Cho dù giữa một cuộc sống đầy những bon chen, hơn thua, những điều hay đẹp ấy có thể bị lu mờ vì một cái thấy sai lầm, hoặc bị cái bản ngã nhỏ hẹp làm méo mó đi, nhưng nó vẫn chưa từng bị hao mất đi bao giờ. Bạn biết vì sao không? Vì tự bản chất của nó bao giờ cũng vẫn là trong sáng. Đức Phật dạy, “Này các thầy, tâm của ta là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các ô nhiễm từ ngoài vào. Khi nào ta làm sạch được những ô nhiễm đó thì tâm ta sẽ tự nhiên trở lại sáng chói như xưa.” (Tăng Chi Bộ, I 5.)
Thấy và cảm nhận
Thấy lại ở nơi mình.
Bạn có thấy được những thúc hối, vội vã trong ta, muốn làm một điều gì đó, muốn trở thành một cái gì đó? Ngay cả trong sự tu tập của mình?
Ta có thể bắt đầu bằng cách trở về với những gì đang có mặt trong thân, chúng có thể là những cảm xúc, dễ chịu hay khó chịu của mình. Hoặc ta cũng có thể lắng nghe những âm thanh nào đang có mặt chung quanh ta. Dù ta đang đứng giữa một khu phố ồn ào náo nhiệt hay đang ngồi trong một căn phòng yên lắng, cũng không có gì khác biệt. Ta chỉ cần đơn giản chú ý đến những gì đang có mặt.
Cái biết, cái thấy ấy bao giờ cũng có mặt, rất tự nhiên, mà không cần đến một sự cố gắng nào của ta. Không cần tìm kiếm ta vẫn cảm nhận được những cảm giác trong thân, không cần cố gắng ta vẫn nghe được âm thanh chung quanh. Những cảm xúc, âm thanh khác nhau, chúng khởi lên rồi qua đi rất tự nhiên, không cần một nỗ lực nào. Hãy cảm nhận tất cả với một thái độ rộng mở tự nhiên.
Thiền tập là nhìn thấy lại thân tâm của mình trong chính trạng thái của nó, nhờ vậy ta mới có thể thấy ra sự thật nơi chính mình và cuộc sống.
Thấy với tâm không mong cầu.
Chánh kiến là một cái thấy chân thật mà không phê phán. Một cái thấy sáng tỏ chỉ có thể có mặt khi ta biết buông bỏ tâm mong cầu, hoặc chờ đợi một cái gì khác, dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn, thích thú hơn, vừa ý hơn... xảy đến với mình. Những gì ta cảm nhận không quan trọng, mà quan trọng là ở cái tâm thấy biết của mình.
Trong thiền tập, một cái thấy như thực là điều kiện thiết yếu, chứ không phải vấn đề là ta chọn vào đối tượng nào. Nếu như trong ta đang có một sự bất an, khó chịu, thì đó chính là đối tượng cảm nhận của ta. Nó đang biểu hiện trong thân ta như thế nào? Tâm ta phản ứng ra sao? Nếu như đó là một sự dễ chịu thì sao?
Ta hãy trọn vẹn cảm nhận những gì xảy ra trong thân và tâm như nó đang là. Nếu trong thân ta có một sự đau nhức, ta thấy được những cảm giác cứng nhắc hay nóng buốt ấy, và những cảm thọ khó chịu đang có mặt. Nếu trong tâm ta có một nỗi sợ, lo âu, ta cảm nhận nó với sự rộng mở, thương yêu hơn là đối kháng hoặc mong cầu. Sợ hãi, bất an phần lớn do tưởng tượng mà ra. Hãy thư giãn và buông xả, cảm nhận tất cả một cách tự nhiên. Khi ta có mặt trọn vẹn với thực tại thì tưởng tượng sẽ không sinh khởi, không có tưởng tượng thì những sợ hãi, bất an cũng không phát sinh.
Hãy cảm nhận những trạng thái nào đang có mặt trong tâm, với một thái độ không phê phán hay mong cầu. Và ta cũng không cần phải đi tìm kiếm gì hết. Những gì đang có mặt trong thân tâm ta là những biểu hiện tự nhiên. Không có gì cần đến sự can thiệp của ta. Thái độ ấy sẽ giúp cho ta có thêm khả năng tiếp nhận những gì đang xảy ra một cách chân thật hơn. Và khi thấy rõ rồi, ta cũng sẽ thấy được những gì mình cần phải làm.
