, nhưng cách ngộ nhập thì Phật Thanh Văn ngộ nhập qua Thực Tánh, Phật Độc Giác ngộ nhập qua Chân Tướng và Phật Toàn Giác ngộ nhập qua Diệu Dụng. Giống như người thứ nhất nhờ biết chất vàng mà lấy được vàng, người thứ hai nhờ biết tướng vàng mà lấy được vàng, người thứ ba nhờ biết cách sử dụng vàng mà lấy được vàng. Cách lấy vàng thì khác nhau nhưng lấy được vàng thì hoàn toàn giống nhau.

Câu hỏi:
Con kính chào thầy,
Thưa thầy cho con hỏi là loài vật không có cái tôi tức là nó đã có tính vô ngã phải không thầy? Chúng chỉ có đói ăn khát uống, không suy nghĩ về quá khứ tương lai, chúng chỉ biết có thực tại thôi phải không thầy? Và tính giác có phải là giác ngộ không?
Con kính ơn thầy!

Trả lời:
Bản ngã của thú vật tuy đơn giản nhưng vẫn phát triển theo chiều cái ngã bản năng đến cái ngã tình cảm và cuối cùng là cái ngã lý trí. Loài vật thì cái ngã bản năng và tình cảm nhiều hơn lý trí, loài người tiến bộ hơn nên phát triển cái ngã lý trí cao hơn và cũng phức tạp hơn. Con cứ để ý quan sát một con chó sẽ thấy rõ điều đó. Đương nhiên tánh giác giác ngộ nhưng phải đến lúc đầy đủ nhân duyên mới được, giống như trái mít đương nhiên ra trái mít nhưng phải đến lúc hội tụ nhiều yếu tố cần và đủ - đúng lúc, đúng chỗ và đúng tính chất của nó - thì mới ra trái được, chứ không phải lúc nào cũng có thể giác ngộ.



Hỏi:
Bạch Ngài cho con hỏi. Một người ngộ rồi nhưng có thể chưa giải thoát, có phải không? Và một người tâm giải thoát nhưng có thể chưa ngộ, có phải không? Con cám ơn Ngài.

Trả lời:
Có 4 trường hợp:
1) Ngộ nhưng chưa giải thoát: Đó là trường hợp mới ngộ lý nhưng còn vướng sự, hoặc bậc Thánh hữu học còn chưa hết kiết sử.
2) Giác ngộ và giải thoát: Đó là tường hợp ngộ lý và sự dung thông viên mãn, như các bậc Alahán, Độc giác và Toàn giác.
3) Giải thoát nhưng chưa giác ngộ: Đó là trường hợp những vị đắc các bậc thiền sắc giới, vô sắc giới có thể thoát khỏi cảnh giới vật dục (dục giới) nhưng vẫn còn vô minh và tham ái.
4) Giải thoát và giác ngộ: Đó là trường hợp tiến trình tâm của bậc Thánh, sau khi thoát khỏi sự trói buộc của kiết sử thì Đạo tuệ chứng ngộ Thánh quả.

T.S Viên Minh