Phật Giáo Nguyên Thủy Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại


PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI
(Hội Thảo Khoa Học tại ĐHKHXH &NV- ĐHQG TP.HCM 18-01-2014)
 1) Vài nét đại cương về lịch sử Phật Giáo Nguyên Thủy trong bối cảnh chung của Phật Giáo thế giới:


 Sở dĩ gọi là Phật Giáo Nguyên Thuỷ là để phân biệt với Phật Giáo Phát Triển về sau. Thực ra trong thời đức Phật còn tại thế chỉ có Đạo Phật, vì Đạo là Chân Lý, Phật là giác ngộ, nên trong thời ấy đơn giản là đức Phật giác ngộ chân lý và chỉ bày Chân Lý ấy cho những ai "ít bụi trong mắt có thể thấy" chứ hoàn toàn không có tính cách một Tôn giáo có tổ chức nào. Đó mới chính là thời kỳ nguyên thủy tự nhiên nhất của Đạo Phật. 
Ngay sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, một số vị phàm Tăng mới xuất gia vì chưa thấm nhuần đạo pháp, chưa chứng ngộ Chân Lý đã có manh nha một vài khuynh hướng muốn sống tự do ngoài sự thanh nghiêm của đời sống phạm hạnh, nên 3 tháng sau một Đại Hội Thánh Tăng đã được triệu tập để trùng tuyên tất cả lời dạy của đức Phật gọi là Đại hội kết tập Kinh Luật lần thứ nhất với mục đích giữ gìn lại giáo pháp của đức Phật đã tuyên thuyết suốt 45 năm hoằng hoá độ sinh, một mặt để cho những Tăng ni mới có pháp học để hành trì, một mặt để chỉnh đốn Tăng đoàn có quy củ làm gương cho các thế hệ về sau.
Từ đó Kinh Luật đã được trùng tuyên trở thành khuôn vàng thước ngọc để Tứ chúng y giáo phụng hành thay cho sự hướng dẫn trực tiếp, uyển chuyển, tự nhiên của chính đức Phật khi Ngài còn tại thế. Cũng từ đó Đạo Phật bước sang một bước ngoặt mới, có phần nào mang tính tôn giáo hoặc hình thức giáo đoàn nên bắt đầu có tên là Phật Giáo – giáo đoàn lấy Kinh Luật đã kết tập làm tôn chỉ hành đạo. Bởi vì khuynh hướng của chư vị Thánh trưởng lão là muốn bảo nguyên những lời dạy của đức Phật, nên Đạo Phật trong thời kỳ này được xem là Phật Giáo Nguyên Thuỷ.
Nhưng khoảng 100 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn, trong Giáo đoàn Phật giáo không tránh khỏi phát sinh những điểm dị biệt tùy vào cách giải thích Kinh Luật đã được trùng tuyên lần thứ nhất. Vì vậy, bắt đầu manh nha những trường phái luận giải sai biệt. Các vị trưởng lão lại mở Đại hội kết tập Kinh Luật lần thứ 2 để khẳng định lập trường bảo nguyên của Phật Giáo Nguyên Thuỷ.
Nhưng rồi đến khoảng 200 năm sau đức Phật nhập Niết-bàn thì khuynh hướng phát triển đã hình thành trên dưới 20 bộ phái có giáo đoàn khác nhau. Thực ra tư tưởng dị biệt của những bộ phái này không khác nhau lớn lắm, và hình thức y bát thì vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên điều khác biệt lớn nhất là có hai khuynh hướng rõ rệt: Một là khuynh hướng Nguyên Thủy giữ nguyên nội dung kết tập Kinh Luật lần thứ nhất, hai là khuynh hướng phát triển thêm những Luận Giải. Do đó, song song với lần kết tập thứ 3 của Phật Giáo Nguyên Thủy ghi lại Tam Tạng bằng ngôn ngữ Pàli, thì đã có Đại hội kết tập Kinh Tạng lần thứ nhất của các bộ phái, mà hiện nay còn lại các bộ A-hàm (Agama) và một số Luận Sớ viết bằng ngôn ngữ Sanskrit (Trong thời kỳ này giai cấp Bà-la-môn phát triển trở lại, họ đã dựa trên ngôn ngữ Pāli mà đức Phật tự chế ra trong quá trình thuyết giảng, để biên soạn thành ngôn ngữ Sanscrit, cho nên các nhà khảo cổ nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ ở Ấn độ đã xác định Pāli là mẹ đẻ của Sanskrit – Pāli is the Mother of Sanskrit, Habir Angar Ee, 1994).