Nguyễn Duy Nhiên
Trích trong “Trên núi chớ tìm non”
Chưa bao giờ mất đi
Có một lần thi hào Dante đứng gần cây cầu Ponte Vecchio, bắt ngang qua con sông Arno ở thành phố Florence, nước Ý. Thời gian là vào khoảng trước năm 1300, ông nhìn thấy cô Beatrice đang đứng trên cầu. Beatrice mặc một chiếc áo màu xanh nhạt. Khi ấy Dante tuổi còn rất nhỏ và cô Beatrice lại còn nhỏ hơn nữa. Thế nhưng Dante đã cảm thấy cô Beatrice như một vị thiên thần, và hình ảnh ấy như đã chứa đựng trọn vẹn hết cả một vũ trụ vô tận đối với ông.
Nhưng Dante không hề tỏ lộ tình cảm của mình với Beatrice, và ông cũng ít khi gặp mặt cô. Sau đó một thời gian, có một trận bệnh dịch kéo qua thành phố và Beatrice đã qua đời sau một cơn bệnh. Dante rất đau buồn và cảm thấy như thế giới của mình hoàn toàn bị sụp đổ. Cô Beatrice đã là một sự kết nối giữa linh hồn ông với lại một thế giới hạnh phúc vĩnh cửu. Và từ nỗi khổ đau to tát ấy, Dante đã sáng tác thành một thi phẩm vĩ đại để lại cho nền văn học Tây phương có tựa là the Divinde Comedy.
Sáu trăm năm chục năm sau, trong Thế Chiến Thứ II, quân đội Hoa kỳ tấn công đánh đuổi quân đội Đức Quốc Xả dọc theo bán đảo xứ Ý. Trên đường rút lui, quân đội Đức cho nổ tung và phá hủy hết tất cả những phương tiện nào có thể giúp cho sự tiến quân của quân đội Hoa kỳ. Trong đó có cả những cây cầu bắt ngang qua dòng sông Arno.
Nhưng không một ai muốn phá hủy cây cầu Ponte Vecchio, nơi mà Beatrice đã từng đứng và mang lại cảm hứng cho tác phẩm bất hủ của Dante.
Và vị chỉ huy của quân đội Đức đã liên lạc bằng truyền tin với quân đội Hoa Kỳ, với một ngôn ngữ đơn sơ, nói rằng họ sẽ không cho nổ tung chiếc cầu Ponte Vecchio, nếu như quân đội Mỹ hứa sẽ không sử dụng nó. Cả hai bên đã giữ lời hứa. Cây cầu đã không bị phá hủy, và đã không có một người lính Mỹ hay một loại quân cụ nào băng ngang qua chiếc cầu ấy trong trận đánh khốc liệt cuối cùng đó.
Chúng ta là những người đã mất quá nhiều niềm tin, và bao giờ cũng đòi hỏi phải có những bằng chứng chắc chắn và cụ thể. Và đây là một sự kiện chắc chắn và cụ thể nhất mà tôi biết để xin được trình bày với bạn. Cây cầu ấy đã được để yên không chạm đến, trong một trận chiến hết sức tàn bạo vào thời cận đại, bởi vì Beatrice đã có lần đứng ở nơi ấy.
Cầu mong sao cho ánh sáng của tình thương và sự tỉnh giác sẽ luôn chiếu sáng mãi trong cuộc đời này với sự trở về của một trời nắng ấm.
Cùng một ước mơ chung
Chúng ta ai cũng biết trân quý những gì là chân thật, cao thượng, và ưa thích những điều hay đẹp.
Tôi nhớ hình như Trang Tử có nói rằng "Nếu như ta đi tìm những điểm giống nhau, thì trăng và sao tuy cách nhau ngàn vạn dặm mà vẫn rất gần, còn như ta muốn tìm kiếm sự khác biệt thì gan và mật tuy nằm cạnh mà vẫn cách xa nhau hơn trời với đất." Chúng ta dù có khác biệt nhau cách mấy vẫn có cùng chung một ước mơ là được hạnh phúc, được tiếp xúc với một cái gì cao đẹp, và chính ước mơ ấy đã nối liền tất cả chúng ta lại với nhau.
Khi ta nhìn sâu sắc vào ngay giữa những tình cảnh khổ đau, hoặc bạo động nhất trên cuộc đời, ta cũng sẽ tìm thấy được một điều này: là bất cứ ai cũng muốn được hạnh phúc, được tiếp xúc với một cái gì rộng lớn và cao thượng.
Chúng ta ai cũng thích ngắm nhìn một sáng bình minh trời hồng trên núi cao, một áng mây đỏ tím màu hoàng hôn nơi cuối chân trời biển xa, một vầng trăng sáng trong khu vườn nhỏ, một giọt sương trên ngọn cỏ mỏng manh, một nụ cười bình yên, được nghe một bài nhạc hay, đọc một mẩu truyện nâng cao tâm hồn… Ta ưa thích những gì hay đẹp và trong sáng tự nhiên.
Cái hay đẹp chưa bao giờ mất đi
Tôi không biết sự kiện về chiếc cầu Vecchio có thật không, nhưng tôi nghĩ chúng ta thích tin vào câu truyện đó. Chúng ta tin vì tự trong bản chất của mình đã có sẵn những điều hay đẹp ấy.
Cho dù giữa một cuộc sống đầy những bon chen, hơn thua, những điều hay đẹp ấy có thể bị lu mờ vì một cái thấy sai lầm, hoặc bị cái bản ngã nhỏ hẹp làm méo mó đi, nhưng nó vẫn chưa từng bị hao mất đi bao giờ. Bạn biết vì sao không? Vì tự bản chất của nó bao giờ cũng vẫn là trong sáng. Đức Phật dạy, “Này các thầy, tâm của ta là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các ô nhiễm từ ngoài vào. Khi nào ta làm sạch được những ô nhiễm đó thì tâm ta sẽ tự nhiên trở lại sáng chói như xưa.” (Tăng Chi Bộ, I 5.)
Mà thật ra tôi nghĩ muốn "làm sạch đi những ô nhiễm" ấy, chúng ta đâu cần phải nỗ lực, tập luyện để thu đạt gì thêm nữa phải không bạn? Dầu cho đó có là sự tĩnh lặng, hạnh phúc hay bình an. Vì hầu hết những sự tạo tác hay thành đạt nào của ta, cũng đều phần lớn được phát khởi từ một cái Tôi nhỏ hẹp, và dễ làm sinh thêm những khổ đau không cần thiết.
Nếu như ta biết nhìn thấy ra được những ô nhiễm ấy để buông bỏ thôi, và tâm ta sẽ được tự nhiên trở lại sáng chói như xưa. Điều quan trọng là phải thành thật với chính mình và biết thật sự có mặt với những gì đang xảy ra. Thái độ ấy sẽ giúp cho cái thấy của mình được trong sáng hơn thêm.
Tình thương là một hạnh phúc tự nhiên
Đức Phật dạy, những năng lượng của phiền não có thể tạm thời chế ngự những năng lực thiện lành, như là từ bi và trí tuệ, nhưng sẽ không bao giờ tiêu diệt được chúng. Những năng lực bất thiện không bao giờ có thể bứng nhổ được những gì thiện lành trong ta, nhưng ngược lại, những năng lực thiện sẽ có khả năng nhổ được tận gốc rễ những năng lực bất thiện. Và tình thương có thể chuyển hóa được những sợ hãi, hờn giận hoặc phiền não, vì nó là một năng lực to lớn hơn.
Tâm từ là một nguồn năng lượng có khả năng chữa lành hết những thương tích trong ta và trong cuộc đời. Với một tình thương rộng lớn cuộc sống này sẽ trở nên nguyên vẹn hơn, nó giúp ta phá vỡ được những ý niệm sai lầm đã tạo nên sự ngăn chia mình với kẻ khác.
Cuối tuần qua tôi có đi xem phim Les Miserables. Ngày xưa lúc còn ở Trung học, tôi đọc quyển truyện này rất mê thích, đến trang cuối khi Jean Valjean nhắc lại những kỷ niệm của mình với cô con gái nuôi Cosette, thật xúc động. Tôi nghĩ đôi khi những hoàn cảnh khốn cùng, khổ đau trong cuộc đời, lại càng làm hiển lộ rõ hơn thêm được những sự thiện lành trong chúng ta. Mà cái gì trong sáng và thiện lành thì sẽ mãi lan xa. Nó chưa bao giờ mất đi.
Cầu mong cho ánh sáng của tình thương và sự tỉnh giác sẽ luôn chiếu sáng mãi trong cuộc đời này, và giữa một ngày đông dài hay mưa lạnh ta biết vẫn có trời nắng ấm.
Nguyễn Duy Nhiên
http://nguyenduynhien.blogspot.com/
Xin chào các bạn muốn sống đời ẩn sĩ, yêu thích nơi rừng núi bạt ngàn tĩnh lặng.
Trả lờiXóaMình đang tìm bạn đồng tu vào rừng hành thiền (nam giới). Kế hoạch bước đầu: chuẩn bị đầy đủ mọi thứ (lều, thức ăn, dụng cụ sinh tồn…), đi đến một nơi rừng núi vắng vẻ (nơi mọi người đi trekking), gần suối, ít bóng người, yên tĩnh, dựng lều, ở lại đó khoảng 7 ngày hoặc lâu hơn, hành thiền và trải nghiệm. Liên hệ: nam giới, 30t, ở sài gòn, đt: 036 395 2547, email: bananaalam@gmail.com.vn, papayaalam@gmail.com
“Ðẹp sắc, mây xanh biếc,
Nước mát lạnh, chảy trong,
Kẻ chăn bò Inda,
Che kín cả ngôi rừng,
Những ngôi núi đá ấy,
Làm hân hoan tâm ta”
Xin phép Tác giả của blog cho mình được đăng thông tin này. Xin cảm ơn.