Hỏi Đáp: THIỀN 3 [THẦY VIÊN MINH]





SỐNG BIẾT MÌNH trong mọi HOẠT ĐỘNG....chính là ĐẠI ĐỊNH

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, cho con được hỏi về việc ngồi thiền ạ. Không hiểu sao con rất hay rơi vào hôn trầm trong lúc ngồi thiền. Con không thể bám vào đối tượng một cách liên tục. Con đã dùng các phương pháp mà không hiệu quả. Nhiều người nói con đếm hơi thở nhưng chỉ được một chút. Con cũng không biết có nên chọn một đối tượng chính không? Mong Thầy chỉ dạy cho con.

Trả lời:
Thế thì con ngồi thiền làm gì cho mệt. Sao con không đi thiền, làm thiền, ăn thiền, uống thiền, ngủ thiền v.v... thì hiệu quả sẽ tuyệt vời hơn biết bao. Định nhiều còn rơi vào trì trệ, tức là một loại hôn trầm vi tế hơn mà thôi, vậy thì con cố ngồi nhiều làm gì cho thêm trì trệ? Sống biết mình trong mọi hoạt động mà tâm vẫn rỗng lặng trong sáng đó mới chính là đại định.


THẤY MỘT PHÁP LÚC CHƯA SINH

Câu hỏi: Kính thưa Thầy, con nhớ trong một câu trả lời cho một Phật tử, thầy nói rằng, con người có thể nhận ra một pháp trước khi nó sinh khởi. Con cảm thấy thắc mắc câu nói này vì làm sao con người có thể cảm nhận được một Pháp chưa xảy ra? Con xin Thầy giải đáp nghi vấn này của coṇ Con xin cảm ơn Thầy.
Trả lời:
Đơn giản là con cứ làm rồi thấy chứ đừng suy luận theo ngôn ngữ, và ngay cả khi con sử dụng ngôn ngữ để lặp lại câu nói ấy cũng sai rồi. Thầy không nói "thấy một pháp trước khi nó sinh ra" mà chỉ nói "Thấy một pháp lúc chưa sinh". Con không phân biệt được "Thấy một pháp lúc chưa sinh" khác xa với "thấy một pháp trước khi nó sinh ra"hay sao? 
Ví dụ hôm kia con nổi sân với một người bạn, sân rồi con mới thấy; hôm qua con cũng nổi sân với bạn ấy nhưng sân mới khởi con liền thấy; hôm nay con cũng thấy người bạn ấy nhưng con thấy rõ tâm mình chưa khởi sân, như vậy là con thấy tâm lúc sân chưa sinh, chứ không phải như con hiểu là thấy sân trước khi sân sinh ra. Con nên cẩn thận, chỉ cần nói sai một ly là ý nghĩa hoàn toàn khác đấy. 

 SỐNG NHIỆT TÌNH TRỌN VẸN TỪNG GIÂY TỪNG PHÚT

Câu hỏi: Kính thưa Ôn, xin Ôn cho con được hỏi:
Con là một người xuất gia trẻ ở một ngôi chùa nổi tiếng, Ôn của con là một bậc tôn sư và con xuất gia bởi vì thấy đời sống này phù hợp với mình. Nhưng có những lúc con thấy đời sống này tẻ nhạt quá, một người tuổi xuân phơi phới, sự học hành, đường tương lai thênh thang... Nay vào chốn thiền môn mà tưởng như "Lầu Ngưng bích khóa xuân", suy nghĩ lại thì ra đời sự nguy hại cũng không lường hết được. Tất cả những suy nghĩ trên như là những đợt sóng nó cứ bất thường gợn lên trong tâm con. Xin Ôn cho đứa trẻ mới học đạo này lời khuyên. Kính cảm ơn Ôn! 

Trả lời:
Chung quy là con sợ khổ nên mới phân vân như vậy. Nhưng khổ một nỗi chính phân vân cũng đã là khổ rồi, phải không? Nói chung ở đâu cũng khổ cả, vậy thì con phân vân làm gì cho mệt. Ngày nào còn có duyên ở chùa con cứ sống thật nhiệt tình, thật trọn vẹn từng giây từng phút, rồi nếu mai kia con hết duyên, có ra đời thì cũng cứ sống nhiệt tình và trọn vẹn từng phút từng giây. Sống trọn vẹn với chính mình thì chí ít cũng không phải bị khổ vì phân vân do dự. 
Đừng quan tâm đến khổ hay vui trong cuộc sống, vì cuộc đời luôn có hai mặt, tìm vui thì cũng gặp khổ, chịu khổ rồi cũng được vui, khổ vui chỉ là tương đối. Dù con chọn đường nào thì khổ vui cũng thế. Nhưng khổ vui của cuộc đời lại là bài học quý giá giúp con giác ngộ. Vậy điều quan trọng là con có nhiệt tình học bài học giác ngộ của mình trên con đường mà con đang đi hay không mà thôi. Hãy đi với hết lòng mình để học ra bài học giác ngộ thì đường nào rồi cũng dẫn đến An Lạc Niết-bàn. 


Cứ để TÂM TỰ NHIÊN mà thấy thì TÁNH BIẾT TỰ BIẾT điều chỉnh

Câu hỏi: Kính bạch Thầy!
Con là một Phật tử. Từ trước đến nay con chưa bao giờ thử hành thiền lần nào. Con may mắn được nghe Pháp Thầy giảng trên mạng, và con thấy phương pháp thiền Thầy hướng dẫn thật tiện ích vì nó mọi lúc, mọi nơi. 
Thầy ơi, khi con ngồi đọc sách, tâm con tự nhiên thất niệm, khoảng một vài giây thì con sực tỉnh rồi ngắm (vẫn nhận biết là nhìn nhưng hơi mơ hồ, nhanh quá không thấy được sự sinh diệt của nó) cái suy nghĩ phóng dật đó. Rồi ngắm không biết đã trọn vẹn chưa thì nghe tiếng xe ở đâu đi qua, tâm con lại hướng qua tiếng xe đó. Nó cứ liên tục như thế bằng những đối tượng khác xung quanh, nhiều khi đọc cuốn sách có một đoạn mà mấy cũng không xong. Không biết cái tâm chụp bắt loạn xạ thế có đúng phương pháp không ạ? Đôi khi con nghĩ "cái nhìn ngắm đối tượng một cách tự nhiên" không phải dễ chút nào. Xin cho con một lời khuyên khi "sự nhìn ngắm đối tượng một cách tự nhiên" còn mập mờ ạ. 
Con cảm ơn Thầy. 

Trả lời:
Nếu con khởi tâm nhìn ngắm một pháp thì pháp đó trôi qua mất rồi, huống chi ngắm kỹ nữa thì khó mà thấy pháp như nó đang là được. Tánh biết thấy pháp là việc tự nhiên nên nó không cần dụng ý dụng công, chỉ có "người muốn biết" mới có dụng ý và phải dụng công. "Người muốn biết" chính là cái ta ảo tưởng, khi nó xen vào tánh biết thì cái biết trở nên chủ quan và trì trệ, khó thấy được pháp như nó đang là. 
Cứ để tâm tự nhiên mà thấy thì tánh biết tự biết điều chỉnh cái thấy cho thích nghi với mọi đối tượng của nó. Đừng cố gắng nhìn, nghe... để nắm bắt điều gì vì lúc đó khái niệm đã xen vào, mà khái niệm đi trước thì cái thấy bị trì trệ và không còn trung thực được nữa nên cái thấy không thể đồng nhất với pháp trên tính chất chỉ có duy nhất tại đây và bây giờ (thời, vị và tính) của nó. Tự nhiên, vô tâm (không trước ý) và giản dị là bí quyết mà cũng là phẩm chất của tánh biết đối với vạn pháp.

Tùy theo CĂN CƠ TRÌNH ĐỘ của mỗi người mà  THẬN TRỌNG, CHÚ TÂM, QUAN SÁT  thể hiện một cách HỮU NGÃ HAY VÔ NGÃ

Câu hỏi: Kính thưa Thầy,
Khi nói “thận trọng, chú tâm, quan sát”, vậy ai là người chú tâm, ai là người quan sát? Có sự tham dự của cái Tôi trong đó hay không? Hay có phải đó chỉ là “tánh biết” đứng ngoài bản ngã như một “nhân chứng” để nhận biết về thực tại đang là?
Kính Thầy.


Trả lời: Thận trọng, chú tâm, quan sát chính là giới, định, tuệ. Nếu là giới định tuệ tự tánh thì xuất phát từ tánh biết vô ngã. Nếu là giới định tuệ chế định thì vẫn còn ý thức hữu ngã. Vì vậy tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người mà thận trọng, chú tâm, quan sát thể hiện một cách hữu ngã hay vô ngã. Nếu thận trọng chú tâm quan sát với bản ngã thì chưa thấy được thực tánh, tuy nhiên nếu đúng mức thì bản ngã sẽ tự biến mất, lúc đó chỉ còn tánh biết thấy thực tánh pháp.


QUAN TRỌNG LÀ THẤY BIẾT ...VÀ THỰC CHỨNG ĐƯỢC SỰ THẬT

Câu hỏi: Kính thưa Thầy gần đây con thấy như thế này ạ:
Con phát hiện được rằng có một thứ nó nhìn thấy được ý niệm, nó thoát khỏi ý niệm, nó không bị chi phối bởi ý niệm, nó thấy biết tất cả. Nó chưa bao giờ bị mất đi chỉ là có nhận biết nó hay không mà thôi, nó đầy đủ, nó hoàn hảo. Vì nó là đầy đủ và hoàn hảo cho nên nó không còn hướng lực nào tới các dục nữa. Khi đó con mới thấy được rằng niệm chỉ là một phương tiện để hướng tới thực tánh Pháp chứ không thể nhìn thấy Pháp được. Được là được gì, mất là mất gì vì được và mất chỉ là ảo tưởng. Sự lựa chọn là một ảo tưởng và kết quả của nó vẫn là ảo tưởng. Thoát ly chỉ đơn giản là thoát ly, không có người thoát ly và cũng không có bất kỳ lý do nào cho sự thoát ly cả. 
Con chỉ vô tình cảm nhận được như thế. Con kính mong được sự chỉ dạy của Thầy. Con xin tri ân Thầy và chúc Thầy sức khoẻ!


Trả lời: 
Con đã nói đúng (trừ phi đó là một ý niệm phát xuất từ kiến thức nào đó mà con đã thu thập được trong quá khứ). Vậy điều quan trọng là con có thấy, biết, hiện quán và thực chứng được sự thật đó hay không.

HỮU THỨC HÓA VÔ THỨC nhờ CH
ÁNH NIỆM TỈNH GIÁC

Câu hỏi: Năm mới con Chúc Thầy thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường!
Thưa Thầy con mới biết đến trang này, con thấy rất hay. Con có vấn đề thắc mắc xin Thầy chỉ dạy cho. Làm sao Chánh niệm trong lúc ta đang ngủ, đêm nào con cũng nằm mơ cả, mộng lành cũng có, mộng dữ cũng có, cho nên con rất sợ ngủ, có phải nghiệp con rất nặng không Thầy? Kính mong thầy giải bày cho, Con kính chào Thầy.

Trả lời: Nếu ban ngày con chánh niệm tỉnh giác tốt thì vô thức của con sẽ được chuyển hóa (hữu thức hóa vô thức). Khi vô thức được chuyển hóa, con sẽ không còn chiêm bao mộng mị nữa. Và ban đêm dù có mộng thì trong giấc mộng, tâm thức con vẫn có chánh niệm tỉnh giác (mộng trung ý thức). Vì vậy trước khi ngủ con cần nên chánh niệm tỉnh giác với tâm buông xả là được.

                              
Thiền Quán TỨ NIỆM XỨ Vipassanà 

Câu hỏi: Con chào Thầy. Thầy cho con hỏi:
1. Nghĩa của chữ "ý" trong (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và nó có đồng nghĩa với chữ "tâm" trong chữ thân tâm không? 
2. Thầy có thể cho con hỏi nghĩa của chữ "pháp" trong quán niệm pháp có phải là chữ pháp trong vạn pháp hay là chữ pháp là đối tượng của ý? 
3. Thầy hoan hỷ chỉ cho con xem con hiểu một cách đơn giản và định thực hành thế này có đúng không. Con hiểu quán niệm thân là lặng ngắm, lặng nghe tất cả các diễn biến của thân trong mọi hoạt động hằng ngày. Quán niệm thọ là lặng nghe các cảm giác như đau, buồn, chán nản, mệt mỏi... Quán niệm tâm là lặng nghe các suy nghĩ khi định làm một việc gì đó, khi thất niệm, cũng như tạp niệm... Quán niệm pháp thì con chưa hiểu rõ. 
Con xin cảm ơn thầy và chúc thầy luôn mạnh khỏe an lạc 

