Trà Đạo ngày 13.08.2016 (Thập mục ngưu đồ - Vị ngọt và sự nguy hại)


Thập mục ngưu đồ

Hỏi: Thập mục ngưu đồ, có trong Kinh điển Nguyên thủy không? Xin Thầy giảng Thập mục ngưu đồ liên hệ trong tu tập.


- Thập mục ngưu đồ dùng để diễn tả tiến trình tu tập theo Thiền Tông. Có 2 loại Thập mục ngưu đồ: Thập mục ngưu đồ của Thiền Tông và Thập mục ngưu đồ của Đại Thừa.
Phật giáo Nguyên thủy không có Thập mục ngưu đồ. Chỉ có bài Kinh đức Phật dạy cách chăn bò so sánh với việc tu hành thôi. Thập mục ngưu đồ đại khái ví việc tu tập như việc chăn trâu qua quá trình như sau:

1. Tìm trâu có thể so sánh với niệm thân
2. Thấy dấu có thể so sánh với niệm thọ
3. Thấy trâu có thể so sánh với tuệ thấy danh sắc
4. Bắt trâu có thể so sánh với tuệ thấy tâm sinh
5. Chăn trâu có thể so sánh với tuệ thấy tâm sinh diệt
6. Cưỡi trâu về nhà có thể so sánh với tuệ thấy tâm diệt
7. Quên trâu còn người có thể so sánh với tri kiến tịnh
8. Người, trâu đều quên có thể so sánh với tuệ xả thứ 11
9. Trở về nguồn cội có thể so sánh với tuệ thấy Thánh đế
10. Thõng tay vào chợ có thể so sánh với trở về tục đế vô ngại.

Ưu điểm của Thập mục ngưu đồ là gợi ý một quá trình hành thiền như vậy để người tu biết trình tự hướng đi của mình mà tránh được những sai lầm trong tìm cầu sở đắc, nhưng cũng có nhược điểm là khiến người hành phải đi theo một đường lối nên bỏ mất tính sáng tạo và bất ngờ trong việc khám phá sự thật. Trình tự tu tập này đại khái cũng tương tự như sự thực chứng qua 16 tầng tuệ theo thiền Vipassanā Nguyên thuỷ. Nhưng thấy biết sự thật biến hóa vô cùng chứ không nhất thiết phải lập trình thấy như thế này, như thế kia…
Hồi xưa, Ngài Mahāsi có giảng 16 tầng tuệ nhưng người nào tới Tuệ nào Ngài nói đến Tuệ đó chứ không phổ biến. Rồi đệ tử Ngài ghi chép lại và viết ra thành sách bị Ngài quở trách, vì làm như vậy khiến hành giả tính toán đắc tuệ này tuệ kia theo lý trí mà cố gắng quá mức có thể đưa đến tẩu hoả nhập ma. Nên nói nguyên lý tu tập thôi còn để mọi người tự khám phá ra sự thật thì hay hơn là đưa ra lộ trình tu tập quá mực thước như vậy. Cho nên càng giải thích 10 tranh chăn trâu, càng phân tích 16 tầng tuệ càng khó thực hành một cách lặng lẽ, vô ngôn đầy bất ngờ và sáng tạo. Có khi luận giải thật hay nhưng chẳng thấy gì cả! Trong khi Đức Phật đơn giản hơn nhiều, Ngài dạy rất cụ thể như đang đi thì biết đi, đang ngồi biết ngồi, đang làm gì hay đang ở trong trạng thái nào đều biết rõ thân thọ tâm pháp như nó đang là...


Hỏi: Thưa Thầy trong kinh Phật giáo Nguyên thủy có nói thực hành chánh niệm như chăn trâu hoang phải không ạ?

- Có, trong Nikāya có Tiểu Kinh Người Chăn Bò (Cūla Gopālaka Sutta) và Đại Kinh Người Chăn Bò (Mahā Gopālaka Sutta), đức Phật ví dụ người biết cách tu hành giống như người biết cách chăn bò vậy. Tuy nhiên không hẳn cách diễn tả sự tu tập trong 2 bài Kinh Phật và 10 Tranh chăn trâu đã giống nhau, và tranh chăn trâu của Thiền Tông cũng rất khác với tranh cùng tên của Đại thừa.




Vị ngọt và sự nguy hại.
 
Hỏi: Bạch Thầy, một người tu hành tiến bộ là tất cả ham muốn sẽ giảm dần phải không ạ? Kể cả ham muốn bẩm sinh di truyền như ham muốn sắc dục nam nữ phải giảm mất không còn nữa thì mới đúng phải không ạ?

- Đúng, khi người tu thấy ra sự sinh diệt, vị ngọt và sự nguy hại của các pháp sẽ không còn ham muốn chấp trước bất kỳ điều gì ở đời. Giống như người nọ làm trong một hãng bánh thấy quá trình làm bánh không vệ sinh nên không bao giờ còn ham ăn bánh đó nữa.
Vì vô minh - không biết sự thật - nên mới sinh ái dục. Người thấy rõ sự sinh, sự diệt, vị ngọt, mối nguy hại của các pháp nên không còn tham đắm bất kỳ điều gì ở đời mới là Minh, tức không còn vô minh, không còn ái dục nữa. Ngược lại, vì vô minh mà muốn diệt ái dục thì cũng sai, vì không thấy sự thật thì diệt dục này sinh dục kia trong vòng Tam giới mà thôi, rồi cuối cùng cũng trở lại cái cũ nên mới gọi là luân hồi.
Thí dụ, một người chán cõi Dục Giới cố gắng hành thiền để lên cõi Sắc Giới, rồi thấy cõi Sắc Giới vẫn còn thấp, muốn lên cõi Vô Sắc Giới cho cao, đến cõi Vô Sắc Giới cuối cùng cũng chán lại muốn quay về Dục Giới… cứ thế luân hồi mãi trong Tam giới. Cho nên, nếu vô minh thì muốn diệt ái dục cũng là ái dục, điều này rất dễ nhầm lẫn. Nhiều người cố diệt tham sân si để mau giải thoát hoặc lập nguyện giải thoát ngay trong kiếp này vì sợ khổ, muốn được lạc thì cũng là vô minh ái dục thôi.
Phải thấy ra sự thật mới giác ngộ giải thoát được. Thấy ra rõ ràng là Minh, cũng như người thầy thuốc không loại bỏ vị thuốc nào (âm, dương, hàn, nhiệt, đắng, cay, ngọt, mặn v.v...) tùy thời tùy lúc mà sử dụng. Vị Thầy thuốc biết rõ tính chất của mỗi vị thuốc nên khi sử dụng mới không hại mình hại người. Còn người không biết cứ uống quá nhiều thuốc bổ thì chỉ rước hại mà thôi. Như vậy không phải là nỗ lực diệt tham sân si, mà phải thấy rõ chúng thì mới không còn bị chúng trói buộc nữa.
Có loại tham sân si ảo, có loại tham sân si do duyên sinh, có loại tham sân si trong thuộc tính tự nhiên của tâm. Vì vậy, chỉ cần thấy ra, loại ảo thấy ra thì tự hết, loại duyên sinh thì nhờ đó mà thấy ra duyên sinh duyên diệt của chúng, loại thuộc tính tự nhiên của tâm thì thấy ra để không diệt lầm, chứ không phải loại nào cũng diệt. Thí dụ như thấy sợi dây tưởng con rắn, vậy phải loại bỏ ảo tưởng hay loại bỏ sợi dây? Cho nên trong Phật Pháp có sở đoạn và phi sở đoạn tức là cái gì diệt được và cái gì không diệt được. Chứ không phải diệt hết sạch thành ra đoạn kiến. Cuối cùng, thấy ra là chính chứ không phải Diệt.

Hỏi: Xin Thầy giảng thêm về vị ngọt và sự nguy hại.
 
Sự hấp dẫn của vạn pháp là vị ngọt, nhưng có điều kỳ lạ, chính vị ngọt là động lực hấp dẫn chúng sinh đi tìm kiếm, khám phá và nhờ đó mà thấy ra toàn bộ sự thật gồm mặt trái của chúng. Mặt trái đó chính là sự nguy hại. Nhờ ham mê vị ngọt mới gặp phải sự nguy hại mà thấy ra. Khi thấy ra mới bắt đầu nhàm chán. Cuộc đời này là trường học tự nhiên mà mọi mặt đều có sự hấp dẫn của nó nên người ta mới chọn, theo sở thích khác nhau và học bài học khác nhau, nhưng nguyên lý chung là:
Ban đầu thấy sự hấp dẫn của vị ngọt như mùi thơm, vị ngon, tiếng hay, sắc đẹp, sự xúc chạm dịu dàng êm ái v.v... cho nên chạy theo vị ngọt để sở hữu cho bằng được, đến khi sở hữu được rồi thì mới thấy ra mặt hôi, dở, xấu, thô của chúng. Trong đời này bất kỳ pháp nào cũng đều có 2 mặt, như bàn tay mình đây cũng có mặt sấp, mặt ngửa. Ngạn ngữ có câu “không mề đay nào không có mặt trái” là vậy.
Do ảo tưởng về vị ngọt mà đi tìm kiếm, vô tình chính tham là động lực thúc đẩy đi tìm cầu mà đi vào con đường khám phá. Khi khám phá đụng phải sự thật thấy ra bên cạnh vị ngọt có sự nguy hại và rất nhiều mặt khác nhau của sự thật. Nói theo ngũ hành trong dịch lý, kim khắc mộc nhưng lại sinh thủy, tức là có mặt sinh thì cũng có mặt khắc. Thí dụ vị thầy thuốc giỏi phải thấy ra hai mặt lợi-hại, sinh-khác của các vị thuốc nếu không chữa bệnh sẽ không hiệu quả. Cũng vậy, giác ngộ là thấy ra hai mặt của cuộc sống chứ không phải bỏ mặt này lấy mặt kia như người ta thường nghĩ. Cho nên đức Phật dạy chánh biến tri là thấy ra sự sinh, sự diệt, vị ngọt, sự nguy hại và xuất ly đối với các pháp.
Tóm lại, cuộc đời là một chu trình hoàn hảo ở chỗ ban đầu nhờ sự hấp dẫn của vị ngọt khiến người ta đi tìm cầu để đạt được, nhưng khi thủ đắc được lại thấy ra rằng có sinh thì có diệt và cuối cùng khám phá được mặt nguy hại của nó nên không bị nó trói buộc nữa, đó là giác ngộ giải thoát.

Hỏi: Thưa Thầy, khi tu tập thay vì tâm trở nên vững vàng an lạc hơn thì con lại hay thấy rất khổ trước nhiều phiền não. Xin Thầy chỉ dạy con có cách nào để được vô ngại.

- Tu mà thấy ra khổ là đúng hướng. Cái sai là tu vì muốn được lạc. Khi tu mà ngày càng thấy ra vô thường, khổ, vô ngã mới đúng. Ví dụ một người lạc vào trong rừng thấy hướng nào cũng nguy hiểm, hướng thì toàn cọp beo, hướng thì toàn rắn rít, hướng thì sông sâu, vực thẳm, hướng thì vách núi cheo leo, hướng thì thấy cây cối, gai góc chằng chịt... đến khi thấy được hang động an toàn thì chỉ muốn ẩn núp trong đó, như vậy làm sao thoát khỏi khu rừng nguy hiểm. Nếu biết thận trọng chú tâm quan sát có thể tìm ra cách vượt qua được cọp beo, ra khỏi hang sâu vực thẳm, có thể vượt núi băng rừng mới hay. Cuộc đời vốn vô thường, khổ, vô ngã làm sao tìm được an lạc vĩnh hằng.

Trong mộng cầu vĩnh lạc
Chẳng thấy tướng khổ không
Càng chuốc thêm đắm trước
Biết bao giờ mới thông?

Đừng cố tìm an lạc trong mộng ảo, mà phải thấy ra mặt thật cay đắng não phiền của thế sự mới không dính mắc, bám víu, chấp thủ bất cứ điều gì ở đời. Đến khi thấy được không có gì để đạt, thì buông ra, ngay đó thấy Niết Bàn. Tu còn thấy mình đạt được này kia là còn sinh tử. Cho nên, càng sớm thấy cuộc đời nhiều nhiệt não càng mau giác ngộ giải thoát.

Tác giả: Viên Minh