Thời kỳ các bộ phái phát triển kéo dài cho đến khi Phật Giáo Đại Thừa ra đời – khoảng 600 năm sau Phật lịch, tức khoảng đầu công nguyên. Khi Phật Giáo Đại Thừa ra đời thì các bộ phái có khuynh hướng phát triển trước đó được xem là Tiểu Thừa, và các bộ phái này dần dần mai một trước sự phát triển mạnh mẽ của tư tưởng Đại Thừa cho đến khi không còn tồn tại nữa. Riêng Phật Giáo Nguyên Thủy không nằm trong khuynh hướng phát triển vì vẫn giữ lập trường bảo nguyên Chánh Pháp nên vẫn còn tồn tại và hưng thịnh tại các nước Đông Nam Á, song song với sự phát triển của Phật Giáo Đại Thừa xiển dương ở các nước Phương Bắc.
Từ khi Phật Giáo có khuynh hướng phát triển thì sau lần kết tập Tam Tạng lần thứ 3, Phật Giáo Nguyên Thủy vẫn tiếp tục kết tập Tam Tạng lần thứ 4, thứ 5 và lần thứ 6 được tổ chức tại Yangon (PL.2500 - DL.1954) để khẳng định lập trường bảo toàn Phật Giáo Nguyên Thủy của mình. Sau lần kết tập Kinh Luật lần thứ nhất, các lần kết tập sau có hệ thống lại Tam Tạng Giáo Điển và có thêm phần Chú Giải, rồi phụ Chú Giải và phụ phụ Chú Giải, nên ngoài Chánh Tạng vẫn có thêm phần Luận Giải theo truyền thống Nguyên Thủy của Phật Giáo để phân biệt với các bộ Sớ Luận của Tiểu Thừa và Đại Thừa.
Dù chủ trương phát triển hay giữ gìn bản sắc nguyên thủy của Phật Giáo thì tất cả các Tông môn Hệ phái đều có chung một cốt lõi là Giác ngộ Giải Thoát. Tuy nhiên, Từ Đạo Phật Nguyên Thủy đến Phật Giáo Nguyên Thủy, từ Phật Giáo Phát Triển Tiểu Thừa đến Đại Thừa, có thể nói chung lịch sử Phật Giáo đã đi qua các thời kỳ chuyển biến:
-         Thởi kỳ Chánh Pháp: Khi đức Phật còn tại thế Đạo Phật lấy Chân Lý hiện thực mà đức Phật trực tiếp khai thị làm gốc. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn Phật Giáo Nguyên Thủy lấy Kinh Luật được kết tập lần thứ nhất bằng ngôn ngữ Pāli làm gốc. Trong hai giai đoạn này Giáo pháp của đức Phật vẫn còn giữ tương đối nguyên vẹn chưa có biến đổi nào.
-         Thời kỳ Tượng Pháp: Tượng Pháp lúc đầu có nghĩa là Pháp tương tự, vì các bộ phái Phật Giáo Tiểu Thừa lấy các Kinh A-hàm và những Luận Sớ viết bằng ngôn ngữ Sanskrit (như Câu-xá luận, Thành Thật luận...) do họ kết tập làm gốc, nên nếu so sánh giữa các Kinh Pāli Nikāya và Kinh Sanskrit Agama thì cũng có thể xem như gần giống nhau nên gọi là pháp tượng tự với chánh pháp. Về sau Tượng Pháp có nghĩa là Pháp biểu tượng vì khi Phật Giáo Đại Thừa phát triển ra nhiều Tông, mỗi Tông lấy Kinh Luận của mình làm gốc (như Hoa Nghiêm Tông lấy Kinh Hoa Nghiêm làm gốc, Thiên Thai Tông lấy Kinh Pháp Hoa làm gốc v.v...). Phần lớn các Kinh Luận phát triển thời bấy giờ lấy biểu tượng thay cho chân lý hiện thực. Thí dụ mỗi vị Phật, mỗi vị Bồ-tát, mỗi linh ảnh... đều biểu tượng cho một đức tính cao quý của Thực Tánh Chân Đế, như Tính Giác, Trí Tuệ, Định Lực, Từ, Bi, Hỷ, Xả v.v...). Trong thời kỳ tượng pháp này, do nổi bật tính biểu tượng mà Phật Giáo chia ra hai hướng rõ rệt: Hướng phát triển triết học với các bộ luận và hướng gia tăng tín ngưỡng với các bộ kinh.
