1. Đừng vội tin mà cứ thực nghiệm thì sẽ rõ.
Câu hỏi: Kính thưa thầy. Con nghe thầy giảng về thiền, về thực tại, con rất dễ hiểu, dễ thực hành. Nhưng như vậy có khi nào bít lấp con đường ngộ đạo của con không thầy? Trong khi các vị thiền sư xưa và nay, khi có người hỏi về "đạo", các vị có những lời nói và hành động mà người hỏi không biết phải nương vào đâu, phải làm gì. Hiểu về thiền, về thực tại có phải đã rơi vào ý thức không thầy? Mong thầy từ bi khai thị cho con được mở mang trí huệ. Con cám ơn thầy rất nhiều ạ!
Trả lời: Lý trí luôn đi đôi với nghi hoặc, nghĩa là phân vân do dự. Cách của mỗi thiền sư một khác và thực ra họ cũng không dính mắc vào cách nào, chẳng qua tuỳ duyên mà khai thị thôi. Chủ yếu là nói kiểu gì hay không nói gì cả thì cũng đều không phải để hiểu qua lý trí mà để chỉ ra sự thật cho người nghe trực nhận. Nếu con chỉ hiểu ngôn ngữ thầy nói thì chưa đủ mà tự con phải thấy ra sự thật thầy muốn chỉ bày. Muốn biết ai đúng ai sai, hoặc ai phù hợp hay ai không phù hợp với con thì nên làm theo lời dạy của đức Phật trong kinh Kalama: Đừng vội tin mà cứ thực nghiệm thì sẽ rõ.
2. Đừng hiểu lầm trải nghiệm là lăng xăng tìm kiếm kinh nghiệm, tri thức và cảm giác biên ngoài, mà trải nghiệm chính mình trong tương giao với cuộc sống như nó đang là.
Câu hỏi: Kính thưa thầy,Trong bài giảng Vô sư trí (khóa 12), thầy có giảng rằng càng trải nghiệm chừng nào thì mình càng điều chỉnh lại nhận thức. Vậy phải chăng là mình nên ra ngoài học hỏi? Mình nên đi đây đi đó? Tiếp xúc nhiều dạng người?
Nhưng còn Đức Phật, ngài chỉ ngồi thiền 49 ngày, đã thấu rõ mọi việc trên thế gian. Mình nên làm gì để điều chỉnh lại nhận thức sai lầm và những ảo tưởng?
Con là người ham học hỏi, con hay hỏi người khác về cảm nhận của họ, nhưng con lại không nhìn nhận cảm nhận của mình. Con không chịu trải nghiệm, mà thường học trải nghiệm của người khác, rồi lại biến đó thành kiến thức của mình. Dường như con không tin tưởng vào chính mình, thưa thầy.
Trả lời: Bởi vậy thầy mới nói cần phải trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm, chứng nghiệm... Nhưng con đừng hiểu lầm trải nghiệm là lăng xăng tìm kiếm kinh nghiệm, tri thức và cảm giác biên ngoài, mà trải nghiệm chính mình trong tương giao với cuộc sống như nó đang là. Khi đức Phật dạy trở về chánh niệm tỉnh giác trên thân thọ tâm pháp chính là để chúng ta không lăng xăng tìm kiếm bên ngoài mà thực sự trải nghiệm chính mình trong tương giao với cuộc sống để thực chứng sự thật. Con cũng đừng hiểu lầm là Phật cắt đứt bên ngoài để chỉ thấy bên trong khi Ngài giác ngộ, mà thực ra Ngài đã trải nghiệm qua vô lượng kiếp nên đó là lúc nở hoa của một quá trình trải nghiệm sự nẩy mầm, đâm chồi, trổ lộc... Hãy thật sự nhiệt tình để sống tuỳ duyên pháp ngay nơi nghiệp mệnh của chính mình trong cuộc đời thì mới giác ngộ được.
