Hạnh phúc chỉ có mặt trong thực tại

Đâu cần để làm gì
Tôi nhớ câu chuyện về thiền sư Đạo Nguyên. Một hôm, vị thầy của ngài Đạo Nguyên thấy ông đang ngồi học kinh, hỏi ông học kinh để làm gì. Đạo Nguyên đáp: “Dạ, con học vì muốn biết các vị tổ ngày xưa đã làm gì.” Vị thầy hỏi: “Chi vậy?” Đạo Nguyên đáp: “Vì con muốn được thoát khỏi khổ đau của cuộc sống.” Vị thầy lại hỏi: “Chi vậy?” “Vì con muốn cứu giúp mọi loài trong cuộc đời này, chúng sinh có nhiều khổ đau quá!” “Chi vậy?” Vị thầy hỏi tiếp. “Rồi một ngày nào đó con sẽ trở lại quê hương con, con muốn giúp dân làng của con.” Vị thầy lại hỏi: “Chi vậy?” Sau cùng, Đạo Nguyên câm lặng, ngài không còn gì để nói nữa hết.
    Bạn nghĩ sự thinh lặng của ngài Đạo Nguyên ấy là gì? Tôi nghĩ vị thầy đã giúp ngài trở về tiếp xúc lại với cái nguyên nhân sâu xa nhất của ông. Cái nguyên nhân ấy thật ra không có một lý do nào để diễn đạt hết, vì câu trả lời nào cũng đều sai sự thật. Ta chỉ có thể lặng yên để thấy ra thôi phải không bạn!
    Tôi không nghĩ ta có thể sống trong cuộc đời này mà hoàn toàn giải thoát được những khó khăn hoặc phiền não. Chúng ta có thể tin và nghĩ đó là mục tiêu của sự tu tập. Nhưng đôi khi chính quan niệm ấy lại mang đến cho chúng ta thêm những khổ đau không cần thiết. Chúng có thể dẫn đến một sự trốn tránh khổ đau hơn là thật sự cảm nhận và chuyển hóa nó.
    Và cũng vì vậy, tôi không thể nói rằng tôi tu tập là vì tôi muốn được hạnh phúc, được khoẻ mạnh. Vì tôi biết mình sẽ không thể nào khoẻ mạnh và hạnh phúc mãi. Khổ đau là khi ta tự đặt cho sự tu tập của mình một mục đích, một sự tìm cầu. An lạc là thái độ bao dung, trong sáng của ta đối với thực tại, chứ không phải kết quả của một sự thành đạt nào đó.
Hạnh phúc chỉ có mặt trong thực tại
Trên con đường nhỏ buổi trưa này, dấu tích của mùa Đông mấy tháng trước đã hoàn toàn nhạt phai. Cây cầu gỗ bắt ngang một con rạch nước nhỏ dẫn ra hồ, hai bên bờ cây lá um tùm. Có những ngày im gió, mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương. Tôi thấy mây trắng thong dong trôi trong lòng nước. Những lúc ấy, hạnh phúc là vậy và chỉ có thể là vậy thôi bạn nhỉ. Tôi thấy được đời sống của mây, nước, của những viên sỏi nhỏ dưới chân, của những chiếc lá vàng khô của mùa thu trước, bên bờ hồ sóng vỗ nhẹ.
    Có những lần sau một buổi đi dạo, trở về tôi thấy đời sống thật an ổn. Chắc nơi bạn ở cũng có một con đường nhỏ đẹp nào đó, có mây trắng, gió mát, nắng ấm và lá xanh. Một người bạn kể cho tôi nghe, có một lần chị lên núi cao vào buổi sáng thật sớm, chị bất ngờ được nhìn một mặt trời bình minh đỏ thật huy hoàng. Giữa một không gian thênh thang, trong giây phút ấy chỉ có một mình chị, trời và núi. Trở về với đời sống hằng ngày chị vẫn nhớ mãi cảm xúc đẹp ấy.
    Cuộc đời có những cái hay, cái đẹp chân thật cho dầu ta có mặt để chứng kiến hay không. Dầu bạn có đang mang một khổ đau nào đó, cuộc đời này vẫn có một thực chất an ổn và hạnh phúc. Vì nếu như những hạnh phúc mà ta đang có vẫn là chưa đủ, thì có tìm kiếm thêm bao nhiêu nữa cũng sẽ không bao giờ là đủ!
    Tôi nghĩ, đôi khi mỗi người chúng ta cũng cần có một ngày cho riêng mình. Một ngày mà ta sẽ không cần phải lo gì đến ngày mai hoặc nghĩ về quá khứ. Một ngày mà ta không cần phải lo giải quyết hoặc tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề nào hết. Ta sẽ đi trong thiên nhiên, đến ngồi bên những chiếc ghế, xem lá đổi màu, lắng nghe hoa nở, nếm mây bay trong tách cà phê… Và chỉ có ta mới cho ta được ngày ấy thôi. Bạn biết không, gia đình, bạn bè, công việc... chắc chắn cũng sẽ vẫn còn đó, đứng vững, tồn tại mà không cần ta.
Hạnh phúc của một sơ tâm
Những ngày ta có thể nhìn lại hiện hữu chung quanh mình bằng một con mắt mới. Thiền sư Shunryu Suzuki có nói đến một sơ tâm, tức cái bản tâm của một người mới bắt đầu, nó giúp ta kinh nghiệm được mỗi giây phút như là mới tinh. Bạn biết không, cái thấy của ta bắt đầu trở nên giới hạn khi ta không còn thấy cuộc sống này, những gì đang xảy ra chung quanh mình, là kỳ diệu nữa. Tôi nghĩ có lẽ đâu đó trong sự tu tập, cái sơ tâm ngày nào của ta đã bị phai mờ.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét