Thế nào là tự nhiên - Hãy để cho bình thường có mặt tự nhiên

...  Làm gì cũng vậy, nhất là trong sự tu tập, hãy thực hành đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp, luật nhân quả phân xử. Hiểu được như vậy, cho dù con đường của bạn đi có dài bao nhiêu, dầu ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, bạn cũng sẽ được an vui.”... 

Thế nào là tự nhiên

Tôi thấy người ta thường đặt câu hỏi là khi ta bước chân vào con đường tu học, khi ta bắt đầu tập thiền, chúng có làm cho cuộc sống của mình trở nên mất tự nhiên chăng? Có làm cho ta mất đi sự nhanh nhẹn không? Ta có còn biết xử lý những vấn đề trong cuộc sống cho được hiệu quả không? Hay nói cách khác, cuộc sống của ta có còn được “tự nhiên” như xưa chăng?

    Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, cuộc sống bình thường và cách hành xử hằng ngày của mình là tự nhiên, còn tu học hay thiền tập là “mất tự nhiên”, và khi tu tập rồi ta sẽ không còn thích hợp với cuộc sống này nữa. 
Thế nào là sự tự nhiên?
Nhưng thế nào mới là tự nhiên? Ngài Ajahn Chah có một chia sẻ khá thú vị về vấn đề này.
    “Một cái cây mọc trong rừng là tự nhiên. Nhưng khi ta đốn xuống đem về xây nhà, ta còn gọi cây đó là ‘tự nhiên’ không? Và khi ta dùng gổ ấy để xây nhà cho người ta ở, thì nó lại có nhiều giá trị cho chúng ta hơn.
    Như một con chó chạy đây đó tìm kiếm thức ăn, khi ta thảy cho nó một món gì, chúng nhào lại dành giựt với nhau. Điều đó ta cho là tự nhiên phải không! Nhưng ta có muốn tự nhiên như thế không?
    Sự tự nhiên chỉ có thể hiểu được với một cái thấy sâu sắc. Sự tự nhiên thật sự này nằm ngoài những thói quen, điều kiện, và sự sợ hãi của ta. Nếu ta cứ buông thả, để cho mình sống theo sự 'tự nhiên' của ý muốn, sở thích của mình, mà trong đó tiềm tàng những tham đắm, si mê, thì thật ra ta đang bị ràng buộc. Ta sẽ bị đau khổ theo sự vận hành của luật nhân quả.
    Thiền tập, giúp cho sự hiểu biết và tình thương của ta phát triển, và nhờ vậy mà ta có thể thấy rõ được hình tướng chân thật của mọi vật, theo lẽ tự nhiên."
Chỉ làm công việc của mình
Nhưng để cho sự vật được tự nhiên hoàn toàn không có nghĩa là ta buông xuôi và không làm gì hết, mà là hành động với một tuệ giác. Ngài Ajahn Chah nói,
    "Bạn có để ý rằng mỗi sự vật tự nó có một lối phát triển riêng không. Khi ta đã cố hết sức mình rồi thì ta hãy để cho luật tự nhiên, nhân quả vận hành theo luật của nó. Ta bao giờ cũng phải cố gắng, tùy theo sức của mình, nhưng tuệ giác hay niềm vui đến với ta mau hay chậm, điều đó hoàn toàn không tùy thuộc vào mình.
    Cũng như khi bạn trồng một cây, ta không thể nào bắt buộc cây mọc mau hay chậm được. Cây có nhịp độ phát triển riêng của nó. Bổn phận riêng của bạn chỉ là đào đất, tưới nước, bón phân, chăm sóc nó.
    Và thật ra, bạn cũng chỉ có thể làm được bấy nhiêu thôi. Còn sự phát triển là tùy thuộc vào cây. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục làm công việc của mình, bạn đừng lo, cây bạn trồng sẽ xanh tươi, sẽ phát triển.
Nhưng bạn phải biết phân biệt giữa công việc của mình làm và công việc của cây. Việc của cây hãy để yên cho nó, còn bạn hãy quan tâm đến bổn phận của chính mình. Nếu bạn không thấy rõ được điều ấy, bạn sẽ đi bắt cây phải mọc nhanh lên, rồi đâm hoa, nở nhụy, kết trái theo ý muốn của mình. Đó là một cái nhìn, quan niệm sai lầm, đưa ta qua biết bao nhiêu phiền não, khổ đau.
    Làm gì cũng vậy, nhất là trong sự tu tập, hãy thực hành đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp, luật nhân quả phân xử. Hiểu được như vậy, cho dù con đường của bạn đi có dài bao nhiêu, dầu ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, bạn cũng sẽ được an vui.”
    Tôi nghĩ, ta có thể mang lời khuyên ấy vào ngay trong cuộc sống của mình. Một bài học kham nhẫn trước những phiền não và khó khăn trong cuộc đời, "hãy thực hành cho đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp." Và với sự kham nhẫn bằng tuệ giác ấy, thì dầu bất cứ trong hoàn cảnh nào, ta cũng sẽ có an vui...
Nguyễn Duy Nhiên
---------------------------------------------------------

Bình thường giữa vô thường


Cuộc sống bao giờ cũng có những đổi thay. Có những đổi thay xoay chậm và từ tốn theo thời gian như bốn mùa, và cũng có những biến đổi nhanh đến bất ngờ.
Life changes fast.
Life changes in the instant.
The ordinary instant.
You sit down to dinner and life as you know it ends.
Cuộc sống đổi thật nhanh.
Cuộc sống thay đổi trong phút chốc
Trong một giây lát bình thường.
Ta ngồi xuống buổi ăn chiều
Và cuộc sống mà ta vẫn thường biết, chấm dứt.
Bà Joan Didion viết những dòng ấy trong nhật ký của mình, vào một chiều mùa đông, sau khi vợ chồng bà vừa mới trở về từ nhà thương thăm đứa con gái đang bị hôn mê. Hai người đang sửa soạn cho buổi ăn chiều. Lúc ấy, chồng bà bất ngờ bị một cơn động tim dữ dội, và ông qua đời trên đường chở vào bệnh viện. Trong một giây phút bình thường, cuộc đời của bà đã hoàn toàn thay đổi.
    Bà viết, "Cuộc sống đổi thay trong chốc lát, trong một giây phút bình thường. Nhưng tôi nghĩ có lẽ mình không cần thêm vào hai chữ 'bình thường' vì nó không cần thiết. Cuộc sống tự nhiên là như vậy. Khi đối diện trước một tai nạn lớn nào đó bất ngờ xảy ra, chúng ta bao giờ cũng chỉ nhớ đến những sự việc 'bình thường', không có gì là đặc biệt: bầu trời trong xanh khi chiếc máy bay rơi, con đường quen thuộc khi chiếc xe bị tai nạn, chiếc xích đu vẫn thường ngày khi đứa bé bị ngã...  Tất cả đều là một ngày rất bình thường..."

Bình thường nhưng không tầm thường

Ngày mưa trên mái hiên, nắng trưa qua con phố nhỏ, áng mây trôi trong tách cà phê buổi sáng, những chiếc lá bay rộn rã trên con đường lộng gió buổi chiều này... chúng tuy bình thường, nhưng có bao giờ là tầm thường đâu bạn hả!
    Mà dường như chúng ta ai cũng lại ưa thích tìm kiếm những gì là “phi thường. Như trên con đường tu học, chúng ta cũng thường mong tìm đạt những gì có thể giúp ta thay đổi được cái trạng thái “bình thường” của mình, như là mang lại cho mình một trạng thái an vui hay siêu việt nào đó chẳng hạn.
    Trong những ngày thiền tập, tôi thường nghe người ta đặt câu hỏi rằng, trong lúc ngồi thiền chúng ta có thể chọn một hình ảnh đẹp, hay âm thanh êm dịu nào đó, để giúp mang lại cho mình một cảm giác thư giãn và an tĩnh không?
    Ví dụ như ta tưởng đến một bờ biển với tiếng sóng vỗ rì rào, hay nhìn một đóa hoa đẹp dưới nắng sớm chẳng hạn... Tôi có một người bạn thường thích ngồi thiền trước một khung cửa sổ lớn để được nhìn ra bên ngoài, một không gian thênh thang.
    Những trải nghiệm ấy chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, an tĩnh và tươi mát, nhưng đó có phải là thiền quán?

Hãy để cho bình thường có mặt tự nhiên

Thật ra trong khi ngồi thiền ta chỉ cần thật sự ngồi nơi chỗ mình đang ngồi, và có mặt với bất cứ những cảm giác nào đang có trong thân tâm ta.
    Trong thiền tập ta không nghĩ tưởng về hơi thở hay bất cứ một đối tượng nào, mà là biết cảm nhận và thấy ra được những gì đang có mặt. Đó có thể là những cảm giác an vui, dễ chịu, và cũng có thể là những cái đau hay sự khó chịu trong thân tâm.
    Có vị thiền sư dạy chúng ta trong khi tiếp xúc với những gì đang xảy ra, đừng nên theo một phương pháp cố định nào quá, mà hãy để tất cả có mặt trong điều kiện tự nhiên. Và khi cái thấy của mình đã được tự nhiên rồi, thì lúc đó chỉ có cái tâm trong sáng, tĩnh lặng mà thôi, còn đối tượng là gì, hay trạng thái nào, cũng không quan trọng.
    Mà nếu ta có khả năng yên được ở nơi này, thì khi ngồi bên bờ biển, hoặc bên tách cà phê nóng, hay với ánh trăng bên cửa sổ, ta mới có thể thật sự tiếp xúc được với chúng. Còn nếu không, thì dẫu tất cả có mặt ngay trước mắt, ta vẫn sẽ chỉ mơ tưởng về một tách cà phê hay một ánh trăng quá khứ, hoặc một nơi chốn xa xôi nào khác mà thôi…

Một tâm máy móc

Tôi thấy ngày nay chúng ta cũng thường muốn sáng tạo thêm những phương tiện mới, để giúp cho con đường tu học của mình được dễ dàng và có nhiều hiệu quả hơn. Nhưng đôi khi những sự tạo tác ấy, tuy có một kết quả tạm thời, lại có thể vô tình làm mình tách rời thực tại tự nhiên.
    Trang Tử nói, người ta thường chỉ vì nghĩ tới lợi ích mà quên đi cái tâm bình thường trong sáng của mình. Ông gọi cái tâm tính toán, tạo tác ấy là cơ tâm, một lòng máy móc. Có câu chuyện như sau:
    Thầy Tử Cống đi qua đất Hán Âm thấy một ông lão làm vườn đang xuống giếng gánh từng thùng nước, đem lên tưới rau.
    Tử Cống nói: Kia có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đàng sau nặng, đàng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ, và tên gọi là "máy lấy nước”.
    Ông lão nói: Lão nghe thầy lão nói rằng hễ dùng cơ giới thì tất có cơ tâm (lòng máy móc), có cơ tâm thì không còn sự trong trắng nữa nên tâm thần không yên ổn, tâm thần không yên ổn thì Đạo sẽ lánh xa, không che chở mình nữa. Lão không phải không biết cái lợi, nhưng hễ có cơ giới tức có cơ sự, kẻ có cơ sự tức có cơ tâm. Lão đây có phải không biết ích lợi ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy.
    Nhưng không phải ông Trang Tử khuyên chúng ta đừng nên sử dụng đến “cơ giới” đâu bạn. Tôi nghĩ ông chỉ muốn nhắc nhở chúng ta nên thận trọng, vì những sự khôn khéo và tạo tác của ta dễ làm phát triển một cơ tâm, rồi đánh mất đi cái tâm trong sáng sẵn có của mình.

Để trăng trôi vào chùa

Có lẽ vì vậy mà các thầy tổ thường khuyên chúng ta hãy nên lấy cái tâm bình thường mà học đạo bạn hả?
    Chúng ta đâu cần đi tìm cầu những trạng thái phi thường, hoặc một pháp môn cao xa nào, mà đánh mất đi sự sống nhiệm mầu đang có mặt ngay trong mỗi khoảnh khắc bình thường và ngắn ngủi này. Hãy tiếp xúc với tất cả bằng một cái thấy chân thật và tự nhiên.
    Có lần Basho đến thăm một người bạn trong một ngôi chùa ở Katada. Người bạn gặp Basho mừng rỡ, ông nói “Tiếc quá, trong vườn chùa chỉ có vài củ khoai và mấy cọng đậu. Không có gì để mang ra tiếp đãi anh.” Người bạn trải chiếu ra, cả hai cùng ngồi tâm sự và uống trà với nhau. Một đêm mười sáu bình thường, ngoài vườn trăng lên thật sáng.
open the lock
let the moon shine in—
Floating Temple
              Basho

hãy mở cửa
mở to cửa để ánh trăng
chảy vào chùa Ukimiđô.
       Thái Bá Tân dịch
    Lắm khi trong cuộc sống ta lại chứng nghiệm được sự mầu nhiệm, và thấy ra lẽ đạo, ở những gì mà mình cho là rất tầm thường, bằng một tâm bình thường.
nguyễn duy nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét