Khi Đức Phật đang trú ngụ tại Kỳ Viên Tịnh Xá, một vị Tỳ-kheo nọ lo lắng muốn biết cách làm thế nào để có thể chứng đắc Niết-bàn nên đã đi đến một vị A-la-hán nọ và hỏi, ‘Thưa hiền giả điều gì đòi hỏi phải có để thấy rõ Niết-bàn?’Vị A-la-hán trả lời, (Này hiền giả, để có được cái thấy rõ ràng về Niết Bàn, điều đòi hỏi phải có là phải biết và nhận ra sự sanh và diệt của sáu căn xứ- đó là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và tâm- đúng như thực.) Danh và Sắc phải được nhận thức đúng như chúng thực sự là, tức thấy chúng chỉ là các hiện tượng sanh và diệt. Nếu một người có thể tuệ tri sáu căn xứ này đúng như thực, họ sẽ thấy và chứng đắc Niết-bàn.
Vị Tỳ-kheo phàm nhân không cảm thấy thỏa mãn với câu trả lời đó bởi vì vị ấy nghĩ số lượng những điều mà vị ấy phải tuệ tri như vậy là hơi quá nhiều. Ở đây, vị ấy quan tâm tới con số nhiều hơn là tầm quan trọng của trí thấy sự sanh và diệt. Nghĩ rằng con số những điều mà vị ấy phải làm việc (quán) là quá nhiều, do đó vị ấy đi đến một vị A-la-hán khác và cũng hỏi câu hỏi ấy. Vị A-la-hán thứ hai trả lời rằng để một người có thể thấy và chứng đắc Niết-bàn họ cần phải cố gắng để nhận thức và tuệ tri sự sanh và diệt của Năm Uẩn (pañcakkhandhā). Với câu trả lời này vị ấy cũng chưa cảm thấy thỏa mãn bởi vì vị ấy nghĩ vẫn còn quá nhiều điều để quán. Hiển nhiên rằng vị Tỳ-kheo phàm nhân này quá đặt nặng vào con số chứ không phải vào điểm cốt yếu, đó là sự sanh và diệt. Do không thỏa mãn với câu trả lời thứ hai, vị ấy lại đi đến vị A-la-hán thứ ba và hỏi như thường lệ. Vị A-la-hán thứ ba trả lời rằng một người sẽ thấy và chứng đắc Niết-bàn nếu họ nhận thức và tuệ tri được bản chất sanh và diệt của Tứ đại (mahābhūta), đó là đất, nước, lửa và gió (Yếu tố cứng mềm là địa đại, yếu tố kết dính là thủy đại, yếu tố chuyển động là phong đại và yếu tố nóng lạnh là hỏa đại.) Với câu trả lời này cũng vậy, vị Tỳ-kheo phàm nhân không thể thỏa mãn mặc dù trong thâm tâm ông nghĩ rằng câu trả lời thứ ba khá hơn câu trả lời thứ nhất và thứ hai. Ông vẫn không thấy được tầm quan trọng nằm ở sự sanh và diệt chứ không phải ở số lượng. Sau đó ông đi đến vị A-la-hán thứ tư và đặt câu hỏi như cũ. Vị thứ tư trả lời, ‘Phàm pháp nào có bản chất sanh pháp ấy chắc chắn phải diệt.’ ai tuệ tri pháp này có thể sẽ thấy và chứng đắc Niết-bàn. Vị Tỳ-kheo phàm phu không cảm thấy thỏa mãn chút nào với câu trả lời của vị A-la-hán thứ tư bởi vì ông nghĩ vị này vẫn chưa tuệ tri hai pháp. Thứ nhất vị này chưa từng chứng những gì vị ấy cần phải tuệ tri, đó là sáu Căn Xứ, Năm Uẩn, và Tứ đại Chủng; và thứ hai, vị này chưa thấy sự sanh và diệt hay vô thường vốn là cốt tử của thiền Minh Sát, vì thế ông đi đến gặp đức Phật và trình bày lại những gì ông đã được nghe từ bốn vị A-la-hán và sự không hài lòng của ông đối với những câu trả lời của họ. Đức Phật nói, ‘Này Tỳ-kheo, có một người cả đời chưa từng thấy cây phượng (butea). Gặp người thứ nhất anh ta hỏi cây ấy trông như thế nào. Người thứ nhất trả lời cây phượng có màu đen bởi vì ông thấy cây này khi nó đã bị người ta đốt cháy thành than. Không thỏa mãn với câu trả lời, anh ta tiếp tục đi hỏi một người khác về nó. Người thứ hai trả lời rằng cây phượng giống như một miếng thịt bởi vì ông chỉ thấy cây này khi nó nở hoa đỏ thắm. Một lần nữa anh không thỏa mãn và tiếp tục đi hỏi người thứ ba, người này nói với anh ta rằng cây phượng giống như những thanh gươm bọc trong vỏ bởi vì anh ta chỉ thấy cây này khi nó đã kết trái. Không thỏa mãn với câu trả lời đó, anh tiếp tục đi hỏi người thứ tư, người này nói cây phượng trông giống như cây đa với tán lá trải rộng ra bởi vì ông chỉ thấy cây này vào mùa xuân khi nó xum xuê với những cành lá xanh tươi rợp mát. Đức Phật tiếp tục, ‘Sự mô tả cây phượng của bốn người ấy là hoàn toàn chính xác theo cách thấy của họ. Tương tự, bốn vị A-la-hán đã giác ngộ với trí thể nhập ấy là hoàn toàn đúng theo cách thấy của họ bởi vì cả bốn vị đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự sanh và diệt, ‘Samudayanca và Attagamanca’ điều cần lưu ý ở đây là không phải sáu căn xứ, không phải năm uẩn, không phải bốn đại, và cũng không phải bất kỳ pháp nào khác, mà chính sự sanh và diệt mới là tiêu chuẩn, bởi vì trong con người chúng ta không có gì ngoài sự sanh và diệt. Trong thiền minh sát đây là pháp thiết yếu duy nhất sẽ cho người hành thiền khả năng đạt đến trí thấy Vô Thường (anicca), và chính nhờ nhận thức được tính chất vô thường này mà Khổ đế mới có thể được tuệ tri. Kinh nói rằng không tuệ tri Vô Thường, không thể có được ngay cả Minh Sát Trí về đế (Saccānulomika ñā a). Vì thế, điều quan trọng đối với người hành thiền là phải bám chắc vào pháp sanh diệt và ở giai đoạn này người hành thiền sẽ đoan chắc rằng bất cứ phương pháp nào không có sự quán sanh diệt không thể nói đó là phương pháp toàn hảo và chính xác. Một sự thực không thể phủ nhận là thiền minh sát phải bắt đầu từ Udaya và Vaya (quán tính chất Sanh và Diệt của mọi hiện tượng). Vì thế cái gọi là thiền minh sát mà không quán sanh diệt không thể gọi là thiền minh sát thuần khiết được, và chúng ta không nên tin và dựa vào phương pháp ấy để tu tập giải thoát. Trong Pháp Cú đức Phật dạy: ‘Sabbe sakhārā aniccā’ti, yadā paññāya passatiatha nibbindati dukkhe, esa maggo visuddhiyā.’ (‘tất cả hành vô thường, với tuệ giác thấy vậy, đau khổ được nhàm chán, (đây) chính con đường thanh tịnh.’) Nghĩa là tất cả các pháp hữu vi hay pháp do điều kiện tạo thành là vô thường; khi sự thực này được tuệ tri bằng Minh Sát Trí tâm người hành thiền sẽ phát sanh một sự nhàm chán và ghê tởm đối với các Uẩn vì bản chất sanh và diệt không ngừng (Khổ đế) của chúng.Vị ấy không còn tham đắm đối với các uẩn, không còn nhen lên ngọn lửa tham dục đối với sự tái sanh, như vậy và có thể nói vị ấy đã đứng ở cửa vào Niết-Bàn. Đức Phật lại còn nói, ‘Aniccāvata Sa khārā Uppādavaya Dhammiko, Uppajjitvā Nirujjhanti Tesam Vūpasamo Sukho.’ (‘Hữu vi vô thường, thị sanh diệt pháp, sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.’ Nghĩa là các pháp do điều kiện tạo thành (hữu vi) đều vô thường; tính chất vô thường này được biểu thị bằng sự sanh và diệt. Sự chấm dứt của pháp sanh diệt này là chấm dứt khổ, là Niết-bàn. Đến đây người hành thiền sẽ thấy rõ rằng hai bài kệ Pāti nổi tiếng này suy cho cùng không phải chỉ để tụng đọc suông vì trong quá khứ chúng ta đã đọc chúng quá nhiều rồi nhưng vẫn không giải quyết ñược vấn đề. Đây là hai pháp cần phải được quán khi chúng ta thực hành Minh Sát vậy. Trong kinh Đại Niệm Xứ chúng ta thấy rằng cả bốn tùy quán (quán thân, quán thọ, quán tâm, và quán pháp) đều có chung một pháp quan trọng nhất, đó là ‘Samudaya dhammā nupassivā viharati, vaya dhammā nupassivā viharati, samudaya vayadhammānupassivā viharati.’ Nghĩa là người hành thiền phải quán tính chất sanh và diệt mà thôi. Như vậy rõ ràng pháp sanh và diệt trong thiền minh sát là pháp quan trọng, thiết yếu và tuyệt đối cần thiết đối với người hành thiền như thế nào.
VẤN ĐÁP CỦA HAI VỊ ĐẠI THINH VĂN ĐỆ TỬ ĐỨC PHẬT
Thời Đức Phật, Tôn giả Kotthika có lần đi đến Tôn giả Xá-lợi-phất, một vị đại đệ tử của Đức Phật, và hỏi:
- Bạch Tôn giả, một phàm nhân giới đức trong sạch và có như lý tác ý (yonissomanasikāra) nên làm gì và làm như thế nào để chứng đắc Đạo quả nhập lưu?
Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời :
- Thưa Tôn giả, một phàm nhân giới đức trong sạch và có như lý tác ý cần phải quán tính chất sanh diệt của các uẩn để chứng đắc Đạo quả nhập lưu.
Tôn giả Kotthika lại hỏi:
- Vâng, thưa Tôn giả, tôi có thể hỏi thêm là một vị Thánh nhập lưu cần phải làm gì và làm như thế nào để đắc chứng Đạo quả nhất lai (sakadagāmi).
Về điều này, Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời :
- Một vị nhập lưu với như lý tác ý cần phải quán tính chất sanh và diệt, thưa Tôn giả.
Theo cách tương tự Tôn giả Kotthika đã hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất về việc vị Thánh nhất lai và bất lai cần phải làm gì và làm như thế nào để đắc các giai đoạn cao hơn kế tiếp. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng trả lời như trước, đó là để đạt đến giai đoạn cao hơn tính chất sanh và diệt cần phải được quán. Tôn giả còn thêm rằng ngay cả vị A-la-hán cũng vẫn phải tiếp tục hành thiền trên tính chất sanh và diệt ấy để có thể thọ hưởng lạc của Thánh Quả (phalasamāpatti).
Ở đây Yonisomanasikāra hay như lý tác ý có nghĩa là thái độ đúng hướng đến chánh trí (hiểu biết) rằng Sắc chỉ là Sắc, không phải là ‘Tôi’ hay ‘của tôi’; Thọ là Thọ; Tưởng là Tưởng; Hành là Hành; và Thức là Thức, không phải là ‘Tôi’ hay ‘của tôi’, nói cách khác như lý tác ý là thấy các pháp đúng như chúng thực sự là theo thực tại cùng tột hay theo pháp chân đế (paramatthadhamma).
Tôn giả Kotthika, mặc dù bản thân cũng là một vị A-la-hán, đã đặt ra những câu hỏi này vì lợi ích của hàng hậu thế.
Không có như lý tác ý người hành thiền không thể thấy các pháp đúng như chúng thực sự là. Giới (sīla) trong sạch có nghĩa là ngũ giới hay bát giới không có vết nhơ, được các bậc thánh tán thán và dẫn đến định (samādhi).
Giới trong sạch và như lý tác ý được xem là những điều kiện tiên quyết mà người hành thiền đòi hỏi phải có trước khi đi vào hành thiền minh sát, và lúc đó trong thiền minh sát chỉ có tính chất sanh diệt được quán.
Những người hành thiền trên cảm thọ (vedanā) sẽ được cảm thọ mời gọi đến để thấy rằng nó đang diệt; tương tự Tâm (citta) cũng đang mời gọi người hành thiền đến để thấy rằng nó đang diệt. Đó là những gì từ ‘Ehi passiko’ và ‘Sanditthiko’ (đến để thấy và thiết thực hiện tại) muốn nói. Sự mời gọi này rất quan trọng đối với người hành thiền và nó phải được đáp ứng với sự hiểu biết và trí tuệ tỉnh giác chứ không phải bằng Tham và Sân. Điều này muốn nói, khi người hành thiền đáp lại cảm thọ lạc (sukhavedanā)với tham ái hay cảm thọ khổ (dukkha vedanā) với sân hoặc ưu (domanassa), tiến trình Duyên Sanh sẽ không chấm dứt mà tiếp tục đi theo đường lối thông thường bất tận của nó.
Có người nói rằng họ đã đi tìm Pháp (Dhamma) ba bốn năm nay nhưng vẫn không thể gặp đúng tiêu chuẩn của nó. Có thể là họ nói đúng vì họ mải đi tìm pháp ở đâu đâu chứ không biết rằng Pháp đang mời gọi họ đến để thấy. ‘Ehi passiko’ có nghĩa là pháp luôn luôn đang mời gọi (mọi người) đến để thấy. Toàn thể con người chúng ta, năm uẩn, là đối tượng để hành thiền trên đó. Chúng ta cũng giống như người chèo thuyền nhưng lại nói không thấy nước. Ở đâu có Khanddha (Uẩn) chắc chắn ở đó phải có sự sanh và diệt và ở đâu có sự sanh diệt ở đó chắc chắn phải có khổ (dukkha). Khi thấy khổ thì vô ngã cũng được thấy và trí tuệ thấy rõ Khổ đế sẽ theo sau.
Không hiểu biết về các Uẩn và không có khả năng nhận thức tính chất sanh và diệt cố hữu của nó người hành thiền bị mê hoặc vào trong ý nghĩ cho Vô Thường là Thường, Khổ là Lạc bởi vì họ không gặp được một vị thầy đáng tin cậy hay họ không quan tâm đến việc tìm một vị thiền sư đáng tin cậy, người mà lời dạy của họ chú trọng đến pháp Duyên Sanh kết hợp với Thánh đế (Sacca), nó khởi động như thế nào và làm sao để bẻ gãy những cây căm của pháp Duyên Sanh này.
TÁC ĐỘNG CỦA THỌ TRÊN PHÀM NHÂN VÀ TRÊN BẬC THÁNH A-LA-HÁN
Thọ xuất hiện trong mọi lúc và trong từng khoảnh khắc trên toàn thân ngoại trừ những chỗ như tóc, móng tay, móng chân, và phần da khô.
Thọ (vedanā) và Tâm (citta) là những pháp đồng sanh (sahajātadhamma), nghĩa là chúng cùng sanh, cùng trú và cùng diệt với nhau.
Một phàm nhân (người bình thường) không thông hiểu pháp của bậc thánh(ariyadhamma) vấp phải một gốc cây và bị trặc chân. Người này không chỉ chịu cái đau thể xác (thọ khổ) mà còn phải chịu cái đau tinh thần (thọ ưu); rồi khi anh ta khát khao muốn chữa lành cái đau thì trong anh ta tham ái phát sanh. Tất nhiên anh không hề hay biết sự sanh khởi của Thọ Ưu cũng như khát khao (Tham Ái) muốn chữa lành cái đau ấy. Đây là Vô Minh (avijjā). Vì vậy khi một kẻ phàm phu cảm Thọ thì có thể nói anh ta đã bị đâm BỐN LẦN với một mũi giáo.
Thứ nhất, anh ta bị thọ khổ(dukkhavedanā), thứ hai anh bị thọ ưu (domanassa vedanā), thứ ba anh ta khát khao muốn chữa khổ và thứ tư anh ta không nhận biết sự sanh khởi của Ưu và Tham Ái vốn là vô minh. Như vậy theo ví dụ này, anh được ví giống như một người bị đâm bốn lần với một ngọn giáo.
Đối với một vị Thánh A-la-hán khi cảm thọ khổ vị ấy chỉ bị khổ thân chứ không có khổ tâm bởi vì trong vị ấy Ưu (domanassa) đã bị Đạo Quả tuyệt diệt.
Như vậy, vị thánh hay thánh đệ tử nhờ hành thiền trên tính chất sanh và diệt (hay trên tính chất vô thường) của thọ lạc và thọ khổ nên đối với vị ấy Thọ không làm Duyên cho Ưu cũng không làm duyên cho Tham Ái, mà thay vào đó nó trở thành duyên cho Trí Tuệ; nói cách khác Thọ không trở thành nhân cho Ưu và Tham Ái mà nó trở thành nhân cho Trí Tuệ bởi vì thọ đã được thấy đúng như thực, tức thấy nó là Vô Thường và không bền vững, thọ không thể duy trì sự giống nhau trong hai sát-na liên tiếp.
Bị đánh lừa bởi vô minh người ta tin rằng Thọ là một cái đau liên tục và kéo dài không dứt.
Trong khi hành thiền, người hành thiền chắc chắn sẽ phải gặp Thọ Khổ. Theo phép loại suy nó có thể được so sánh với một mũi giáo đâm vào. Mỗi cú thọc phải được đáp trả lại; nghĩa là khi thọ Ưu sanh nó phải được hành thiền trên đó như sự sanh và diệt (vô thường) đơn thuần. Nếu người hành thiền thấy được sự sanh và diệt của thọ nhanh chóng như vậy, Ưu sẽ không thể sanh và do ưu không sanh, sầu, bi, khổ, ưu và não cũng không thể sanh. Và vòng Duyên Sanh kể như đã bị cắt đứt ở chặng giữa.
Vô Minh cần phải được hiểu rõ như một yếu tố Đồng Sanh, Đồng Trú, và Đồng Diệt với các yếu tố khác, đó là, Ái (ta hā) hay Sầu (soka), Bi (parideva), Ưu (domanassa) và như vậy khi những yếu tố này diệt Vô Minh không thể còn là Vô Minh mà sẽ trở thành Minh (vijjāudapādi, minh sanh), khi minh thay thế chỗ của vô minh nó phải được hiểu rằng Duyên Sanh đã bị bẻ gãy ngay ở đầu (avijjānirodhāsa khāranirodho, vô minh diệt thời hành diệt).
Trong khi hành thiền nếu cảm giác ngứa xuất hiện trên trân, người hành thiền không nên quên hành thiền trên sự sanh và diệt của nó; vì nếu quên Tham, Sân, Si sẽ có cơ hội lẻn vào.
Tham khảo lại lược đồ chúng ta thấy ‘Thọ làm duyên cho Ái’. Điều quan trọng ở đây là Minh Sát Đạo (vipassanā magga) hay Đạo Đi Trước (pubbabhāgamagga) phải được thực hiện giữa Thọ và Ái hay nói cách khác, hành giả phải hành thiền trên sự sanh và diệt của bất kỳ thọ nào có mặt để cho sự nối kết giữa thọ với ái không thể xảy ra, Phần II không thể nối kết với Phần III (tham khảo lại lược đồ). Sự nối kết trong chuỗi Luân Hồi đã bị bứt đứt; hay Duyên Sanh đã bị bẻ gãy ở chặng giữa.
Nhập lưu thánh đạo, Nhất lai thánh đạo, Bất lai thánh đạo và A-la-hán thánh đạo có thể được đạt đến ở điểm này, tức giữa Thọ và Ái; nói khác hơn Ái đã bị cắt lìa khỏi Thọ bằng Đạo (Magga).
Kinh nói, ‘VedanāNirodhāTa hāNirodho’ (Thọ Diệt thời Ái Diệt). Khi thọ diệt ái sẽ tự động diệt, và khi ái diệt Đạo sẽ được đạt đến. Khi nhân bị sát trừ quả không thể xảy ra vì thế khi Thọ được hành thiền trên đó như Vô Thường tham ái sẽ không thể khởi lên.
Cố Trưởng Lão Mogok luôn nhắc nhở chúng ta rằng, trong ý nghĩa cùng tột không phải Đức Phật của chúng ta đạt đến sự Giác Ngộ Tối Thượng khi ngồi trên Ngôi Bảo Tọa (Bồ Đoàn) mà Phật Quả được đạt đến ở tại điểm Ái bị cắt rời khỏi Thọ.
Có thể một số người cho rằng lời tuyên bố này hơi kỳ lạ và khác thường nhưng phải nói nó hoàn toàn chính xác mặc dù chính khi trên Ngôi Bồ Đoàn dưới cội Bồ Đề Đức Phật đã đạt đến sự Giác Ngộ Tối Thượng.
Đến đây có lẽ mọi người có thể thấy điều quan trọng đối với người hành thiền là cố gắng làm sao để không liên kết Phần II với Phần III của Duyên Sanh. Và công việc (không nối kết) này chỉ là cố gắng hành thiền trên tính chất sanh và diệt của Thọ để cho Ái không sanh vậy thôi.
Cuối cùng, phải nhấn mạnh một lần nữa rằng không có sự cứu rỗi nào khác ngoài việc hành thiền trên các cảm thọ, đây là pháp hành có thể cứu kẻ phàm phu khỏi bị đọa vào các cõi khổ (apāyagati, khổ thú) và đạt đến giải thoát tối hậu.
Trích : Pháp Duyên Sanh - Sayadaw Mogok
U Than Daing - TK Pháp Thông dịch
Nguồn: http://vienkhong.org/upload/files/PhapDuyenSanh-MogokSayadaw.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét