Sự tĩnh lặng

Khi bạn nhìn ngắm mà không khởi động tư duy, một niềm vắng lặng lớn đến vào trong bạn. Bộ não tự nó tĩnh lặng, không bất kỳ một phản ứng nào, không một vận động, và kỳ lạ để cảm được cái vắng lặng vô lượng. "Cảm" không phải là ngôn ngữ. Phẩm chất của cái vắng lặng đó, cái ngưng đọng đó thì không được cảm bởi bộ não; nó vượt qua cả bộ não. Não bộ có thể nhận thức, công thức hóa hay vẽ kiểu cho tương lai, nhưng cái tĩnh lặng này vượt ra ngoài phạm vi của nó, vượt ra mọi tưởng tượng, vượt ra mọi thèm khát. Bạn tĩnh lặng đến nỗi thân xác bạn trở thành một phần hoàn toàn của mặt đất, một phần của tất cả những gì tĩnh lặng.
Và khi ngọn gió nhẹ đến từ các ngọn đồi, lay động lá cây, sự tĩnh lặng này, cái phẩm chất dị thường của vắng lặng này, thì không bị quấy động. Ngôi nhà nằm giữa các ngọn đồi và biển, nhìn ra biển. Và khi bạn nhìn ngắm biển, rất mực tĩnh lặng như vậy, bạn thực sự trở thành một phần của tất cả mọi thứ. Bạn là tất cả. Bạn là ánh sáng, và vẻ đẹp của tình yêu.
Một lần nữa, để nói "bạn là một phần của tất cả" thì cũng sai: chữ "bạn" thì không thích hợp bởi vì bạn thực sự không ở đó. Bạn không hiện hữu. Chỉ có cái tĩnh lặng đó, cái vẻ đẹp, cái nghĩa dị thường của tình yêu bao la...

Sự tĩnh lặng không loại trừ tiếng ồn, khi tâm ta tĩnh lặng thì mọi thứ, âm thanh, tiếng ồn.... vẫn tĩnh lặng. 

Krishnamurti



Tâm định tĩnh lặng (paṭipassaddha samādhi), một sự định tĩnh mọi lúc mọi nơi, vượt ngoài mọi điều kiện quy ước, nên cũng gọi là an bình (khemā) hay không tịch (vūpasama). Dīgha Nikāya 3/278 mô tả: “Định này là tịch tịnh, vi diệu, đạt tĩnh lặng, chứng nhất tánh, không điều kiện, không đối kháng, không trở ngại” (Ayaṃ samādhi: santo, paṇīto, laddho, ekodibhāvādhigato, na ca sasaṅkhāra-niggayha-vāritavato’ti). Ưu việt của định tĩnh lặng này là không cần nhập định xuất định vì có thể định tĩnh trong mọi hoàn cảnh, chứ không cần tập trung vào một đề mục duy nhất nào như định an chỉ phải có nhập có xuất. Loại định tĩnh lặng này thoạt nhìn dường như không kiên cố, nhưng thực ra đó mới chính là định vô ngại, bất chấp điều kiện, vì nó có thể ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh vô thường, khổ, vô ngã. Ví như người chơi lướt ván có thể giữ thăng bằng trên những đợt sóng dồn dập, nếu bạn có thể chú tâm (tâm bất loạn chứ không phải tập trung) trên thực tại diễn biến vô thường thì bạn có đủ bản lãnh để thể hiệnđịnh tĩnh lặng trong mọi hoàn cảnh này. Vì có khả năng tùy duyên bất biến nên định này mới thật sự là định được nói đến như “định năng sinh tuệ” trong giới-định-tuệ đặc thù của nhà Phật. Và chỉ có định tĩnh lặng này mới được đức Phật gọi là tối thượng lạc (Santī paramaṃ sukhaṃ) và là một trong những yếu tính của Niết-bàn.
Giống như người quen lái xe trên đường giao thông thưa thớt sẽ khó đi qua chỗ xe cộ đông đúc, ngược lại tài xế quen lái xe ở chỗ giao thông đông đúc sẽ dễ dàng đi qua xa lộ vắng người. Cũng vậy, hành giả định an chỉ khó thích nghi với hoàn cảnh động bên ngoài nên khó đạt được định tĩnh lặng. Ngược lại hành giả định tĩnh lặng sẽ dễ dàng đạt được định an chỉ trong môi trường yên tĩnh. Như vậy, rõ ràng định tĩnh lặng mới có khả năng hỗ trợ cho trí tuệ thấy rõ thực tánh của các pháp. Đó là lý do tại sao đức Phật chỉ chấp nhận định an chỉ như một phương tiện để chế ngự năm triền cái lúc sơ cơ chứ không xem đó là điều kiện tất yếu để giác ngộ giải thoát. Chỉ cần định sát-na, định cận hành và định tĩnh lặng là đủ cho yếu tố định trong tam vô lậu học giới-định-tuệ.
Khi một người vào trạng thái tĩnh lặng tất cả âm thanh sắc tướng đều tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng lan tràn ra cùng khắp...Mọi tiếng ồn mọi thứ vẫn như cũ nhưng khi tâmvào trạng thái tĩnh lặng thấy mọi thứ đều lặng lẽ như Đức Phật dạy: " Khi tâm thanh tịnh thấy các Pháp đều thanh tịnh. Tĩnh lặng này phát xuất từ tâm hồn lan qua cái nhìn cái thấy của ta, bất cứ nơi nào ta hướng tâm vào đều rõ ràng trong sáng. Thấy mọi sự như nó là một sự tĩnh lặng hoàn toàn...

