Sự đọc kinh và sự tham thiền

Hỏi: Có phải ngưỡng vọng diễn đạt trong kinh cầu là một con đường dẫn đến Thượng đế?

Krishnamurti: Trước hết, chúng ta khảo sát những vấn đề chứa đựng trong câu hỏi này. Trong câu hỏi ấy ngụ cả sự cầu kinh, sự tập trung tư tưởng, và sự trầm tư mặc tưởng. Vậy đối với chúng ta, sự cầu kinh có nghĩa gì? Trước tiên, trong khi đọc kinh, mình thỉnh cầu, van xin, nài nỉ, kêu xin một đấng nào đó mà mình gọi là Thượng đế hoặc một thực thể nào đó, gọi là thực tại. Cá thể bạn đang đòi hỏi, thỉnh nguyện, van xin, nài nỉ, tìm kiếm sự dìu dắt của một thực thể nào đó mà bạn gọi là Thượng đế; do đó, thái độ cầu kinh của bạn là tìm kiếm một phần thưởng, tìm kiếm một sự đáp trả thỏa mãn.
Bạn đang bị hoạn nạn, hoạn nạn chung hay riêng, rồi bạn cầu nguyện đọc kinh cho được phúc lành che chở gìn giữ, dìu dắt; hoặc tâm tư bạn đang tán loạn và bạn van xin được bình tĩnh sáng suốt, bạn mong mỏi được giúp đỡ, được sự bảo trợ của một thực thể nào đó mà bạn gọi là Thượng đế. Trong việc này đã ngụ ý rằng Thượng đế - Thượng đế là thế nào, chúng ta chưa thảo luận ngay bây giờ - sẽ dọn sạch mọi sự tán loạn mà các bạn và tôi đã tạo ra.
Tựu trung, chính chúng ta đã đem lại sự tán loạn, nỗi thống khổ, sự hỗn mang, nạn chuyên chế áp bức khủng khiếp, sự vắng mất tình thương, và chúng ta muốn thực thể nào mình gọi là Thượng đế dọn sạch mọi sự, đem lại sự trật tự chỉnh túc. Nói một cách khác, chúng ta muốn một người khác hiệu chỉnh lại sự hỗn loạn, sự thống khổ bần cùng của chúng ta, sự xung đột của chúng ta, chúng ta van xin một kẻ khác mang đến ánh sáng và diễm phúc cho chúng ta.
Vậy thì mỗi khi bạn đọc kinh, khi bạn van xin, thỉnh cầu cho được một việc gì, việc ấy thường khi hiện đến. Khi bạn hỏi, bạn sẽ nhận được; nhưng những gì bạn nhận được sẽ không tạo ra trật tự, bởi vì điều bạn nhận được không đem đến sự sáng suốt, sự giao cảm hiểu biết. Điều ấy chỉ thỏa mãn, đem đến sự thỏa lòng mãn nguyện, nhưng không tạo ra sự hiểu biết, bởi vì khi bạn thỉnh cầu thì bạn nhận được điều mà bạn phóng hiện ra đó.
Làm thế nào thực tại, Thượng đế có thể trả lời sự thỉnh cầu đặc thù của bạn? Có thể nào sự vô lượng, sự vô ngôn mà lại bận vướng với những lo âu bần tiện hèn mọn của chúng ta, bận bịu với nỗi thống khổ hỗn loạn mà chính chúng ta đã tạo ra? Thế thì cái gì đáp ứng?
Cố nhiên là thực tại vô lượng, vô hạn, không thể nào đáp ứng cho thực thể hữu hạn, bần tiện, bé nhỏ. Như vậy thì cái gì đáp ứng? Trong lúc chúng ta đọc kinh, chúng ta tương đối trầm lặng, trong một cảm trạng cởi mở đón nhận; lúc ấy, chính tiềm thức của chúng ta đem đến một sự sáng suốt nhất thời. Bạn muốn được một việc gì đó, bạn thèm muốn khát vọng điều ấy, và trong khoảnh khắc khát vọng ấy, giây phút thỉnh cầu khúm núm tha thiết ấy, cảm thức bạn tương đối cởi mở đón nhận; tâm trí tích cực, hữu thức của bạn được tương đối vắng lặng, vì thế vô thức mới tự phóng hiện vào trong tâm trí ấy và bạn được sự đáp ứng.
Chắc chắn đó không phải là sự đáp ứng từ thực tại, từ thực thể vô lượng – đó chính là sự đáp ứng vô thức của bạn. Vì thế, chúng ta đừng để tâm thức tán loạn và cho rằng mỗi khi bạn đọc kinh được đáp ứng là bạn có tương giao với thực tại. Thực tại phải đến bạn; bạn không thể đến thực tại được.
Vấn đề đọc kinh này còn can hệ đến một yếu tố: sự đáp ứng của điều mà chúng ta gọi là tiếng nói nội tại. Như tôi đã trình bày, khi tâm trí van xin, nài nỉ, thỉnh cầu thì tâm trí được tương đối im lặng; khi bạn nghe tiếng nói nội tại, đó là tiếng nói của chính bạn đang tự phóng hiện vào trong tâm thức tương đối tĩnh lặng ấy. Thế thì làm thế nào tiếng nói ấy có thể là tiếng nói của thực tại?
Một đầu óc tán loạn, ngu si, thèm khát, tham dục, đòi hỏi, van xin, một đầu óc như thế làm thế nào hiểu được thực tại? Tâm thức chỉ có thể đón nhận thực tại khi tâm thức im lặng một cách tuyệt đối, không còn đòi hỏi, không van xin, không thèm khát, không hoài vọng, không thỉnh cầu, dù là cho mình, cho quốc gia hoặc cho người khác.
Khi tâm thức được im lặng một cách tuyệt đối, khi lòng tham dục chấm dứt, chỉ lúc ấy thực tại mới xuất hiện. Một người van xin đòi hỏi, nài nỉ, thỉnh cầu, khao khát phương hướng thì hắn sẽ tìm thấy điều hắn tìm kiếm, nhưng đó sẽ không phải là chân lý. Điều hắn nhận được sẽ là sự đáp ứng của những tầng lớp vô thức trong chính tâm trí hắn phóng hiện vào ý thức; tiếng nói im lặng nhỏ bé kia dìu dắt phương hướng cho hắn không phải là thực tại mà chỉ là sự đáp ứng của vô thức.
Vấn đề đọc kinh lại cũng có can hệ đến vấn đề tập trung tư tưởng. Đối với phần đông chúng ta, sự tập trung tư tưởng là một tiến trình độc chiếm. Sự tập trung tư tưởng được phát sinh do nỗ lực, cưỡng bách, chi phối, mô phỏng, vì thế sự tập trung tư tưởng là một tiến trình độc chiếm. Tôi để tâm vào một việc gọi là tham thiền, nhưng những tư tưởng của tôi đều phân tán; vì thế tôi cố định tâm trí vào một hình ảnh, một ảnh tượng hoặc một ý tưởng và khai trừ các tư tưởng khác. Tiến trình tập trung tư tưởng này, tức là sự độc chiếm khai trừ, được coi như một phương tiện thiền định. Đó là điều bạn thường làm phải thế không?
Khi bạn ngồi xuống để tham thiền, bạn an định tâm trí vào một chữ, vào một ảnh tượng, hoặc vào một hình ảnh, nhưng tâm trí vẫn lang thang đây đó khắp nơi. Những ý tưởng khác, những tư tưởng khác, những cảm xúc khác lại chen lấn làm gián đoạn sự định tâm của bạn và bạn cố gắng xua đẩy chúng ra ngoài; bạn mất thì giờ trong việc cầm cự chống chế với những tư tưởng của bạn. Và bạn gọi tiến trình ấy là sự tham thiền.
Nghĩa là bạn cố gắng tập trung tư tưởng vào một sự việc gì đó mà bạn không quan tâm thích thú, rồi những tư tưởng của bạn lại tiếp tục gia tăng, hiện đến càng lúc càng nhiều, chen vào gián đoạn sự định tâm, vì thế bạn phải tận dụng tinh lực để khai trừ loại bỏ, gạt bỏ, đẩy đi; nếu bạn có thể tập trung tư tưởng vào một tư tưởng chọn lựa, vào một đối tượng đặc biệt nào đó, bạn cho rằng bạn đã thành công trong việc tham thiền. Chắc chắn đó không phải là tham thiền, phải thế? Sự tham thiền không phải là một tiến trình độc chiếm, độc chiếm trong nghĩa khai trừ gạt bỏ, chống chế lại những ý tưởng lấn áp. Sự đọc kinh không phải là thiền định và sự tập trung tư tưởng cũng không phải là thiền định, vì đó chỉ là sự độc chiếm thôi.
Tham thiền là gì? Sự trầm tư mặc tưởng là gì? Sự tập trung tư tưởng không phải là tham thiền, bởi vì mỗi khi mình cảm thấy hứng thú quan tâm thì tương đối dễ tập trung tư tưởng vào một việc gì đó. Một người tướng chỉ huy dàn trận, gây sự tàn sát đẫm máu, cũng là người rất tập trung tư tưởng. Một kẻ kinh doanh chỉ lo làm tiền cũng là người tập trung tư tưởng – hắn tập trung tư tưởng đến độ tàn nhẫn, không biết thương xót, gạt bỏ qua tất cả những cảm giác khác và chỉ tập trung tư tưởng hoàn toàn vào điều hắn muốn có. Bất cứ kẻ nào chú tâm để ý đến một việc gì thì hắn tập trung tư tưởng một cách tự nhiên, tự phát. Sự tập trung tư tưởng như thế không phải là tham thiền, đó chỉ là sự độc chiếm khai trừ.
Thế thì tham thiền là gì? Chắc chắn sự tham thiền là sự hiểu biết – sự tham thiền của con tim là sự giao cảm hiểu biết. Làm thế nào có thể có sự hiểu biết nếu có sự độc chiếm khai trừ? Làm thế nào có sự hiểu biết khi mình chỉ van nài van xin, thỉnh cầu? Trong sự giao cảm hiểu biết, mình được hòa bình, thanh thản, mình được sự tự do: điều bạn hiểu được cũng là điều mà bạn đã được giải phóng, bạn đã hiểu được điều gì là bạn đã giải thoát khỏi điều ấy. Còn chỉ tập trung tư tưởng hoặc chỉ đọc kinh không đem đến sự hiểu biết giao cảm.
Sự hiểu biết là chính cơ sở, tiến trình nền tảng của sự tham thiền. Bạn không phải đồng ý với lời nói của tôi, nhưng nếu bạn khảo sát sự đọc kinh và sự tập trung tư tưởng một cách chu đáo hơn, một cách sâu thẳm hơn, bạn sẽ thấy rằng không có sự đọc kinh nào hay sự tập trung tư tưởng nào đưa dẫn đến sự hiểu biết giao cảm. Sự đọc kinh và tập trung tư tưởng chỉ đưa đến sự cố chấp định kiến và ảo tưởng. Trái lại sự thiền định nào mà có sự hiểu biết giao cảm trong ấy thì sự thiền định ấy mang tới sự tự do, sáng suốt minh mẫn và nguyên tính.
Đối với chúng ta, sự hiểu biết giao cảm có nghĩa là gì? Sự hiểu biết có nghĩa là đặt đúng tầm quan trọng, đánh giá đúng, đặt giá trị xác đáng cho tất cả mọi sự. Người ngu si là người đặt sai những giá trị; chính bản chất của sự ngu xuẩn là đánh mất sự lĩnh hội đàng hoàng về những giá trị chính xác. Sự hiểu biết hiện đến khi nào có những giá trị chính xác, khi nào những giá trị chính đáng được thiết lập. Và làm thế nào mình thiết lập những giá trị chính đáng – giá trị chính đáng của tài sản, giá trị chính đáng của sự tương giao, giá trị chính đáng của những ý tưởng?
Muốn cho những giá trị chính đáng hiện đến, bạn phải hiểu người tư duy, phải thế không? Nếu tôi không hiểu người tư duy, tức là tôi, thì những gì tôi lựa chọn đều vô nghĩa; nghĩa là nếu tôi không tự hiểu tôi, lúc ấy, hành động của tôi, tư tưởng của tôi không có nền tảng căn nguyên gì cả. Vì vậy, sự tự hiểu biết là sự bắt đầu của sự tham thiền lĩnh lự - chứ không phải kiến thức mà bạn lượm lặt từ những quyển sách của tôi, từ những kẻ uy quyền uy tín, từ những bậc gurus (những bậc minh sư, đạo sư), nhưng sự hiểu biết xuất hiện nhờ sự tự khảo sát tức là tự thức. Sự tham thiền là sự bắt đầu của việc tự hiểu biết, và không có sự tự hiểu biết thì không có việc tham thiền được.
Nếu tôi không hiểu những dường lối vận hành của những tư tưởng tôi, những cảm giác tôi, nếu tôi không hiểu những động lực duyên do của tôi, những khát vọng những đòi hỏi, sự đeo đuổi một khuôn mẫu hành động, tức là những ý tưởng – nếu tôi không tự hiểu tôi, thì không thể nào có cơ sở để suy tưởng; người tư duy nào chỉ đòi hỏi, cầu nguyện hoặc khai trừ độc chiếm, không tự hiểu bản thân thì nhất định rốt ráo rồi cũng đi đến hỗn loạn ảo tưởng.
Sự bắt đầu của việc tham thiền là sự tự hiểu biết, tức là ý thức trực tiếp về tất cả sự vận hành của tư tưởng và cảm giác, tri nhận tất cả những tầng lớp trong ý thức của tôi, chẳng những những tầng lớp nông cạn hời hợt mà cả những sinh hoạt ẩn kín, tiềm mặc sâu thẳm. Muốn biết những sinh hoạt tiềm mặc sâu thẳm, những nguyên động lực giấu kín, những đáp ứng, những tư tưởng và những cảm giác, phải cần có được sự trầm lặng trong tâm trí hữu thức; nghĩa là tâm trầm lặng trong tâm để có thể đón nhận sự phóng hiện bên ngoài của vô thức.
Tâm trí hữu thức nông cạn hời hợt chỉ bận rộn với những sinh hoạt thường nhật, với việc mưu sinh, lừa gạt những kẻ khác, trục lợi kẻ khác, chạy trốn những vấn đề - nói chung tất cả những sinh hoạt hàng ngày trong đời sống chúng ta. Tâm thức nông cạn hời hợt ấy phải hiểu đúng mức sự quan trọng của chính những sinh hoạt của mình và nhờ thế mới đem đến sự trầm lặng an tĩnh cho tự thể. Tâm thức ấy không thể tạo ra sự an tâm, trầm mặc bằng sự kìm chế, áp đảo, kỷ luật.
Tâm thức chỉ có thể tạo ra sự vắng lặng thanh bình, trầm mặc bằng việc lĩnh hội những sinh hoạt của tự thể, bằng việc quan sát những sinh hoạt ấy, bằng việc ý thức trực tiếp về những sinh hoạt ấy, bằng việc nhìn thấy sự tàn bạo của tự thể, nhìn thấy cách nói năng với người đầy tớ, với người vợ, với con gái, với cha mẹ, vân vân.
Khi tâm thức nông cạn thiển bạc hoàn toàn ý thức như thế về tất cả sinh hoạt của tự thể nhờ vào sự hiểu biết ấy, tâm thức trở nên trầm lặng một cách tự nhiên, chứ không phải bị tiêm độc dược bằng sự cưỡng bức hoặc bị kìm chế bởi sự tham dục; lúc ấy tâm trí mới có khả năng đón nhận thâm ý hàm súc, những dấu hiệu bày tỏ của vô thức, bao nhiêu là những tầng lớp kín đáo của tâm trí – những bản năng chủng tộc, những kỷ niệm chôn vùi, những truy cầu ẩn giấu, những vết thương sâu thẳm chưa lành. Chỉ khi nào tất cả những thứ này đã tự phóng hiện ra ngoài và được lý hội, khi toàn thể ý thức đã cởi bỏ gánh nặng, không còn bị vướng kẹt trong bất cứ vết thương lòng nào, không bị ràng buộc bởi bất cứ kỷ niệm nào, chỉ lúc ấy ý thức mới sẵn sàng đón nhận sự vĩnh cửu.
Sự tham thiền tĩnh lự là sự tự hiểu biết, và không có sự tự hiểu biết thì không có tham thiền. Nếu bạn không ý thức về tất cả những đáp ứng của bạn trong mọi lúc, nếu bạn không hoàn toàn ý thức, không hoàn toàn tri nhận về những sinh hoạt thường nhật của bạn, mà chỉ tự đóng kín bưng bít trong phòng và ngồi tham thiền trước hình ảnh của bậc đạo sư mình, của bậc thầy tối thượng, việc làm ấy chỉ là một sự chạy trốn, bởi vì không có sự tự hiểu biết mình thì không có tư duy chính xác; không có tư duy chính xác, những việc làm của bạn đều vô nghĩa, dù ý định của bạn có cao thượng đi nữa thì vẫn vô nghĩa, vì thế sự đọc kinh không có ý nghĩa, không quan trọng gì cả nếu mình không hiểu tự thể bản thân, nhưng khi có sự tự hiểu biết thì có tư duy chính xác, rồi hành động chính xác.
Khi có hành động chính xác, lúc ấy không có sự tán loạn nữa; do đó, không còn sự thỉnh cầu nài nỉ van xin bất cứ ai để mong mỏi được dìu dắt ra ngoài sự tán loạn kia. Bất cứ kẻ nào có ý thức trực tiếp hoàn toàn, kẻ ấy đúng là đang tham thiền quán tưởng; kẻ ấy không cần đọc kinh vì hắn không ham muốn cầu cạnh bất cứ điều gì nữa. Đọc kinh, kìm chế tự kỷ, lặp đi lặp lại thường xuyên một việc gì đó, tất cả những thứ này có thể đem đến cho bạn một sự im lặng nào đó, nhưng đó chỉ là một sự đần độn chai đá chán chường khiến cho tâm trí phải khắc khoải ủ ê.
Việc ấy chỉ ru ngủ, tiêm độc dược cho tâm trí; và sự độc chiếm loại trừ mà bạn gọi là sự tập trung tư tưởng, không thể nào đưa đến thực tại – không có tinh thần độc chiếm nào có thể làm được việc ấy. Điều khai tạo ra sự giao cảm hiểu biết chính là sự tự hiểu biết và có được ý thức trực tiếp không phải là chuyện khó lắm nếu mình có chủ ý chính xác. Nếu bạn quan tâm đến việc khám phá toàn thể tiến trình của bản thân bạn – chứ không phải chỉ để ý đến thành phần hời hợt mà phải để ý trọn vẹn tiến trình của toàn diện bản thể bạn – lúc ấy, không có gì là khó lắm.
Nếu bạn thực sự muốn tự hiểu mình bạn sẽ bới đào khám phá cõi lòng bạn và tâm trí bạn để biết được trọn vẹn nội dung, và khi mình có ý định để biết thì bạn mới biết được. Rồi bạn có thể theo dõi tất cả mọi sự vận hành của tư tưởng và cảm giác mà không kết án hoặc biện minh, theo dõi sự khởi phát của tất cả tư tưởng cảm giác, bạn sẽ tạo ra được sự trầm lặng, không phải cưỡng bức, không phải áp chế tự kỷ; sự trầm lặng ấy là thành quả của việc không còn vấn đề nào nữa, không còn mâu thuẫn nào nữa. Điều ấy giống như một ao nước vắng lặng, im lặng tĩnh mịch vào một buổi chiều không gió; khi tâm trí bình lặng, khi ấy thực tại vô hạn xuất hiện.

Theo: Tự do đầu tiên và cuối cùng - J. Krishnamurti


Tác giả: J. Krishnamurti
Người dịch: Phạm Công Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét