"Chúng ta chỉ "thấy" với cái tâm phân biệt tốt/xấu, đầy thành kiến, suy tính cho nên đức Phật chỉ rõ là cần phải buông bỏ cái tâm đó thì mới thấy vạn pháp như thật được. Nhưng "buông bỏ" không có nghĩa là diệt chúng, hay dẹp bỏ chúng, mà có nghĩa là phải coi chúng như là những dữ kiện (data) để thấy "như thật". Khi tọa thiền là ngồi với cái Tâm bao gồm muôn pháp đó. Tọa thiền không phải là mong cầu đạt mục đích gì, chỉ biết ngồi (just sit) mà không bị phiền não vì bất cứ chuyện gì xảy ra. Cũng như khi có chim bay trong bầu trời thì bầu trời coi đó như thường, không có phiền não, bực tức.
“Khi tọa thiền dù có những ý nghĩ tự nhiên xuất hiện thì cũng vẫn biết, nhưng không chạy theo chúng là đủ, không cần cố công trừ diệt chúng. Còn nếu có ý định dẹp bỏ hoặc cố gắng để không có nghĩ gì hết, cũng như cố gắng để không có nghe thấy gì hết, là điều không thể được. Khi có những ý nghĩ tự chúng nổi,chỉ coi đó là những hoạt động của bộ óc, không có nghĩa gì hết, mặc kệ chúng."
(...)
Sư (Thiền sư Shunryu Suzuki), giải thích thêm về tánh đồng nhất giữa "một" và "tất cả". Người ta thường giải thích là "thực tại" (reality) chỉ là một.
"Có một cách khác để giải thích thực tại là dùng sự "khác biệt". Khác biệt là bình đẳng, mỗi sự vật đều có giá trị như nhau, vì chúng khác nhau. Người nam khác người nữ, người nam có giá trị của người nam, người nữ có giá trị của người nữ. Như vậy mỗi vật đều có giá trị bình đẳng và tuyệt đối. Vì mỗi vật khác nhau nên mỗi vật có giá trị cá biệt. Cái giá trị đó là tuyệt đối. Không thể nói là "núi" cao nên có giá trị hơn "sông", "sông" tuy thấp nhưng không phải kém giá trị. Núi cao nên nó là núi, nó có giá trị tuyệt đối; nước thấp chảy ở thung lũng nên nước là nước, nó cũng có giá trị tuyệt đối."
"Theo đạo Phật, bình đẳng tức là khác biệt, và khác biệt tức là bình đẳng. Thế thường cho rằng "khác biệt" là trái ngược với "bình đẳng", "một" là trái ngược với "tất cả". Nếu chỉ thấy như vậy là quá thiên về vật chất và phiếm diện."
"Nguồn" (source) là cái gì huyền diệu ngoài sự diễn tả, ngoài văn tự. “Nguồn” đó ngoài sự phân biệt hai bên, như đúng hay sai. Những điều mà ta suy nghĩ, quan niệm thì không phải cái Nguồn đó. Chỉ có đức Phật mới thấy được. Chỉ khi nào chúng ta tọa thiền mới thấy được. Tuy vậy dù chúng ta có hành trì hay không, dù có giác ngộ hay không, thì ngay cả trước khi giác ngộ chúng ta vẫn sẵn có cái Nguồn đó." Sư dùng danh từ "nguồn" là dịch từ câu: "linh nguyên minh kiểu khiết" trong bài tụng.
Sư giải thích về "sự" và "lý".
"Sự" là các pháp, không những là các vật mà chúng ta nhìn thấy được, mà kể cả những ý nghĩ trong tâm nữa.
"Đạo Phật không phân biệt những gì ở ngoài hoặc ở trong chúng ta. Chúng ta có thể nói hay cảm nhận là vật nào đó ngoài chúng ta, như vậy là không đúng với lẽ thật. Khi ta nói "Đây là dòng sông", thì dòng sông đã ở trong tâm ta. Khi ta nói: "Kia là dòng sông", nếu ta suy nghĩ kỹ thì ta sẽ thấy là "dòng sông" đó chỉ là ý nghĩ trong tâm ta. Vì vậy nên khi cho rằng có những sự vật ngoài ta thì đó là sự hiểu biết nông cạn, nhị nguyên, thô thiển về sự vật."
"Cái Nguồn chân thật, cũng được gọi là "lý", ở ngoài ngôn từ, nó thanh tịnh và không ô nhiễm. Khi ta muốn diễn tả nó, là ta đã đặt giới hạn và làm nó bị ô nhiễm rồi. Như Bát nhã tâm kinh có ghi: "vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp". Đó là "lý".
"Những gì mà ta nhận biết qua nhận thức là "sự" (Nhật: ji), những gì ngoài nhận thức mới là "lý" (Nhật:ri).
"Dù có nhận ra rằng: "tất cả là một" cũng chưa phải là đã giác ngộ. Người giác ngộ không gạt bỏ mọi pháp và không dính mắc các pháp, ngay cả cái pháp gọi là lẽ thật.
"Có tu tập thì mới kinh nghiệm được thế nào là Lý. Không phải chỉ có học hỏi mà biết được Lý. Có tu tập mới chứng được Lý, thấy được Lý. Nhưng theo thiền sư Thạch Đầu thì dù có tọa thiền và cho rằng đó là Lý hoặc cho rằng đã đạt được Lý, không phải lúc nào cũng đúng như vậy." (câu: Khế lý diệc phi ngộ)
"Người ta không hiểu được tại sao việc tọa thiền là cần thiết. Hồi xưa khi mới theo đạo, Dogēn (Đạo Nguyên, sơ tổ tông Tào Động Nhật) cũng đã đặt ra câu hỏi là nếu tất cả đều có Phật tánh thì tại sao phải tu tập. Dogēn đã thắc mắc vì không giải đáp được vấn đề đó bằng tri thức."
"Khi ta nói "Mỗi người đều có Phật tánh", họ cho rằng Phật tánh giống như viên kim cương ở trong tay áo. Nhưng Phật tánh không phải như vậy. Kim cương chỉ là Sự, không phải Lý. Chúng ta chỉ thấy Sự mà không thấy được Lý. Chúng ta nói về Tánh Không và nghĩ rằng mình đã hiểu được điều đó; nhưng dù cho chúng ta có giảng nghĩa rành mạch điều đó, thì cũng vẫn chỉ là Sự, chưa đạt được Lý. Tánh Không chỉ có thể chứng nghiệm được bằng tu tập."
"Chúng ta thường hỏi: "Thế nào là chánh pháp mà đức Phật đã dạy?" rồi ra sức tìm tòi để hiểu. Đó là sự sai lầm. Đó là còn chấp vào Sự. Phật pháp là vượt qua Sự, qua khỏi các tư duy, qua khỏi mọi vật. Cái sự thật mà chúng ta có thể hình dung hoặc suy luận được chỉ là Sự."
(...)
***
" Như vậy tất cả sự vật mà ta nhìn thấy và nghe thấy đều liên quan với nhau, và đồng thời chúng cũng hoàn toàn biệt lập và có giá trị riêng của nó. Cái giá trị riêng đó gọi là Lý. Lý là cái làm cho vật gì có ý nghĩa. Dù cho ta không giác ngộ, ta vẫn thấy là có giác ngộ. Giác ngộ đó gọi là Lý."
"Ta hiểu sự vật bằng hai bên: tối và sáng, và ta cho là vật này tốt hoặc xấu. Vật tự nó không có tốt hoặc xấu, chỉ là vì ta thấy và phân biệt cho nó là tốt hoặc xấu. Như trong chỗ tối thì ta không thấy gì để cho chúng là tốt hoặc xấu. Do nơi sáng nên có sự phân biệt nhị nguyên là tốt hay xấu."
"Các bạn có biết công án nổi tiếng này không? Có một ông tăng hỏi thầy, "Trời nóng quá, có cách gì thoát khỏi nóng không?" Ông thầy đáp, "Sao không đến nơi không nóng không lạnh?" Tăng hỏi tiếp, "Nơi nào không nóng cũng không lạnh?" Ông thầy đáp, "Khi lạnh thì hãy thành ông Phật lạnh. Khi nào nóng thì thành ông Phật nóng." Đừng nghĩ rằng nếu tu tập tọa thiền thì đạt được trạng thái không nóng, không lạnh hoặc không vui, không khổ. Các bạn có thể hỏi, "Nếu chúng tôi tọa thiền thì có thể đắc được trạng thái đó không?" Nếu là một ông thầy chân thực thì sẽ trả lời, "Khi các ông khổ thì các ông cứ khổ. Khi các ông vui thì các ông cứ vui." Cái vui sướng này không giống như những vui sướng thường tình, có một khác biệt là những người giác ngộ có thái độ tự tại, không bị xáo trộn dù vui hay khổ.
"Khi các bạn tọa thiền mà không có chút tâm mong cầu giác ngộ, hoặc mong cầu bất cứ điều gì thì đó mới là giác ngộ thực sự.
(...)
