Bước vào sự thinh lặng


Ngày xưa tôi có xem một cuốn phim với tựa đề “Into the Great Silence.”  Đây là một cuốn phim tài liệu về đời sống trong tu viện cổ Grande Chartreuse trên vùng núi Alps ở Pháp.  Cuốn phim quay lại những sinh hoạt hằng ngày trong hoàn toàn thinh lặng của các tu sĩ thuộc dòng tu kín Carthusian.
Người đạo diễn của cuốn phim đã phải sống trong tu viện nửa năm, và chỉ quay phim bằng ánh sáng của thiên nhiên.  Và để tránh ảnh hưởng đến đời sống thinh lặng của các tu sĩ, ông ta không được phép tiếp xúc, nói chuyện với bất cứ ai trong tu viện, và cũng không được mang theo một người nào khác trong đoàn làm phim.
Lẽ dĩ nhiên là sự thinh lặng trong tu viện không phải hoàn toàn tuyệt đối.  Cũng có lúc các vị tu sĩ nói chuyện và phát biểu, như trong các buổi lễ, khi sinh hoạt chấp tác, hay vào mỗi cuối tuần khi cùng đi dạo bên ngoài.  Nhưng tinh yếu của sự thực tập vẫn đặt trên nền tảng của một sự thinh lặng.
Cuốn phim mở đầu bằng một cảnh mùa đông, khi cả vùng núi Alps và tu viện phủ tuyết trắng xoá, vạn vật như đông đá.  Giữa khung cảnh thinh lặng, ngồi trong tu viện nhìn ra khung cửa sổ, ta dường như nghe được âm thanh của từng bông tuyết rơi.  Trong thinh lặng, ta có thể cảm nhận được sự có mặt của những sự kiện tầm thường chung quanh mình, một cách thật sâu sắc.  Thời gian từ tốn xoay không gian, tiếng cây lá chuyển mùa, giọt nước đá tan trên cỏ, áng mây trôi ngang qua, bầu trời khuya vụn vỡ ngàn sao… tất cả đều đang vận hành tự nhiên trong một thế giới lặng yên.
Điều ta cần lắng nghe là chính mình
Cuộc sống hằng ngày của chúng ta, so với cuốn phim ấy, là một thế giới hoàn toàn khác hẳn.  Những bận rộn chung quanh khiến ta không có thì giờ để ngồi yên, để thật sự tiếp xúc được với những gì đang có mặt.
Trên con đường đi, bạn có bao giờ nghe được âm thanh của một chiếc lá rơi, hay một khuya bước qua cửa sổ chợt dừng yên nhìn sân cỏ trước nhà ngập ánh trăng...  Thật ra, trong cuộc sống ngày nay chúng ta ít khi có cơ hội để sống với thinh lặng, mà tôi nghĩ dẫu có đi chăng nữa, ta có khả năng tiếp xúc được với nó chăng?
Tôi được nghe một người quen kể rằng có lần anh đi ăn trưa với một nguời bạn.  Anh chọn một quán ăn nhỏ vắng người, để hai người có dịp nói chuyện.  Trong tiệm ít khách, chỉ có những âm thanh hỗn tạp bình thường của tiếng chén dĩa trong nhà bếp, tiếng máy tính tiền, vài người khách nói chuyện ở dãy bàn bên kia, tiếng nhạc êm nhẹ…  Bất chợt điện trong phòng bị cúp!  Không gian chung quanh như đứng dừng hẳn lại, căn phòng đột nhiên trở nên im phăng phắc một cách lạ kỳ.  Anh bạn nói, sự thinh lặng bất chợt ấy thật khó chịu và như điếc cả tai It’s deafening!  
Nhưng giây phút ấy đã khiến anh chợt dừng lại và ý thức được rằng, sự ồn ào trong cuộc sống đã giúp chúng ta tạm làm khỏa lấp một khoảng trống trong chính mình.  Có lẽ vì vậy mà người ta lại thường tìm cách trốn tránh sự yên lặng, để khỏi phải đối diện với một sự trống vắng trong ta…
Tôi nhớ có một đoạn trong cuốn phim, vào một ngày cuối tuần đi ra ngoài, họ cùng ngồi với nhau bàn thảo về một vài nghi thức trong buổi lễ ban sáng.  Một vị tu sĩ phát biểu, “Không phải mục đích của những biểu tượng là để chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của chúng, mà chính ta mới là điều cần phải được tìm hiểu.”  Thật ra, những lễ nghi hình thức chung quanh chỉ để giúp ta quay lại và thấy ra được chính mình mà thôi.  Các tu sĩ ấy không hề đặt câu hỏi về sự thinh lặng, mà chính sự thinh lặng đã đặt ra câu hỏi về chính họ.   
Và bạn cũng đừng nghĩ rằng thinh lặng có nghĩa là ta không làm gì cả, mà khi ta có một sự thinh lặng, ta sẽ tiếp xúc được với những yếu tố mầu nhiệm tự nhiên đang có mặt chung quanh mình, với một cái nhìn sâu sắc.
Vẫn là nhiệm mầu
Nhưng mầu nhiệm không có nghĩa là sự việc sẽ xảy ra theo ý mình muốn, mà mầu nhiệm có nghĩa là vì nó trong sáng tự nhiên.  Có thể đối với ta thì trời xanh mây trắng mới là mầu nhiệm, nhưng đối với người khác có thể trong cuộc đời họ đang cần một ngày mưa mát.  Một buổi sáng bước ra ngoài, dưới nắng ấm, thân ta vui khoẻ, hoặc một chiều bước chân ở sở về, tâm ta đầy những lo lắng và mệt mỏi.  Cả hai giây phút ấy có thật sự là nhiệm mầu như nhau không bạn hả? 
Tôi nhớ có một vị thiền sư thường ca ngợi giây phút hiện tại nhiệm mầu.  Có một thiền sinh phát biểu, trong giây phút này anh ta đang gặp những vấn đề khó khăn và có nhiều đau đớn, đời sống đâu có gì là nhiệm mầu?  Vị thiền sư đáp, tuy cuộc sống có những lúc khó khăn, không dễ chịu, nhưng nó vẫn là nhiệm mầu.  It’s not pleasant, but it’s still wonderful!
Nó nhiệm mầu là vì ta vẫn có điều kiện để tiếp xúc được với thực tại, để thấy được những gì thật sự đang xảy ra, để buông bỏ những dính mắc của mình, để thấy sự vận hành của pháp, để biết được sự có mặt của tuệ giác và tình thương chung quanh ta.  Mà tất cả những điều ấy chỉ có thể xảy ra trong giây phút này mà thôi!
Thênh thang như bầu trời
Hạnh phúc không phải là vì sự việc xảy ra theo ý mình, mà do ở thái độ buông xả của ta.  Trong một khoá tu tôi được học một bài kệ về hạnh phúc, và tôi vẫn thường thầm ghi nhớ nó vào mỗi buổi sáng, trưa, chiều, tối, trong những ngày bên ngoài nhiều mưa gió hoặc vào những hôm trời đầy nắng ấm.
Mong cho trong tôi không có sự thù nghịch nào
Mong cho tâm tôi được an vui và hạnh phúc
Mong cho thân tôi được an ổn và nhẹ nhàmg
Mong cho tôi được thảnh thơi
Nhưng bạn cũng đừng nghĩ đó là một sự mong cầu nào hết, vì mục tiêu của nó là cả một bầu trời rộng mênh mông!  Thật ra những lời kệ ấy không phải là một sự tập luyện hay mong muốn nào mà chỉ để nhắc nhở cho ta có một thái độ buông bỏ, và trở về lại với những gì trong lành đang có mặt sẵn trong ta.

Hãy buông bỏ đi những khổ đau không cần thiết, vì trong ta là an vui và hạnh phúc, là an ổn và nhẹ nhàng.  Mỗi niệm như một mũi tên buông thả, bay thong dong vào bầu trời cao rộng thênh thang, nơi nào nó đến cũng là mục đích.  Vì trong một sự tĩnh lặng lớn mọi việc đều có mặt trong sáng và tự nhiên.
Nguyễn Duy Nhiên