Chấm dứt mọi tạo tác, thì ngay đó là Niết-bàn



Người thức ngộ không còn đi tìm Niết-bàn nữa mà chỉ cần buông cái ta ảo tưởng xuống, chấm dứt mọi tạo tác, thì ngay đó là Niết-bàn, pháp vốn đã hoàn hảo không một tỳ vết.


Câu hỏi: Thưa thầy, con vừa học xong khoá thiền Minh Sát (10 ngày) do thầy Goenka dạy. Sau khi về nhà mỗi tối con thiền 1 tiếng, đến nay đã được 3 tuần. Trong đầu con lúc nào cũng có cảm giác như lúc đang thiền (mạch đập, căng kéo, và nhiều cảm giác mạnh khác). Những lúc con tập trung làm việc gì đó (định), cảm giác ấy càng mạnh. Con xin thầy giải thích giùm. Điều đó có bình thường hay không? Khi nào con mới hết cảm giác khó chịu này?

Trả lời:

Có thể là do con hành quá tích cực chăng? Sợi dây đàn kéo căng quá thì sẽ phát ra âm thanh khô cứng. Toàn bộ giáo pháp của đức Phật có thể gói gọn trong một chữ BUÔNG mà Ngài thường dạy là: "Nhất hướng, xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết-bàn". Thầy tặng con bài kệ:

Trong ngoài lặng lẽ chẳng vin đâu
Sáng suốt hồn nhiên khỏi vọng cầu
Buông hết một phen đừng luyến tiếc
Con ơi, ngay đó thấy đạo mầu.


                                   
                               


Hỏi: Con nghe nói muốn giác ngộ giải thoát phải tích lũy công đức, có phải là bằng cách thực hiện 10 pháp Ba-la-mật thầy vừa giảng không?

Trả lời:

- Mười pháp Ba-la-mật đúng là pháp giác ngộ giải thoát, nhưng không phải là tích lũy công đức. Tích lũy công đức là hướng củng cố ngã và ngã sở, làm sao giác ngộ giải thoát được. Trái lại, Ba-la-mật là buông xả mọi ràng buộc của ngã và ngã sở nên gọi là giải thoát đến bờ kia. Như vậy, tích lũy công đức hoàn toàn trái ngược với Ba-la-mật. Giác ngộ giải thoát không có công lao gì cả. Giống như một người cai nghiện ma túy, chỉ cố gắng bỏ thoát khỏi cái khổ bị ràng buộc trong đó chứ có tích lũy công đức gì đâu. Muốn giác ngộ giải thoát thì phải xả ly chứ không tích lũy. Xả ly là cốt lõi của Ba-la-mật. Vì vậy, đức Phật xác nhận giáo pháp của Ngài chỉ có một hướng duy nhất là: “Xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”. 


                           
                                                                    
                           
 Hỏi: Con đọc những câu chuyện tiền thân của Phật thấy Bồ-tát thực hành những hạnh Ba-la-mật rất khó làm. Con nghĩ đó là những công đức rất lớn sao gọi là không có công đức?

Trả lời:
- Bản ngã luôn muốn lập công để khẳng định mình và cho rằng mỗi hành động thiện của mình là một công đức. Vì thế mà không thể nào giác ngộ giải thoát được. Đức Phật dạy Ba-la-mật chính là để buông bỏ cái bản ngã ảo tưởng đó. Bồ-tát có nghĩa là người thể hiện trí tuệ trong đời sống vô ngã vị tha, để loại trừ bản ngã, chứ không phải để lập công bồi đức. Tích lũy công đức là quan niệm hữu vi tạo tác của tiểu ngã muốn trở thành đại ngã của Bà-la-môn giáo chứ không phải Phật giáo.


                                   



 Đức Phật đã dạy: “Tất cả pháp đều vô ngã” thì làm gì có cái ngã để mà hoàn thiện!
Chính vì tiên liệu được quan niệm sai lầm này mà đức Phật đã dạy, giống như cái kim của hạt lúa mạch, nếu cầm không đúng hướng không thể đâm thủng ngón tay, cũng vậy, Giáo Pháp Như Lai không sử dụng đúng hướng sẽ không đâm thủng vô minh ái dục. Và để chúng ta hiểu rõ hơn nữa Ngài nhấn mạnh rằng Giáo pháp của Như Lai là: “Nhất hướng xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết-bàn”. Khi nói đến Niết-bàn Ngài tiên đoán thế nào về sau nhiều người sẽ dựng lên một Niết-bàn lý tưởng cho bản ngã tham sân si hướng đến, nên Ngài đã định nghĩa Niết-bàn là “Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tân si” để ngăn chặn người sau biến vô ngã của Phật giáo thành đại ngã của đạo Bà-la-môn. Tuy vậy, đức Phật biết rất rõ là khó mà ngăn chặn được tham vọng cầu toàn của bản ngã, nên một lần nữa Ngài lấy hướng tu của mình để minh họa cho hướng giác ngộ giải thoát đích thực, Ngài nói: “Không bước tới không dừng lại, Như Lai thoát khỏi bộc lưu”. Đó chính là hướng tu vô ngã, vì chỉ có bản ngã mới mong cầu sự hoàn thiện ở tương lai (bước tới) hoặc đắm chìm trong quá khứ và hiện tại (dừng lại). Đơn giản là bản ngã không biết rằng nó chỉ là ảo tưởng lăng xăng tìm cách bành trướng chính mình. Bao lâu chưa thấy ra sự hoàn thiện của pháp, bản ngã còn muốn trở thành tình trạng tốt đẹp hơn cho riêng mình, nhưng chính ý muốn đó cũng là một ảo tưởng, là tham ái đưa đến luân hồi sinh tử phiền não khổ đau mà thôi.

Ngay sau khi giác ngộ đức Phật đã thốt lên lời cảm hứng:

Anekajāti samsāraṃ
Sandhāvissaṃ anibbisaṃ
Gahakārakaṃ gavesanto
Dukkā jāti punappunaṃ.
(Dhammapada 153)

Trải bao kiếp luân hồi
Mãi tìm không gặp được
Người thợ làm ngôi nhà
Khổ sinh, sinh lại khổ!


Người thức ngộ không còn đi tìm Niết-bàn nữa mà chỉ cần buông cái ta ảo tưởng xuống, chấm dứt mọi tạo tác, thì ngay đó là Niết-bàn, pháp vốn đã hoàn hảo không một tỳ vết.

Gahakāraka diṭṭho’si
Puna gahaṃ na kāhasi
Sabbā te phāsukā bhaggā
Gahakūtaṃ visaṅkhitam
Visaṅkhāragataṃ cittaṃ
Taṅhānaṃ khayaṃ ajjhagā
. (Dhammapada 154)

Thấy rồi! thợ làm nhà!
Thôi đừng làm nhà nữa
Mọi cột kèo rã tan
Rui, mè đều gãy đổ
Tâm tạo tác không còn
Đạt đến tham ái tận
(= Niết-bàn).

Trích: Sống trong thực tại