-         Thời kỳ mạt pháp: Mạt có nghĩa là ngọn, vì trong thời kỳ này những Tông phái chính đã chia thành nhiều tông chi riêng biệt y như những cành chính chia ra nhiều nhánh ngọn (chi mạt) vậy. Tín đồ các tông chi này đã lấy đức tin thay cho giới định tuệ trong thời chánh pháp và tượng pháp. Những biểu tượng Phật, Bồ-tát không còn là tượng trưng cho phẩm chất cao quý trong tự tánh nữa mà đã trở thành thần tượng đầy uy lực có thể cầu xin ban ơn cứu khổ. Thế là từ một Đạo Phật uyên nguyên trong sáng tự nhiên “duy tuệ thị nghiệp” trở thành Phật Giáo đa tông phái với nhiều hệ tư tưởng và phương tiện khác nhau để đáp ứng căn cơ của đại đa số quần chúng, và từ Phật Giáo đa tông phái trở thành những hình thức Tín Ngưỡng lấy Phật và Bồ-tát làm thần tượng để cúng bái cầu xin.
Một câu hỏi cần được đặt ra rằng: Đó là quá trình phát triển hay thoái hóa của Đạo Phật? Và đó phải chăng là phát triển về số lượng, nhưng thoái hóa về phẩm chất?
2) Bản sắc của Phật Giáo Nguyên Thủy:
Nếu trong quá trình phát triển có tiến hóa, có thoái hóa, có nguy cơ biến chất thì lúc đó vai trò của Phật Giáo Nguyên Thủy là giới thiệu lại bản sắc ban đầu của Đạo Phật mà mình còn giữ được. Bản sắc đó là gì?
Trước khi Đức Phật ra đời, hầu hết các tôn giáo đều hướng đến những lý tưởng cao viễn ở bên ngoài (như Tiểu Ngã tu luyện để trở thành Đại Ngã), hoặc nương tựa vào một hay nhiều thần lực siêu huyền nào đó ở trên cao (như Nhất Thần giáo và Đa Thần giáo). Thế mà ngay khi mới chào đời Bồ-tát Siddhattha không đề cập gì đến bất kỳ thần linh hay ngoại lực nào, Ngài đã dõng dạc tuyên bố:
“Aggo ahaṃ asmi lokassa,
Jeṭṭho ahaṃ asmi lokassa,
Seṭṭho ahaṃ asmi lokassa,
Ayaṃ antima jāti,
Natthi dāni punabbhavo.” 
(Tự mình là tối thượng của thế gian,
Tự mình là tối tôn của thế gian,
Tự mình là tối thắng của thế gian.
Đây là lần sinh cuối cùng,
Từ nay không còn sinh nữa)
“Tự mình” ở đây không phải là bản ngã, mà chính là bản tâm thanh tịnh trong sáng được đức Phật mô tả trong Kinh Tăng Chi: “Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. (Pabhassaram’idaṃ bhikkhave cittaṃ tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhaṃ. Taṃ assutavā puthujjano yathābhūtaṃ nappanājāti.)
Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào. Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy”. (Pabhassaram’idaṃ bhikkhave cittaṃ tañca kho āgantukehi upakkilesehi vippamuttaṃ. Taṃ sutavā ariyasāvako yathābhūtaṃ pajānāti.)
Tâm này có khả năng đặc thù là biết pháp nên còn gọi là Tánh Biết hay Tánh Giác có sẵn ở mỗi người, thuộc pháp Tự Tánh (Sabhāva) Chân Đế (Paramattha Sacca), còn những cấu uế hay phiền não chỉ là khách vãng lai (āgantuka) từ ngoài vào kết thành cái Ngã ảo tưởng mà thôi. 
Theo Pāli Abhidhamma, tâm pháp nơi mỗi người có hai phần: Phần thể tánh và phần tướng dụng. Thể tánh của tâm là biết tất cả pháp nên gọi là Tánh Biết. Tánh Biết Trong Sáng là Tự Tánh Chân Đế không sinh không diệt nên có thể biết được sắc pháp, tâm pháp, tâm sở pháp sinh diệt và cả Niết-bàn không sinh diệt nữa. Tướng dụng của tâm thì tùy duyên khởi mà có đến 121 loại tâm và 52 tâm sở. Tâm có rất nhiều loại: Thiện, bất thiện, hữu nhân, vô nhân, duy tác v.v... mỗi tâm lại bao gồm một số tâm sở, nhưng tất cả tâm và tâm sở duyên khởi nơi căn trần này đều chỉ là khách vãng lai (āgantuka) nên có đến có đi, có sinh có diệt.   
Nếu mỗi người tự biết trở về với Bản Tâm Thanh Tịnh hay Tánh Biết Trong Sáng vốn “không sinh, không hữu, không tác, không thành” (Tiểu Bộ Kinh) thì liền chấm dứt cái Ngã tham vọng luôn nỗ lực tạo tác để trở thành một trạng thái sở đắc lý tưởng bên ngoài. Nghĩa là chấm dứt  sự “sinh, hữu, tác, thành” của cái Ngã luân hồi sinh tử. Đó là lý do vì sao khi đã nhận ra Tự Tánh Chân Đế của bản tâm Bồ-tát Siddhattha nói: “Đây là lần sinh cuối cùng, từ nay không còn sinh nữa”.
Vì vậy, không cần bắt chước pháp do bất kỳ ai khác chế định, mà mỗi người chỉ cần trở về nhận ra Tự Tánh Chân Đế nơi chính mình, là giác ngộ giải thoát. Cũng vì vậy sau khi hoàn toàn giác ngộ đức Phật thường nhắc lại với hàng tứ chúng“hãy trở về chính mình” vì ở đó tất cả chân lý đều đã viên mãn. Trong Pháp Cú 160 đức Phật dạy:
Tự mình nương tựa mình
Không nương tựa ai khác
Khi tự mình sạch trong
Là chỗ nương khó được.
(Attāhi attano nātho
Ko hi nātho parosiyā
Attanā va sudantena
Nāthaṃ labhati dullabhaṃ.)  
Nguyên lý giác ngộ của Đạo Phật Nguyên Thủy rất rõ ràng, đó là “Tự mình là hòn đảo cho chính mình” giữa bể khổ sinh tử trầm luân, hay “Tự mình thắp đuốc lên mà đi” giữa những nẻo đường vô minh tăm tối. Trong Dhammapāda 165 Đức Phật dạy:
Tự mình làm việc ác
Nên tự mình ô nhiễm
Tự mình làm điều lành
Nên tự mình thanh tịnh
Tự tịnh, tự nhiễm ô
Không ai tịnh ai được?
(Attanā va katam pāpam
Attanā sankilissati
Attanā akatam pāpam
Attanā va visujjhati
Suddhi asuddhi paccattam
N’añño aññam visodhaye).
Vì vậy, theo Phật Giáo Nguyên Thủy bổn phận của người tu chính là chấm dứt sự lăng xăng tìm kiếm bên ngoài, chấm dứt tham vọng hay ý chí của bản ngã luôn nỗ lực tạo tác để trở thành, vì đó chính là vô minh ái dục hay tà kiến tham ái đưa đến phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử, chỉ cần trở về giác ngộ ra Bản Tâm Trong Sáng (Pabhassara Citta) là ngay đó chấm dứt luân hồi sinh tử, giác ngộ giải thoát. Đức Phật dạy: “Ngay nơi thân một trượng này, thế gian tập khởi và thế gian đoạn diệt”,  đó là cách diễn đạt ngắn gọn nhất về Tứ Diệu Đế mà Ngài thường đề cập. Thế gian tập khởi tức Tập Đế và Khổ Đế đưa đến luân hồi sinh tử, thế gian đoạn diệt tức Diệt Đế và Đạo Đế trở về Niết-bàn vô sinh.
Trong thời mạt pháp nhiều người theo Phật nhưng lại “hướng ngoại cầu huyền”, nương tựa nơi tha lực, tham muốn trở thành theo ái, thủ, hữu để rồi trôi lăn trong nhân duyên sinh diệt mà quên đi Tánh Giác vốn có khả năng giác ngộ Niết-bàn ngay nơi Tự Tánh Chân Đế. Tự Tánh Chân Đế này đức Phật khẳng định là “mỗi người có thể tự chứng (paccattam veditabbo viññūhi) nếu trở về mà thấy (ehipassiko) trên chính thực tại hiện tiền (opanayiko) thì có thể thấy ngay (sanditthiko) không trải qua thời gian (akāliko)”.
