AudioBook: Tư Tưởng Lão Tử Qua Quan Điểm Phật Học - Hòa Thượng Viên Minh

 






"... trở về nguồn” giản dị chỉ là “đồng với bụi bặm”, chứ không cần phải cố gắng để thể nhập Đại Ngã hay Thượng Đế một cách quá cao siêu huyền ảo. Nhưng khi ngọn cỏ chỉ là ngọn cỏ, bụi trần chỉ là bụi trần thì nó vẫn bao hàm tất cả càn khôn vũ trụ, thiên địa vạn vật mà không cần phải tìm kiếm đâu xa bởi vì:
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
(Thiền sư Khánh Hỷ)
Xin tạm dịch là:
Hạt cải gồm thâu luôn nhật nguyệt,
Đầu lông thấy tận cả càn khôn.
Như vậy chỉ cần mỗi pháp đúng với bản vị của nó (thị pháp trụ pháp vị)  là đã trở về nguồn, là qui căn, là phục mạng, và cũng chính là đã “biết được con, lại giữ được mẹ” như Lão Tử đã nói vậy.
Không phải chỉ Lão Tử mà Đức Phật cũng khuyên đệ tử của Ngài thường nên “sống tùy thuận pháp” (dhammànudhamma patipanno viharati). Đức Chúa Jesus dạy “Vâng ý Cha”, và ngay cả Đức Khổng Tử cũng dạy “thuận thiên lập mệnh”, tuy ngôn ngữ bất đồng mà cùng chung một nghĩa...”



“... Người giác ngộ là người thấy ra bản chất đích thực của đời sống chứ không có thái độ nhị nguyên tham ưu, thủ xả (ưa ghét, lấy bỏ). Hay nói một cách khác, không loại ra khỏi đời sống yếu tính mà mình ghét bỏ để thay vào đó là lý tưởng mà mình ưa thích, cũng không hướng ngoại kiếm tìm ảo ảnh do bản ngã và tư tưởng vọng cầu...”




\

“... Thiền Phật giáo cũng nói: “Nhập lâm bất đạp thảo, nhập thủy bất động ba” (vào rừng không dẫm cỏ, vào nước sóng chẳng xao), để khuyên những người truyền bá Phật Pháp chỉ nên khai hóa chứ không nên áp đặt pháp môn tu hành của mình lên tâm hồn chất phác của bá tánh.
Cho nên, khi có người đến xin truyền pháp, Lục Tổ Huệ Năng nói (đại ý rằng): Ta chẳng có pháp (riêng) nào để truyền, pháp vốn tự đầy đủ nơi mỗi người, hãy tự mình ngộ lấy mà dùng, chẳng cần phải cầu xin ai cả.
Và chính Đức Phật khi xuất hiện ở cõi đời để hóa độ chúng sinh cũng chỉ khai thị cho chúng sinh tự tánh thanh tịnh của họ để họ tự tu, tự ngộ, tự chứng, tự nhập...” 


‘... Vĩnh cửu chính là sát-na sinh diệt, hay nói đúng hơn là vượt khỏi thời gian (akàliko), một tính chất tất yếu của thực tại (pháp – dhamma). Trong Phật học ít khi dùng chữ thường mà chỉ nói là chơn thường để tránh ý niệm thường hằng trong thường kiến của tà đạo. Chơn thường vượt ra ngoài khái niệm vô thường và thường của thời gian tâm lý của tư tưởng. Nhưng chơn thường lại đồng nghĩa với thực tánh vô thường (vô thường thị thường)...”




“... Người chuộng cao mà ở nơi thấp ắt là khó. Nhưng khi được lên cao mà vui mừng bao nhiêu thì rồi khi bị xuống thấp cũng khổ sở bấy nhiêu. Vì “trèo cao té nặng” là định luật rất mực thường tình. Còn người đã vui lòng chấp nhận chỗ thấp, sẵn sàng hứng chịu thiệt thòi, thì cao cũng không màng mà thấp cũng chẳng sợ, được cũng vậy mà mất cũng thế ... chỉ là lẽ biến dịch tuần hoàn tất nhiên trong cuộc sống, giữa trời đất và muôn loài vạn vật.
Phải có cái nhìn hết sức vô tư chất phác mới có thể thấy được vạn pháp đến đi một cách “như thị”, đó chính là cái nhìn ngạc nhiên của trẻ thơ, hồn nhiên trong sáng và cũng là cái nhìn “kiến tố bảo phác” của bậc đã “tuyệt thánh khí trí, dứt nhân bỏ nghĩa, dứt xảo bỏ lợi” LTĐĐK ch.19 ). Vì thế hẳn là chúng ta không còn lấy làm lạ khi Lão Tử nói rằng “Cứ vui lòng chấp nhận cái thấp đi thì được cũng ngạc nhiên, mất cũng ngạc nhiên”, như trời đất chấp nhận 4 mùa, con chim hoàng oanh hót trên canh liễu chào đón xuân sang, như một vị thiền sư đã nói:
Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng oanh đề liễu thượng...”









1 nhận xét: