Diễn biến của vòng luân hồi sinh tử ở trong Thập nhị nhân duyên

Thập nhị nhân duyên là mười hai điều kiện tùy thuộc vào nhau mà sinh và cũng tùy thuộc vào nhau mà diệt, có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia. Cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.
Trong Tứ Diệu Đế, thập nhị nhân duyên sinh chính là tập đế, khổ đế. Thập nhị nhân duyên diệt chính là đạo đế, diệt đế. Vậy Thập nhị nhân duyên chỉ là cách nói khác của Tứ Diệu Đế, chứ không phải như người ta thường hiểu lầm Tứ diệu đế là pháp môn tu của Thanh Văn và Thập nhị nhân duyên là pháp môn tu của Duyên Giác. Chỉ vì trùng nhau chữ duyên mà người ta liên tưởng một cách sai lầm. Trên thực tế, Phật Thanh văn, Duyên giác hay Toàn giác cũng đều phải giác ngộ Tứ Diệu Đế mà trong đó đã bao hàm mười hai nhân duyên sinh và diệt.

Có hai cách hiểu thập nhị nhân duyên sinh:
- Một là hiểu như vòng luân hồi sinh tử  trong ba đời  (kiếp sống) quá khứ, hiện tại, vị lai.
- Hai là hiểu như tiến trình tâm-sinh-vật lý được điều động bởi vô minh, ái dục trong ba thời (thời gian) quá khứ, hiện tại, vị lai.
  Bây giờ chúng ta sẽ lần lượt trình bày hai ý nghĩa trên của Thập nhị nhân duyên:
Trước tiên Thập nhị nhân duyên mô tả diễn biến của vòng luân hồi sinh tử trong ba đời:
Trong những kiếp quá khứ, do vô minh tức thiếu sáng suốt, không thấy sự tht, chúng ta đã tạo các hành tức hạnh nghiệp, rồi thác sinh vào những cảnh giới tương ứng trong hiện tại. Kiếp sống quá khứ chấm dứt với tử tâm (cuti).
Sau đó thức tái sanh, tức là kiết sinh thức (paṭisandhi-viññāṇa) khởi lên nối liền với kiếp sống hiện tại.
Thức này còn gọi là hương ấm thuộc về danh (tâm), kết hợp với tinh cha huyết mẹ thuộc về sắc (thân), tạo thành sự sống của cái phôi gồm đủ hai yếu tố danh và sắc nên gọi là danh sắc.
Dần dần cái phôi lớn lên, sắc hình thành mắt, tai, mũi, lưỡi, thân gọi là ngũ căn, và danh hình thành từ thức gọi là ý căn. Năm căn hoà hợp với ý căn tạo thành tác dụng của lục nhập, tức là sáu cơ quan tiếp nhận đối tượng của chúng.
Khi hình thành một thai nhi đủ điều kiện ra khỏi bụng mẹ, hài nhi ra đời và lục căn bắt đầu tiếp xúcvới lục trần. Tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Sự tiếp xúc giữa căn trần vừa xảy ra thì liền có thọ, tức là những cảm giác khổ, lạc, xả, hỷ và ưu. Nói đến xúc tức là đã bao hàm các thức, vì vậy ở đây:
-    Nhãn thức thọ xả.
-    Nhĩ thức thọ xả.
-    Tỷ thức thọ xả.
-    Thiệt thức thọ xả.
-    Thân thức thọ khổ và lạc.
-    Ý thức thọ hỷ, ưu và xả.
Đã có khổ, lạc, xả, hỷ… thì liền có ưa, ghét khởi lên. Đó là ái. Ở đây ái chính là dục ái, hữu ái, phi hữu ái (đến đây mới có ưu) hoặc dục ái, sắc ái, vô sắc ái như chúng ta đã nói trước đây.
           Khi đã có ưa, ghét (ái) thì ưa sinh đam mê, ghét sinh hiềm hận. Sự nắm giữ, duy trì ái như vậy gọi là thủ. Nói rõ hơn, thủ có 4 loại:
          - Dục thủ là nắm bắt lục dục.
          - Kiến thủ là chấp giữ quan niệm.
          - Giới cấm thủ là chấp giữ hình thức, nghi lễ.
          - Ngã luận thủ là chấp giữ quan niệm bản ngã, linh hồn.
          Do chấp thủ tư kiến, tư dục, hình thức và bản ngã mà chúng ta tạo nghiệp. Đó chính là hữu. Hữu tức là tạo tác để trở thành (bhava, becoming), có nghĩa là tạo nghiệp bất thiện, thiện và bất động.
          Ái có dục ái, sắc ái, vô sắc ái nên hữu (nghiệp) cũng có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu, nghĩa là tạo nghiệp để tái sinh trong tương lai ở ba cõi sáu đường.
            - Nghiệp bất thiện thì tương lai tái sinh trong bốn đường khổ: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, a-tu-la.
            - Nghiệp vừa thiện vừa bất thiện thì tương lai tái sinh vào cõi người.
            - Nghiệp thiện thì tương lai tái sinh trong các cõi trời dục giới như Tứ đại thiên vương, Đao lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Hoá lạc thiên, Tha hoá tự tại thiên.
            - Nghiệp bất động thì tương lai tái sinh trong các cõi sắc giới, vô sắc giới, tuỳ theo khả năng thiền định của mỗi người.
          Khi đã tái sinh thì lại tạo nghiệp và đưa đến lão tử (già chết), cứ thế sinh sinh tử tử trong vòng luân hồi lẩn quẩn triền miên.
          Tóm lại, từ vô minh đến ái dục, từ tạo nghiệp đến gặt quả, từ tái sinh đến già chết, đó là những gì được mô tả rõ ràng qua các yếu tố điều kiện phát sinh trong vòng luân hồi của thập nhị nhân duyên.
          (Có người hỏi:)
           - Nếu Thập nhị nhân duyên được dùng giải thích vòng luân hồi tái sinh thì có phải chăng vô minh chính là khởi thủy hay nguyên nhân đầu tiên của chúng sinh? Thập nhị nhân duyên có phải là vũ trụ quan hoặc nhân sinh quan Phật giáo không?
           - Vô minh là nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân đầu tiên của luân hồi sinh tử, vì là điều kiện phát sinh nên vô minh vừa là nguyên nhân của vòng sinh tử sau, vừa là kết quả của vòng sinh tử trước, nghĩa là vô minh cũng do nhân duyên phát sinh, không nên hiểu vô minh như là nguyên nhân đầu tiên hay khởi thỉ tạo hoá.
        Cũng đừng gán cho thập nhị nhân duyên nhãn hiệu vũ trụ quan hay nhân sinh quan gì cả. Thập nhị nhân duyên chỉ mô tả trình tự duyên khởi của sự kiện diễn tiến tâm-sinh-vật lý mà thôi. Đức Phật chỉ mô tả sự thật mà Ngài đã giác ngộ chứ không chủ trương một quan niệm có tính hệ thống tư tưởng hay triết luận, cũng không nhằm phân tích sự kiện như một đối tượng của khoa học. Vì cả hai triết học và khoa học đều sử dụng lý trí trên đối tượng giả định còn Đức Phật sử dụng tuệ giác trên đối tượng thực kiện, một bên để thỏa mãn tri thức hoặc ứng dụng còn một bên là giải quyết luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau. Chúng ta nên lưu ý điều nầy, đừng để Đạo Phật bị đồng hóa với khoa học và triết học vì một số phương diện giống nhau nào đó.
        Trở lại vấn đề, có lẽ chúng ta ai cũng có thể chấp nhận cách giải thích theo truyền thống như đã trình bày ở trên, nhưng bây giờ chúng ta thử tìm hiểu một ý nghĩa khác của Thập nhị nhân duyên, thực tế hơn, gần gũi hơn ngay trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
        Đức Phật dạy: “Thấy thập nhị nhân duyên tức thấy pháp, thấy pháp tức là thấy Như Lai”. Chúng ta cũng đã biết pháp là thiết thực hiện tại hay thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian, tự mình chứng nghiệm từ bên trong.
          Nếu thấy được thập nhị nhân duyên sinh thì chúng ta cũng có thể thấy thập nhị nhân duyên diệt. Như vậy ngay trong hiện tại chúng ta có thể giác ngộ ra sự thật duyên khởi này, và nhờ đó có thể chấm dứt vòng luân hồi sinh tử ngay tại đây và bây giờ vì pháp là thiết thực hiện tại, vượt khỏi thời gian, có phải vậy không? Ngày xưa, ngay khi Đức Phật thuyết về thập nhị nhân duyên, có rất nhiều vị giác ngộ ngay lập tức và chấm dứt hoàn toàn vòng luân hồi sinh tử.
          Nếu chúng ta có thể chuyển hóa tiến trình tâm hay chiếu phá ngũ uẩn (bị chấp là bản ngã) ngay bây giờ, thì chính là chúng ta đã chấm dứt vòng duyên khởi tái sinh.
          Thập nhị nhân duyên chỉ là một cách triển khai khác rộng rãi và chi tiết hơn về ngũ uẩn hay tiến trình tâm mà thôi.  
***
... Thập nhị nhân duyên sinh chỉ là tiến trình tâm trong tam giới (lokiya). Vì tốc hành tâm (javana) có hai loại: tốc hành tâm siêu thế (lokuttarajavana) và tốc hành tâm hiệp thế trong tam giới(lokiyajavana). Ái, thủ, hữu chính là tốc hành tâm trong tam giới. Đạo Tuệ và Quả Tuệ mới là tốc hành tâm siêu thế. Thánh Tuệ tức là Minh, khi Minh soi chiếu thì vô minh diệt và toàn bộ thập nhị nhân duyên diệt.
Vậy thế nào là thập nhị nhân duyên diệt?
Giả sử chúng ta đang ngồi đây hay đi lui đi tới như thế này trong tình trạng hoàn toàn tỉnh thức, hoàn toàn sáng suốt, không mê muội, và hoàn toàn tĩnh tại, nghĩa là không bị vô minh và hành chi phối. Nếu bây giờ có một đối tượng khởi sinh, chẳng hạn như tai nghe một âm thanh hay mắt thấy một hình sắc, nhờ ở trong trình trạng tự chủ, ổn định (tịnh) và sáng suốt, tỉnh thức (minh) nên thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ đều được soi sáng trong định tuệ. Khi cảm giác và tri giác trong sáng, chính xác, không bị ảo giác, ảo tưởng xen vào thì hành động sẽ không bị chi phối bởi ái, thủ, hữu nữa, và vì vậy sẽ không còn nhân tạo tác sinh - lão - tử trong tương lai, nghĩa là toàn bộ chuỗi sinh tử hay vòng luân hồi chấm dứt.
Vậy thập nhị nhân duyên diệt vừa có nghĩa là chấm dứt vòng luân hồi sinh tử trong ba đời,mà cũng có nghĩa là chấm dứt sinh tử luân hồi ngay khi sự sống đang vận hành, vì luân hồi sinh tử chỉ là ảo ảnh đối với sự sống đích thực. Nói cho dễ hiểu là ngay khi chúng ta đang nói năng, hành động, suy nghĩ mà vẫn hoàn toàn sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì chúng ta đang thoát khỏi sự trói buộc của vòng sinh tử luân hồi do vô minh ái dục sinh sử.
Thập nhị nhân duyên diệt, chấm dứt luân hồi sinh tử là cách nói khác của Niết-bàn. Nhưng trongHữu dư Niết-bàn thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức vẫn còn mà không tập thành uẩn, cũng vậy, tiến trình tâm và thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ trong hiện tại vẫn còn nhưng hành, ái, thủ, hữu, tốc hành tâm đều hoạt động dưới hình thức duy tác (kiriya), không còn tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Tác giả: Viên Minh