"Mắt, mũi, lưỡi, tai, nhãn thức, tỉ thức, thiệt thức và nhĩ thức đều là pháp, và mỗi pháp đều gốc từ tuyệt đối là Phật tánh. Khi nhìn vật gì, ta cần nhìn vượt khỏi cái tướng của chúng và biết được tại sao chúng hiện hữu. Bởi vì từ gốc mà chúng ta hiện hữu, vì từ Phật tánh tuyết đối mà chúng ta hiện hữu. Biết như vậy thì tất cả chỉ là một.
"Không có ý nghĩ nào về chứng đắc, không có ý nghĩ nào về việc tạo tác, không có ý nghĩ nào về tu tập nghiêm chỉnh, chỉ cần biết ngồi thiền, đó là pháp tu của chúng ta.
(...)
Lục tổ Huệ Năng có nói: "Đâu ngờ Tự tánh hay sanh muôn pháp", tất cả các pháp đều do "tự tánh" sanh ra, nên "tất cả là một". Cái "Một" này có nhiều tên khác nhau như chân như, Phật tánh, niết bàn, nhất thể, nhất tâm ... Thiền sư Hoàng Bá nói: "Chư Phật cùng tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, không có pháp riêng... Duy một tâm nầy tức là Phật. Phật cùng chúng sanh không riêng khác." (Truyền tâm pháp yếu- Thích thanh Từ).
Trong kinh "Văn Thù Sư Lợi nói về Cảnh giới bất tư nghị của Phật":
"Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa : - Bạch đức Thế tôn, tự tánh cảnh giới của Phật chính là tự tánh của các phiền não. Bạch Thế tôn! Nếu tự tánh cảnh giới của Phật khác với tự tánh của các phiền não thì đức Như Lai chẳng phải bình đẳng chánh gíác. Vì không khác cho nên đối với tất cả pháp bình đẳng chánh giác mới gọi là Như Lai.
Khế lý diệc phi ngộ
Nhiều thiền gia cho rằng khi thấy được chỗ "tất cả là một" này thì coi như đã đắc đạo, chỗ rốt ráo của Thiền tông,vì vậy nên cố gắng tu tập để thấy được Phật tánh, chân như ... bằng cách dẹp bỏ, trừ diệt những vọng tưởng, phiền não để cho Phật tánh hiển hiện. Nhưng Thạch đầu viết trong bài tụng: "Khế lý diệc phi ngộ", đạt được lý chưa phải là ngộ. Khi đã đạt được Lý rồi mà nếu chỉ biết trụ vào đó thôi, thì chưa hoàn tất việc tu hành.
(...)
Trong việc tu hành cần phải ứng dụng Tuyệt đối và Tương đối cùng với nhau. Không nên chỉ trụ vào một pháp này mà bỏ qua pháp kia. Như các vị bồ tát tuy đã thấy các pháp là "không" nhưng vẫn tinh tấn tu hành, không buông bỏ thế đế.
Các vị thiền sư cũng vậy, khi mới khởi công tu hành thì thấy "núi sông là núi sông" với tâm phân biệt đủ tình tiết, nhưng sau vài chục năm tu tập mới thấy "núi sông không phải là núi sông", vì thấy tánh không, tánh huyễn cũng như "nhất thể" của muôn pháp, nên coi như đã đạt được Lý. Nhưng sau một thời gian tu tập lâu dài hơn nữa lại thấy "núi sông là núi sông", nhưng cái thấy này khác hẳn cái thấy ban đầu, vì thấy rằng mọi pháp nó chỉ như vậy thôi, mà không bị dính chấp vào đó.
(***)
Thiền sư Shunryu Suzuki
Thiền sư Nhật Shunryu Suzuki (1904-1971) là đệ tử của thiền sư GyokujunSo-on. Sư đến Mỹ năm 1959, ngụ tại San Francisco và lập nên Trung tâm Thiền tại đó. Đến năm 1969 sư lập Thiền viện đầu tiên ở Mỹ tại Tassajara Springs, California. Sư giảng dạy theo tông Tào Động của Dōgen (Đạo Nguyên) (1200-1253) là sơ tổ tông Tào Động Nhật. Sư có trước tác cuốn "Zen Mind, Beginner's Mind" (Thiền tâm, Sơ tâm) rất nổi tiếng, đã bán được hơn một triệu cuốn.
Cuốn sách được giới thiệu sau đây là:"Branching streams flow in the darkness, Zen talks on the Sandōkai", gồm mười hai bài giảng của sư về bài tụng Sandōkai trong sáu tuần lễ của mùa hè 1970 tại Tassajara. Các thiền sinh đã thâu băng và viết lại thành cuốn sách đó. Tên cuốn sách được lấy từ câu: "Chi phái ám lưu chú" (Những dòng suối chảy trong bóng tối).
Tâm Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét