Thưa thầy, gần đây thầy có viết "Chỉ có đau khổ thật sự thì mới là liều thuốc chữa trị được thói quen của lòng tham ái." Con đọc câu này thấy thấm thía nhưng lúc sau lại chợt nhớ đến mục tiêu của Đạo Phật, của sự tu tập là để thoát khổ. Vậy có gì mâu thuẫn ở đây không thưa thầy, khi mà chúng ta cố gắng diệt trừ tham ái để thoát khổ, nhưng chịu khổ - như thầy nói - lại là liều thuốc để chữa trị lòng tham ái?
Trả lời:
Điều quan trọng là con có thật sự thấy điều thầy nói là đúng hay sai với sự thật không, chứ không phải con đem so sánh câu nói ấy với ai. Khi thầy thấy ra điều này thầy không so sánh hay bắt chước bất cứ ai cả, do đó vấn đề là con có thấy nó hay không mà thôi.
Hỏi Đáp: trungtamhotong.org
Đau khổ chính là liều thuốc đắng kỳ diệu nhất có thể loại trừ được bệnh tà kiến và tham ái. Nếu tà kiến và tham ái không đưa đến khổ đau thì không bao giờ bạn thấy được đó là những thái độ sai lầm. Vậy cuộc đời là một trường học giác ngộ mênh mông vô tận. Và những vị thầy lỗi lạc nhất chính là những khổ đau mà bạn gặp phải trong suốt đời mình. Những vị thầy tận tụy này, không ngừng chỉ cho bạn thấy những sai lầm trong cách sống, cách ứng xử... để bạn có thể biết cách điều chỉnh nhận thức và hành vi nơi chính mình; giúp bạn phát huy được những đức tính cần yếu như nhẫn nại, yêu thương, cảm thông, chia sẻ v.v... Nói cách khác, đời là tấm gương phản ánh trung thực nhất diện mạo bạn trong mọi tình huống để bạn thấy ra chính mình. Do đó bài học giác ngộ chính xác nhất không phải là một phương pháp cố định nổi tiếng nào để bạn phải tuân thủ suốt đời, mà chính là thái độ nội tâm đầy nhẫn nại, từ bi, trầm tĩnh và trong sáng để có thể tự tại vô ngại giữa dòng đời biến hóa không ngừng trong bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó.
Ví dụ, khi có người mạt sát bạn, đó là vị thầy đang trực tiếp chỉ cho bạn thấy chính xác nhất diễn trình phản ứng của bạn ngay lúc đó là gì: bình tĩnh hay nóng giận, dịu dàng hay hung dữ... Vậy mà bạn không đủ kiên nhẫn để học và nhận chân sự thật ngay đó trong tình trạng hiện thực của nó. Bạn để nó qua đi, ẩn vào đáy sâu vô thức, rồi loay hoay tìm kiếm cây đũa thần từ một vị đạo sư lừng danh, hay một phương pháp thiền của một thiền sư nổi tiếng, tin rằng nhờ đó tương lai bạn sẽ đạt đến thiền định, trí tuệ, thần thông, Cực Lạc hay Niết-bàn. Nhưng nếu bạn không trở lại để thấy (ehipasiko) ngay trên sự kiện hiện thực (opanayiko), thì làm sao tự mình thấu rõ (paccattaṃ veditabbo) thực tại ngay đây (sandiṭṭhiko) và bây giờ (akāliko). Nếu bạn cứ mong đợi ở vị cứu tinh hay cố gắng phấn đấu cho ngày mai thì bạn chẳng bao giờ thấy được thực tại, mà không thấy được thực tại thì cái gọi là thiền định, trí tuệ, Cực Lạc, Niết-bàn mãi mãi chỉ là ảo mộng.
Để có thể thấy rõ bản chất thực tại ngay đây và bây giờ, không có cách nào khác hơn là bạn phải nhẫn nại với những gì khó kham nhẫn. Nếu bạn phàn nàn thì lòng kiên nhẫn của bạn lập tức biến mất, để lại cho bạn một nỗi khổ đau tâm lý khó chịu hơn nhiều. Và nếu bạn miễn cưỡng chấp nhận thực tại khổ đau, thì chẳng khác nào đầu hàng số phận một cách nhu nhược, khi vô phương kháng cự, như vậy không phải là nhẫn nại. Chấp nhận và phủ nhận là hai mặt của cùng một tính cách, có vẻ như mâu thuẫn, nhưng thật ra cũng chỉ cùng xuất phát từ một thái độ của bản ngã muốn được thay đổi chiều hướng mà thôi.
Nhẫn nại là thái độ sáng suốt của bậc trí đón nhận mọi sự đến đi một cách trầm tĩnh, khi thấy rằng đó là sự vận hành tự nhiên và chính xác của luật tác dụng hỗ tương, tùy thuộc lẫn nhau. Nghĩa là mọi sự sinh diệt trong đời sống chúng ta đều có liên quan với nhau trong chuỗi vận hành nhân quả. Nếu bạn chưa thông hiểu được chuỗi vận hành này mà tự ý can thiệp vào một cách chủ quan thì chính là bạn tự hại mình.
Không có gì sinh khởi mà không có nguyên nhân. Có trái xoài vì có cây xoài, có cây xoài vì có hạt xoài v.v... Bạn tách rời hiện tại ra khỏi chuỗi nhân quả của nó rồi gán vào đó những quan niệm chủ quan của mình hoặc những nguyên nhân chủ trương bởi các tôn giáo hay triết thuyết, như thuyết ngẫu nhiên, định mệnh, duy thần, duy vật, duy tâm hay Tạo Hóa v.v... Thế là bạn không cần kiên nhẫn chiêm nghiệm, học hỏi hoặc lắng nghe trực tiếp bản chất của thực tại ngay đây và bây giờ. Bạn đã quen đánh giá, phê phán và dễ dàng kết luận theo những công thức đã có sẵn, những kiến thức vay mượn, hoặc những giáo điều người xưa truyền lại. Nhưng chân lý chỉ có trong thực tại sống động, không ở trong những quan niệm hay lý thuyết cổ xưa hay hiện đại nào.
Thoạt nhìn chúng ta tưởng những người nhẫn nhục phải cam chịu quá nhiều thiệt thòi vì sự dại khờ và khiếp nhược của họ, nhưng thực ra đó chính là những người khôn ngoan, dũng cảm và hạnh phúc nhất trên đời, vì họ đã có đủ khả năng biến khổ đau thành niềm an lạc, điều mà kẻ khiếp nhược, dại khờ hay kiêu ngạo không thể nào làm được.
*
Không ai thích khó khăn, gian khổ, đơn giản chỉ vì những điều này rất khó chịu. Nhưng như bạn đã biết, không phải tất cả những gì khó chịu đều vô ích hay có hại. Thực ra, phần lớn khổ đau giúp bạn thăng hoa rất nhiều phương diện nếu bạn biết kiên nhẫn lắng nghe, học hỏi và chiêm nghiệm kỹ càng. Muốn biết vàng ròng phải cần thử lửa, cũng như muốn vượt qua những thử thách gian khổ để hoàn thành bài học giác ngộ của mình thì trước hết bạn phải có lòng nhẫn nại.
Trích: Sống trong thực tại
Tác giả: Viên Minh
Đức Phật nói rằng bậc giác ngộ là người đã xa lìa phiền não. Điều đó không có nghĩa là họ chạy trốn phiền não. Họ chẳng bao giờ làm như thế cả. Phiền não vẫn nằm đấy. Đức Phật so sánh điều này với lá sen trong hồ nước. Lá sen và nước cùng có mặt. Lá và nước tiếp xúc với nhau nhưng lá không ướt. Nưóc có thể ví như phiền não và lá sen là tâm giải thoát. Tâm của người hành thiền thì không chạy đây đó. Nó nằm yên tại một chỗ. Khi tốt và xấu, hạnh phúc và đau khổ đến, người hành thiền chỉ đơn thuần nhận biết mà không để chúng thấm ướt tâm. Nói cách khác người hành thiền không dính mắc vào cái gì cả.
***
Cố gắng chấm dứt đau khổ mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân của đau khổ thì chẳng khác nào cố gắng kéo một đầu dây thừng, trong khi đầu kia thì bị cột chặt vào một nơi nào đó. Bạn kéo đầu dây này trong khi đầu dây kia bị dính chặt thì sẽ không thể nào kéo được sợi dây. Muốn kéo sợi dây, bạn phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao bạn không rút được sợi dây, chắc chắn là đầu dây kia bị mắc kẹt ở đâu đó nên không thể kéo ra được. Khi đến ngay chỗ đầu dây đó, bạn sẽ thấy đực sự thật. À! Té ra có một gút thắt ở đây. Bạn mở gút thắt ra và rút được sợi dây dễ dàng.