Osho nói về Trang Tử


Bạn đã tới với tôi. Bạn đã thực hiện bước nhảy nguy hiểm. Điều ấy là nguy hiểm bởi vì gần tôi bạn có thể mất mãi mãi. Tới gần hơn có nghĩa là cái chết và không thể có ý nghĩa nào khác được. Tôi cũng hệt như vực thẳm vậy. Lại gần tôi hơn và bạn sẽ rơi vào trong tôi. Với điều này, lời mời đã được trao cho bạn, bạn đã nghe thấy nó và bạn đã tới.
Nhận biết rằng thông qua tôi bạn sẽ chẳng thu được cái gì đâu. Thông qua tôi bạn chỉ có thể mất tất cả – bởi vì chừng nào bạn chưa mất đi, điều thiêng liêng không thể nào xảy ra được; chừng nào bạn chưa biến mất hoàn toàn, thực tại không thể nào nảy sinh. Bạn là rào chắn.

Và bạn lại nhiều thế, nhiều bướng bỉnh thế, bạn rót đầy mình tới mức chẳng cái gì có thể thấm vào bạn được. Cánh cửa của bạn bị đóng lại. Khi bạn biến mất, khi bạn không hiện hữu, cửa mở ra. Thế thì bạn trở thành giống như bầu trời mênh mông, vô tận.
Và đấy là bản tính của bạn. Đấy là Đạo.
Trước khi tôi vào trong những bài nói rất hay này của Trang Tử về Thuyền rỗng, tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện khác, bởi vì nó sẽ tạo nên khuynh hướng cho trại thiền này bạn đang đi vào.
Tôi đã từng nghe rằng đã có thời ngày xưa, trong một thời cổ đại, trong một quốc gia chẳng ai hay, rằng một hoàng tử bỗng nhiên phát điên. Nhà vua thất vọng lắm – hoàng tử là đứa con duy nhất, người kế vị duy nhất cho vương quốc. Tất cả các pháp sư đã được mời tới, những người có khả năng kì diệu, những lang y đã được mời tới, mọi nỗ lực đều được thực hiện, nhưng đều vô ích. Chẳng ai có thể giúp cho vị hoàng tử trẻ, anh ta vẫn cứ còn điên khùng.
Thế rồi một hôm anh ta đã phát điên lên anh ta vứt hết quần áo đi, người trần như nhộng, và bắt đầu sống dưới một cái bàn lớn. Anh ta nghĩ rằng mình đã trở thành gà trống. Cuối cùng nhà vua cũng phải chấp nhận sự kiện rằng hoàng tử không thể nào chữa khỏi. Anh chàng ta đã phát điên thường xuyên; tất cả các lương y đều bó tay.
Nhưng rồi một hôm một hi vọng lại bừng lên. Một hiền nhân – một nhà huyền môn Sufi – gõ cửa cung điện, và nói “Xin bệ hạ cho tôi một cơ hội để chạy chữa cho hoàng tử.”
Nhưng nhà vua cảm thấy ngờ vực, bởi vì con người này bản thân ông ta cũng trông dở hơi, còn dở hơi hơn cả hoàng tử. Nhưng nhà huyền môn nói “Chỉ tôi mới có thể chữa được cho hoàng tử thôi. Chữa chạy cho người điên cần có người còn điên hơn. Người của bệ hạ, người có phép lạ của bệ hạ, ngự y của bệ hạ, tất cả họ đều không làm được gì bởi vì họ chẳng biết ABC gì về chứng điên khùng cả. Họ chưa bao giờ đi qua trên con đường đó.”
Điều ấy dường như logic, và nhà vua nghĩ, “Cũng chẳng hại gì trong việc này, tội gì không thử?” Thế là nhà vua cho ông ta cơ hội.
Khoảnh khắc nhà vua nói, “Thôi được, ông thử xem sao,” nhà huyền môn này vứt bỏ hết quần áo của mình ra, nhảy xuống dưới bàn và gáy lên như một con gà trống.
Chàng hoàng tử trở nên ngờ vực, và cậu ta nói “Ông là ai vậy? Và ông nghĩ ông đang làm cái gì vậy ?”
Ông già nói, “Ta là một con gà trống, còn có kinh nghiệm nhiều hơn cậu nữa kia. Cậu chẳng là cái gì hết cả, cậu chỉ là lính mới tò te thôi, nhiều nhất cũng chỉ là kẻ tập sự”.
Hoàng tử nói, “Thế thì được, nếu ông cũng là gà trống, nhưng ông trông giống con người hơn.”
Ông già nói, “Đừng có nhìn vào dáng vẻ bề ngoài, hãy nhìn vào linh hồn ta đây này, nhìn vào tâm linh ta đây này. Ta là gà trống hệt như cậu”.
Họ trở thành bạn bè. Họ hứa lẫn với nhau rằng họ bao giờ cũng sống cùng nhau và rằng toàn bộ thế giới này là đang chống lại họ.
Vài ngày trôi qua rồi một hôm ông già bỗng nhiên bắt đầu mặc quần áo. Ông ta mặc áo vào. Hoàng tử nói, “Ông làm gì thế, ông phát điên hay sao, gà trống lại cố mặc quần áo con người à ?”
Ông già nói, “Ta chỉ thử để lừa những cái bọn đần kia thôi, những con người đó. Và nhớ rằng cho dù ta có mặc quần áo thì cũng chẳng có gì thay đổi hết cả. Tính chất gà trống của ta vẫn còn, chẳng ai thay đổi được nó. Chỉ bởi mặc quần áo giống như con người thế cậu nghĩ rằng ta thay đổi ư?” Hoàng tử phải nhượng bộ.Vài ngày sau đó ông lại thuyết phục hoàng tử mặc quần áo bởi vì mùa đông đang tới gần và trời cũng sắp sửa lạnh rồi.
Thế rồi một hôm bỗng nhiên ông ấy lại ra lệnh mang thức ăn từ cung điện đến. Hoàng tử trở nên rất cảnh giác: “Này, ông đang làm gì vậy? Ông định ăn giống như con người ăn hay sao, giống như họ ấy? Chúng ta là gà trống và chúng ta phải ăn như gà trống chứ”.
Ông già nói, “Có gì khác biệt khi có liên quan đến con gà trống này. Cậu có thể ăn bất kì cái gì và cậu cũng có thể tận hưởng mọi thứ. Cậu có thể sống giống như con người nhưng vẫn còn lại thực sự là tính chất gà trống của cậu chứ.”
Dần dần ông già đã thuyết phục được hoàng tử quay trở lại với thế giới loài người. Anh ta đã trở nên hoàn toàn bình thường.
Cũng cùng trường hợp như thế đang xảy ra giữa bạn và tôi. Và nhớ rằng bạn mới chỉ là những người bắt đầu, kẻ tập sự thôi. Bạn có thể nghĩ rằng bạn là gà trống nhưng bạn mới chỉ học chữ cái thôi. Tôi là tay lọc lõi và tôi mới có thể giúp được bạn. Tất cả các chuyên gia đều chẳng làm được gì đâu, đấy là lí do tại sao bạn ở đây. Bạn đã gõ không biết bao nhiêu cửa rồi, không biết bao nhiêu kiếp sống bạn đã từng trong tìm kiếm – thế chẳng có gì giúp được bạn.
Nhưng tôi nói tôi có thể giúp được bạn bởi vì tôi không phải là chuyên gia, tôi không phải là người ngoài. Tôi đã từng du hành trên cùng con đường ấy, cùng cái điên khùng ấy, cùng cái điên rồ ấy. Tôi đã trải qua cùng những điều ấy – cùng cái khổ, cùng cái đau, cùng những cái cơn ác mộng ấy. Và bất kì cái gì tôi làm cũng chẳng là gì khác hơn ngoài việc khuyên nhủ – để khuyên nhủ bạn thoát ra khỏi cái điên khùng của mình.
Nghĩ về mình như gà trống là dở hơi; nhưng nghĩ về bản thân mình như thân thể cũng là dở hơi thôi, thậm chí còn dở hơi hơn nữa. Nghĩ bản thân mình là gà trống đã là điên khùng, nghĩ bản thân mình là một con người lại là điên khùng lớn hơn, bởi vì bạn đâu có thuộc vào bất kì hình dạng nào. Dù cho hình dạng là hình dạng của gà trống hay là hình dạng của con người, cũng chẳng liên quan gì – bạn thuộc về cái vô hình, bạn thuộc về cái toàn bộ, cái toàn thể. Thế nên bất kì hình dạng nào bạn nghĩ bạn hiện nay đang mang, bạn cũng đều dở hơi cả. Bạn là vô hình dạng. Bạn không thuộc vào bất kì thân thể nào, bạn không thuộc vào bất kì đẳng cấp nào, tôn giáo nào, tín ngưỡng nào; bạn không thuộc vào bất kì cái tên nào. Và chừng nào bạn chưa trở thành vô hình, vô danh thì bạn vẫn con chưa bao giờ là lành mạnh cả.
Lành mạnh có nghĩa là đi tới chỗ tự nhiên, đi tới chỗ tối thượng trong bạn, đi tới chỗ vẫn còn bị ẩn giấu đằng sau bạn. Và cần rất nhiều nỗ lực bởi vì việc cắt bỏ hình dạng, việc loại bỏ, việc xoá bỏ hình dạng là rất khó khăn. Bạn đã trở thành quá gắn bó và quá đồng nhất với nó rồi.
Trại thiền này, Sanmathi Satna Chibia, không là gì khác hơn ngoài chỗ để thuyết phục bạn hướng về cái vô hình – làm sao để đừng ở trong hình dạng. Mọi hình dạng đều có nghĩa là bản ngã: thậm chí đến một con gà trống thì cũng có bản ngã của nó, và con người cũng có bản ngã của riêng mình. Mọi hình dạng đều hướng trọng tâm vào bản ngã. Cái vô hình có nghĩa là vô ngã; thế thì bạn không còn định tâm vào trong bản ngã nữa, thế thì trung tâm của bạn là ở mọi nơi và không ở đâu cả. Đây là điều có thể, điều này, cái điều dường như là gần không thể được, lại là có thể, bởi vì điều này đã xảy ra cho tôi. Và khi tôi nói là tôi nói qua kinh nghiệm của tôi.
Dù bạn đang ở đâu, tôi đã ở đó rồi, và dù tôi đang ở đâu, bạn cũng có thể tới đó. Nhìn vào tôi thật sâu sắc nhất đi, và cảm tôi thật sâu sắc đi, bởi vì tôi là tương lai của bạn, tôi là khả năng của bạn.
Bất kì khi nào tôi nói buông xuôi theo tôi, tôi đều ngụ ý việc buông xuôi khả năng này. Bạn có thể được chữa lành, bởi vì bệnh của bạn chỉ là ý nghĩ thôi. Chàng hoàng tử đã phát điên bởi vì cậu ta đã tự đồng nhất với ý nghĩ rằng cậu ta là gà trống. Mọi người đều điên khùng chừng nào người đó chưa nhận ra rằng mình không đồng nhất với bất kì hình dạng nào – chỉ thế mới có lành mạnh.
Cho nên người lành mạnh sẽ không thể là bất kì ai riêng được. Người đó không thể là như thế được. Chỉ có người điên khùng mới có thể là một ai đó đặc biệt – dù cho đấy là gà trống hay đấy là người, thủ tướng hay tổng thống, hay bất kì ai, bất cái gì. Một người lành mạnh sẽ đi tới việc cảm thấy cái vô thân thể này. Đây là điều nguy hiểm…
Bạn đã tới với tôi như một người nào đó, và nếu bạn cho phép tôi, nếu bạn cho tôi cơ hội, cái tính chất người nào đó này có thể biến mất và bạn có thể trở thành không ai cả. Đây là toàn bộ nỗ lực – để làm cho bạn thành không ai cả. Nhưng tại sao? Tại sao phải có cái nỗ lực để trở thành không ai cả? Bởi vì chừng nào bạn chưa trở thành không ai cả thì bạn không thể nào phúc lạc được; chừng nào bạn chưa trở thành không ai cả thì bạn không thể nào cực lạc được; chừng nào bạn chưa trở thành không ai cả thì những phúc lành cũng chưa dành cho bạn – bạn vẫn cứ làm lỡ cuộc đời.
Thực sự bạn đâu có sống, bạn đơn thuần kéo lê, bạn đơn thuần mang bản thân mình như một gánh nặng. Rất nhiều đau khổ xảy ra, rất nhiều thất vọng, rất nhiều buồn khổ, nhưng chẳng có lấy một tia phúc lạc nào – nó không thể thế được. Nếu bạn là ai đó, bạn giống như một tảng đá rắn chắc, chẳng có gì có thể thấm vào bạn. Khi bạn là không ai cả, bạn bắt đầu trở nên lốp xốp. Khi bạn không ai cả, thực sự bạn là cái trống rỗng, cái trong suốt, mọi thứ có thể xuyên qua bạn. Không có cản trở nào, không có rào chắn, không kháng cự. Bạn trở thành lối chuyển, cánh cửa.
Ngay bây giờ bạn giống như bức tường; bức tường có nghĩa là ai đó. Khi bạn trở thành cánh cửa bạn trở thành không ai cả. Cánh cửa chỉ là sự trống rỗng, bất kì ai cũng đều có thể bước qua, không có cản trở gì, không có rào chắn gì. Là một ai đó… bạn điên khùng; là không ai cả … lần đầu tiên bạn sẽ trở thành lành mạnh.
Nhưng toàn bộ xã hội, nền giáo dục, nền văn minh, nền văn hoá tất cả đều nuôi dưỡng bạn, giúp cho bạn trở thành ai đó. Đó là lí do tại sao tôi nói: tôn giáo chống lại văn minh, tôn giáo chống lại giáo dục, tôn giáo chống lại văn hoá – bởi vì tôn giáo là vì tự nhiên, là hướng về Đạo.
Tất cả các nền văn minh đều chống lại tự nhiên, bởi vì họ muốn làm cho bạn thành ai đó đặc biệt. Và bạn càng kết tinh lại thành ai đó, càng ít có khả năng điều thiêng liêng có thể thấm vào trong bạn được.
Bạn vào đền, vào nhà thờ, đến gặp các tu sĩ nhưng ở đấy nữa bạn cũng đang tìm kiếm cách thức để trở thành ai đó trong một thế giới khác, cách thức để đạt tới cái gì đó, cách thức để thành công. Tâm trí thành đạt vẫn theo bạn như cái bóng. Dù bạn đi đâu, bạn đi với ý tưởng về lợi nhuận, về thành đạt, thành công, đạt được. Nếu ai đó đến đây với ý tưởng này, người đó nên rời khỏi đây càng sớm càng tốt, chạy cho thật nhanh khỏi tôi, bởi vì tôi không thể nào giúp được cho bạn trở thành ai đó.
Tôi không phải là kẻ thù của bạn. Tôi chỉ có thể giúp bạn trở thành không ai cả. Tôi chỉ có thể đẩy bạn vào trong vực thẳm… không đáy. Bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được đến đâu cả; bạn sẽ chỉ đơn giản tan biến đi. Bạn sẽ cứ rơi, rơi và rơi mãi và tan biến, và khoảng khắc bạn tan biến đi thì toàn bộ sự tồn tại cảm thấy cực lạc. Toàn bộ sự tồn tại mở hội điều xảy ra.
Phật đã đạt tới điều này. Bởi vì ngôn ngữ, cho nên tôi phải nói là đã đạt tới; nếu không, từ này là xấu, chẳng có gì đạt được cả – nhưng nói như thế thì bạn sẽ hiểu. Phật đã đạt tới cái trống rỗng này, cái không này. Trong hai tuần lễ, trong mười bốn ngày liên tục, ông ấy ngồi im lặng, không chuyển động, không nói năng, không làm bất kì cái gì.
Tương truyền rằng các thần trên trời trở nên rất phân vân – rất hiếm khi xảy ra việc một ai đó trở thành trống rỗng toàn bộ như vậy. Toàn bộ sự tồn tại cảm thấy mở hội, cho nên các thần đã tới. Họ cúi lạy trước Phật và họ nói, “Xin thầy nói điều gì đó đi, thầy nói về điều thầy đã đạt được đó.” Tương truyền Phật đã cười to và nói, “Ta chẳng đạt được gì cả; thay vì thế, bởi vì tâm trí này, cái bao giờ cũng muốn đạt được cái gì đó, ta đã mất đi mọi thứ. Ta đã chẳng đạt được cái gì cả, đây không phải là thành tựu; thay vì thế, ngược lại, người thành đạt đã tan biến. Ta không còn nữa, và, nhìn cái đẹp của nó đi – khi ta có đấy, ta khổ, còn khi ta không có đấy, mọi thứ là phúc lạc, phúc lạc đang tuôn trào liên tục lên ta, ở mọi nơi. Bây giờ chẳng có khổ gì nữa.”
Phật đã nói trước đây: Sống là khổ, sinh là khổ, chết là khổ – mọi thứ đều là khổ. Mọi thứ đều là khổ bởi vì bản ngã có đó. Con thuyền còn chưa trống rỗng. Bây giờ con thuyền đã rỗng; bây giờ không còn khổ, không còn buồn khổ, không còn buồn rầu. Sự tồn tại đã trở thành lễ hội và nó sẽ còn lại là lễ hội vĩnh hằng, mãi mãi.
Đấy là lí do tại sao tôi lại nói việc bạn đến với tôi là điều nguy hiểm. Bạn đã bước một bước nguy hiểm. Nếu bạn dũng cảm, thế thì sẵn sàng nhảy đi.
Toàn bộ nỗ lực là để làm sao giết chết bạn, toàn bộ nỗ lực là để làm sao phá huỷ bạn. Một khi bạn đã bị phá huỷ, cái không thể huỷ diệt được sẽ trỗi dậy – nó vẫn có đó, nhưng bị che kín. Một khi tất cả những cái không phải là bản chất đã được bỏ đi rồi, điều tinh tuý sẽ giống như ngọn lửa – sống động, vinh quang hoàn toàn.
Chuyện ngụ ngôn này của Trang Tử thật là hay. Ông ấy nói rằng người trí huệ giống như thuyền rỗng.
Một người hoàn hảo như vậy -
con thuyền của người đó trống rỗng
Không có ai ở bên trong.

Nếu bạn gặp một Trang Tử, hay một Lão Tử, hay tôi, con thuyền có đấy, nhưng nó là trống rỗng, không có ai bên trong cả. Nếu bạn đơn giản nhìn vào bề mặt, thế thì ai đó có đấy, bởi vì thuyền có đấy. Nhưng nếu bạn thấm nhuần vào sâu hơn, nếu bạn thực sự trở thành thân thiết với tôi, nếu bạn quên đi thân thể, cái thuyền, thế thì bạn sẽ đi tới gặp cái không.
Trang Tử là việc nở hoa hiếm hoi, bởi vì trở thành không ai cả là điều khó khăn nhất, gần như không thể được, điều phi thường nhất trên thế giới này.
Tâm trí thông thường khao khát được là điều phi thường, đó là một phần của những điều tầm thường; tâm trí thông thường ham muốn là một ai đó nói riêng, đó là một phần của những điều tầm thường. Bạn có thể trở thành một Alexander, nhưng bạn vẫn cứ còn là tầm thường – thế thì ai sẽ là người phi thường đây? Tính phi thường chỉ bắt đầu khi bạn không còn khao khát theo điều phi thường nữa. Thế thì cuộc hành trình đã bắt đầu, thế thì một hạt mầm mới đã đâm chồi.
Đây là điều Trang Tử ngụ ý khi ông ấy nói: Người hoàn hảo giống như thuyền rỗng. Nhiều điều được ngụ ý trong này. Trước hết thuyền rỗng chẳng định đi đâu cả bởi vì có ai điều khiển nó đâu, có ai thao tác nó đâu, có ai lái nó đi đâu. Thuyền rỗng chỉ có đó, nó chẳng định đi đâu cả. Thậm chí nếu nó có đi, nó cũng không định đi đâu cả.
Khi tâm trí không có đó, cuộc sống sẽ là chuyển động, nhưng nó sẽ không định hướng. Bạn sẽ di chuyển, bạn sẽ thay đổi, bạn sẽ tuôn chảy như dòng sông, nhưng chẳng định đi đâu cả, không có mục tiêu nào đằng trước. Người hoàn hảo sống không có mục đích gì; người hoàn hảo di chuyển nhưng không có bất kì động cơ nào. Nếu bạn hỏi người hoàn hảo, “Ông đang làm gì vậy?” ông ta sẽ nói, “Tôi không biết, nhưng đây là điều đang xảy ra.” Nếu bạn hỏi tôi tại sao tôi đang nói cho bạn, tôi sẽ nói, “Bạn cứ thử hỏi hoa xem tại sao hoa nở”. Đây là điều xảy ra, điều này không bị thao túng. Không có người nào thao túng nó, con thuyền trống rỗng. Khi có mục đích, bạn bao giờ cũng trong khốn cùng. Vì sao vậy?
Một lần một người đã hỏi một kẻ keo kiệt, kẻ keo kiệt lớn, “Làm sao ông thành công trong việc tích luỹ nhiều của cải như thế ?”
Kẻ keo kiệt trả lời, “Đây là phương châm của tôi: bất kì cái gì cần làm ngày mai thì phải làm hôm nay, còn bất kì cái gì cần hưởng hôm nay thì phải để đến mai hưởng. Đây chính là phương châm của tôi.” Ông ta đã thành công trong việc tích luỹ của cải – và đây cũng là cách người ta thành công trong việc tích luỹ cả những điều vô nghĩa nữa!
Người keo kiệt đó cũng là người khổ. Một mặt ông ta đã thành công trong tích luỹ của cải, mặt khác ông ta cũng thành công trong tích luỹ khổ. Và phương châm là như nhau cho việc tích luỹ tiền bạc cũng như cho việc tích luỹ khổ: bất kì cái gì cần làm ngày mai, làm ngày hôm nay đi, ngay bây giờ đi, đừng trì hoãn nó. Còn bất kì cái gì có thể tận hưởng được ngay bây giờ, đừng tận hưởng nó ngay bây giờ, hoãn nó lại đến ngay mai đi.
Đây là cách để đi vào địa ngục đấy. Nó bao giờ cũng thành công, chưa bao giờ thất bại cả. Thử xem và bạn sẽ thành công đấy – bạn thậm chí đã thành công rồi. Bạn có thể đã từng thử nó chẳng biết đó thôi. Trì hoãn tất cả những cái có thể đem lại vui sướng, chỉ nghĩ đến ngày mai.
Jesus đã bị người Do thái đóng đinh bởi chính lí do này đấy, không phải do bất kì lí do nào khác đâu. Không phải là họ chống lại Jesus đâu – Jesus là người hoàn hảo, người đẹp đẽ, tại sao người Do Thái phải chống lại ông ấy? Thay vì thế, ngược lại, họ đã từng chờ đợi con người này. Hàng thế kỉ họ đã từng hi vọng và chờ đợi: Khi nào thì Chúa cứu thế tới đây?
Và thế rồi bỗng nhiên Jesus này tuyên bố, “Ta là Chúa cứu thế cho những người đã từng chờ đợi, và bây giờ ta đã tới. Bây giờ nhìn ta đây.”
Họ đều bị bối rối – bởi vì tâm trí có thể đợi, nó bao giờ cũng thích thú việc chờ đợi, nhưng tâm trí không thể nào đương đầu với sự kiện, tâm trí không thể nào đi vào khoảnh khắc này. Nó bao giờ cũng có thể trì hoãn, nó rất dễ dàng trì hoãn: Chúa cứu thế sắp tới, chẳng bao lâu nữa ngài sẽ tới… Hàng thế kỉ người Do Thái đã từng suy nghĩ và trì hoãn và rồi bỗng nhiên con người này đến phá huỷ tất cả mọi hi vọng, bởi vì ông ấy nói, “Ta đang ở đây.” Tâm trí bị bối rối. Họ phải giết người này, nếu không họ không thể nào sống với hi vọng vào ngày mai được.
Cũng không chỉ Jesus, nhiều người khác đã từng tuyên bố lời đó, “Ta đang ở đây, ta là Chúa cứu thế!” Và người Do Thái bao giờ cũng chối bỏ, bởi vì nếu họ không chối bỏ, làm sao họ có thể hi vọng và làm sao họ có thể trì hoãn được nữa? Họ đã sống với hi vọng này một cách nóng bỏng, với sự mãnh liệt sâu xa, bạn khó tưởng tượng được điều đó. Đã từng có những người Do Thái, những người lên giường ngủ ban đêm và hi vọng rằng đây sẽ là đêm cuối cùng, và rằng sáng hôm sau Chúa cứu thế sẽ có đó…
Tôi đã từng nghe nói về một giáo sĩ, người hay nói với vợ mình, “Nếu ngài tới vào đêm nay thì đừng lãng phí một phút, đánh thức tôi dậy ngay lập tức”. Chúa cứu thế đang tới và đang tới, ngài có thể tới vào bất kì lúc nào.
Tôi đã từng nghe về một giáo sĩ khác có con sắp sửa lấy vợ, cho nên ông ta đã gửi giấy mời đám cưới đến bạn bè và ông ta viết trên tờ giấy mời, “Con tôi sắp sửa lấy vợ ở Jerusalem vào ngày nọ, nhưng nếu Chúa cứu thế chưa tới trước lúc đó, con tôi sẽ lấy vợ ở làng này ở Korz.” Ai biết được, vào ngày đám cưới tới, chúa cứu thế cũng có thể tới. Thế thì tôi sẽ không ở đây, tôi sẽ ở Jerusalem để mở hội. Cho nên nếu ngài không tới vào ngày đám cưới, chỉ thế thì đám cưới mới được tổ chức trong thôn làng này; ngoài ra thì nó sẽ được tổ chức ở Jerusalem.
Họ đã từng chờ đợi, chờ đợi và mơ mộng. Toàn bộ tâm trí người Do Thái đã từng bị ám ảnh với việc Chúa cứu thế tới. Nhưng bất kì khi nào Chúa cứu thế tới, họ lập tức chối bỏ ngài. Điều này cần phải được hiểu. Đây chính là cách tâm trí vận hành: bạn đang chờ đợi phúc lạc, cực lạc, và bất kì khi nào nó tới, bạn chối bỏ nó, bạn quay lưng với nó.
Tâm trí có thể sống được trong tương lai, nhưng không thể sống được trong hiện tại. Trong hiện tại bạn có thể đơn giản hi vọng và ham muốn. Và đấy là cách bạn tạo ra khổ. Nếu bạn bắt đầu sống ngay chính khoảnh khắc này, tại đây và bây giờ, khổ biến mất.
Nhưng làm sao điều ấy có quan hệ với bản ngã? Bản ngã là quá khứ được tích luỹ. Bất kì cái gì bạn đã biết, đã kinh nghiệm, đã đọc, bất kì cái gì đã xảy ra cho bạn trong quá khứ, toàn bộ cái đó được tích luỹ lại ở đấy. Toàn bộ quá khứ đó chính là bản ngã, nó là bạn,
Quá khứ có thể phóng chiếu vào tương lai – tương lai chẳng là gì khác hơn ngoài quá khứ mở rộng ra – nhưng quá khứ không thể đối diện với hiện tại được. Hiện tại là hoàn toàn khác, nó có phẩm chất của việc ở đây và bây giờ. Quá khứ bao giờ cũng chết, hiện tại là sống, là chính ngọn nguồn của tất cả những cái sống động. Quá khứ không thể đối diện với hiện tại cho nên nó đi vào trong tương lai – nhưng cả hai đều chết, cả hai đều không tồn tại. Hiện tại là cuộc sống; tương lai không thể gặp được hiện tại, quá khứ cũng không thể gặp được hiện tại. Và bản ngã của bạn, cái người nào đó của bạn, chính là quá khứ của bạn. Chừng nào bạn còn chưa trống rỗng, bạn không thể nào ở đây được và chừng nào bạn còn chưa ở đây, bạn không thể nào sống động được.
Làm sao bạn có thể biết được phúc lạc của cuộc sống? Mọi khoảnh khắc vẫn đang mưa rào lên bạn thế bạn vẫn cứ bỏ qua nó.
Trang Tử nói:
Một người hoàn hảo như vậy -
con thuyền của người đó trống rỗng.

Trống rỗng cái gì? Trống rỗng cái tôi, trống rống bản ngã, trống rỗng người nào đó có bên trong.
Người đó, người cai trị mọi người, sống trong lẫn lộn,
Người đó, người bị người khác cai trị, sống trong buồn khổ
Người đó, người cai trị mọi người, sống trong lẫn lộn. Tại sao? Ham muốn cai trị bắt nguồn từ bản ngã; ham muốn sở hữu, ham muốn mạnh mẽ, ham muốn chi phối, đến từ bản ngã. Vương quốc bạn có thể chi phối càng lớn thì bạn càng có thể đạt tới bản ngã lớn hơn. Với sở hữu của mình, một ai đó bên trong của bạn cứ tiếp tục trở nên to hơn, to hơn và to hơn mãi. Đôi khi con thuyền trở nên rất nhỏ bởi vì bản ngã trở thành lớn thế…
Đây là điều đang xảy ra cho các chính khách, cho những người bị ám ảnh bởi của cải, danh vọng, quyền lực. Bản ngã của họ trở thành lớn đến nỗi con thuyền của họ không thể nào chứa nổi họ. Mọi khoảnh khắc họ đều mấp mé sắp chết chìm, trên bờ vực, sợ hãi, hoảng sợ cái chết. Và bạn càng sợ, bạn càng trở nên sở hữu hơn, bởi vì bạn nghĩ rằng thông qua sở hữu, bằng cách nào đó bạn sẽ đạt được đến an toàn. Bạn càng sợ, bạn càng nghĩ rằng nếu vương quốc của bạn có thể lớn hơn chút nữa, bạn sẽ an toàn thêm chút nữa.
Người đó, người cai trị mọi người, sống trong lẫn lộn…
Thực sự, ham muốn cai trị bắt nguồn từ lẫn lộn của bạn; ham muốn là người lãnh đạo mọi người đến từ lẫn lộn của bạn. Khi bạn bắt đầu lãnh đạo người khác, bạn quên mất cái lẫn lộn của mình – đây là một loại đào thoát, một mẹo. Bạn đang ốm, nhưng nếu ai đó đang ốm và bạn trở nên quan tâm đến việc chữa cho người đó, bạn quên mất bệnh tật của mình.
Tôi đã từng nghe rằng có lần George Bernard Shaw gọi điện đến cho bác sĩ của mình và nói, “Tôi bị nhiều trục trặc quá và tôi cảm thấy rằng tim tôi đang sắp ngừng đập. Xin bác sĩ lại ngay cho!”
Bác sĩ chạy ngay tới. Ông ta nhảy ba bậc thang một và đổ mồ hôi hột. Ông ta đi vào và không nói một lời, gieo phịch mình lên chiếc ghế và nhắm mắt lại. Bernard Shaw nhảy ra khỏi giường và hỏi, “Có chuyện gì vậy?”
Bác sĩ nói, “Đừng nói gì cả. Dường như là tôi đang chết ấy. Cơn đau tim lại tới.”
Bernard Shaw bắt đầu giúp ông ta; ông ấy đem lại một cốc nước chè, viên aspirin, ông ấy làm mọi việc có thể làm được. Trong vòng nửa giờ ông bác sĩ bắt đầu bình phục lại. Và rồi ông ta nói, “Bây giờ tôi phải đi đây, xin ông cho tôi tiền khám bệnh.”
Bernard Shaw nói, “Đây mới là vấn đề thực đấy. Ông phải trả tiền tôi chứ! Tôi đã phải chạy lăng xăng suốt nửa giờ làm mọi việc cho ông tỉnh thế ông chẳng nói lấy một lời gì với tôi cả.”
Nhưng ông bác sĩ nói, “Tôi đã chữa cho ông rồi đấy. Đây là một cách điều trị và ông phải trả tiền cho tôi về việc này.”
Khi bạn trở nên quan tâm đến bệnh của ai đó khác, bạn quên mất bệnh của mình, do đó mới có biết bao nhiêu nhà lãnh đạo, biết bao nhiêu guru, biết bao nhiêu thầy. Việc ấy đem lại cho bạn mối bận tâm. Nếu bạn quan tâm đến người khác, nếu bạn là người phục vụ cho người khác, một công nhân xã hội, giúp đỡ người khác, bạn sẽ quên mất cái lẫn lộn của riêng mình, quên mất cái rối loạn bên trong của mình, vì bạn đã quá bận bịu rồi.
Các nhà tâm thần chẳng bao giờ phát điên – không phải bởi vì họ được miễn nhiễm về việc đó đâu, bởi vì họ đã quá bận tâm với chứng điên khùng của người khác, chữa chạy, giúp đỡ đến mức họ quên mất hoàn toàn là họ cũng có thể phát điên.
Tôi đã nhận ra rất nhiều công nhân xã hội, những người lãnh đạo, các chính khách, các guru, và họ đều khoẻ mạnh cả chỉ bởi mỗi việc là họ bận tâm đến người khác.
Nhưng nếu bạn lãnh đạo người khác, chi phối người khác, xuất phát từ lẫn lộn của bạn, bạn sẽ tạo ra lẫn lộn trong các kiếp sống của họ. Nó có thể là việc trị liệu cho bạn, nó có thể là việc trốn chạy tốt cho bạn, nhưng nó lan toả bệnh này.
Người đó, người cai trị mọi người, sống trong lẫn lộn…
Và người đó cũng không chỉ sống trong lẫn lộn đâu, người đó còn lan toả cái lẫn lộn ấy cho người khác nữa. Từ lẫn lộn chỉ lẫn lộn được sinh ra thôi.
Cho nên nếu bạn đang lẫn lộn, xin nhớ – chớ giúp thêm ai nữa, bởi vì giúp đỡ của bạn sẽ thành việc đầu độc. Nếu bạn lẫn lộn, đừng bận tâm đến người khác nữa, bởi vì bạn đơn thuần chỉ tạo thêm rắc rối, bệnh của bạn sẽ trở thành tiêm nhiễm. Đừng nêu lời khuyên cho bất kì ai; và nếu bạn còn có chút suy nghĩ sáng tỏ, đừng nhận lời khuyên từ người đang lẫn lộn. Vẫn còn tỉnh táo đi, bởi vì người lẫn lộn bao giờ cũng thích cho lời khuyên. Và họ cho ra lời khuyên miễn phí, họ ban phát lời khuyên hào phóng lắm!
Giữ tỉnh táo đi! Từ lẫn lộn chỉ lẫn lộn được sinh ra thôi.
… Người đó, người bị người khác cai trị , sống trong buồn khổ.
Nếu bạn chi phối mọi người, bạn sống trong lẫn lộn; nếu bạn cho phép người khác chi phối bạn, bạn sẽ sống trong buồn khổ, bởi vì nô lệ không thể nào phúc lạc được.
Đạo do đó không ham muốn ảnh hưởng đến người khác
cũng không bị ảnh hưởng bởi họ.
Đừng nên cố gắng ảnh hưởng tới bất kì ai, và nên tỉnh táo rằng bạn không bị ảnh hưởng bởi người khác. Bản ngã có thể làm cả hai nhưng nó không thể nào còn lại ở giữa được. Bản ngã có thể cố gắng gây ảnh hưởng, thế thì nó cảm thấy thoải mái, chi phối, nhưng nhớ rằng bản ngã cũng cảm thấy thoải mái khi bị chi phối nữa. Ông chủ cảm thấy thoải mái bởi vì biết bao nhiêu nô lệ đang bị chi phối, còn kẻ nô lệ thì cũng cảm thấy thoải mái bởi vì họ bị chi phối.
Có hai kiểu tâm trí trên thế giới: tâm trí của những người chi phối – tâm trí nam tính, và tâm trí của những kẻ bị chi phối – tâm trí nữ tính. Bởi việc nói nữ tính tôi không ngụ ý đàn bà, hoặc bởi nam tính, tôi không ngụ ý đàn ông. Có những đàn bà nhưng mang tâm trí nam tính và có những đàn ông mang tâm trí nữ tính. Chúng không phải bao giờ cũng là một.
Đây là hai kiểu tâm trí: một kiểu thích chi phối và một kiểu thích bị chi phối. Theo cả hai cách bản ngã đều được thoả mãn bởi vì dù bạn chi phối hay bị chi phối thì bạn là quan trọng. Nếu ai đó chi phối bạn, thế nữa bạn là quan trọng, bởi vì sự chi phối của người đấy phụ thuộc vào bạn. Không có bạn, người đó sẽ ở đâu? Không có bạn, vương quốc của người đó sẽ ở đâu, chi phối của người đó, sở hữu của người đó sẽ ở đâu? Không có bạn, người đó sẽ chẳng là ai cả.
Bản ngã được mãn nguyện ở cả hai cực đoan, chỉ ở giữa bản ngã mới chết. Đừng bị chi phối và cũng đừng cố gắng chi phối.
Nghĩ về điều sẽ xảy ra với mình đi. Bạn không quan trọng theo bất kì cách nào, không có ý nghĩa theo bất kì cách nào, chẳng phải là chủ cũng chẳng phải là nô lệ. Người chủ không thể sống được không có nô lệ và nô lệ cũng không thể sống được nếu không có người chủ – họ cần lẫn nhau, họ là phần bổ sung cho nhau. Cũng giống như đàn ông và đàn bà, họ là phần bù cho nhau. Người kia là cần cho sự thoả mãn của họ.
Đừng là cả hai. Thế thì bạn là ai? Bỗng nhiên bạn biến mất bởi vì thế thì bạn chẳng có ý nghĩa chút nào nữa, không ai phụ thuộc vào bạn, bạn không được cần tới.
Có một nhu cầu lớn là được cần tới. Nhớ lấy, bạn cảm thấy thoải mái bất kì khi nào bạn được cần tới. Đôi khi, thậm chí nếu điều ấy đem đến khổ cho bạn, thậm chí thế thì bạn vẫn cứ thích được cần tới.
Một đứa trẻ què quặt phải nằm trên giường, mẹ nó thường xuyên lo âu về việc phải làm: mình phải phục vụ đứa trẻ này và toàn bộ cuộc đời mình bị phí hoài. Nhưng dẫu thế, nếu đứa trẻ này chết, người mẹ cảm thấy mất mát, bởi vì ít nhất đứa trẻ này cũng cần bà ta toàn bộ đến mức bà ta đã trở thành quan trọng.
Nếu không ai cần đến bạn, bạn là ai? Bạn tạo ra nhu cầu là được cần tới. Thậm chí nô lệ cũng được cần tới.
Đạo do đó không ham muốn ảnh hưởng đến người khác
cũng chẳng bị ảnh hưởng bởi họ
con đường để có được sự rõ ràng trong cái lẫn lộn
và thoát khỏi buồn khổ,
là sống với Đạo
trên mảnh đất của hư không

Điểm giữa chính là mảnh đất của hư không, hoặc là cánh cửa tới mảnh đất của hư không – dường như là bạn không có đó, dường như chẳng ai cần đến bạn, và bạn cũng chẳng cần bất kì ai. Bạn tồn tại cứ như là bạn không hiện hữu. Nếu bạn không có ý nghĩa gì, bản ngã không thể còn dai dẳng được. Đấy là lí do tại sao bạn cứ cố gắng để trở thành có ý nghĩa theo cách này hay cách khác. Bất kì khi nào bạn cảm thấy rằng bạn được cần tới, bạn cảm thấy thoải mái. Nhưng đây lại là khổ và lẫn lộn của bạn, và đây là cơ sở cho địa ngục của bạn.
Làm sao bạn có thể được tự do? Nhìn vào hai cực đoan này đi. Phật gọi tôn giáo của mình là trung đạo, majjhim nikaya. Ông ấy gọi nó là trung đạo bởi vì ông ấy nói rằng tâm trí sống ở các cực đoan. Một khi bạn ở điểm giữa, tâm trí biến mất. Tại điểm giữa không có tâm trí.
Bạn đã bao giờ thấy người đi trên dây chưa? Lần sau nếu bạn thấy, quan sát nhé. Bất kì khi nào người đi trên dây hơi nghiêng về bên trái, người đó lập tức lại phải ngả về bên phải để giữ cân bằng; và bất kì khi nào người đó cảm thấy mình hơi nghiêng quá nhiều về phía bên phải, người đó lại phải ngả một chút về phía bên trái.
Bạn phải đi sang phía đối lập để tạo cân bằng. Cho nên điều thường xảy ra là ông chủ sẽ trở thành nô lệ, nô lệ trở thành ông chủ; người sở hữu trở thành người bị sở hữu, người bị sở hữu trở thành người sở hữu. Sự việc cứ tiếp diễn như thế, nó là cân bằng tiếp diễn.
Bạn đã bao giờ quan sát điều ấy trong mối quan hệ của mình chưa? Nếu bạn là chồng, bạn có thực sự là chồng trong cả hai mươi bốn giờ không? Bạn chưa quan sát đấy thôi. Trong hai mươi bốn giờ thay đổi xảy ra ít nhất là hai mươi bốn lần – đôi khi vợ là chồng và chồng là vợ, đôi khi chồng lại trở lại thành chồng, vợ lại trở lại thành vợ.
Và điều này cứ thay đổi từ trái sang phải. Đấy là việc đi trên dây. Bạn phải giữ thăng bằng. Bạn không thể chi phối cả hai mươi bốn giờ được, bởi vì thế thì cân bằng sẽ mất và mối quan hệ sẽ bị phá huỷ.
Bất kì khi nào người đi trên dây đạt tới điểm giữa, không nghiêng bên phải và cũng chẳng nghiêng sang bên trái, rất khó cho bạn để có thể quan sát được chừng nào chính bản thân bạn chưa phải là người đi trên dây. Cách đi trên dây đã được sử dụng ở Tây Tạng như là một phương pháp thiền, bởi vì ở chính giữa tâm trí biến mất. Tâm trí đi vào sự tồn tại một lần nữa khi bạn nghiêng sang bên phải, thế thì tâm trí lại tới và đi vào sự hiện hữu và nói: “Cân bằng lại đi, nghiêng sang bên trái đi.”
Khi một vấn đề nảy sinh, tâm trí cũng nảy sinh. Khi không có vấn đề gì, làm sao tâm trí nảy sinh được? Khi bạn ở ngay chính điểm giữa, cân bằng hoàn toàn, thế thì không có tâm trí. Cân bằng có nghĩa là không có tâm trí.
Tôi đã từng nghe, một bà mẹ rất lo lắng về đứa con mình. Nó mới mười tuổi thôi nó chưa nói một lời nào. Mọi nỗ lực đã được thực hiện để tìm ra nguyên nhân, nhưng bác sĩ nói, “Chẳng có gì bất thường cả, trí não làm việc hoàn toàn tốt. Thân thể mạnh khoẻ, đứa trẻ lành mạnh, chẳng thể làm được cái gì. Nếu có gì đó không ổn thì mới phải làm điều gì đó.”
Nhưng nó vẫn chẳng nói gì cả. Thế rồi bỗng nhiên vào một buổi sáng đứa trẻ nói và nó nói, “Cái bánh này cháy quá.”
Bà mẹ không thể tin vào được điều đó. Bà ấy nhìn lại, bà ấy hoảng sợ và nói, “Cái gì thế, con nói đấy à? Con nói khá thế! Thế thì tại sao con im lặng mãi thế? Bố mẹ đã khuyên nhủ và cố gắng mãi con chẳng nói bao giờ cả.”
Đứa trẻ nói, “Chưa bao giờ có cái gì sai sót cả. Lần đầu tiên cái bánh mới bị cháy đấy chứ.”
Nếu không có gì sai sót tại sao bạn phải nói?
Người ta đến tôi và họ nói, “Thầy ngày nào cũng nói…” Tôi nói, “Ừ, bởi vì bao nhiêu người sai vẫn cứ tới đây và lắng nghe. Có quá nhiều cái sai đến mức tôi phải nói. Nếu chẳng có gì sai cả thì chẳng cần phải nói. Tôi nói bởi vì bạn, bởi vì cái bánh bị cháy.”
Bất kể khi nào bạn ở giữa, ở giữa các cực đoan hay là các cực, tâm trí biến mất. Thử điều ấy xem. Việc đi trên dây là một bài tập hay, và là một trong những phương pháp thiền rất tinh tế. Chẳng cần cái gì khác cả. Bạn có thể tự mình quan sát người đi trên dây, cách thức sự việc xảy ra.
Và nên nhớ lấy, trên cái dây ấy việc suy nghĩ dừng lại, bởi vì bạn đang trong tình trạng nguy hiểm đến thế. Bạn không thể nghĩ được, khoảnh khắc bạn nghĩ, bạn sẽ bị ngã. Người đi trên dây không thể nghĩ được, người đó phải tỉnh táo vào mọi khoảnh khắc. Giữ cân bằng phải được duy trì liên tục. Người đó không thể cảm thấy an toàn, người đó là không an toàn: người đó không thể cảm thấy yên tâm, người đó là không yên tâm. Nguy hiểm bao giờ cũng có đó – bất kì khoảnh khắc nào, chỉ một thoáng thay đổi cân bằng và người đó sẽ ngã… Và cái chết đang đợi đấy.
Nếu bạn đi trên dây, bạn sẽ đi tới cảm nhận được hai điều: suy nghĩ dừng lại bởi vì đang có nguy hiểm, và bất kì khi nào bạn thực sự đi tới điểm giữa, không bên phải chẳng bên trái, ngay chính điểm giữa, im lặng lớn choàng xuống bạn bạn không biết tới trước đây. Và điều này xảy ra theo đủ mọi cách. Toàn bộ cuộc sống chính là việc đi trên dây vậy.
Do đó Đạo là ham muốn còn ở chính giữa – không bị chi phối cũng không làm việc chi phối, không là chồng cũng chẳng là vợ, không là chủ cũng chẳng là tớ.
Cách để có được sự sáng tỏ cho sự lẫn lộn
và thoát khỏi sự buồn khổ
là sống với Đạo
trên mảnh đất của cái hư không
Ngay chính giữa, cánh cửa mở ra – mảnh đất của hư không. Khi bạn không có đó, toàn bộ thế giới biến mất, bởi vì thế giới treo bạn lên. Toàn bộ thế giới bạn đã tạo ra xung quanh mình đang treo bạn lên. Nếu bạn không có đó, toàn bộ thế giới sẽ biến mất.
Không phải là sự tồn tại sẽ đi vào không tồn tại đâu, không. Nhưng thế giới biến mất và sự tồn tại xuất hiện. Thế giới là bịa đặt của tâm trí; sự tồn tại là chân lý. Ngôi nhà này sẽ vẫn có đó, nhưng thế thì ngôi nhà này sẽ không phải là của bạn. Hoa vẫn có đó, nhưng hoa sẽ trở thành vô danh. Nó sẽ không đẹp cũng không xấu. Nó sẽ có đó, nhưng không khái niệm nào nảy sinh trong tâm trí bạn. Tất cả các khuôn khổ khái niệm đều biến mất. Sự tồn tại, trơ trụi, trần trụi, hồn nhiên còn lại đó trong cái thuần khiết của nó, sự tồn tại tựa tấm gương. Và tất cả những khái niệm, tất cả những tưởng tượng, tất cả những ước mơ, đều biến mất trong mảnh đất của cái hư không này.
Nếu một người đi thuyền qua sông
Và chiếc đò không vô tình trôi đụng phải,
Dù người có hẹp lòng đến đâu
Cũng không giận dữ bao giờ.
Nhưng nếu thấy người trên thuyền đó,
Thì đã thấy chủ đò giận dữ
La lối một lần bên thuyền chẳng nghe
Tất la lối đến hai lần,
Hai lần cũng chẳng ai nghe,
Tất la lối đến ba lần rồi buông lời chửi mắng,
Trước không giận nay giận là vì sao
Vì trước thì không có người nay lại có người.
Nếu như thuyền trống rỗng,
Người đó ắt chẳng la lối, cũng chẳng giận dữ
Nếu người ta đụng vào bạn và nếu người ta giận dữ với bạn, nhớ lấy, họ không có lỗi đâu. Con thuyền của bạn không trống rỗng. Họ giận dữ bởi vì bạn có đấy. Nếu con thuyền là rỗng không, họ sẽ có vẻ ngu xuẩn, nếu họ giận dữ họ có vẻ ngu xuẩn.
Những người rất thân thiết với tôi đôi khi cũng giận tôi và họ trông ngu xuẩn làm sao! Nếu con thuyền là rỗng bạn thậm chí có thể tận hưởng giận dữ của người khác, bởi vì chẳng có ai để giận cả, họ không nhìn vào bạn. Cho nên nhớ lấy, nếu người ta cứ đụng vào bạn, bạn nữa cũng quá cứng như một bức tường. Là cánh cửa đi, trở thành trống rỗng đi, để cho họ đi qua.
Thậm chí đôi khi mọi người sẽ giận dữ – họ thậm chí giận dữ cả với vị phật. Bởi vì có những người ngu xuẩn, những người nếu thuyền của họ đụng vào một chiếc thuyền rỗng, họ cũng không nhìn để xem liệu có ai ở trong đấy hay không. Họ sẽ bắt đầu la lối; họ sẽ bắt đầu làm lộn xộn bên trong bản thân họ đến mức họ sẽ không thể nào thấy được liệu có ai ở trong đó hay không.
Nhưng cho dù có thế thì chiếc thuyền rỗng vẫn có thể tận hưởng được điều đó bởi vì thế thì cơn giận sẽ chẳng bao giờ chạm vào bạn được; bạn không có đó, vậy thì nó có thể chạm vào ai được?
Biểu tượng này về chiếc thuyền trống rỗng thực sự là đẹp đẽ. Mọi người giận dữ bởi vì bạn quá nhiều ở đấy, bởi vì bạn quá nặng ở đấy – quá cứng rắn đến mức họ không thể đi qua được. Và cuộc sống thì bao giờ cũng xoắn xuýt với mọi người. Nếu bạn quá nhiều, thế thì ở mọi nơi đều sẽ có đụng độ, đều có giận dữ, đều có chán nản, đều có hùng hổ, bạo hành – xung đột tiếp tục.
Bất kì khi nào bạn cảm thấy rằng một ai đó đang giận dữ hoặc người nào đó đã va chạm vào bạn, bạn bao giờ cũng nghĩ rằng người đó có trách nhiệm. Đây chính là cách người dốt nát kết luận, diễn giải. Người dốt nát bao giờ cũng nói, “Người khác phải chịu trách nhiệm.” Người trí huệ bao giờ cũng nói, “Nếu ai đó chịu trách nhiệm, thế thì tôi là người chịu trách nhiệm, và cách duy nhất để không đụng chạm là không có đấy.”
“Tôi là người chịu trách nhiệm” không có nghĩa là “Tôi đang làm điều gì đó, đó là lí do tại sao họ giận.” Đấy không phải là vấn đề. Bạn có thể chẳng làm bất kì điều gì, nhưng chỉ bởi sự hiện hữu của bạn cũng đủ cho người khác trở nên giận dữ. Vấn đề không phải là liệu bạn đang làm việc tốt hay việc xấu. Vấn đề là ở chỗ bạn có đấy.
Đây là khác biệt giữa Đạo và các tôn giáo khác. Các tôn giáo khác nói: Làm điều tốt, hành xử theo cách không ai có thể giận được bạn. Đạo nói: đừng hiện hữu.
Vấn đề không phải là liệu bạn hành xử đúng hay hành xử sai. Đây không phải là vấn đề. Ngay cả một người tốt, ngay cả một người rất thánh thiện, cũng phát sinh giận dữ, bởi vì người đó có đấy. Đôi khi người tốt lại còn tạo ra giận dữ nhiều hơn là người xấu, bởi vì người tốt có nghĩa là một cái cá nhân rất tinh vi. Người xấu thì thấy mặc cảm – con thuyền của người đó có thể chất đầy, nhưng người đó thấy mặc cảm. Người đó không thực sự trải rộng ra trên thuyền, cái mặc cảm của người đó giúp người đó co lại. Người tốt cảm thấy mình là tốt đến mức người đó choán đầy hoàn toàn con thuyền, tràn ngập nó.
Cho nên bất kì khi nào bạn đến gần một người tốt, bao giờ bạn cũng cảm thấy bị hành hạ – không phải là người đó đang hành hạ bạn đâu, đấy chỉ là vì sự hiện diện của người đó thôi. Với cái gọi là người tốt, bạn bao giờ cũng cảm thấy buồn, và bạn muốn tránh họ. Cái gọi là những người tốt ấy thực sự rất nặng nề. Bất kì khi nào bạn đến tiếp xúc với họ, họ đều làm bạn buồn, họ làm bạn chán nản và bạn muốn rời xa họ càng sớm càng tốt.
Các nhà đạo đức, những người khắt khe về đạo đức, những người đức hạnh, tất cả họ đều nặng nề và họ đều mang gánh nặng quanh mình, bóng tối quanh mình. Không ai thích họ. Họ không thể nào là người đồng hành tốt, họ không thể nào là bạn bè tốt. Tình bạn là không thể có với người tốt – gần như không thể được, bởi vì con mắt của người đó bao giờ cũng kết án. Khoảnh khắc bạn tới gần người đó, người đó là tốt còn bạn là xấu. Không phải là người đó đang làm việc gì đó đặc biệt – chính sự hiện hữu của người đó tạo ra một điều gì đó, và bạn sẽ cảm thấy giận dữ.
Đạo thì lại hoàn toàn khác. Đạo có phẩm chất khác hẳn, và với tôi Đạo là tôn giáo sâu sắc nhất đã từng tồn tại trên trái đất này. Không có gì so sánh được với nó. Đã từng có những thoáng nhìn, có những thoáng nhìn trong lời nói của Jesus, trong lời của Phật, trong lời của Krishna – nhưng chỉ có thoáng nhìn thôi.
Thông điệp của Lão tử hay Trang Tử là thuần khiết nhất – nó là tuyệt đối thuần khiết, không có gì làm bẩn được nó. Và đây chính là thông điệp: đấy là tất cả bởi vì có một ai đó trong thuyền. Toàn bộ địa ngục này là tất cả bởi vì có một ai đó ở trong thuyền.
Trước không giận nay lại giận là vì sao
Vì trước thì không có người nay thì lại có người
Nếu biết đem cái lòng trống không
đối xử với đời thì ai hại mình
Cây mọc thẳng là cây đầu tiên bị chặt xuống
Dòng nước trong là dòng nước đầu tiên bị tát cạn khô
Nếu muốn lợi dụng cái khôn ngoan
và xấu hổ với người dốt nát
Để đạt được cá tính mình và chiếu sáng người khác
Thì ánh sáng sẽ chiếu quanh bạn
như bạn đã nuốt được cả mặt trời mặt trăng
Và bạn sẽ không tránh khỏi tai ương
Điều này là duy nhất. Trang Tử đã nói rằng vầng hào quang của tính thánh thiện quanh bạn chỉ ra rằng bạn vẫn còn đang có đấy. Vầng hào quang, rằng bạn là người tốt thì chắc chắn sẽ tạo ra tại hoạ cho bạn, và tai hoạ cho cả những người khác nữa. Lão Tử và Trang Tử – thầy và đệ tử – chưa bao giờ được vẽ trong một bức tranh nào với hào quang xung quanh họ. Không giống như Jesus, Zarathustra, Krishna, Phật, Mahavira, họ chưa bao giờ được vẽ với vầng hào quang quanh đầu mình, “bởi vì,” họ nói, “nếu bạn thực sự là người tốt, sẽ không có hào quang nào xuất hiện quanh đầu bạn; ngược lại, cái đầu sẽ biến mất.” Còn đâu để vẽ hào quang? Cái đầu đã biến mất rồi.Tất cả hào quang đều có quan hệ thế nào đó với bản ngã. Không phải là Krishna là đã tự hoạ bức tranh của mình, đấy là các đệ tử vẽ ra. Họ không thể nghĩ được về ông ấy không vẽ ra vầng hào quang quanh đầu ông ấy – thế thì ông ấy trông mới phi thường. Còn Trang Tử nói: Là bình thường chính là hiền nhân. Không ai nhận ra bạn, không ai cảm thấy rằng bạn là người nào đó phi thường. Trang Tử nói: Ông đi vào đám đông và ông hoà lẫn trong đó, nhưng chẳng ai biết được rằng vị phật đã đi vào trong đám đông. Không ai nhận ra rằng một ai đó là khác biệt, bởi vì nếu ai đó cảm thấy điều ấy, thế thì nhất định sẽ có giận dữ và có tai hoạ. Bất kì khi nào ai đó cảm thấy rằng bạn là một người nào đó, cái giận của riêng người đó, bản ngã của riêng người đó sẽ bị tổn thương. Người đó sẽ bắt đầu phản ứng, người đó sẽ bắt đầu công kích bạn.
Cho nên Trang Tử nói: Không nên hình thành cá tính bởi vì cái đó nữa cũng là một loại của cải. Và cái gọi là những người tôn giáo cứ thuyết giảng mãi: hãy hình thành cá tính, đạt tới đạo đức, đức hạnh.
Nhưng tại sao? Tại sao phải đức hạnh? Tại sao lại phải chống kẻ tội lỗi? Nhưng tâm trí bạn là người làm, bạn vẫn còn có tham vọng. Và nếu bạn đạt tới cõi trời và ở đấy bạn thấy những kẻ tội lỗi đang ngồi xung quanh Thượng đế, bạn sẽ cảm thấy rất bị tổn thương – toàn bộ cuộc đời bạn đã phí hoài. Bạn đã đạt tới đức hạnh, bạn đã đạt tới cá tính, trong khi những người này đang hưởng thụ và đang làm tất cả những thứ phải bị kết án, thế ở đây họ ngồi xung quanh Thượng đế. Nếu bạn có thể thấy thánh nhân và tội nhân cùng có ở trong cõi trời, bạn sẽ rất bị tổn thương, bạn sẽ rất buồn và khổ – bởi vì đức hạnh của bạn cũng là một phần của bản ngã bạn. Bạn đạt tới tính thánh thiện để được cao siêu, nhưng tâm trí vẫn ở chỗ cũ. Làm sao để trở thành cao siêu hơn theo cách này hoặc cách khác, làm sao để làm cho người khác thành thấp bé hơn, đấy là động cơ.
Nếu bạn có thể thu thập được rất nhiều của cải, thế thì họ là nghèo khó và bạn là giầu có. Nếu bạn có thể trở thành một Alexander, thế thì bạn có vương quốc vĩ đại và họ là những kẻ ăn xin. Nếu bạn có thể trở thành học giả lớn, thế thì bạn là người hiểu biết họ là kẻ dốt nát, vô văn hoá. Nếu bạn có thể trở thành đức hạnh, tôn giáo, đáng kính trọng, đạo đức, thế thì họ bị kết án, họ là tội nhân. Nhưng nhị nguyên vẫn tiếp tục. Bạn đang đánh nhau với người khác và bạn đang cố gắng để trở thành cao siêu.
Trang Tử nói: Nếu ông đạt tới cá tính của mình và toả sáng người khác, ông sẽ không tránh khỏi tai hoạ đâu. Đừng cố chiếu sáng người khác, và đừng cố đạt được cá tính chỉ với mục đích bản ngã này.
Cho nên với Trang Tử, chỉ có một cá tính đáng nói tới, và đó là vô ngã. Tất cả những cái khác đều đi theo sau nó. Không có nó, chẳng có gì giá trị cả. Bạn có thể trở thành như thần thánh trong cá tính của mình, nhưng nếu bản ngã vẫn còn có đó bên trong, tất cả những tính thần thánh của bạn cũng chỉ là để phục vụ cho quỉ, tất cả những đức hạnh của bạn cũng chẳng là gì ngoài bộ mặt và tội nhân thì ẩn ở đằng sau. Và tội nhân không thể nào được biến đổi thông qua đức hạnh hoặc thông qua bất kì kiểu thành đạt nào. Chỉ khi bạn không có đó, nó mới biến mất.
Người trí huệ đã nói:
“Người bằng lòng với bản thân mình
thì đã làm một việc vô giá trị,
thành đạt là bắt đầu của thất bại,
nổi tiếng là bắt đầu của ghét bỏ.”
Đây là những ngạn ngữ rất ngược đời, và bạn sẽ phải rất tỉnh táo để hiểu chúng; nếu không thì bạn có thể hiểu sai.
Người trí huệ đã nói:
“người bằng lòng với bản thân mình
thì đã làm một việc vô giá trị,
Người tôn giáo cứ thuyết giảng mãi: Hãy bằng lòng với bản thân mình. Nhưng bản thân bạn thì vẫn còn đó để bằng lòng. Trang Tử nói: Đừng có đấy, thế thì không có vấn đề về bằng lòng hay là không bằng lòng. Đây mới là sự bằng lòng thực sự, khi bạn không có đó. Nhưng nếu bạn cảm thấy rằng bạn bằng lòng, đấy lại là sai – bởi vì bạn có đó, và đấy chỉ là sự thoả mãn cho bản ngã thôi. Bạn cảm thấy rằng bạn đã đạt được, bạn cảm thấy rằng bạn đã đạt tới.
Đạo nói rằng người cảm thấy rằng mình đã đạt được thì đã lỡ rồi. Người cảm thấy rằng mình đã đạt tới thì đã mất rồi, bởi vì thành công là mở đầu của thất bại. Thành công và thất bại là hai phần của một vòng tròn, của một bánh xe. Bất kì khi nào thành công đạt tới điểm tối đa của nó, thất bại đã bắt đầu, bánh xe đã quay xuống. Bất kì khi nào trăng đã đến độ tròn, sẽ không còn tiến bộ thêm nữa. Bây giờ sẽ không còn chuyển động thêm nữa. Thế thì ngày tiếp cuộc hành trình đi xuống đã bắt đầu và bây giờ mỗi ngày mặt trăng cứ bé dần đi mãi.
Cuộc sống chuyển vận theo vòng tròn. Khoảnh khắc bạn cảm thấy rằng bạn đã đạt được, bánh xe đã chuyển đi, bạn đã mất. Có thể phải mất thời gian cho bạn nhận ra điều này, bởi vì tâm trí chậm hiểu. Cần nhiều thông minh hơn, cần nhiều sáng suốt hơn để thấy mọi thứ khi chúng xảy ra. Mọi thứ xảy ra cho bạn và bạn phải mất nhiều ngày mới nhận ra nó, đôi khi phải nhiều tháng hay nhiều năm. Đôi khi thậm chí bạn phải mất nhiều kiếp mới nhận ra được điều đã xảy ra.
Nhưng nghĩ về quá khứ của mình xem. Bất kì khi nào bạn có cảm giác rằng bạn đã thành công, ngay lập tức mọi sự thay đổi, bạn bắt đầu rơi xuống – bởi vì bản ngã là một phần của bánh xe. Nó thành công bởi vì nó có thể thất bại: nếu nó không thể thất bại thế thì cũng chẳng có khả năng thành công. Thành công và thất bại là hai mặt của cùng một đồng tiền.
Trang Tử nói:
Người trí huệ đã nói:
“người bằng lòng với bản thân mình
thì đã làm một việc vô giá trị,”
… 
Bởi vì người đó vẫn có đấy, thuyền rỗng vẫn còn chưa tới trong bản thể, con thuyền vẫn còn đầy. Bản ngã vẫn còn đang ngồi đó, bản ngã vẫn còn trên ngôi.“Thành đạt là bắt đầu của thất bại,
nổi tiếng là bắt đầu của ghét bỏ.”
Người đó chẳng có gì để mất cả. Do đó, người ăn xin của Phật – vô danh, vô gia cư, không có gì phải bảo vệ, không có gì phải gìn giữ. Họ có thể đi bất kì đâu, cũng hệt như là mây trên trời, vô gia cư, không gốc rễ ở đâu cả, trôi nổi, không mục tiêu, không mục đích, không bản ngã,
Người đó sẽ tuôn chảy như Đạo vô hình
Người đó sẽ đi giống như bản thân cuộc sống
không tên tuổi và không nhà cửa.
Đây chính là điều sannyasin nghĩa là gì đối với tôi. Khi tôi điểm đạo cho bạn mang tính sannyas, tôi điểm đạo cho bạn vào trong cái chết của cái vô danh này, của cái vô gia cư này. Tôi không trao cho bạn bất kì chìa khoá bí mật nào của thành công. Tôi không trao cho bạn bất kì một công thức bí mật nào để làm sao thành công.Nếu tôi đang trao cho bạn cái gì đó, đấy là chìa khoá để làm sao không thành công, để làm sao trở thành thất bại và không lo nghĩ, để làm sao đi vào cái vô danh, vô gia cư, không có mục tiêu nào, làm sao để trở thành kẻ ăn xin – điều Jesus gọi là nghèo trong tâm linh. Người nghèo trong tâm linh là vô ngã – người đó là thuyền rỗng.
Người đó là đơn giản, không có sự phân biệt.
Bạn gọi ai là người đơn giản? Bạn có thể đạt được đến tính đơn giản không?
Bạn thấy một người ăn chỉ một bữa một ngày, người mặc chỉ vài bộ quần áo hoặc là vẫn ở trần, người không sống trong cung điện, người sống dưới gốc cây – và bạn nói người này là đơn giản. Đây là tính đơn giản chăng? Bạn có thể sống dưới gốc cây và việc sống của bạn có thể chỉ là việc nuôi dưỡng. Bạn đã nuôi dưỡng cho nó thành đơn giản, bạn đã tính toán cho nó thành đơn giản. Bạn có thể ăn ngày một bữa, nhưng bạn đã tính toán về việc đó, đây là tâm trí thao túng. Bạn có thể vẫn ở trần, nhưng điều đó chẳng thể làm cho bạn thành đơn giản. Tính đơn giản chỉ có thể xảy ra.
Người đó là đơn giản, không có sự phân biệt.
Nhưng bạn cảm thấy rằng bạn là một thánh nhân bởi vì bạn sống dưới gốc cây, và bạn ăn một lần mỗi ngày, và bạn là người ăn chay, rồi bạn còn sống ở trần, bạn không sở hữu tiền bạc nào – bạn là thánh nhân.
Và thế rồi khi một người đi qua, người này có tiền bạc, kết án nảy sinh trong bạn, và bạn nghĩ, “Điều gì sẽ xảy ra cho kẻ tội lỗi này? Hắn ta phải bị kết án xuống địa ngục.” Và bạn cảm thấy từ bi đối với kẻ tội lỗi này. Thế thì bạn không đơn giản. Bởi vì phân biệt đã đi vào, bạn phân biệt rồi.
Cũng chẳng khác biệt gì về cách thức tạo ra phân biệt. Vua sống trong cung điện – ông ta là khác biệt với những người sống trong lều. Vua mặc quần áo bạn không thể mặc được, chúng giá trị đến mức làm cho ông ta phân biệt hẳn. Một người sống ở trần trên phố và bạn thì không thể nào sống ở trần trên phố được – cho nên người đó cũng phân biệt. Bất kì khi nào có phân biệt, bản ngã tồn tại. Khi không có phân biệt, bản ngã biến mất; và không bản ngã mới là tính đơn giản.
Người đó là đơn giản, không có phân biệt.
Với mọi dáng vẻ người đó đều là ngây ngô.
Đây là lời nói sâu sắc nhất Trang Tử đã thốt ra. Thật khó hiểu được bởi vì chúng ta bao giờ cũng nghĩ rằng người đã chứng ngộ, người hoàn hảo, là con người của trí huệ. Còn ông ấy lại nói: Với mọi dáng vẻ người đó đều là ngây ngô…
Nhưng đây chính là cách thức sự việc đáng phải như vậy. Trong số bao nhiêu kẻ ngây ngô như vậy, làm sao người trí huệ có thể khác được? Với mọi dáng vẻ ông ta sẽ là kẻ ngây ngô và đấy là cách duy nhất. Làm sao ông ấy có thể thay đổi thế giới ngây ngô này, và với biết bao nhiêu kẻ ngây ngô này, thành lành mạnh được? Ông ấy sẽ phải ở trần truồng, và chui xuống dưới gầm bàn và đào bới như gà trống. Chỉ thế thì ông ấy mới có thể thay đổi được bạn. Ông ấy phải trở thành dở hơi như bạn, ông ấy phải là kẻ ngây ngô, ông ấy phải cho phép bạn cười vào ông ấy. Thế thì bạn không cảm thấy ghen tị, thế thì bạn sẽ không cảm thấy bị tổn thương, thế thì bạn sẽ không giận giữ với ông ấy, thế thì bạn có thể dung thứ ông ấy, thế thì bạn có thể quên đi ông ấy và tha thứ cho ông ấy, thế thì bạn có thể để cho ông ấy một mình với ông ấy.
Nhiều nhà huyền môn vĩ đại đã hành xử như những kẻ ngây ngô, và người đương thời lúng túng về điều tạo nên cuộc sống của họ – và trí huệ vĩ đại nhất đã tồn tại bên trong họ. Là trí huệ trong số các bạn thì phải thực sự ngây ngô. Bạn không làm như thế thì bạn sẽ tạo ra nhiều rắc rối. Socrates đã bị đầu độc bởi vì ông ấy đã không biết đến Trang Tử. Giá ông ấy biết đến Trang Tử thế thì chả cần gì ông ấy phải bị đầu độc. Ông ấy đã cố gắng hành xử như người trí huệ; trong số những người ngây ngô, ông ấy đã cố gắng là người trí huệ.
Trang Tử nói: với mọi dáng vẻ người trí huệ sẽ giống như kẻ ngây ngô.
Bản thân Trang Tử đã sống như một kẻ ngây ngô, cười, hát, nhảy múa, kể chuyện đùa và chuyện tiếu lâm. Chẳng ai nghĩ ông ấy nghiêm chỉnh. Và bạn cũng không thể nào tìm ra được người chân thành hơn hay nghiêm chỉnh hơn là Trang Tử đâu. Thế nhưng chẳng ai nghĩ ông ấy nghiêm chỉnh cả. Mọi người thích thú ông ấy, mọi người yêu ông ấy, và thông qua tình yêu này ông ấy đã gieo hạt mầm trí huệ của mình. Ông ấy đã thay đổi nhiều người, ông ấy làm biến đổi nhiều người.
Nhưng để thay đổi người điên khùng, bạn phải học ngôn ngữ của người đấy, bạn phải dùng ngôn ngữ của người đấy. Bạn phải giống như người đó, bạn phải đi xuống. Nếu bạn cứ tiếp tục đứng trên cái bục của mình, thế thì chẳng thể có giao cảm.
Đây là điều đã xảy ra cho Socrates và điều đó phải đã xảy ra ở đấy bởi vì tâm trí của người Hy lạp là tâm trí hợp lý nhất trên thế giới, và tâm trí hợp lý thì bao giờ cũng cố gắng để không bị thành ngây ngô. Socrates giận dữ với mọi người. Mọi người phải giết ông ấy thực, bởi vì ông ấy sẽ hỏi những câu hỏi độc địa, và ông ấy sẽ làm cho mọi người cảm thấy mình ngây ngô. Ông ấy dồn mọi người vào một góc – bởi vì người ta không thể trả lời được thậm chí cả những câu hỏi bình thường nhất, nếu ai đó cứ khăng khăng hỏi.
Nếu bạn tin vào Thượng đế, Socrates sẽ hỏi đôi điều về Thượng đế; bạn không thể trả lời được, bạn đã bao giờ thấy đâu. Bằng chứng đâu? Thượng đế là một điều xa vời thế. Bạn không thể nào chứng minh thậm chí ngay cả những điều thông thường. Bạn đang bỏ vợ ở nhà – làm sao bạn có thể chứng minh được một cách thực sự rằng bạn đang bỏ vợ ở nhà, hay là bạn đã từng lấy một người vợ? Đấy rất có thể chỉ là ký ức của bạn thôi. Bạn có thể đã thấy một giấc mơ và khi bạn quay lại thì chẳng có nhà, chẳng có vợ.
Socratet đã hỏi những câu hỏi, xuyên thấu, phân tích mọi thứ, và mọi người ở Athens đều trở nên giận dữ. Con người này đang cố gắng để chứng minh rằng tất cả họ đều là ngây ngô cả. Họ đã giết ông ấy. Giá ông ấy đã được gặp Trang Tử – vào thời đó Trang Tử đang sống ở Trung quốc, họ là những người đồng đại – thế thì Trang Tử sẽ bảo ông ấy bí mật này: Đừng cố chứng minh rằng bất kì người nào là người ngây ngô bởi vì người ngây ngô không thích điều ấy. Đừng cố gắng chứng minh cho người điên rằng người đó là điên, bởi vì chẳng người điên nào thích điều ấy cả. Người đó sẽ giận dữ, kiêu ngạo, hùng hổ. Người đó sẽ giết bạn nếu bạn chứng minh quá nhiều. Nếu bạn đi tới điểm có thể chứng minh được thì người đó sẽ báo thù.
Trang Tử sẽ nói: tốt hơn cả, bản thân ông là người ngây ngô đi, thế thì mọi người sẽ thích ông và thế thì bởi chính phương pháp rất tinh tế này bạn có thể giúp họ thay đổi. Thế thì họ sẽ không chống lại bạn.
Đó chính là lí do tại sao ở phương Đông, đặc biệt là ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, hiện tượng xấu xí như thế không bao giờ xảy ra như đã từng xảy ra ở Hi Lạp khi Socrates bị đầu độc và bị giết chết. Điều ấy đã xảy ra ở Jerusalem, Jesus đã bị giết chết, đã bị đóng đinh. Điều ấy đã xảy ra ở Iran, ở Ai Cập, và ở các quốc gia khác – nhiều người trí huệ đã bị giết, bị sát hại. Điều ấy chưa bao giờ xảy ra ở Trung Quốc, ở Ấn Độ, ở Nhật Bản, bởi vì ở ba nước này người ta đi tới hiểu ra rằng việc hành xử như là người trí huệ chính là mời tai họa tới.
Hành xử như kẻ ngây ngô đi, như là người điên khùng đi, hệt như là kẻ điên. Đấy là bước đầu tiên của người trí huệ này – làm cho bạn thấy thoải mái cho nên bạn không sợ gì ông ta.
Đây là lí do tại sao tôi lại kể cho bạn nghe câu chuyện vừa rồi. Cậu hoàng tử đã trở nên thân thiện với ông già này. Cậu ta sợ các bác sĩ, những chuyên gia có học, bởi vì họ đang cố gắng để thay đổi cậu, chữa chạy cho cậu và cậu ấy thì không điên khùng. Cậu ấy không nghĩ rằng mình đang điên, không người điên nào nghĩ mình điên cả. Nếu người điên đi đến chỗ hiểu ra rằng mình đang điên, chứng điên đó đã biến đi mất rồi. Người đó không còn điên gì nữa.
Cho nên tất cả những người khôn, những người cố gắng để chữa cho cậu hoàng tử đều ngây ngô cả, và chỉ có hiền nhân già này mới là người trí huệ. Ông ấy đã hành xử một cách ngây ngô. Cả triều đình cười lên, nhà vua cười, hoàng hậu cũng cười và nói: “Cái gì thế này? Lão già này thay đổi được hoàng tử sao? Bản thân ông ta đã dở hơi, dường như còn điên khùng hơn cả hoàng tử nữa.”
Ngay cả đến hoàng tử cũng bị sốc. Cậu ta nói: “Ông làm gì thế này? Ông ngụ ý gì vậy?” Nhưng người này phải là hiền nhân đã chứng ngộ.
Trang Tử đang nói về kiểu hiện tượng này, kiểu con người hiện tượng này.
Với mọi dáng vẻ bên ngoài, ông ta là người ngây ngô, lúc đi ông ta chẳng để lại dấu vết gì.
Bạn không thể đi theo ông ta được, bạn không thể đi theo người đã chứng ngộ được – không – chẳng bao giờ, bởi vì ông ta chẳng để lại dấu vết gì, không có dấu chân nào để lại. Ông ấy giống hệt con chim trên trời: ông ấy đi và không để lại dấu vết gì.
Tại sao người trí huệ không để lại dấu vết gì? Để cho bạn không thể nào đi theo được. Không người trí huệ nào thích bạn đi theo ông ấy, bởi vì khi bạn đi theo ông ấy, bạn trở thành kẻ bắt chước. Ông ấy bao giờ cũng di chuyển theo đường zích zắc, bạn không thể nào theo nổi. Nếu bạn cố gắng theo ông ấy thì bạn sẽ bị lỡ. Bạn có thể theo tôi được không? Điều ấy là không thể được, bởi vì bạn chẳng biết tôi định làm gì ngày mai. Bạn không thể tiên đoán được. Nếu bạn có thể tiên đoán được, bạn có thể lập kế hoạch. Thế thì bạn biết tôi định đi đâu, thế thì bạn biết chiều hướng, thế thì bạn biết bước đi của tôi. Bạn biết quá khứ của tôi, bạn có thể suy diễn ra tương lai của tôi. Nhưng tôi lại phi logic.
Nếu tôi logic, bạn có thể kết luận về điều tôi định nói ngày mai. Chỉ cần nhìn vào điều tôi đã nói trong bài nói của tôi hôm qua là bạn có thể kết luận một cách logic về điều tôi định nói ngày mai. Nhưng điều ấy thì lại không thể được. Tôi có thể mâu thuẫn với chính mình hoàn toàn nữa. Mọi ngày mai của tôi sẽ mâu thuẫn với mọi ngày hôm qua của tôi, cho nên làm sao bạn lại định theo tôi được? Bạn sẽ thành dở hơi nếu bạn cố theo.
Chẳng chóng thì chầy bạn sẽ phải hiểu ra rằng bạn phải là chính bạn, bạn không thể bắt chước.
Người đó bước đi không để lại dấu vết gì.

Người đó không nhất quán. Người đó không phải là logic. Người đó là phi logic. Người đó giống hệt như người điên.
Người đó không có quyền năng.

Điều nay sẽ rất khó theo bởi vì chúng ta nghĩ rằng hiền nhân có quyền năng, rằng người đó là người quyền năng nhất trong mọi người. Người đó sẽ chạm vào mắt mù của bạn và chúng sẽ mở ra, và bạn sẽ có thể thấy được; bạn chết và người đó sẽ chạm vào bạn và bạn sẽ được hồi sinh. Với chúng ta hiền nhân là người làm ra phép màu.
Nhưng Trang Tử nói: Người đó không có quyền năng gì bởi vì việc dùng quyền năng bao giờ cũng là một phần của bản ngã. Bản ngã muốn có quyền năng. Bạn không thể nào thuyết phục được người trí huệ dùng quyền năng của mình, điều ấy là không thể được. Nếu bạn có thể làm được điều ấy, đấy có nghĩa là một bản ngã nào đó vẫn còn lại cần phải được thuyết phục. Người đó sẽ chẳng bao giờ dùng quyền năng của mình bởi vì không có ai để dùng và để thao túng nó. Bản ngã, kẻ thao túng ấy, đã không còn ở đấy rồi, con thuyền đã trống rỗng rồi. Ai sẽ định hướng cho con thuyền này? Chẳng có ai cả.
Hiền nhân thì quyền năng, nhưng người đó chẳng có quyền năng; hiền nhân thì mạnh mẽ, nhưng người đó không có quyền năng – bởi vì người điều khiển không còn nữa. Người đó là năng lượng – tuôn chảy, không hướng đến đâu, không đề cập đến đâu – nhưng không ai có thể chỉ đạo nó. Bạn có thể được chữa lành trong sự hiện diện của người đó, mắt bạn có thể mở ra, nhưng người đó không mở mắt cho bạn, người đó không chạm vào mắt, người đó không chữa cho bạn. Nếu người đó nghĩ rằng mình đã chữa cho bạn thì bản thân người đó đã trở thành ốm yếu rồi. Cái cảm giác ‘tôi’ đây – tôi đã chữa – là bệnh lớn hơn, đấy là mù loà còn lớn hơn.
Người đó không có quyền năng, người đó chẳng đạt tới cái gì, người đó không có kính trọng và người đó không phán xét ai cho nên không ai phán xét người đó, người như thế là người hoàn hảo, con thuyền của người đó trống rỗng,
Người đó không có quyền năng.
Người đó chẳng đạt được cái gì,
Người đó không có danh tiếng.
Vì người đó không phán xét ai,
không ai phán xét người đó.
Người hoàn hảo như vậy -
Con thuyền của người đó trống rỗng
Và điều này đang trở thành con đường của bạn đấy. Làm rỗng con thuyền của mình đi. Tiếp tục ném đi bất kì cái gì bạn thấy trong con thuyền cho tới khi mọi thứ đều được ném hết đi và chẳng còn lại gì, thậm chí bạn cũng bị vứt đi, chẳng còn lại gì, bản thể bạn đã trở thành sự trống rỗng.
Điều cuối cùng và điều đầu tiên là sự trống rỗng: một khi bạn đã trống rỗng, bạn sẽ được tràn đầy. Tất cả sẽ ôm choàng xuống bạn khi bạn là trống rỗng – chỉ cái trống rỗng mới có thể đón nhận được tất cả, nhiều hơn thế thì không nhận được gì, bởi vì để nhận được tất cả, bạn phải là trống rỗng, trống rỗng vô biên. Chỉ thế thì tất cả mới có thể được nhận. Tâm trí bạn nhỏ bé thế, chúng không thể nào đón nhận được điều thiêng liêng. Căn phòng của bạn nhỏ bé thế, bạn không thể nào mời được điều thiêng liêng vào. Phá huỷ hoàn toàn ngôi nhà này đi, bởi vì chỉ có bầu trời, không gian, toàn bộ không gian mới có thể tiếp nhận được.
Cái trống rỗng đang trở thành con đường, thành mục đích, thành mọi thứ. Từ sáng mai, cố gắng làm trống rỗng bản thân mình khỏi tất cả những gì bạn thấy bên trong: khổ, giận, bản ngã, ghen, khổ, đau của bạn, vui của bạn – bất kì cái gì bạn thấy được, vứt hết chúng đi. Không có bất kì phân biệt nào, không có bất kì chọn lựa nào, làm trống rỗng bản thân mình đi. Và khoảnh khắc bạn đã trống rỗng hoàn toàn, bỗng nhiên bạn sẽ thấy rằng bạn là cái toàn thể, là tất cả. Qua cái hư không, cái toàn thể được đạt tới.
Thiền không là gì khác hơn là làm trống rỗng, trở thành không ai cả.
Trong trại thiền này các bạn di chuyển như không ai cả. Và nếu bạn tạo ra giận dữ trong ai đó, và bạn đụng chạm, nhớ lấy, bạn phải đang có đó trong chiếc thuyền, đó là lí do tại sao sự việc xảy ra. Chẳng mấy chốc, khi con thuyền của bạn trống rỗng đi, bạn sẽ không đụng chạm nữa, sẽ không có xung đột, không có giận dữ, không có bạo hành – không gì cả.
Và cái không này chính là phúc lành, cái không này chính là ân huệ. Vì cái không này bạn đã từng đi tìm và kiếm mãi.
Đủ cho hôm nay.


OSHO

Trích từ “Thuyền rỗng”, Bài nói ngẫu hứng của Osho cho đệ tử và bạn bè tại thính phòng Trang Tử, Poona, Ấn Độ)


(Nguồn: oshovietnam.net)