Viên Minh

Khi cảm thấy mỏi mệt do việc hành thiền, tôi trở về cốc của mình. Khi tôi ngồi xuống, tôi nhận thấy tôi không ngồi vô thế kiết già mau lẹ như thường lệ. Tâm tôi tự nó muốn tiến vô trạng thái Định thâm sâu. Tâm tự nó như thế đó. Tôi tự nghĩ, "Tại sao như vậy?" Khi tôi ngồi xuống, tôi thấy tĩnh lặng hết sức. Tâm tôi vững vàng và tập trung tốt. Không phải là tôi không nghe được tiếng ca hát từ trong làng, nhưng tôi có thể làm cho tôi không nghe tiếng ca hát đó nếu tôi muốn như vậy.
Ở trạng thái nhất tâm này, tôi xoay nó hướng về các âm thanh thì tôi nghe được các âm thanh đó. Khi tôi không hướng tâm về các âm thanh thì hoàn toàn yên lặng. Lúc âm thanh tới, tôi quan sát kẻ đang chú tâm đến âm thanh, kẻ này hoàn toàn tách biệt với âm thanh. Tôi quán tưởng như vậy. Đây là trạng thái định, phải không? Không phải trạng thái này thì còn trạng thái nào khác hơn? Tôi có thể nhìn thấy tâm tôi tách rời khỏi đối tượng nó nhìn như cái chén này và ấm nước này vậy. Tâm và âm thanh không hề dính liền với nhau. Tôi tiếp tục xét như vậy, rồi tôi hiểu. Tôi nhìn thấy cái nối liền chủ thể và khách thể lại với nhau, và khi sự nối liền này bị phá vỡ, sự an tịnh thật sự hiển lộ.
Lần đó, tâm tôi không để ý đến chuyện gì khác. Nếu tôi muốn ngưng hành thiền, tôi có thể ngưng, như vậy mà không thấy khó chịu. Khi một nhà sư ngưng hành thiền, thầy thường tự hỏi, "Ta làm biếng chăng? Ta mệt mỏi chăng? Ta bất an chăng?" Không, tâm tôi lúc đó không làm biếng, không mệt mỏi, cũng không bất an. Tôi chỉ thấy trọn vẹn và đầy đủ về mọi mặt.
Khi tôi ngưng hành thiền để nghỉ ngơi một lát, chỉ có hành động ngồi là ngưng lại thôi. Tâm tôi vẫn y nguyên như trước, không thay đổi. Khi tôi nằm xuống, tâm tôi vẫn tĩnh lặng y như trước. Khi đầu tôi chạm lên chiếc gối, tâm tôi xoay vào trong. Tôi không biết nó xoay vô trong chỗ nào, nhưng nó xoay vô trong như điện được bật lên vậy, và toàn thân tôi nổ bùng ồn ào; sự nhận thức thì vô cùng tinh tế. Vượt qua điểm đó, tâm bước sâu vô nữa, bên trong không có gì hết, hoàn toàn không có gì hết, không có gì vô trong hết, không có gì có thể đạt tới hết. Sự nhận biết ngưng lại bên trong một lúc rồi trở ra. Không phải tôi kéo nó ra, không đâu, tôi chỉ là một quan sát viên, là người nhận biết mà thôi.
Khi tôi ra khỏi tình trạng này, tâm tôi trở lại trạng thái bình thường, và một câu hỏi nảy lên, "Cái đó là cái gì vậy?" Câu trả lời xảy đến là, "Những sự việc này, chúng chỉ là như vậy, như vậy thôi. Không cần phải nghi ngờ chúng nó." Tôi chỉ nói có bấy nhiêu, và tâm tôi chấp nhận như vậy.
Sau khi ngưng nghỉ một lúc, tâm tôi lại quay bật vô trong. Tôi không quay nó; chính nó tự quay vô trong lấy một mình. Khi tâm đi vô trong, nó lại đi tới bờ mé như lần trước. Lần thứ nhì này thân thể tôi vỡ thành từng mảnh vụn. Và tâm tôi đi sâu hơn nữa, tĩnh lặng, cùng tột. Khi tâm tiến vô và đã lưu lại một thời gian lâu như ý nó muốn, nó lại ra trở lại, và tôi trở về trạng thái bình thường. Trong thời gian này, tâm tự nó hành động, tôi chẳng hề có ý bắt nó đi vô hay đi ra gì hết. Tôi chỉ nhận biết và quan sát những gì xảy ra vậy thôi. Tôi không nghi ngờ. Tôi chỉ tiếp tục ngồi thiền và quán tưởng mà thôi.
Lần thứ ba tâm tiến vô, toàn bộ thế giới đều tan vỡ: đất đai, cây cỏ, đồi núi, người,..., tất cả chỉ là khoảng trống. Không một vật gì còn lại hết. Khi tâm thức đã tiến vô và lưu lại một thời gian như nó muốn, nó rút ra và trở lại trạng thái bình thường. Tôi không biết nó trụ như thế nào, những chuyện đó khó thấy và khó diễn tả. Không có gì có thể dùng để so sánh với tình trạng đó được.


Ajahn Chah