Vì không thấy được Pháp cốt lõi này của sự giác ngộ nên nhiều người không hiểu vì sao trong khi hầu hết các tôn giáo kể cả nhiều Tông phái Phật Giáo phát triển về sau đều chủ trương tu luyện để đạt tới chỗ siêu huyền lý tưởng thì chính đức Phật lại dạy đơn giản chỉ cần tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, tức trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-tâm-cảnh ngay đây và bây giờ mà thấy ra bản chất thực của thân-thọ-tâm-pháp là chứng ngộ Niết-bàn (Kinh Đại Tứ Niệm Xứ - Dīgha Nikāya). Thấy hay chứng ngộ sự thật muôn đời đã có sẵn để buông xuống cái ngã ảo tưởng, khác xa với nỗ lực rèn luyện để đạt được một sở đắc siêu huyền trong lý tưởng của bản ngã.
Rất nhiều lần đức Phật xác định đạo giác ngộ chỉ có nhất hướng “xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết-bàn”. Nghĩa là sự an tịnh sáng suốt có thể giác ngộ Niết-bàn không phải là do nỗ lực rèn luyện của bản ngã để trở thành điều gì, mà là sự xả ly, ly tham, đoạn diệt cái ngã tham sân si, nguyên nhân của luân hồi sinh tử ấy. Nhưng buông bản ngã cũng không phải là nỗ lực của ý chí, vì như vậy lại rơi vào cái ngã khác, mà buông chính là vô vi – không tạo tác – trong nguyên lý: “Không, Vô Tướng, Vô Cầu” của KHÔNG GIẢI THOÁT MÔN.
(May thay, 1100 năm sau đức Phật Niết-bàn, Bodhidharma một nhà sư Ấn Độ sang Trung Hoa khai mở Thiền Tông Đông Độ đã phá bỏ khuynh hướng triết học và tín ngưỡng của hệ Phật Giáo Phát Triển đang hưng thịnh ở Trung Hoa thời bấy giờ, để chỉ thẳng Tự Tánh Chân Đế nơi mỗi người mà giác ngộ, đó chính là Kiến Tánh Thành Phật, là Chánh Pháp Nhãn Tạng Niết-bàn Diệu Tâm. Và đó chính là phục hồi bản sắc Nguyên Thủy của Đạo Phật giữa lòng Phật Giáo Phát Triển).
3) Phật Giáo Nguyên Thủy trong thời hiện đại:
Bảo tồn chánh pháp nguyên vẹn không có nghĩa là giữ gìn tất cả mọi nội dung lẫn hình thức xa xưa mà chính là duy trì và phát huy cốt lõi chính yếu của Đạo Phật, còn những thứ đức Phật tùy thời mà nói thì vẫn có thể lỗi thời. Trong Kinh Ví Dụ Lõi Cây đức Phật dạy người học Phật cũng như người vào rừng tìm lõi cây, cần biết rõ đâu là lõi, đâu là giác, đâu là vỏ, đâu chỉ là cành lá, nếu không chỉ lấy được cành lá, vỏ hoặc giác cây đem về mà không tìm được chút lõi nào. Cũng vậy người học Phật nếu chỉ biết nắm giữ những điều thứ yếu mà không biết rõ điều gì là chính yếu trong lời dạy của đức Phật thì cũng rơi vào nhánh ngọn của thời mạt pháp. Vì vậy trong Dhammapāda 12 đức Phật dạy:
“Chính yếu thấy chính yếu
Không chính thấy là không
Mới đến được chính yếu
Hành xứ chánh tư duy”
(Sārañca sārato
Asārañca asārato
Te sāram adhigacchanti
Sammā sankappa gocarā) 
Phật Giáo Nguyên Thủy không phải là bảo thủ cứng nhắc như người ta tưởng, bởi vì sự hưng thịnh của Hệ phái này ở các nước Đông Nam Á chứng tỏ khả năng vận dụng nhuần nhuyễn - vừa giữ được bản sắc truyền thống vừa uyển chuyển với “thời - vị - tính” của mỗi địa phương nên đã đi vào lòng dân tộc các nước Phương Nam với những dấu tích đậm nét văn hóa, giáo dục, mỹ thuật, nhân văn... trong nhiều lãnh vực sinh hoạt cộng đồng xã hội. Ngoài việc phục vụ nhân quần xã hội, tại Tích Lan, Thái Lan và Miến điện... đều có những trung tâm thiền Vipassanā và thiền định nổi tiếng với rất nhiều hành giả từ 5 châu đến tham học và đã đào tạo được nhiều vị thiền sư danh tiếng phương Tây đang trở về hoạt động tích cực ở các Âu, Mỹ, Úc và Phi.
Phật Giáo Nguyên Thủy đã được truyền bá khắp 5 châu (gần đây đã có mặt ở Châu Phi), đặc biệt là rất được các nước Phương Tây ưa chuộng vì tính khoa học và thiết thực của nó, nhất là phương diện Thiền rất rõ ràng minh bạch và dễ dàng thực hiện ngay nơi đời sống hàng ngày trong nhiều lãnh vực khác nhau. Ở Anh Quốc đã lập được hội Pāli Text Society, một bộ phận của Hàn Lâm viện Anh, đã dịch dịch Tam Tạng Pāli ra tiếng Anh, và Latin hóa mẫu tự Pāli cổ. Nhiều trung tâm thiền Vipassanā đã được xây dựng ở Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ v.v... ở đó thiền được ứng dụng thành công không những trong phương diện giáo dục chuyển hóa tâm linh, mà còn hữu dụng trong y học, trong tâm lý trị liệu, trong phân tâm học... đã giúp giải tỏa được những căng thẳng, stress, trầm cảm, hưng cảm, và cả những căn bệnh nan y rất phổ biến trong thời đại văn minh khoa học kỹ thuật này.
Việc hoằng dương chánh pháp cũng đã ứng dụng phương tiện truyền thông, nhất là mạng internet toàn cầu để mở ra những trang web, blog, facebook... hữu ích khả dĩ truyền bá pháp học cũng như pháp hành đến những cư dân sống khắp nơi trên thế giới. Cái khó là dù truyền bá rộng rãi nhưng vẫn phải giữ được bản sắc nguyên thủy của Đạo Phật. Nếu không, Phật Giáo sẽ bị pha tạp với nhiều tư tưởng ngoại giáo mâu thuẫn và nhất là không giáo hóa được quần chúng mà còn bị quần chúng hóa một cách trầm trọng nữa. Nếu Đạo Phật “Hiện đại hóa và xã hội hóa” theo cách này thì cũng đồng nghĩa với thoái hóa mất rồi.
Tất nhiên, dù là Phật Giáo Nguyên Thủy cũng không tránh khỏi thời mạt pháp, nghĩa là vẫn bị chia nhiều nhánh ngọn. Nhiều trường phái thiền đã được mọc lên tại nhiều nước trên thế giới, từ đầu thế kỷ 20, do các thiền sư vận dụng, đã chế định ra những phương pháp thiền theo kinh nghiệm cá nhân và theo cách hiểu riêng của mình từ giáo lý nguyên thủy, nhưng thực ra đó vẫn chỉ là nhánh ngọn, chưa phải là nguyên lý cốt lõi của thiền Đạo Phật Nguyên Thủy. Một khi đã vận dụng thành phương tiện thì sẽ dễ bị phiến diện và cục bộ, tuy cũng có đem lại nhiều lợi ích cho quần chúng sơ cơ, nhưng vô tình đã chia cắt manh mún nguyên lý sống tùy duyên thuận pháp (Dhammānudhamma patipanno viharati – Kinh Mahā Parinibbāna) mà đức Phật đã dạy.
Vì vậy mà không ít người đã nhầm lẫn giữa phương pháp thiền chế định trong khuôn khổ kinh nghiệm tương đối - còn hữu vi, hữu ngã - của các thiền sư với nguyên lý tuyệt đối tự nhiên, vô vi, vô ngã, không khuôn định của pháp thiền mà đức Phật chứng ngộ và truyền đạt. Và vô tình, từ đó Phật Giáo Nguyên Thủy cũng bắt đầu mở ra khuynh hướng phát triển các thiền phái với những phương pháp chế định khác nhau của các thiền sư, làm chia cắt tính giác ngộ toàn diện của Đạo Phật Nguyên Thủy.
Tai hại hơn nữa là một số Tăng Ni Phật tử mới học thiền chưa tới nơi tới chốn đã vội rập khuôn theo các phương pháp học được từ các trường phái đem ra hướng dẫn quần chúng, thậm chí còn hướng dẫn qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Hôm nay một vị “thiền sư” dạy kiểu này, ngày mai một vị lại dạy thiền cách khác, khiến cho Phật tử hoang mang không biết theo ai cho đúng, hoặc đôi lúc tham lam bắt cá hai tay thì lại bị chứng bội thiền, thậm chí đưa đến “tẩu hỏa nhập ma”. Nguyên do là vì họ chỉ áp dụng khuôn mẫu mà không biết rõ lý và sự đích thực của thiền như thế nào nên chỉ biết rập khuôn theo công thức định sẵn.
Chân lý ở khắp mọi nơi nên thực ra dù cổ đại, cận đại hay hiện đại thì chân lý vẫn vậy. Người thấy ra chân lý thì dù nói nguyên thủy hay không nguyên thủy họ vẫn luôn sống đúng chân lý nguyên thủy, vậy vấn đề không phải là Phật Giáo nguyên thủy hay Phật Giáo phát triển mà là có giác ngộ được chân lý và thể hiện được chân lý trong mọi lúc mọi nơi với tinh thần tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha hay không mà thôi.
Đó mới chính là cốt lõi muôn đời của Phật Giáo Nguyên Thủy.

Hòa Thượng Viên Minh
Thành viên Hội Đồng Chứng Minh GHPGVN
Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng Thiền Nguyên Thủy,
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP.HCM
Viện Chủ Tổ Đình Bửu Long, Q9.

Phụ chú
V. Phẩm Ðặt Hướng và Trong Sáng
1-10 Tâm Ðặt Sai Hướng v.v...
9. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào.
10. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào.
VI. Phẩm Búng Ngón Tay
1-10 Tâm Ðược Tu Tập
1. - Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào. Kẻ phàm phu ít nghe, không như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm kẻ phàm phu ít nghe, không được tu tập.
2. Tâm này, này các Tỷ-kheo, là sáng chói. Và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào. Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, như thật rõ biết tâm ấy. Do vậy, Ta nói rằng tâm bậc Thánh đệ tử nghe nhiều có được tu tập.
BẢN TIẾNG ANH
"Luminous, monks, is the mind.[1] And it is defiled by incoming defilements." {I,v,9}
"Luminous, monks, is the mind. And it is freed from incoming defilements." {I,v,10}
"Luminous, monks, is the mind. And it is defiled by incoming defilements. The uninstructed run-of-the-mill person doesn't discern that as it actually is present, which is why I tell you that — for the uninstructed run-of-the-mill person — there is no development of the mind." {I,vi,1}
"Luminous, monks, is the mind. And it is freed from incoming defilements. The well-instructed disciple of the noble ones discerns that as it actually is present, which is why I tell you that — for the well-instructed disciple of the noble ones — there is development of the mind." {I,vi,2}
BẢN TIẾNG PALI
Pabhassara Sutta
AN 1.49-52 
PTS: A i 10 
(I,v,9-10; I,vi,1-2)
1. 5. 9. 
Pabhassaramidaṃ bhikkhave cittaṃ, tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhanti. 
1. 5. 10. 
Pabhassaramidaṃ bhikkhave cittaṃ, tañca kho āgantukehi upakkilesehi vippamuttanti. 
6. Pabhassaravaggo 
1. 6. 1. 
Pabhassaramidaṃ bhikkhave cittaṃ tañca kho āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhaṃ. Taṃ assutavā47 puthujjano yathābhūtaṃ nappanājāti. Tasmā assutavato puthujjanassa cittabhāvanā natthīti vadāmīti. 
1. 6. 2. 
Pabhassaramidaṃ bhikkhave cittaṃ tañca kho āgantukehi upakkilesehi vippamuttaṃ.48 Taṃ sutavā ariyasāvako yathābhūtaṃ pajānāti. Tasmā sutavato ariyasāvakassa cittabhāvanā atthīti vadāmīti.


Theo: Trung Tâm Hộ Tông