Thấy Pháp
Hỏi: Xin Thầy giải thích câu "Giản dị mới uyên thâm" trong bài thi kệ của Thầy.
“Giản dị mới uyên thâm”, chính là cốt lõi thể hiện trong lời đức Phật dạy ông Bāhiya: “Trong thấy chỉ là thấy. Trong nghe chỉ là nghe. Trong xúc chỉ là xúc. Trong biết chỉ là biết... không có cái “ta” Bāhiya nào trong đó, dù quá khứ, tương lai hay hiện tại”. Vừa nghe xong lập tức Bāhiya thấy ra cái “ta” chỉ là ảo tưởng, trong thấy biết của căn môn đối với trần cảnh chỉ có tánh biết đang biết pháp vận hành mà thôi, và ngay đó Bāhiya đã hoàn toàn giác ngộ giải thoát.
Trong Thiền Tông, cái Tâm cứ khởi lên lăng xăng gọi
là "đầu thượng trước đầu" (trên đầu đội thêm đầu) hoặc "tuyết
thượng gia sương" (trên tuyết còn thêm sương) tức là thêm thắt sự phân
biệt khái niệm này nọ vào chỉ làm tăng phức tạp... Giản dị chính là trả pháp
lại cho pháp như nó đang là, chỉ thấy pháp là pháp thôi, không thêm bớt gì cả.
Có giản dị mới trọn vẹn tỉnh thức, mới thấy pháp đúng thực tánh. Đó là "giản dị mới uyên thâm" vì
thấy pháp thực tánh... chính là Trí Tuệ uyên thâm - thấy như thị, như thực.
Những phương pháp tu tập chỉ là "đầu thượng
trước đầu " thêm thắt vào cái đang là... Thiền là trả pháp về với
thực tánh của pháp, trả tâm về với tánh biết của tâm. Đó là tâm giản dị, pháp
giản dị... Nếu tâm khởi lên một ý niệm thì liền trùng trùng duyên khởi vô số ý
niệm khác. Nên Ngài Assaji đã chỉ ra cho đạo sĩ Sārīputta thấy rằng:
“Các pháp sinh do nhân
Như Lai chỉ nhân ấy
Nhân diệt các pháp diệt.
Đó lời Đại Sa Môn”
Nhân từ tâm sinh thì các pháp sinh, nhân từ tâm diệt thì các pháp diệt. “Các pháp sinh” chính là “thế giới tập khởi", là Tập đế, là phát sinh phiền não khổ đau. “Các pháp diệt” chính là “thế giới đoạn diệt” là Diệt đế, là chấm dứt phiền não khổ đau. Cụ thể là diệt cái "ta" thêm thắt vào thực tại. Lúc đó mới chính là thấy pháp - trả pháp lại cho pháp như nó là. Chẳng có "ai" thấy pháp, chỉ tánh biết tự thấy pháp mà pháp thì vận hành tự nhiên theo nguyên lý của nó. Cho nên không cần thêm bớt gì cả, đó chính là “giản dị mới uyên thâm”.
Thường người cố tu hành thiếu mất sự giản dị để trả
pháp về bản chất thật của nó, kể cả tính chất vô thường, khổ, vô ngã của các
pháp hữu vi. Không phải tu là cố thấy pháp qua khái niệm vô thường, khổ, vô
ngã, mà chính là trả pháp về cho tính chất vô thường, khổ, vô ngã của nó. Khi
cố thấy qua khái niệm vô thường, khổ, vô ngã, là đã mất đi tính giản dị của
pháp. Vì vậy, thấy càng giản dị càng sâu xa. Trí tuệ
không có nghĩa là thấy pháp như thế nào mà là trả pháp lại cho thực tánh của nó.
Trí tuệ không để bản ngã xen tư kiến tư dục vào giải quyết theo cách của nó mà
hoàn toàn trả pháp về cho sự vận hành tự nhiên của pháp. Thấy được sự vận hành
của Pháp chính là Minh. Chỉ có Minh mới chấm dứt được toàn bộ tiến trình của
bản ngã luân hồi sinh tử.
Tánh Không
Hỏi: “Tánh Không” có phải là Phật Tánh hay Tánh Biết?
- Tánh Không bao trùm hết tất cả, nhưng có hai phương diện:
* Tánh Không của pháp: từ khoáng vật như đất đá đến thực vật như cây cỏ đến sinh vật như loài thú, loài người... mọi thứ đều là tánh không khi không bị khái niệm xen vào.
* Tánh Không của tâm: khi tâm bất sinh, đó là tánh biết, là tánh giác hay đôi lúc được gọi là Phật tánh, lúc đó các tướng biết như nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức... cũng đều không. Cái Không này mới chính là cái "Không" thật sự của giác ngộ giải thoát.
Các Pháp như nó là Thiền Tông gọi là "đương xứ tức không", đó là Tánh Không của pháp. Còn Tánh Không của Tánh Biết mới không bị khái niệm “tưởng là”, “cho là” của bản ngã che lấp... Đó là Tánh Không mà Bankei gọi là Tâm Bất Sinh. Trong tâm không còn sinh khởi ý niệm, quan niệm, khái niệm nào nữa. Tâm Không đó mới là cái không tối hậu... Nói chung Tánh Không này đối với vật lý, đối với hiện tượng tâm lý hoặc đối với tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng tức tâm không còn khái niệm thì bản chất Không vẫn giống nhau. Cho nên, người ta gọi chung cái Không của vật lý, của sinh lý, của tâm lý và cái Không của Tánh Biết là Tánh Không (Suññatā). Tóm lại về bản chất thì Tánh Không là giống nhau nhưng khi phân tích ra thì có tới 5 cái Không khác nhau:
1. Không do vô thường
2. Không do sanh diệt
3. Không do giả hợp, duyên khởi
(3 cái không này thuộc về vật lý)
4. Không của pháp như nó đang là (đương xứ tức không).
5. Không của tâm rỗng lặng trong sáng hoàn toàn (Không của tâm giác ngộ giải thoát: Suññatācetovimutti)
5. Không của tâm rỗng lặng trong sáng hoàn toàn (Không của tâm giác ngộ giải thoát: Suññatācetovimutti)
Tác giả: Thầy Viên Minh