SỰ SỐNG VĨNH CỬU


Đó là một trong những buổi sáng tuyệt diệu chưa từng thấy . Vừng dương vừa mới nhô lên, le lói giữa những hàng cây thông và cây khuynh diệp. Ánh dương chan hòa trên mặt nước một mầu vàng rực rỡ, sáng ngời - thứ ánh sáng chỉ xuất hiện trong khoảng không gian giữa núi và biển. Đó là một buổi sáng đẹp ngây ngất, bầu trời trong vắt với làn ánh sáng kỳ diệu khiến cho ta không thể chỉ chiêm ngưỡng bằng mắt mà bằng cả tấm lòng rộng mở. Và khi bạn nhìn thấy cảnh tượng ấy, bạn sẽ thấy đất và trời xích lại gần nhau và bạn sẽ cảm thấy dường như bản thân mình đã hòa tan vào với cái đẹp.

Bạn ơi, đừng bao giờ tọa thiền giữa công chúng, hoặc với người nào, hoặc đám đông nào khác. Bạn chỉ nên tọa thiền nơi vắng vẻ, trong sự tịch mịch của trời đêm, hoặc trong sự tĩnh lặng của buổi sáng sớm. Khi bạn tọa thiền nơi vắng vẻ, phải là nơi vắng vẻ. Bạn phải hoàn toàn cô đơn, không theo một hệ thống nào, một phương pháp nào, không lập đi lập lại lời nói, không theo đuổi một ý tưởng, không uốn nắn tư tưởng theo ý muốn của bạn.
Sự tĩnh lặng này sẽ tới khi tâm trí bạn đã được giải thoát khỏi sự suy nghĩ. Khi bị ảnh hưởng bởi lòng ham muốn, hoặc những điều mà trí não bạn theo đuổi, dù là trong tương lai hoặc quá khứ, bạn sẽ không có được sự tĩnh lặng. Chỉ trong sự mênh mông của hiện tại, trạng thái đơn độc này sẽ tới. Và rồi, trong sự tĩnh lặng, tất cả mọi giao tiếp đều chấm dứt, sẽ không còn có cái người luôn theo dõi với những bồn chồn, với lòng khát khao ngu ngốc cùng với những rắc rối cuộc đời của hắn. Chỉ khi đó, trong cái tĩnh lặng của sự đơn độc, thiền định mới trở nên một điều gì đó mà chúng ta chẳng thể dùng lời nói để mô tả. Thiền định là sự sống vĩnh cửu.
(Trích Freedom, Love, and Action)


***

... Trong thiền quán, sẽ không có ai chỉ dẫn bạn, không có ai nói cho bạn biết rằng bạn đang tiến bộ, không có ai khuyến khích bạn, bạn phải hoàn toàn đơn độc. Và cái ánh sáng cho chính bạn chỉ có thể bừng lên khi chính bạn tự tìm hiểu nội tâm một cách sâu xa, coi xem mình là cái gì. Đó là sự tự thức tỉnh, biết mình là cái gì. Cái biết ấy không dựa theo các tâm lý gia, không dựa theo các triết gia, không dựa theo các diễn giả, các nhà hùng biện, nhưng là bạn "biết", bạn "tỉnh thức" về cái bản thể của bạn, sựsuy nghĩ của bạn, cảm xúc của bạn, tìm ra toàn bộ cấu trúc của cái toàn thể. Biết rõ chính mình là điều tối quan trọng. Đó không phải là do người khác mô tả về mình, mà là "đích thực là cái gì?", bạn là cái gì; Đó cũng không phải "cái mà bạn tưởng rằng bạn là...", hoặc " cái mà bạn nghĩ rằng bạn nên là...", nhưng là cái đang hiện hữu thực tế là cái gì.

(Trích This Light in Oneself'-True Meditation)

  Nếu bạn không có chỗ để bám trụ, không tin chắc vào đâu, không có thành quả đã đạt được, như thế là bạn có tự do, để quan sát, để gặt hái. Và khi mà bạn nhìn mọi sự bằng cái nhìn tự do, khai phóng, bạn sẽ thấy chúng luôn luôn linh hoạt, mới mẻ trong dòng sống. Một người mà cứ tin chắc vào những hiểu biết đã có của mình, cho đó là chân lý tuyệt đối, là một người không còn sống nữa. 
(Freedom from the Known )

***
Chỉ có cái tâm được giải thoát khỏi thói hăm hở tìm cầu sự bảo đảm an toàn, giải thoát khỏi khát vọng có được sự liên tục, khỏi cái qui trình của sự tiếp nối, khi đó nó sẽ biết thế nào là bất diệt, bất tử.
Nhưng với cái đầu óc cứ mải miết tìm tòi sự bất tử cho bản thân, cái "tôi" cứ tìm cầu sự tiếp tục, sẽ không bao giờ biết chết là gì; cái loại đầu óc ấy sẽ không bao giờ biết nổi ý nghĩa của sợ hãi và chết, để vượt qua được.

(On Living and Dying)

***
Một nội tâm trong sáng, trống vắng, là điều vô cùng quan trọng để có thể tự do thoải mái trong mọi hành động, tự do đi lại, bay nhẩy. Tóm lại, lòng tốt chỉ nẩy nở từ một nội tâm khoáng đạt, không bị gò bó, cũng như trí tuệ chỉ phát triển khi có tự do. Chúng ta có thể có tự do về vấn đề chính trị, nhưng nội tâm chúng ta không khai phóng cho nên chúng ta không có khoảng trống cho tâm hồn. Thiếu khoảng trống mênh mông, thiếu sự phóng khoáng này trong nội tâm thì không có trí tuệ, không có phẩm chất giá trị nào có thể hoạt động và phát triển. Khoảng trống mênh mông và sự tĩnh lặng của tâm hồn thật là cần thiết vì chỉ khi nào tâm trí ở trong trạng thái cô liêu, tịch mịch, không bị ảnh hưởng, không bị gò ép, không bị tràn ngập với đầy dẫy những kinh nghiệm linh tinh, thì tâm hồn mới sẵn sàng tiếp thu được những điều hoàn toàn mới mẻ.
Người ta chỉ có thể nhận chân sự thật "như là chính nó" khi tâm trí tĩnh lặng và trong sáng. Mục đích của thiền định ở Đông phương là để đưa tâm trí đến tình trạng kiểm soát được tư tưởng, cũng như liên tục nhắc lại một lời cầu nguyện để cho tâm được an tịnh với hy vọng trong tình trạng đó, người ta có thể thấu suốt, giải quyết được những nỗi đau khổ của kiếp người.
Nhưng trừ phi người ta đặt được nền móng, đó là giải thoát khỏi sự sợ hãi, khỏi sự đau buồn, lo lắng và tất cả những vướng mắc mà họ tự quàng vào, tôi không thấy cách nào có thể làm cho tâm trí thật sự tĩnh lặng.

Krishnamurti -- Freedom from the Known

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét