Tánh Biết


Tánh biết của tâm vốn rỗng lặng trong sáng, tức là sẵn có định tuệ đầy đủ, tự nhiên.
Nhưng khi bạn không chịu buông tư kiến tư dục của cái ta ảo tưởng xuống để cho định tuệ tự lặng lẽ chiếu soi một cách độc lập, mà chỉ nương tựa vào mớ kiến thức ngoại lai thủ đắc được vì mục tiêu chủ quan của lòng tham vọng, thì bạn đã vô tình quên đi tánh biết trong sáng hồn nhiên nơi chính mình! Từ đó bạn nỗ lực tìm kiếm, say mê tích lũy sở tri và sở đắc mà bạn hằng ước mong đạt được! Để rồi chính những sở tri sở đắc có được từ tư kiến, tư dục của cái ta ảo tưởng đó đã làm phân tán sự trực nhận trọn vẹn của trí tuệ tỉnh giác trong tánh biết tự nhiên...



....Tánh biết vốn có sẵn tuệ giác trong sáng tự nhiên. Khi tâm buông xả, rỗng lặng, không bị lý trí vọng thức che ám thì tánh biết liền tự chiếu sáng, đó chính là trí tuệ tỉnh giác. Nhưng khi bạn cố tình tìm cách rèn luyện để sở hữu tuệ giác thì nó lập tức biến mất.
... Ngay khi tâm buông xả, vô sự, thì tánh biết rỗng lặng trong sáng tự phát huy trí tuệ tỉnh giác để soi sáng thực tại, chứ tuệ giác không do nỗ lực của bản ngã tạo nên. Vì vậy, rốt ráo mà nói, chỉ có tinh tấn chánh niệm tỉnh giác mà không có người tinh tấn chánh niệm tỉnh giác.


(Trích "Sống trong thực tại" chương 3)



Như hư không rỗng lặng
Vô ngại và viên dung
Tánh biết thấy vạn pháp
Vô thỉ đến vô chung.


Viên Minh





HỎI ĐÁP VỀ TÁNH BIẾT


1. Thể Tánh và Tướng Dụng của Tâm

u hỏi:


Kính Thầy! Tánh 
Biết của Tâm vốn là thanh tịnh trong sáng thì tại sao lại khởi sinh vô minh ái dục để có luân hồi sinh tử?

Trả lời:

Tâm có 2 phương diện: thể tánh và tướng dụng. Thể tánh của tâm hay gọi là Tánh Biết vốn thanh tịnh trong sáng mà đức Phật gọi là Pabhassara Citta. Nhưng tâm thể tánh có thể duyên xúc với 6 trần bên ngoài qua 6 căn mà thành 6 thức - gồm 121 tâm tướng dụng, hay gọi là Tướng Biết cho gọn. Trong 121 tướng biết có 2 loại, một là tướng biết thế gian (tâm hiệp thế) và hai là tướng biết xuất thế (tâm siêu thế). Tướng biết thế gian hình thành do tích tập khái niệm, kinh nghiệm và kiến thức (qua ngũ uẩn) mà tạo ra ảo tưởng "ta" và "của ta" đối lập với "không phải ta" và "không phải của ta" rồi vọng động tạo tác mà hướng ra luân hồi sinh tử. Tướng biết siêu thế thì thấy được tâm tướng thế gian là vô thường, khổ não và chấp ngã nên xả ly, ly tham, đoạn diệt mà trở về với thể tánh của tâm vốn là an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Thực ra, khi giác ngộ thì thấy thể tánh và tướng dụng của tâm tức Tánh Biết và Tướng Biết vốn đều hoàn hảo, nhưng do trong tướng biết sinh ra ảo tưởng "ta", "của ta" và xem tánh biết là "tự ngã của ta" mà tạo thành thế giới huyễn hoá nhưng thực ra chỉ có cái ngã ảo tưởng tự chuốc lấy luân hồi sinh tử mà thôi. Giống như Dịch Lý, Thái Cực vốn có thể tánh là thanh tịnh nhưng tướng dụng thì có thể sinh ra thiên địa vạn vật. Nếu mỗi hiện tượng trong trời đất tự khoác cho mình một bản ngã thì liền rơi vào luân hồi sinh tử, còn nếu ở trong hiện tượng mà vẫn không tách rời thái cực thì vẫn là một pháp hoàn hảo trong sự hoàn hảo của đất trời. Tóm lại, tâm vốn thanh tịnh trong sáng, chỉ có cái ta ảo tưởng mới thấy luân hồi sinh tử mà thôi.


2. Thế nào là tánh biết của tâm và thế nào là cái biết của ý thức (biết bằng bộ não)?

Câu hỏi:

Kính thưa thầy, con là một Phật tử ở Cần Thơ. Hôm rồi con có đến chùa và đã gặp thầy, thật là duyên lành cho con! Trước đây con đã từng nghe những bài giảng của thầy trên web nhưng con chưa hiểu rõ thế nào là tánh biết của tâm và thế nào là cái biết của ý thức (biết bắng bộ não)? Còn thắc mắc thứ hai của con là bên Phật giáo Nguyên Thủy, khi một người đắc quả A-la-hán thì người ấy có tự biết hay không? Hay cần phải có vị thầy ấn chứng như bên thiền tông? Con cảm ơn thầy.

Trả lời:

1) Tánh biết của tâm (hay đặc tánh của tâm là biết) được biểu hiện qua 6 thức khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần, trongđó ý thức chỉ là một phần thôi. Tánh biết bao gồm cả tiềm thức, vô thức và hữu thức trong khi ý thức chỉ hoạt động với điều kiện hữu thức mà thôi.
2) Khi hành giả trải qua tiến trình tâm 4 Đạo, 4 Quả đều tự biết rất rõ trên phương diện thực tánh chân đế, nhưng không cần biết tên gọi là gì, còn tên gọi các bậc Thánh là do đức Phật chế định để dễ ấn chứng cho mức độ giácngộ của các đệ tử mà thôi, tên gọi chế định ấy hoàn toàn không quan trọng đối với sự chứng ngộ của hành giả. Tuy nhiên, người nào tự "ấn chứng" cho mình là thánh này thánh kia thì lại là quá phàm tục!


3. B
ản Chất của Tánh Biết

Câu hỏi:

Bạch thầy, tánh biết luôn có sẵn trong mỗi con người chúng ta, khi ta tham, sân, si, nếu chánh niệm ta biết ta tham, ta sân, ta si. Ngược lại, nếu ta chánh niệm ta vẫn biết ta không tham, không sân, không si. Vậy tánh biết về bản chất là gì? nó thuộc về tâm nào trong các loại tâm, muốn cho nó khỏe mạnh mình nên cho nó ăn thức ăn gì? Sao con rối quá. Mong thầy từ bi giảng cho con. Đội ơn Thầy!

Trả lời:


Tánh biết chính là bản chất của tâm, vì tâm có nghĩa là biết pháp, hay nói cách khác cụ thể hơn là danh biết sắc. Tánh biết không những có mặt trong tất cả tâm hữu thức mà còn bao gồm cả phần hoạt động của bhavanga - tiềm thức và vô thức. Vậy tất cả các loại tâm biểu hiện ra ngoài thuộc về tánh biết chứ không phải tánh biết thuộc về loạitâm nào. Cũng như tất cả các loại sóng đều thuộc tánh nước chứ không phải tánh nước thuộc về loại sóng nào.
Nhưng sao con lại muốn định nghĩa tánh biết là gì, trong khi mỗi ngày con vẫn dùng nó? Đừng quan tâm nó là gì, có hay không, mà đơn giản là chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì lập tức ngay đó tánh biết liền biết pháp hoàn toàn trung thực. Nhưng nếu con khởi lên ý muốn định danh tánh biết thì liền bị cái ta lý trí che lấp chẳng khác nào mây đen che vầng nhật nguyệt!

4. H
oạt động của Tánh Biết

Câu hỏi:

Thưa Thầy, vậy là con đã được gặp Thầy. Con thấy mình thật may mắn vì con có ba câu hỏi trong đầu định đến hỏi thầy nhưng con chưa cất tiếng hỏi thì Thầy đã ân cần trả lời cả ba câu hỏi đó ngay khi lần đầu gặp Thầy ở nhà chị Trang hai tối 24 và 25/5/2011. Rồi con được ngồi nghe Thầy giảng ở chùa Linh Thông và chùa Hòe Nhai nữa. Có lúc nghe Thầy giảng con thấy rất cảm động mặc dù từ Thầy chỉ toát ra những hành động và lời nói rất giản dị. Con chú ý thấy Thầy ho nhiều trong sáng nay và sáng qua. Con cũng chú ý thấy con tham lam muốn ngồi nghe Thầy giảng tất cả các buổi và muốn hỏi Thầy thật nhiều. Con chợt hiểu ra tham nghe Pháp cũng vẫn là tham. Vậy nên tối nay con chọn cách viết thư để lúc nào Thầy rảnh Thầy đọc những dòng này con viết để cảm ơn Thầy và xin Thầy tha thứ cho sự tham lam nghe Pháp của chúng con, đồng thời con xin Thầy hãy chú ý giữ sức khỏe. Thầy làm việc quá sức rồi. Con xin phép được cảm ơn Thầy vì tất cả những gì Thầy đã từ bi chỉ dạy cho chúng con trong những ngày Thầy tới Hà Nội.

Trả lời:


1) Thầy cũng rất hoan hỷ khi nghe con nói như vậy. Điều này chứng minh rằng tánh biết có cách biết mà ý thức không biết được. Ý thức cần có đối tượng, mà phần lớn đối tượng là cái đã biết (pháp trần), nên khi con chưa đặt câu hỏi làm sao thầy biết bằng ý thức được, thế mà tâm vẫn cảm nhận được tâm theo cách riêng của nó. Tánh biết có một tầm hoạt động rộng lớn vô cùng so với những gì nhãn thức, nhĩ thức... và ý thức có thể biết được một cách hữu hạn. Đó là lý do vì sao Lão Tử nói "Tri bất tri thượng" tức là biết mà không cần ý thức mới là biết tối thượng. Trong Phật giáo, tánh biết thể hiện qua rất nhiều mức độ nhận thức khác nhau: Liễu tri, tuệ tri, thắng tri, thức tri, tưởng tri, giác tri.
- Giác tri là cái biết mang tính bản năng sơ khởi của các giác quan tiếp xúc với đối tượng (xúc) và những cảm giác thu nhận được (thọ). Cái biết thực vật tuy rất đơn sơ nhưng cũng là dạng biết này..
- Tưởng tri là cái biết qua ý niệm, ý tượng hay khái niệm. (Lưu ý: tưởng tượng và hồi tưởng phát xuất từ tưởng tri nhưng đã bước qua lĩnh vực thức tri).
- Thức tri là cái biết qua kiến thức có được từ kinh nghiệm của 6 thức và từ những thông tin góp nhặt, vay mượn bên ngoài. Đây chính là hoạt động của lý trí chỉ hữu ích trong lĩnh vực tục đế (chân lý quy ước của thế gian).
- Thắng tri là cái biết qua một trình độ tâm thức cao hơn như thiền định, thần thông... Thắng tri đôi lúc được dùng theo nghĩa tuệ tri hoặc liễu tri, khi đó là thắng tri của bậc Thánh.
- Tuệ tri là khả năng nhận thức trực tiếp trung thực của tánh biết. Khi thận trọng, chú tâm, quan sát hoặc tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác đạt được đối tượng thực tánh pháp thì tánh biết thể hiện dưới dạng tuệ tri.
- Liễu tri là khả năng sáng suốt, định tĩnh, trong lành tự nhiên của tánh biết không còn bị ngăn ngại bởi cái ta tư tưởng nên hoàn toàn vô ngã vô vi. Đây là tánh biết thể hiện nơi các bậc Thánh.
2) Con phải khám phá ra sự khác biệt giữa nhu cầu học pháp với tâm tham pháp. Tham pháp là mong muốn sở hữu và tích lũy thêm số lượng kiến thức nhiều hơn, còn nhu cầu học pháp là mở rộng tầm nhìn để nhận thức sự thật đúng hơn, không bị giới hạn trong tư tưởng, quan niệm, kiến thức và kinh nghiệm hạn hẹp. Vậy nhu cầu học pháp là cần thiết chứ không phải là tham pháp.


Trích: Hỏi Đáp "TRUNG TÂM HỘ TÔNG"


 Biết

Vui thay lời Thầy dạy
Con như được tỏ tường
Tánh Biết thấy vạn pháp
Vi diệu đến khôn lường.

Tất cả giác, tưởng, thức,
Cùng thắng, tuệ, liễu tri
Thô thiển đến tinh vi
Đều nằm trong Tánh Biết.

Tánh Biết tự thấy pháp
Vô ngã và vô thường
Thấy cái ta ảo tưởng
Quỷ quyệt thật khó lường.

Chỉ tại tham, sân, si
Tạo luân hồi sanh tử
Vậy ngay nơi thực tánh
Thấy pháp tự đến đi...

Giác ngộ là thấy pháp
Thấy pháp tánh đang là
Thấy người thợ làm nhà
Tất cả nhờ Tánh Biết.


***


Tâm

Chân Tâm là Tánh Biết.
Không diệt cũng không sanh
Không trụ không bám víu
Để Pháp tự diệt sanh.

Tánh biết thấy vạn Pháp
Ngay thực tại đang là
Thấy người thợ làm nhà.
Xây ngôi nhà sanh tử.

Bản ngã Tham, Sân, Si
Kẻ lạ mặt trộm Pháp.
Tánh Biết rõ tất cả
Tùy thuận Pháp đến đi.

Tánh biết không phân biệt
Chân thật và lặng thầm
Không chọn lựa lấy bỏ.
Quả thật là Chân Tâm.


Như Tuệ


Nguồn: TRUNG TÂM HỘ TÔNG