Trường học Giác Ngộ

Giác ngộ giải thoát không phải là đạt được một chân trời lý tưởng an toàn trong thường, lạc, ngã, tịnh, mà chính là nhận chân bản chất của đời sống là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh để không còn chỗ cho cái ta chấp thủ bám trụ. Khi không còn chỗ để bám trụ thì bạn mới buông cái ta đối kháng để đón nhận trọn vẹn bản chất bất toàn của đời sống một cách vô ngại, đó chính là thái độ nhẫn nại đích thực. Nhờ đó mọi phiền não mới thực sự chấm dứt để bạn có thể ung dung trong ràng buộc, tự tại giữa khổ đau với một nụ cười an nhiên, vô úy. Cuộc sống, quả thật, đầy phiền não khổ đau, nhưng đó cũng chính là môi trường tốt nhất cho giác ngộ giải thoát, đúng như một danh ngôn: “Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo và là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối”.


NGƯỜI ĐỨC HẠNH

Thông thường mọi người quan niệm rằng: “Mình tốt khi mọi người xung quanh mình tốt, hay mình trở nên đức hạnh chỉ khi mọi người xung quanh mình có đức hạnh”. Đây là quan niệm sống của người tầm thường và không thể xem là quan niệm sống của người đức hạnh. Người đức hạnh vượt lên trên cách sống, quan niệm của người tầm thường, không cho rằng: “Mình tốt chỉ khi người khác tốt với mình”. Đức tính của người đức hạnh không phải vậy, vì người đức hạnh sẽ luôn luôn giữ vững, sống trọn vẹn một đời sống đức hạnh dầu cho người xung quanh có đối xử với mình ra sao đi nữa.
Khi bạn sống trong một cộng đồng hay trong xã hội và gần hơn nữa là ngay trong gia đình của bạn, trong chùa chiền, thiền viện mà bạn đang sống và hành đạo. Bạn phải cố gắng làm sao, sống cho phù hợp với mọi người xung quanh. Thậm chí, khi sống một mình, bạn cũng phải sống hòa hợp với chính bạn.