3. Đừng tìm hiểu bằng lý trí mà nên khám phá bằng trực nghiệm (trải nghiệm trực tiếp) sự thật nơi thân-tâm-cảnh hay nơi thân thọ tâm pháp.
Câu hỏi: Thầy kính!
Thật sự con đã được nghe Thầy dạy trực tiếp cách đây khoảng 5 năm về trước ở Học viện PG TPHCM, nhiều nghi ngờ thắc mắc nhiều năm trong con đã được cởi mở nhờ nghe pháp của Thầy, con vui sướng vô cùng. Rồi từ đó, con tìm sách của Thầy để đọc, lên google tìm file giảng của Thầy để nghe, con thường xuyên tư duy, thậm chí cả giờ ngồi thiền con không thể chánh niệm được mà trong tư tưởng cứ bị lôi kéo tìm cách giải quyết những thắc mắc còn mắc kẹt này, vì mắc kẹt nên con không biết phải điều chỉnh thái độ tâm như thế nào trong những trường hợp tương tự như vậy. Trong đó có những thắc mắc con đã chiêm nghiệm thật nhiệt tình hơn 7-8 năm nay mà vẫn không hiểu được, chứ không phải những nghi ngờ này mới phát sinh mà vội đem hỏi Thầy để tìm đáp số nhằm thỏa mãn tri thức. Chính vì không tự khám phá ra nổi nên con chưa hiểu thấu đáo nguyên lý của thiền, sự tu hành của con đang bị ngưng trệ đã lâu.
Trả lời: Nguyên nhân là con học đạo bằng lý trí. Lý trí quá nhiều và đức tin quá mạnh là hai trong 10 chướng ngại của giác ngộ. Lý trí quá nhiều thì đưa đến triết học, đức tin quá mạnh đưa đến tín ngưỡng. Đạo Phật ngày càng thoái hoá là do phát triển hai yếu tố này. Đừng tìm hiểu bằng lý trí mà nên khám phá bằng trực nghiệm (trải nghiệm trực tiếp) sự thật nơi thân-tâm-cảnh hay nơi thân thọ tâm pháp. Nói cho dễ hiểu là nên thường lặng lẽ soi chiếu lại chính mình. Vậy con nên buông dần hiểu biết qua kiến thức của khái niệm tục đế, mà nên trực nhận sự thật trong thực tánh chân đế với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Không phải thầy từ chối trả lời những câu hỏi của con mà thầy muốn con thay đổi thái độ học đạo. Thầy tặng con bài kệ này:
Học đạo quí vô tâm
Làm, nghĩ, nói không lầm,
Sáng, trong, và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm.
4. "Đơ" có nhiều tình trạng khác nhau
Câu hỏi: Kính thưa thầy,
Thầy cho con hỏi là có lúc trong cuộc sống, mình bị rơi vào trạng thái "đơ" (nghĩa là không biết phản ứng như thế nào đối với tình huống xảy ra hoặc khi nói chuyện với bạn bè).
Tình trạng như vậy nghĩa là sao? Mong thầy lý giải giúp con.
Trả lời: "Đơ" có nhiều tình trạng khác nhau. Đơ do tâm vô ký (vô thức), đơ do tâm si, đơ do lý trí không thể nào hiểu nổi, đơ do yếu tố định quá nhiều... nhưng vẫn có một thái độ "đơ" rất xuất sắc đó là tâm rỗng lặng trong sáng chỉ thấy "như thị" chứ không còn khái niệm hay phản ứng nào, đó là cái "đơ" của trí tuệ bất động mà Lão Tử gọi là "Tri bất tri thượng".
5. Toàn bộ giáo pháp của đức Phật có thể gói gọn trong một chữ BUÔNG
Câu hỏi: Thưa thầy, con vừa học xong khoá thiền Minh Sát (10 ngày) do thầy Goenka dạy. Sau khi về nhà mỗi tối con thiền 1 tiếng, đến nay đã được 3 tuần. Trong đầu con lúc nào cũng có cảm giác như lúc đang thiền (mạch đập, căng kéo, và nhiều cảm giác mạnh khác). Những lúc con tập trung làm việc gì đó (định), cảm giác ấy càng mạnh. Con xin thầy giải thích giùm. Điều đó có bình thường hay không? Khi nào con mới hết cảm giác khó chịu này?
Trả lời:
Có thể là do con hành quá tích cực chăng? Sợi dây đàn kéo căng quá thì sẽ phát ra âm thanh khô cứng. Toàn bộ giáo pháp của đức Phật có thể gói gọn trong một chữ BUÔNG mà Ngài thường dạy là: "Nhất hướng, xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết-bàn". Thầy tặng con bài kệ:
Trong ngoài lặng lẽ chẳng vin đâu
Sáng suốt hồn nhiên khỏi vọng cầu
Buông hết một phen đừng luyến tiếc
Con ơi, ngay đó thấy đạo mầu.
6. Suy nghĩ vi tế lắm, cứ tiếp tục thấy để phát hiện ra hành trạng bí ẩn của nó.
Câu hỏi: Kính thưa thầy, sau một thời gian tu tập, nhiều lúc trong con chẳng có suy nghĩ. Con vẫn nghe, vẫn biết những gì xung quanh mình, chỉ thấy mình không có suy nghĩ mà vẫn biết mình không có suy nghĩ, con muốn hỏi thầy như thế có gì sai không ạ? Nhiều khi con nghe, thấy mà không có suy nghĩ, nhưng vẫn biết mọi thứ mà không đánh giá gì cả, trong tâm cũng không có suy nghĩ thầy ạ.
Kính chúc thầy nhiều sức khỏe ạ!
Trả lời: Con đã thấy pháp như vậy thì nó là như vậy mà không cần suy nghĩ gì cả, sao bây giờ con lại sinh nghi "như vậy" là đúng hay sai? Đó không phải là suy nghĩ sao? Suy nghĩ vi tế lắm, cứ tiếp tục thấy để phát hiện ra hành trạng bí ẩn của nó.
7. Có 4 giai đoạn tiến hoá của nhận thức từ vô ngã tự nhiên đến cái ngã bản năng, cái ngã tình cảm, cái ngã lý trí, cái ngã chấp pháp và cuối cùng lại trở về vô ngã.
Câu hỏi: Kính thầy! Khi ta tu tập thì đã mang cái "ta" để mà tu tập, đọc kinh điển, giữ giới, hành thiền tất cả đều nhằm đưa đến loại bỏ tà kiến, định kiến sai lầm, chấp thủ, cái ta ngã mạn, tham sân, si để rồi cái tâm định tĩnh sáng suốt xuất hiện và tự vận hành một cách tự nhiên, ban đầu ta phải mang cái "ta" để mà tu tập nhưng khi cái tâm định tĩnh sáng suốt làm việc rồi thì không còn cái "ta" hành, tu tập ở đó nữa, con hiểu thế không biết đúng không ạ, đây là những gì con cảm thấy khi tu tập ạ.
Kính mong thầy thật nhiều sức khỏe ạ!
Trả lời: Khi còn cái ngã tu thì con biết cái ngã tu, khi không còn cái ngã tu thì con biết không còn cái ngã tu. Đơn giản là vậy thôi chứ con lý luận thì thì không bao giờ biết khi nào là ta khi nào là không ta cả. Thầy cũng đã có giảng về 4 giai đoạn tiến hoá của nhận thức từ vô ngã tự nhiên đến cái ngã bản năng, cái ngã tình cảm, cái ngã lý trí, cái ngã chấp pháp và cuối cùng lại trở về vô ngã. Con nghe lại pháp thoại khoá 12 nha.
8." Tự do là ung dung trong ràng buộc
Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau.
Buồn vui nào khác gì đâu
Có sinh ắt diệt vọng cầu mà chi. "
Câu hỏi: Thưa thầy, con đã đọc Bốn Giai Đoạn Tiến Hóa mà thầy chỉ dạy, có lẽ có duyên con theo Quy y Tam Bảo nhưng được nghe Kinh Thánh và sống cùng các bạn đạo Tin Lành nên nghe bài pháp của thầy con hiểu rất nhanh về vâng ý Cha, cùng với những gì con trải nghiệm trong cuộc sống con biết đang ở giai đoạn nào rồi thầy ạ, con thích hai câu thơ của thầy lắm:
Tự do là ung dung trong ràng buộc/ Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau.
Còn làm 2 câu theo ý con nghĩ nữa:
Buồn vui nào đâu khác/ Có sinh ắt diệt sao còn muốn chọn.
Thầy đi thuyết pháp ở xa, cảm ơn thầy đã dành thời gian chăm lo cho chúng con. Mong thầy thật nhiều sức khỏe ạ!
Trả lời: Hay lắm! Thầy rất hoan hỷ với chia sẻ của con. Thầy xin chuyển ý 2 câu thơ của con thành lục bát như sau:
Buồn vui nào khác gì đâu
Có sinh ắt diệt vọng cầu mà chi.
Vậy được không con? Cảm ơn con!
9. Tuyệt vời hơn cả tuyệt vời ...là thấy ra và buông bỏ cách hành theo các phương pháp mà chỉ còn sống chiêm ngoạn pháp, thể nghiệm pháp, thực chứng pháp một cách tự nhiên, vô tâm và giản dị.
Câu hỏi: Bạch thầy! Sau khi được thầy khai sáng, con đã buông bỏ những cách thực hành cũ. Con xác định lại rằng không nỗ lực hay cố gắng tu luyện dể tạo tác trở thành gì nữa. Giờ con đã tìm thấy được cái tâm yên ổn, nhẹ nhang trở lại, và sự thấy biết của con cũng rõ ràng, trong suốt hơn. Các đối tượng đến rồi đi mà tâm con không có sự định danh hay phê phán gì. Thái độ của con như vậy có đúng chưa thưa thầy? Con biết thầy đang đi dạy ở xa mà vẫn dành thời gian trả lời thư cho chúng con. Thầy thật là tuyệt vời!
Trả lời: Còn hơn cả tuyệt vời nữa là con đã thấy ra và buông bỏ cách hành theo các phương pháp mà chỉ còn sống chiêm ngoạn pháp, thể nghiệm pháp, thực chứng pháp một cách tự nhiên, vô tâm và giản dị. Chỉ những ai vào được pháp giới này mới có thể cảm ứng được đạo vị không thể nghĩ bàn con nhỉ. Chúc mừng con!
10. Người mê tạm thời không hoạt động trong vùng hữu thức nhưng vùng vô thức vẫn hoạt động nên khi hết mê liền có hữu thức.
Câu hỏi: Kính thưa sư.
Xin cho con hỏi tánh biết cũng ở trong tâm hành? Những vong linh vất vưởng là những tâm hành đang hoạt động không thân xác? Khi bị gây mê tâm của mình đang ở đâu? Nếu tâm cũng đang ngừng hoạt động thì có phải nó chỉ là một phần của thân xác (bộ óc)... Con vô cùng ngưỡng mộ những bài viết của sư về đạo Phật, con kính mong sư giảng dạy về những thắc mắc của con. Con thành kính cám ơn và chúc sư mạnh khỏe.
Trả lời: Tánh biết chính là khả năng riêng biệt của tâm. Người cõi âm vẫn đầy đủ năm uẩn, chỉ tại người cõi dương ở trong thế giới 3 chiều nên không thấy thôi, vậy tâm họ vẫn hoạt động bình thường trong điều kiện ở cõi họ. Người mê tạm thời không hoạt động trong vùng hữu thức nhưng vùng vô thức vẫn hoạt động nên khi hết mê liền có hữu thức. Giống như tài xế tạm thời không lái được khi xe hỏng máy, anh ta có thể ngủ một giấc cho đến khi xe sửa xong anh vẫn lái lại bình thường, sao nói anh tài xế là chiếc xe hư được?
11. " Chư Pháp tùng bản lai..."
Câu hỏi: Con xin kính chào Thầy! Đây là lần đầu tiên con vào trang nhà, thân tâm con vỡ òa trong cảm xúc. Hạnh phúc thật đơn sơ và giản dị biết bao, hạnh phúc vẫn như nó đang là, mà chúng con, tất thảy vạn loại hữu tinh vẫn mãi đi tìm. Trong giây phút này đây, con nguyện tinh tấn với đầy đủ bi, trí, dũng làm phương tiện để mãi đưa con đi ngược dòng sông này. Con xin kính chúc thầy thân tâm thường an lạc, mãi dìu dắt chúng con trên đường thiện nghiệp. Sẵn có lời thơ mong thầy hoan hỷ:
Hè sang tu hú gọi bầy
Báo mùa quả chín rụng đầy trước sân,
Thu về lặng lẽ bên thềm,
Đông qua, Xuân lại rộn ràng tiếng ca.
Trả lời: Sàdhu lành thay! Thầy rất hoan hỷ, khi mắt con đã mở thì thấy pháp vốn quả thật nhiệm mầu con nhỉ. Chúc mừng con!
12. Niệm sai không thể gọi là Chánh niệm được
Câu hỏi: Thưa thầy, khi con chánh niệm lúc làm việc thì dần dần đỉnh đầu của con đau râm ran và đi vào trạng thái hôn trầm. Có lúc con đang rửa bát, rơi bát lúc nào không hay. Thưa thầy con phải làm như nào bây giờ?
Trả lời: Con không nói con đã chánh niệm thế nào mới được. Niệm sai không thể gọi là Chánh niệm được. Có thể con niệm sai chăng?
13. Thấy mọi đối tượng đều là thực tánh pháp như nó đang là một cách tự nhiên, không còn xen khái niệm "bước chân" hay" bàn tay" vào nữa thì mới gọi là chánh niệm.
Câu hỏi: Con chánh niệm về hành động cử chỉ khi con là việc. Ví dụ khi đi con chánh niệm vào bước chân, rửa bát con chánh niệm vào bàn tay của mình thì lại xảy ra hiện tượng hôn trầm và tê bì ở đỉnh đầu. Thưa thầy con chánh niệm như vầy đã đúng chưa ạ?
Trả lời: Con cũng chỉ mới nói đến đối tượng mà con niệm chứ chưa nói con niệm như thế nào. Thái độ niệm của con mới quan trọng chứ không phải là đối tượng nào. Thí dụ con niệm với thái độ tập trung sự chú ý vào vào bước chân, vào bàn tay... hoặc con để ý ghi nhận với ý nghĩ "chân đang bước", "tay đang nắm"... hoặc con chỉ trọn vẹn trong sáng với sự kiện đang diễn ra... Khi nào con thấy mọi đối tượng đều là thực tánh pháp như nó đang là một cách tự nhiên, không còn xen khái niệm "bước chân" hay" bàn tay" vào nữa thì mới gọi là chánh niệm. Vậy con cần nói rõ thái độ tâm của con lúc niệm như thế nào thì thầy mới giúp con điều chỉnh được nếu thái độ tâm của con chưa đúng.
14. Chánh niệm là trọn vẹn với thực tánh pháp như nó đang là...
Câu hỏi: Thưa Thầy, cho con hỏi chánh niệm là như thế nào? Con cảm ơn Thầy.
Trả lời: Nếu đứng riêng một mình thì chánh niệm là trọn vẹn với thực tánh pháp như nó đang là, thí dụ khi con đi thì tâm pháp trọn vẹn với sắc pháp ngay tại đó và lúc đó, nếu con khởi niệm "tôi đi" hoặc muốn chú ý tìm hiểu "đi như thế nào" hoặc tâm cố gắng chú niệm vào đối tượng ... thì liền rơi vào tướng khái niệm, lúc ấy là tư niệm chứ không còn là chánh niệm nữa.
Nếu chánh niệm hiểu theo nghĩa đại diện cho cụm từ tinh-tấn-chánh-niệm-tỉnh-giác thì có nghĩa là trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại như nó đang là. Trở về vì không phóng dật bên ngoài, trọn vẹn hay tự tại vì không thất niệm ngoại tại, trong sáng vì không bị che lấp bởi khái niệm tục đế nên thấy rõ thực tánh chân đế. Người ta thường nhầm lẫn chánh niệm với tư niệm, ghi nhận, tập chú (gom tâm chú ý vào), định tâm (concentration) hoặc lặp đi lặp lại trong tâm để ghi nhớ, do đó đưa đến tình trạng bị căng thẳng vì cố gắng đạt được mục đích, ngược lại, trong chánh niệm hoàn toàn không còn bóng dáng của những tạp niệm đó. Hãy thận trọng đừng dùng từ chánh niệm một cách bừa bãi.
15. Nếu mong muốn phát xuất từ bản ngã tham ái thì không có chánh niệm tỉnh giác. Nếu mong muốn phát xuất từ trí tuệ thì đương nhiên là có chánh niệm tỉnh giác rồi.
Câu hỏi: Thưa thầy! Có những khoảnh khắc con đã buông và không mong muốn bất cứ điều gì. Nhưng đúng như thầy đã nói, con thấy ngay sau đó bản ngã ở đâu lại ùn ùn kéo đến với ý đồ muốn giữ sự an lạc nơi thân và nơi tâm. 1. Vậy cho con hỏi, cái khoảnh khắc "không mong muốn" đó có phải là "chánh niệm tỉnh giác" chưa hay mới chỉ là "thấy vết trâu" thôi ạ? 2. Mặc dù con biết trạng thái đó đến và đi là việc của Pháp, song con vẫn muốn nhận thêm lời khuyên cụ thể hơn từ thầy. Mong thầy hoan hỷ cho con lời khuyên ạ. Con thành kính tri ân thầy.
Trả lời:
Con vẫn chưa thấy rõ trạng thái buông và thái độ buông khác nhau thế nào. Buông không quan trọng ở trạng thái mà ở thái độ. Nếu là buông trạng thái thì buông được trạng thái này vẫn còn trạng thái khác, như vậy chỉ thay đổi trạng thái chứ không phải thực sự buông. Cho nên buông trạng thái thì vẫn còn là hành động hữu vi tạo tác. Buông như vậy có thể chỉ là lấy bản ngã này loại trừ bản ngã kia, hay nói dễ hiểu hơn là lấy tư tưởng buông để buông tư tưởng, và dĩ nhiên trạng thái buông ấy chỉ là kết quả của tư tưởng (bản ngã) mà thôi. Trong thái độ buông không có bản ngã lăng xăng tạo tác, hay nói cách khác, không có hành động buông nào cả mà ngay khi vắng bặt cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác thì tánh biết liền sáng suốt, định tĩnh, trong lành hay tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nên gọi là buông .
Không mong muốn không hẳn là chánh niệm tỉnh giác mà có thể là tâm si. Vấn đề không phải mong muốn hay không mong muốn mà có sáng suốt, định tĩnh, trong lành để thấy mong muốn đó hay không. Nếu mong muốn phát xuất từ bản ngã tham ái thì không có chánh niệm tỉnh giác. Nếu mong muốn phát xuất từ trí tuệ thì đương nhiên là có chánh niệm tỉnh giác rồi.
16. Thật sự chánh niệm tỉnh giác thì đâu cần phải quan tâm sau khi chết sinh về đâu!
Câu hỏi: Thưa Thầy, nếu trước khi chết tâm vẫn giữ được chánh niệm tỉnh giác thì kiếp sau tái sinh cõi nào? Con cám ơn Thầy!
Trả lời: Nếu con phân vân không biết mình sẽ tái sinh cõi nào thì làm sao mà chánh niệm tỉnh giác được, còn nếu con thật sự chánh niệm tỉnh giác thì đâu cần phải quan tâm sau khi chết sinh về đâu!
17. Đức Phật dạy chúng ta trở về chánh niệm tỉnh giác ngay nơi thực tại thân tâm này thì ở đó thấy Niết-bàn.
Câu hỏi: Kính thưa Sư. Cho con hỏi: 1. Trong khóa giảng thiền Thầy nói rằng Niết-bàn ở trong tâm ta không ở đâu cả. Vậy khi Đức Phật tịch về cõi Niết-bàn mà kinh sách thường nói là ở đâu? Theo con nghĩ Niết-bàn là 1 cõi mà Đức Phật đã về ở vì Ngài đã thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thì không thể thành tro bụi được, cũng như bên Bắc Tông quý Thầy nói cõi Cực lạc Tây phương của Đức Phật A-di-đà vậy. Theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy tu như PHẬT sẽ thành PHẬT rồi về đâu? 2. Trong phần mở đầu bài giảng thiền Thầy có nói bà hoàng hậu (con cũng không biết tên) sai người chờ Đức PHẬT kinh hành đến thành trì sẽ chửi Đức PHẬT, mà Ngài vẫn đến, sau cùng giáo hóa được họ. Trong khi đức vua cha của nàng Da-du-đà-la cũng chờ Đức PHẬT đến để chửi mà Ngài lại rẽ sang đường khác vì không muốn đức vua mang thêm nghiệp. Sao con thấy có 2 cách hành xử khác nhau thế. Vì thời giờ eo hẹp con không dám hỏi Thầy trong khóa học. Xin Thầy hoan hỷ chỉ dẫn con. Con cám ơn Thầy.
Trả lời:
1) Thẳng thắn mà nói thì việc tìm hiểu Niết-bàn ở đâu không ích gì cho sự trực nhận thực tại để thoát ly điên đảo mộng tưởng cả. Đã là Phật thì ở đâu mà chẳng là Niêt-bàn. Niết-bàn được đức Phật định nghĩa là đoạn tận tham, đoạn tân sân, đoạn tận si. Vậy ỏ đâu không có tham sân si ở đó là Niết-bàn. Nếu Niết-bàn có một chỗ để trụ thì đã không gọi là Vô Sở Trụ hay Vô Thủ Trước Niết-bàn rồi. Bậc giác ngộ, thấy Pháp, sống thuận Pháp và thể nhập Pháp tánh nên lấy Pháp giới tánh làm Pháp Thân (Dhammakaya) không còn nương tựa hay bám trụ trên bất cứ tướng nào (Anissito viharati na kinci loke upadiyati).
Sở dĩ thầy nói: "Ngay đây không tham sân si là Niết-bàn" để mọi người đừng lăng xăng tìm kiếm bên ngoài (vọng ngoại), ở tương lai hay một nơi xa xăm nào đó. Hãy trở về mà thấy (ehipassiko), ngay tại đây (sanditthiko) và bây giờ (akaliko), trên tự thân thực tại (opanayiko) mà mỗi người có thể chứng nghiệm được (paccattam veditabbo vinnuhi). Và đó là lý do vì sao đức Phật dạy chúng ta trở về chánh niệm tỉnh giác ngay nơi thực tại thân tâm này thì ở đó thấy Niết-bàn.
2) Câu hỏi thứ hai thì sau khi hỏi anh đã tự trả lời được rồi nên có lẽ không cần phải trả lời nữa phải không?