Trả lời:
1) Ý thuộc về tâm hay danh. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thuộc về thân hay sắc. 
2) Pháp trong niệm pháp gồm: 5 triền cái, 5 uẩn, 12 xứ, 7 Giác Chi, 4 Diệu Đế. 
3) Trở về trọn vẹn trong sáng với những hoạt động, tư thế hay trạng thái của thân gọi là niệm thân; với những cảm giác, cảm xúc gọi là niệm thọ; với hoạt động, phàn ứng, trạng thái tâm gọi là niệm tâm; với sự diễn biến hay sinh diệt của 5 triền cái, 5 uẩn v.v... gọi là niệm pháp. Nếu con lặng nghe theo nghĩa trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân thọ tâm pháp thì đúng, còn nếu lặng nghe để tìm kiếm hay đạt được điều gì thì không đúng với ý nghĩa của quán chiếu trong thiền Vipassanā. 

PHƯƠNG PHÁP THIỀN

Câu hỏi: Kính thưa Thầy. Các bạn con thường hay lý luận, tranh luận về Thiền, về các đề tài phương pháp Thiền. Chúng con cũng thường đi nghe những buổi pháp thoại của các Thầy đủ mọi tông phái đến California để thuyết giảng. Chúng con cũng đã hành Thiền theo Vipassana, Thiền Tông, Mật Tông, Thiền Tánh Không, Thiền Phật giáo… Nhưng tâm chúng con vẫn còn nhiều vướng mắc, âu lo, vẫn vọng tưởng vẩn vơ, vẫn còn tham ái, vẫn còn tham gia nhiều vào “nhân duyên thế gian” và “tri kiến thế gian”.
Vào một ngày tình cờ con vào được website này và nghe được những bài giảng của Thầy. Lời Thầy dạy đã đem đến cho con một sự tỉnh thức thật sự sau nhiều năm tháng lặn ngụp trong lý thiền. Lời Thầy giảng rất bình dị và trong sáng. Con rất kính phục Thầy và hứa sẽ thực hành theo sự chỉ dạy của Thầy dù chưa có lần nào gặp Thầy ngoài đời.
Để sáng tỏ thêm cho sự học hỏi của con, con có 2 câu hỏi xin thầy từ bi trả lời giúp con:
1. Có phương pháp thiền theo Vipassana quán sát cảm thọ để nhận ra phản ứng của tâm và giữ tâm quân bình. Như vậy có thể nói đó là có sự can thiệp của bản ngã hay không?
2. Trong Kinh Trung A Hàm (Kinh Vị Tằng Hữu Pháp), có đoạn mô tả Đức Phật lúc ngồi thiền thì không còn nghe thấy tiếng sét đánh bốn con trâu gần đó. Như vậy có phải Đức Phật đã nhập vào Không Định để không còn nghe tiếng sấm, như vậy Tánh Biết của Ngài lúc này đang ở đâu?
Kính xin Thầy chỉ dạy.

Trả lời:

1. Bất kỳ phương pháp nào mà khi hành tâm còn hữu vi tạo tác thì còn hữu ngã. Hữu vi tạo tác là tạo ra một đối tượng rồi khởi tâm xử lý trên đối tượng đó. Bởi vì tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác trong Vipasana là trở về trong sáng với thực tại chứ không phải để tìm kiếm, đạt đến, nắm giữ hay hướng đến bất cứ điều gì.
2. Đây là sự kiện được Đức Phật kể lại thời còn tu thiền định trước khi hoàn toàn giác ngộ. Vì thiền định là ngoại tức chư duyên, nội tâm tĩnh chỉ - chấm dứt mọi duyên bên ngoài, để tâm tĩnh lặng (tánh biết) bên trong nên tuy không biết bên ngoài nhưng tánh biết lại biết tâm định bên trong.

PHÁP HÀNH THIỀN cơ bản trong đời sống hàng ngày. 

Câu hỏi: Thưa Sư,
Xin Sư cho con vài lời dạy cơ bản về Pháp Hành Thiền trong đời sống hàng ngày. 
Con đang đi học, chương trình học khá nặng vì con học Y Khoa. Con phải dồn sức vào việc học bài, suy nghĩ ..v..v... vậy nên con không thể giữ chánh niệm 24/24 được. Chỉ vào mỗi buổi tối con mới có thể để dành được khoảng 1 giờ đồng hồ để niệm tưởng Buddho và ngồi quán sát cái bụng chuyển động phồng-xẹp thay đổi. 
Vậy xin Sư cho con một phương pháp thiền quán thích hợp nhất với cuộc sống hiện tại của con bằng những gì tóm tắt nhất, cô đọng nhất. 
Con sẽ tôn kính Pháp và thực hành. 
Con rất cảm ơn Sư. 

Trả lời:
Thầy chỉ đưa ra nguyên lý của thiền chứ không có một phương pháp thiền nhất định nào cả, người nghe sẽ vận dụng nguyên lý sao cho phù hợp với điều kiện của mình. Nguyên lý đó là, khi hữu sự thì thận trọng, chú tâm, quan sát hay tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác trên mọi hoạt động của thân tâm. Khi vô sự thì để thân tâm được thư giãn buông xả, trở về với sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành.
Ví dụ, khi con học bài hay đang làm bất cứ việc gì thì đừng bị chi phối bởi những cái khác bên ngoài, hãy chú tâm trọn vẹn vào việc đó và sáng suốt biết rõ việc mình đang làm. Khi không làm việc gì, nếu muốn, con có thể niệm ân đức Phật hay quan sát phồng xẹp như con nói, nhưng tất cả đều tùy duyên chỉ với mục đích để tâm trở về với bản chất thanh tịnh sáng suốt vốn có của nó, lúc này thực tại sẽ được soi chiếu một cách tự nhiên chứ không cần nương vào gì nữa.

PHÁP đến đi thế nào thì chỉ THẤY BIẾT như thế.

Câu hỏi: Kính thưa Thầy,
Trong Vipassana ngoài thiền quán có dạy thiền định không? Trước đây con thiền theo mật chú, từ khi gặp được trang web Thầy con đã thực hành theo quán sát thân tâm, sống với thực tại, nhìn mọi vật như nó đang là... và khi thiền thì con chỉ quán niệm hơi thở. 
Nhưng trước đây lúc ngồi thiền thì con có thể định tâm được, thời gian kéo dài hơn tiếng, nhưng giờ thì khi ngồi thiền con quán niệm hơi thở chỉ khoảng mươi mười lăm phút là con lại muốn xả thiền, con không còn hứng thú với thiền như trước đây nhưng trong thâm tâm con vẫn thích ngồi thiền, mong Thầy chỉ dạy cho con. 
Con xin cám ơn Thầy. 
Trả lời:
Trong Vipassna đã đầy đủ yếu tố Giới, Định, Tuệ. Nhiều người đã tách rời thiền định và thiền tuệ là không đúng với thiền Vipassana, Vì vậy khi con đã đi đúng hướng của thiền Vipassana rồi thì không còn hứng thú với thiền định nữa là phải. 
Thiền Vipassana ứng dụng trong cả hai phương diện. Khi hoạt động hàng ngày thì thận trọng, chú tâm, quan sát hay tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Khi vô sự thì thư giãn buông xả cho tâm rỗng lặng trong sáng thì lúc này vẫn đầy đủ định tuệ. 
Vậy nếu con thích ngồi thiền thì cứ ngồi, nhưng đừng có ý định giữ tâm trên một đề mục nhất định, pháp đến đi thế nào thì chỉ thấy biết như thế. Có thể lúc đầu tâm sẽ lăng xăng nhưng không can thiệp thì tâm sẽ vắng lặng hoàn toàn chứ không phải như định trên đề mục. 



                               
CỨ THẬN TRỌNG, CHÚ TÂM, QUAN SÁT thì sẽ TỰ BIẾT sử dụng PHÁP

Câu hỏi: Thưa Sư Ông, xin Ông chỉ bảo cho con, câu sau:
Hành thiền có đề mục là thiền định. Nhưng 1 người biết lúc nào cần đề mục gì, và khi không cần vị ấy không dùng nữa, để thân tâm nhẹ nhàng buông xả. Vậy về tổng thể vị ấy đang khéo sử dụng cái thận trọng, chú tâm, quan sát? Đối trị hay thư giãn buông xả không quan trọng, quan trọng là vị ấy biết khi nào mình cần gì và sử dụng nó có hiệu quả?
Kính mong Sư Ông thuận tình chia sẻ giúp con. A-di-đà Phật.
Trả lời: Chính nhờ thận trọng, chú tâm, quan sát mà hành giả có thể tùy nghi sử dụng pháp đối trị hay chỉ cần thấy biết trung thực với tâm rỗng lặng trong sáng. Cho nên đức Phật dạy, có những lậu hoặc do tri kiến, do phòng hộ, do kham nhẫn, do xa lánh, do giác sát (quán tưởng), do tu tập,... mà được đoạn trừ. Vậy con cứ thận trọng, chú tâm, quan sát thì sẽ tự biết sử dụng pháp nào cho thích hợp.


TRẦM TỈNH SÁNG SUỐT TRONG MỌI BIẾN ĐỔI

Câu hỏi: Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Con kính chúc thầy thân tâm an lạc ạ.
Thưa thầy, con là một thiền sinh mới hành thiền được nửa năm và con cảm thấy rất an lạc khi hành thiền. Càng ngày con càng nhận thấy sự tạm bợ của mọi thứ, chẳng có gì để bám víu vào điều gì cả, con cảm thấy con đường ý nghĩa nhất là thiền tập, đi con đường mà Đức Phật đã đi. Càng ngày con càng hiểu hơn về tác dụng của giữ giới cho việc thiền tập của mình, việc thiền chỉ phát triển khi con giữ giới trong sạch. Nhưng cũng vì hiểu những điều đó mà con lại tránh xa các cuộc vui dễ làm tâm mình phóng dật hơn, tránh nói những lời nói xã giao, khách sáo mà người đời vẫn hay nói hơn, nó khiến con sống khác mọi người hơn, con không biết con đi có đúng con đường không nữa, nhưng con thấy rằng những cuộc vui, những lời nói xã giao chẳng có chút lợi ích và ý nghĩa gì cả, cuộc đời này chúng ta sống trong các quy ước và là một cư sĩ tại gia, một thiền sinh trẻ con nên sống như thế nào thầy giúp con hiểu hơn ạ.
Kính bạch thầy!

Trả lời:
Giữ giới và tránh được những điều vô ích là tốt nhưng nếu quá ham mê trong thiền định thì như đức Phật đã nói, định nhiều sinh ra trì trệ hôn trầm. Mục đích đời sống cao nhất của một người Phật tử là trầm tĩnh sáng suốt trong mọi biến đổi như đức Phật dạy trong Hạnh Phúc Kinh: 

"Khi xúc chạm việc đời, 
Tâm không động không sầu. 
Tự tại và vô nhiễm, 
Là phúc lành cao thượng".

CÁCH ĐỂ ĐỐI TRỊ với SẮC DỤC

Câu hỏi: Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đầu năm mới, con kính chúc thầy thân tâm an lạc, Phật sự viên thành. 
Thưa thầy, thầy có thể chỉ cho con một số cách để đối trị với sắc dục không ạ. Con cảm thấy nó thường hay quấy nhiễu con khiến con đôi khi mất sự sáng suốt. Con xin chân thành cảm ơn thầy ạ.
Trả lời: Sắc dục bao gồm sự tham ái trong sắc, thanh, hương, vị, xúc chứ không riêng một lãnh vực nào. Vì vậy cần nhận thức rõ sự tiếp xúc giữa căn và trần để thấy sự sinh khởi của các dục như thế nào. Dục chủ yếu sinh từ tư tưởng (dục tưởng), vì vậy nếu có chánh niệm tỉnh giác trong khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh,... thì có thể thấy được nhân duyên, sự sinh diệt của dục. Và khi tâm thấy rõ sự sinh, diệt, vị ngọt và sự nguy hại của dục thì mới có thể xuất ly khỏi các dục ấy.
Tư tưởng có 2 loại là dục tưởng và ly dục tưởng. Vì vậy về phương diện đối trị thì có thể sử dụng ly dục tưởng để đối trị dục tưởng. Dục tưởng liên hệ đến tịnh tướng nên ly dục tưởng là quan sát hay tư duy đến tính chất bất tịnh của đối tượng thì sẽ đối trị được dục tưởng.  

PHẬT GIÁO không phải để LÝ LUẬN

Câu hỏi: Thưa thầy, con có một vấn đề chưa được rõ, tuy là lí thuyết nhưng con nghĩ nó rất quan trọng cho việc định hướng thực hành. Nếu con có phạm vào nội qui đặt câu hỏi thì xin thầy cho con sám hối.
Theo như con nghiên cứu thì đạo Phật của mình quan niệm vạn vật sắc sắc không không, cái không đó không phải là không có gì mà đang tồn tại ở dạng ẩn tàng, khi hội đủ duyên thì sẽ trở thành hiện lộ, nhưng trong đạo Lão cũng có quan niệm y như vậy. Và theo thầy giảng cũng như trong quá trình con nghiên cứu, còn có một cái biết trong suốt định tĩnh vô phân biệt vượt trên cả nhị nguyên. Một số sách nói rằng cái "biết" ấy chính là Phật tánh của con người, là bất hoại trong quá trình luân hồi.
1/ Vậy thì cái "biết" đó có phải là tâm quan sát hay không?
2/ Cái "biết" đó có nằm trong luật duyên khởi hay không hay sẽ theo ta khi luân hồi? Vì một người bạn của con cũng theo trường phái Nguyên Thuỷ bảo là đã phá chấp ngã thì không còn cái gì tồn tại hết, ngay cả cái "biết" cũng không có thật, không thường hằng bất biến.
Con đã suy nghĩ nhiều lần nhưng vẫn thấy bản thân mờ mịt nên mới mạo muội hỏi thầy câu hỏi này. Mong thầy từ bi bỏ qua nếu con có gì sai sót!
Con xin thành kính tri ân thầy!

Trả lời:
1. Tính chất của tâm là biết pháp nên gọi là tánh biết. Tánh biết đó không thường, không đoạn, không hữu, không vô, không khứ, không lai, không sinh, không diệt nên nếu xác định nó là gì thì cũng chỉ là ý niệm. Quan trọng là có sử dụng được tánh biết đó để thấy biết pháp một cách trung thực không rơi vào vọng niệm hay không, chứ không cần xác định nó là gì.
2. Câu hỏi thứ 2 của con đã được trả lời trong câu thứ nhất. Nếu con hiểu được câu 1 thì con có thể giải nghi được câu thứ 2. Thầy nhắc lại, Phật giáo không phải để lý luận mà điều quan trọng là con có thể nghiệm được tánh biết đó hay không. Nếu con rơi vào lý luận thì con đã bỏ mất cái thực tại hiện tiền.

Quan niệm về "KHỔ" trong triết lý Phật giáo. 

Câu hỏi: Bạch sư cho con hỏi.
Vị trí và vai trò của quan niệm về "KHỔ" trong triết lý Phật giáo.
Vì sao đức Phật lại giảng cho chúng sinh bài giảng đầu tiên là "Tứ diệu đế"?
Kính mong sư trả lời giúp con.
Con cảm ơn và cúi đầu đảnh lễ sư!

Trả lời:
1. Khổ không phải là một quan niệm mà là một sự thật, sự thật đó là: Khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
Khi sự thật này được "thấy, biết, hiện quán và thực chứng" thì nguyên nhân của chúng: phi hữu ái, hữu ái và dục ái cũng được thấy rõ và đoạn trừ.
Như vậy nhận chân ra sự thật về khổ là điều tất yếu trên con đường giác ngộ của mỗi người.
2. Đức Phật giảng Tứ Diệu Đế là giảng về cái thực, từ sự thực tương đối (Tục đế) đến sự thực rốt ráo (Chân đế). Như vậy, trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật luôn luôn giảng về Tứ Diệu Đế, bằng cách này hay cách khác, tuỳ duyên, tuỳ đối tượng, nhưng luôn luôn chỉ thẳng vào sự thực là Tứ Diệu Đế.