Bạn là cội nguồn

...Con người hoặc ở trong địa ngục hoặc ở trong cõi trời - đó là chọn lựa của người đó. Địa ngục và cõi trời không phải là theo địa lí; chúng không phải là nơi chốn bên ngoài bạn mà là không gian bên trong bạn - và cả hai nơi này đều tồn tại trong từng cá nhân.
Con người giống như chiếc thang: bạn có thể đi lên, bạn có thể đi xuống; nó là cùng một chiếc thang. Đổi hướng và bạn bắt đầu đi lên. Nó là cùng năng lượng bắt đầu trở thành địa ngục và bắt đầu trở thành cõi trời. Hiểu biết sâu sắc là cần thiết về năng lượng của bạn, về khả năng của bạn, về tiềm năng của bạn.
Cõi trời và địa ngục không phải là khi bạn chết: chúng là những khả năng ngay bây giờ. Trong chính khoảnh khắc này người ta có thể ở trong địa ngục hay cõi trời - và bạn có thể ở trong địa ngục và hàng xóm của bạn có thể ở cõi trời. Và khoảnh khắc này bạn sẽ trong địa ngục và khoảnh khắc khác bạn sẽ trong cõi trời. Quan sát cho kĩ vào: bầu khí hậu cứ thay đổi quanh bạn. Lúc thì nó rất mây mù và mọi thứ tối tăm và buồn thảm, và lúc thì nó nắng ráo thế, và đẹp thế, vui thế.
Nhưng sai lầm, sai lầm lớn nhất con người có thể phạm phải, là nghĩ rằng bầu khí hậu này được tạo ra bởi các lực bên ngoài. Nó không được tạo ra bởi các lực bên ngoài đâu; nó là quyết định bên trong của bạn, ý chí bên trong của bạn đấy. Đó là chọn lựa của bạn. Nó xảy ra ở bên ngoài, nhưng nó nảy sinh từ cốt lõi sâu nhất của bản thể bạn. Nó cần tính quan sát rất tỉnh táo để thấy ra điểm này. Một khi bạn đã thấy nó bạn không cần sống trong địa ngục chút nào. Sao bạn phải chọn địa ngục một khi điều này đã được hiểu - rằng đó là chọn lựa của bạn?
Nhưng trong hàng thế kỉ con người đã từng cố gắng tìm các cớ, cách hợp lí hoá, những nguyên nhân giả, bên ngoài bản thân mình, bởi một lí do nào đó: người ta cảm thấy rất xấu rằng mình là kẻ tạo ra mọi khổ của mình. Thứ nhất khổ có đó, và thứ hai, chính ý niệm rằng "Mình là kẻ tạo ra tất cả những khổ này" thậm chí còn gây đau hơn cả bản thân việc khổ. Để né tránh cái đau này, để né tránh vết thương này, để né tránh trách nhiệm lớn lao này, con người đã tìm ra cả nghìn lẻ một cách. 
Trong quá khứ chúng ta đã tạo ra ý niệm về Thượng đế: rằng Ngài tiền định, rằng mọi thứ đều được quyết định trước rồi, tiền định trước rồi, rằng đứa trẻ được sinh ra đã tuyệt đối bị xác định rồi. Thượng đế tiền định điều nó sẽ là; nó không được tự do, nó không có tự do. Nếu không có tự do, có thể không có trách nhiệm; nếu có tự do, thế thì có trách nhiệm. Chúng tới cùng nhau, chúng là không tách rời. Con người sẵn sàng giành lấy tự do của mình, nhưng con người rất sợ chấp nhận trách nhiệm. Ngay cả với cái giá mất tự do người đó vẫn muốn tuyệt đối không có trách nhiệm. Ít nhất người đó có thể nói, "Đấy không phải là ý chí của tôi rằng tôi phải khổ. Tôi có thể làm được gì nào? Tôi bất lực! Thượng đế đã tiền định trước điều đó rồi." Hay định mệnh, số mệnh...
Và các tôn giáo không tin vào Thượng đế và không tin vào định mệnh, họ phải tìm cách giải thích nào đó khác, nhưng nó vẫn là cùng một điều thôi. Họ đã tìm ra lí thuyết về đầu thai, lí thuyết về nghiệp: các kiếp sống quá khứ của bạn quyết định ra kiếp sống hiện tại của bạn. Lần nữa bạn lại bất lực! Bây giờ chẳng thể làm được gì về các kiếp quá khứ của bạn cả; không có khả năng nào thay đổi chúng. Bạn không thể hoàn tác lại chúng, cho nên bạn phải đơn giản chấp nhận bất kì cái gì là hoàn cảnh. Nếu bạn khổ, thì bạn khổ - chấp nhận nó đi.
Chính bởi vì chấp nhận này mà phương Đông vẫn còn nghèo, đói, ốm yếu. Nếu bạn chấp nhận rằng bất kì cái gì đang xảy ra là xảy ra vì nghiệp quá khứ của bạn, thế thì nó phải xảy ra thôi; không có cách nào tránh được nó. Ngay cả những ý niệm hoàn toàn ngu xuẩn nảy sinh từ nó, và chúng có vẻ rất logic nếu bạn chấp nhận tiền đề căn bản này.
Ở Ấn Độ có một giáo phái của người Jaina, Terapanth; Acharya Tulsi là thủ lĩnh của nó. Giáo phái Jaina này nói rằng nếu ai đó ngã xuống giếng, đừng giúp người đó thoát ra. Bạn sẽ ngạc nhiên - làm sao người ta có thể nói được điều này? Bạn đang đứng đó, người này đang kêu cứu, la to xin giúp đỡ, nhưng giáo phái này nói, "Đừng giúp người đó, bởi vì người đó đang chịu đựng nghiệp quá khứ của người đó. Đừng can thiệp. Nếu ông can thiệp và kéo người đó ra người đó sẽ phải ngã vào lần nữa đấy, cho nên ông sẽ không thực sự là giúp đỡ đâu. Ngược lại, ông sẽ làm chậm trễ quá trình mà đáng ra thì đã được hoàn thành bây giờ. Và bằng việc can thiệp vào cuộc đời người đó và nghiệp người đó ông đang tạo ra nghiệp nào đó cho bản thân mình, bởi vì can thiệp vào cuộc sống của ai đó, làm rối quá trình của người đó, sự phát triển của người đó, là tội lỗi."
Do đó các tín đồ của giáo phái này không giúp bất kì ai theo bất kì cách nào. Giúp đỡ là tội lỗi, phục vụ là tội lỗi. Điều đó có vẻ rất ngớ ngẩn, nhưng nếu bạn chấp nhận tiền đề của họ thế thì nó không ngớ ngẩn. Tiền đề này được chấp nhận, nó dường như là kết luận logic của tiền đề này.
Các triết lí ngớ ngẩn đã nảy sinh, chỉ vì một lí do thôi: làm sao né tránh trách nhiệm? Đổ nó lên vai ai đó khác! Đó có thể là Thượng đế, số phận, lí thuyết nghiệp, hay, nếu bạn không theo tôn giáo, nếu bạn là người duy vật, thế thì bạn có thể đổ nó cho lịch sử, như Hegel đã làm - lịch sử chịu trách nhiệm. Nó lại là cùng trò chơi đó thôi - chỉ cái tên thay đổi, cái nhãn thay đổi. Nó không còn là quá khứ, bây giờ nó được gọi là lịch sử - không phải nghiệp cá nhân mà là nghiệp của xã hội mới có tính quyết định; cá nhân bất lực. Thực ra, theo Hegel cá nhân là hư cấu; chỉ xã hội tồn tại và lịch sử là nhân tố tất định.
Và hàng triệu và hàng triệu năm đã trôi qua rồi! Làm sao bạn có thể tranh đấu với nó được? Bạn có thể làm được gì về nó? Bạn hoàn toàn bất lực! Mọi điều có thể được làm là: chấp nhận nó, là một phần của nó. Bất kì cái gì đang trong hoàn cảnh - khổ hay phúc lạc - bạn không chịu trách nhiệm. Làm sao bạn có thể chịu trách nhiệm cho toàn thể lịch sử được - từ chính lúc bắt đầu, nếu như có lúc bắt đầu nào? 
Karl Marx nói nó không phải là lịch sử mà cấu trúc kinh tế của xã hội đấy. Sigmund Freud nói nó không phải là cấu trúc kinh tế của xã hội đâu mà là cấu trúc vô thức của tâm lí của bạn - vô ý thức! Bạn không thể làm gì được về nó cả, nó ở bên ngoài bạn. Bạn có ý thức và nó là vô ý thức; không có cây cầu nào. Bạn hoàn toàn vô nhận biết về nó. Kẻ thù cứ vận hành từ góc tối bên trong bạn và không có khả năng nào đem ánh sáng tới cho nó. Nhiều nhất chúng ta có thể phân tích, hiểu tình huống, và được điều chỉnh theo nó.
Mọi triết học, tâm lí học, xã hội học này đều là bịa đặt của con người để né tránh một hiện tượng đơn giản: hiện tượng trách nhiệm.
Người tôn giáo thực được sinh ta vào khoảnh khắc bạn chấp nhận trách nhiệm của mình cho bản thân mình, khoảnh khắc bạn nói, "Bất kì điều gì mình đang vậy đều là chọn lựa của mình - không phải của quá khứ mà của hiện tại. Nó là chọn lựa của mình về khoảnh khắc này, và nếu mình muốn thay đổi nó mình tuyệt đối tự do để thay đổi nó. Không ai có thể cản trở mình được - không lực xã hội nào, không quốc gia nào, không lịch sử nào, không kinh tế nào, không vô thức nào có thể cản trở mình được. Nếu mình quyết tâm thay đổi nó, mình có thể thay đổi nó."
Vâng, lúc ban đầu trách nhiệm có vẻ như nặng nề, trọng lượng nặng; đổ trách nhiệm lên ai đó khác tạo cảm giác thoải mái. Ít nhất bạn có thể tận hưởng ngần này, rằng "Mình không chịu trách nhiệm." Bạn có thể tận hưởng rằng bạn chỉ là nạn nhân, bất lực. Lúc ban đầu việc chấp nhận trách nhiện về chính bản thân bạn một cách toàn bộ là nặng nề. Nó tạo ra thất vọng, phiền não, lo âu, nhưng chỉ lúc ban đầu thôi. Một khi nó được chấp nhận, dần dần, dần dần bạn trở nên nhận biết về tiềm năng lớn lao và tự do lớn lao mà nó đem lại.
Nếu tôi chịu trách nhiệm cho khổ của tôi, điều đó cũng có nghĩa, một cách tự động, là tôi chịu trách nhiệm cho phúc lạc của mình. Nếu tôi chịu trách nhiệm cho khổ của tôi, tôi có thể chấm dứt nó ngay lập tức. Để tôi nhắc lại từ 'ngay lập tức' - thậm chí không một khoảnh khắc nào người ta phải chờ đợi cả. Vấn đề không phải là thay đổi các kiếp quá khứ của bạn, vấn đề không phải là thay đổi toàn thể xã hội, vấn đề không phải là đem tới chuyên chính của giai cấp vô sản, và vấn đề không phải là đi hết năm nọ tới năm kia vào phân tâm. Nó đơn giản là vấn đề chấp nhận trách nhiệm rằng "Dù tôi là bất kì ai, tôi đã tạo ra bầu khí hậu của tôi, con người tôi."
Con người được sinh ra chỉ như một tiềm năng. Con người có thể trở thành gai cho bản thân mình và cho người khác, con người cũng có thể trở thành đoá hoa cho bản thân mình và cho người khác. Và nhớ lấy, bất kì cái gì bạn đang là vậy cho người khác, bạn là cái đó cho bản thân mình nữa, và bất kì cái gì bạn là vậy cho bản thân mình bạn là cái đó cho người khác nữa. Nếu bạn là đoá hoa cho bản thân mình, hương thơm của bạn nhất định được toả ra; nó sẽ đạt tới người khác. Nếu bạn là gai cho bản thân mình, làm sao bạn có thể là hoa cho người khác được?
Đây là một trong những đóng góp vĩ đại nhất của Phật Gautama cho thế giới: ông ấy làm cho cá nhân chịu trách nhiệm tuyệt đối, dứt khoát, không đảo ngược được. Những người rất dũng cảm chấp nhận nó, chỉ các cá nhân hiếm hoi mới chấp nhận điều đó. Kẻ hèn bao giờ cũng muốn trốn khỏi trách nhiệm. 
Những người theo Phật trở thành đệ tử và người thành tâm. Những người mà vì họ Phật trở thành thầy đều là loại người hiếm hoi: thực sự dũng cảm, sẵn sàng mạo hiểm tất cả, sẵn sàng chấp nhận phiền não của việc tái sinh... bởi vì đây là tái sinh! Vứt bỏ tất cả những triết lí làm cho ai đó khác, XYZ, chịu trách nhiệm cho cuộc sống của bạn - đó là việc tái sinh. Việc chấp nhận toàn thể trách nhiệm của cuộc sống của bạn, bất kì cái gì bạn đang là - tốt, xấu, tội nhân, thánh nhân - nghĩa là bạn đã lấy bước nhảy lượng tử. Nhưng chẳng mấy chốc trách nhiệm biến thành tự do. Giải thoát vĩ đại thế xảy ra qua nó!
Cùng kiểu người đang đó đang tụ tập quanh tôi lần nữa. Tôi không ở đây cho những kẻ hèn nhát. Kẻ hèn nhát có nhiều chỗ khác trên thế giới, nhiều người giúp họ - giúp họ vẫn còn là kẻ hèn nhát vĩnh viễn. Tôi tồn tại ở đây chỉ dành cho những người dũng cảm, người phiêu lưu: những người sẵn sàng mạo hiểm và mạo hiểm tất cả, những người sẵn sàng tham dự, cam kết, những người sẵn sàng đánh cược mọi thứ cho giải thoát, cho biến đổi, cho việc đạt tới chân lí tối thượng.
Lời kinh này của ngày hôm nay là những phát biểu nhỏ, rất hàm chứa. Đó đích xác là điều kinh ngụ ý. Kinh nghĩa là một phát biểu tinh tuý, không nói kĩ lưỡng, không giải thích, không tô điểm - chỉ cái lõi trơ trụi, trần trụi của nó. Nó được cần tới trong những ngày đó, bởi vì mọi người phải ghi nhớ những kinh này. Do đó chúng phải rất cô đọng, chúng phải vắn tắt, để cho mọi người có thể nhớ được hàng thế kỉ, bởi vì chúng sẽ đi từ thế hệ này sang thế hệ khác như một phần của kí ức mọi người. Sách còn chưa có trong sự tồn tại, việc in ấn còn chưa tới trong sự tồn tại. Mọi người phải ghi nhớ; do đó mới có phương cách lời kinh. Kinh nghĩa là câu châm ngôn, chính cốt lõi tinh tuý, nhưng nếu bạn ghi nhớ nó bạn bao giờ cũng có thể giải mã nó.
Và đó là điều tôi đang làm ở đây: giải mã những kinh này cho bạn.
Một người có ba con gái. Một hôm một người bạn tới gặp ông ấy và trong cuộc nói chuyện đã hỏi tên của các con gái là gì.
Người cha nói rằng con gái cả tên là S.C., con thứ tên là, M.C., và con út tên là, D.C.
"Tên đó có nghĩa gì vậy?" anh bạn hỏi.
Người cha đáp, "Con cả, S.C., được sinh ra từ 'sheer curiosity - cực kì tò mò'; con thứ, M.C., được sinh ra bởi 'mutual consent - bằng lòng lẫn nhau'; và con út, D.C., được sinh ra bởi 'damn carelessness - bất cẩn chết tiệt'."
Quan sát cuộc sống của bạn - dù nhiều hay ít nó đều là bất cẩn chết tiệt, nó là D.C.! Bất kì cái gì bạn đang là, bạn đều có tính ngẫu nhiên, như mẩu gỗ trôi giạt. Bạn đã không chọn lựa là bất kì cái gì bạn đang là; bạn đã không lấy quyết định có ý thức về nó, bạn đã không định nó như vậy. Bạn chỉ phó mặc cho gió. Nhìn vào toàn thể cuộc sống của bạn mà xem, vào cách mọi sự đã từng xảy ra cho bạn. Chỉ ngẫu nhiên!
Một người đàn bà gặp bạn và bạn rơi vào tình yêu, bởi vì cô ấy có cái mũi đẹp. Bây giờ mũi đang quyết định ra cuộc sống của bạn đấy! Hay cô ấy có tóc vàng hoe hay thân hình đẹp. Quan sát điều quyết định ra hành vi của bạn, tương lai của bạn! Bây giờ, mầu tóc của cô ấy hay cách người đàn bà này bước đi hay cách cô ấy hát hay mầu mắt cô ấy - là những điều có thể quyết định ra tình yêu của bạn sao? - bởi vì tình yêu của bạn sẽ thay đổi cuộc sống của bạn! Nhưng đó là cách mọi thứ xảy ra. 
Kể từ việc phát minh ra xe hơi nhiều thứ đã thay đổi, bởi vì khu vực ngẫu nhiên đã trở nên rất lớn. Bằng không mọi người thường rơi vào tình yêu với người lân cận mình; bây giờ miền này đang lớn hơn lên. Bây giờ thanh niên có xe riêng của họ: trong vòng vài giờ họ có thể đi xa tới hàng trăm dặm. Trong quá khứ, mọi người thường yêu những người lân cận - ai đó sống bên cạnh nhà hay ai đó sống trong cùng ngôi nhà. Xe hơi đã làm thay đổi toàn thể hình mẫu cuộc sống của mọi người, chuyện tình của họ!
Bây giờ, đây là loại nhân loại gì mà được quyết định bởi những điều bên ngoài như vậy? Nhưng đó là cách nó vậy, và tốt hơn cả là nhìn nó như nó vậy.
Mọi người đã trở nên thông minh hơn - nếu không thông mình, ít nhất trí thức hơn, có giáo dục hơn, có văn hoá hơn, tinh tế hơn - nhưng phong cách sống cơ bản của họ vẫn như cũ: vô ý thức, ngẫu nhiên. Mọi người không sống từ tinh hoa của họ, họ đơn giản phụ thuộc vào hoàn cảnh ngẫu nhiên. Và không chỉ những người nhỏ bé, mà những người bạn cho là thiên tài, ngay cả họ cũng cư xử theo cách rất ngu xuẩn.
Nhà vật lí của thế kỉ hai mươi, Niels Bohr, đã có đóng góp lớn lao cho thế giới khi ông ấy làm chi tiết cấu trúc và vận hành của nguyên tử, và đặt nền tảng cho lí thuyết cơ học lượng tử. Ông ấy là nhà khoa học của các nhà khoa học.
Một hôm một đồng nghiệp người Mĩ được Bohr mời tới quê hương Đan Mạch của ông ấy. Người Mĩ thấy một chiếc bùa vận may phía trên bàn làm việc - chiếc móng ngựa lật úp treo trên tường.
"Chắc chắn là ông không tin móng ngựa sẽ đem tới cho ông vận may, đúng không, thưa giáo sư Bohr?" vị khách ngỡ ngàng hỏi. "Sau rốt, chúng ta đều là các nhà khoa học điềm đạm!"
"Tôi không tin vào điều như vậy đâu, anh bạn tốt của tôi ơi, không tin chút nào cả. Tôi chắc chắn là không thể tin được vào những điều vô nghĩa ngu xuẩn thế," người Scandinavian tái khẳng định với ông ấy. "Tuy nhiên, tôi được bảo rằng móng ngựa sẽ đem tới cho ông vận may dù ông có tin vào điều đó hay không."
Bây giờ, một người như Niels Bohr, một trong những thiên tài của thế kỉ này, vẫn hành xử theo cùng cách, cùng cách vô ý thức như người thường bao giờ cũng hành xử! Dường như giáo dục chẳng tạo ra khác biệt gì, khoa học chẳng tạo ra khác biệt gì, văn minh chẳng tạo ra khác biệt gì. Con người cứ sống và lặp lại những hình mẫu cũ.
Và hình mẫu lớn nhất và cổ nhất là: không chấp nhận trách nhiệm về bản thân mình. Và né tránh trách nhiệm là né tránh việc sinh thành ra linh hồn bạn. Và bạn bao giờ cũng có thể tìm ra cớ để né tránh việc sinh thành đó... bởi vì mọi việc sinh đều sẽ đau đớn, và việc sinh càng lớn, càng đau hơn.
Mọi người co trách nhiệm của họ lại, họ co lại với trách nhiệm của họ. Bất kì khi nào một vấn đề xuất hiện cần đáp ứng một cách tự phát, họ đều lúng túng. Họ tìm trong kí ức, trong quá khứ của mình, cách phản ứng. Và nhớ: phản ứng không phải là đáp ứng. Phản ứng nghĩa là bạn đang lặp lại hình mẫu cũ. Bạn không nhận biết về tình huống hiện thời, bạn không đáp ứng với nó. Bạn đang đáp ứng với tình huống nào đó không còn đó nữa.
Cuộc sống cứ thay đổi và hình mẫu của bạn trở nên cố định, bởi vì tâm trí là cái máy. Tâm trí không thể thay đổi được bản thân nó. Chừng nào bạn còn chưa trở nên rất ý thức và bắt đầu dùng tâm trí mình một cách có ý thức, tâm trí cứ cho bạn những công thức làm sẵn. Chúng có thể đã từng hiệu quả trong những tình huống khác nào đó, nhưng chúng không liên quan mãi mãi - bởi vì cuộc sống chưa bao giờ hệt nhau ngay cả cho hai khoảnh khắc liên tiếp.
Người có trách nhiệm là người tỉnh táo, luôn quan sát, và không bao giờ hành động từ quá khứ của mình mà hành động từ nhận biết hiện tại của mình. Bằng không bạn bao giờ cũng bị lạc hậu. Đó là cách mọi người đang vậy - bao giờ cũng lạc hậu. Họ cứ cho những câu trả lời cho các câu hỏi mà không được hỏi. Họ cứ làm những thứ cực kì mất thời gian và năng lượng - bởi vì tình huống không đòi hỏi chúng.
Bây giờ con người đã trở nên rất có khả năng về mặt khoa học, nhưng về mặt tâm hồn con người còn chưa đủ chín chắn. Và công nghệ cùng tất cả quyền năng của nó ở trong tay của những người chưa chín chắn là rất nguy hiểm. Hiroshima và Nagasaki sắp sửa sẽ được lặp đi lặp lại. Điều đó giống như đưa cho trẻ nhỏ chiếc kiếm để chơi: hoặc nó sẽ làm hại bản thân nó hoặc ai đó khác. Điều đó nhất định xảy ra; điều hại là gần như không tránh khỏi.
Và đó là điều đã xảy ra cho thế giới hiện đại. Về mặt khoa học chúng ta có công nghệ lớn có thể làm thay đổi toàn thể bề mặt trái đất và chung cuộc toàn thể khuôn mặt của vũ trụ, nhưng về mặt tâm hồn chúng ta chưa chín muồi. Về mặt tâm hồn chúng là ở sau hàng thế kỉ - có lỗ hổng nhiều thế kỉ giữa khoa học của chúng ta và tâm trí của chúng ta!
Suy ngẫm lần nữa về phản ứng của Niels Bohr đi. Ông ấy nói, "Tôi đã được bảo rằng nó sẽ là ân huệ dù ông tin vào nó hay không." Ông ấy đang sống trong cuộc sống mê tín!
Vâng, điều đó là được với người nguyên thuỷ, nhưng với Niels Bohr, một trong những bộ óc tinh tế nhất, người đã đóng góp lớn cho tri thức hiện đại, người cùng loại với Albert Einstein, Eddington, Edison, và những người khác... người có trí tuệ lớn, vẫn vận hành như đứa trẻ nhỏ, người nguyên thuỷ, vận hành rất trẻ con!
Và để tôi nhắc bạn lần nữa: cũng như có khác biệt lớn lao giữ phản ứng và đáp ứng, cũng có sự khác biệt lớn lao giữa như trẻ thơ và ngây thơ. Đừng ngây thơ. Vâng, hồn nhiên như trẻ thơ là hay, như mê tín ngây thơ lại là xấu.
Và nhớ loại cớ nào bạn cứ đi tìm trong cả đời mình, bởi vì nếu bạn cứ tìm ra cớ cho cách thức cuộc sống của bạn, nó sẽ cứ còn lại đúng cách nó đang là. Nó sẽ không bao giờ bị thay đổi cả, bởi vì không ai khác có thể làm điều đó cho bạn được.
Gái điếm cố gắng bán hàng cho một đàn ông trên Đại lộ Công viên.
"Tôi không đi vì ba lí do," anh ta đáp. "Tôi đã hứa với vợ tôi, và tôi cũng đã hứa với mẹ tôi, rằng tôi sẽ không ngu mà đi với đàn bà lạ đâu."
"Cớ thứ ba của anh là gì?" gái điếm hỏi. "Tôi mới có một con bé rồi!" anh ta nói.
Nhìn vào lập luận phi lí của bạn đi - ngu xuẩn, nếu bạn là người có chút ít quan sát; bằng không chúng có vẻ đúng cả.
Phật nói:
Điều hại là của ông.
Điều đầu tiên cần chú ý: Phật không gọi nó là tội lỗi, ông ấy gọi nó là điều hại - sai lầm, lỗi, nhưng không là tội. Thực ra, trong cách nhìn của Phật không có cái gì như tội lỗi cả. Gọi cái gì đó là tội lỗi là kết án nó, và đó không chỉ là kết án hành động, đó là kết án người này nữa. Từ 'tội lỗi' là rất nặng nề. Phật dùng từ 'điều hại' - thay đổi là lớn lao. Nếu bạn gọi nó là tội lỗi, thế thì bạn phải bị trừng phạt vì nó. Thế thì bạn là tội nhân, thế thì bạn sẽ phải chịu khổ lúc nào đó trong tương lai. 
...
Phật dùng từ 'điều hại'; nó không kết án bạn. Nó đơn giản nói rằng bạn đã chọn cách sai. Và ông ấy nói: điều hại là của ông. Điều đó không bị tiền định bởi Thượng đế, bởi số phận, hay bởi bất kì ai khác - nó là của bạn. Và buồn khổ đi theo điều hại - hay, chính xác hơn, buồn khổ xảy ra đồng thời với điều hại, cũng là của bạn. Không có thượng đế nào trừng phạt bạn cả, không cần, bởi vì nếu có thượng đế - lại bịa đặt của tu sĩ - nếu có thượng đế như quan toà... quan toà có thể bị hối lộ chứ.
...
Phật đã loại bỏ Thượng đế hoàn toàn. Ông ấy đã loại bỏ Thượng đế bởi vì ông ấy muốn loại bỏ tu sĩ. Chừng nào Thượng đế còn chưa bị loại bỏ tu sĩ không thể nào bị loại bỏ; ông ta chỉ là cái bóng của Thượng đế, sản phẩm phụ. Thượng đế là bịa đặt của ông ta! Do đó toàn thể giới tu sĩ của Ấn Độ đều chống lại Phật, bởi vì ông ấy đang phá huỷ đi chính thương mại của họ, ông ấy tiết lộ ra chính bí mật thương mại của họ, ông ấy chặt chính gốc rễ của họ.
Và Ấn Độ có giới tu sĩ lâu nhất, cũ nhất trên thế giới: người brahmins. Trong mười nghìn năm họ đã từng khai thác mọi người. Họ đã sống trên sự khai thác, họ đã không làm cái gì khác cả. Họ đã không làm việc cực nhọc, họ đã không lao động. Toàn thể chức năng của họ chỉ là hành động như kẻ trung gian.
Phật mới thực sự chặt đi chính gốc rễ của giới tu sĩ, toàn thể thể chế đi cùng nó, và việc khai thác nhân danh tôn giáo. Ông ấy nói:
Điều hại là của ông. Buồn khổ là của ông.
Không có Thượng đế nào cho bạn sự trừng phạt, từng hành động của điều hại về bản chất đều đem buồn khổ tới cho bạn. Nếu bạn cho tay vào lửa bạn sẽ bị bỏng. Không phải là cần có quan toà để tuyên bố rằng bây giờ bạn phải bị trừng phạt bởi sắc lệnh của Thượng đế hay sắc lệnh của quan toà; bạn phải bị trừng phạt bởi vì bạn đã đưa tay vào lửa. Không cần bất kì ai tuyên bố phán quyết nào. Khoảnh khắc bạn đưa tay vào lửa bạn sẽ bị bỏng - ngay lập tức, tức khắc! Theo cách nhìn của Phật, hành động đem tới kết quả riêng của nó; chẳng cần quan toà nào cả.
...
Điều đó tất cả phụ thuộc vào bạn! Điều hại là của ông. Buồn khổ là của ông.
Nhưng đức hạnh cũng là của ông. Và thuần khiết.
Cho nên đừng cảm thấy buồn. Thực ra, cảm thấy vui đi. Phật đang cho bạn tự do toàn bộ... bạn có thể chọn. Nếu bạn đang thích buồn, đó là chọn lựa của bạn. Thế thì đừng phàn nàn. Bạn đã tự mình chọn nó; tận hưởng nó nếu bạn muốn tận hưởng nó. Điều đó tất cả là tuỳ bạn.
...
Cả đời bạn là chọn lựa của bạn: bạn có thể ở trong địa ngục, bạn có thể ở cõi trời. Và cõi trời và địa ngục là không xa xôi nhau gì cả. Thực ra, thậm chí không có lấy một hàng rào giữa hai nơi này, không có phân chia; chúng hội nhập và tan chảy vào nhau. Bạn có thể dễ dàng đi từ không gian này sang không gian kia.
Và mọi người đều đã thử đủ mọi thứ, nhưng không cái gì thành công. Mọi người đã thử rượu và ma túy và mọi người đã thử lời cầu nguyện, nghi lễ tôn giáo - chẳng cái gì có tác dụng. Có thể trong một khoảnh khắc, hay trong vài giờ, mescaline hay LSD có thể đem bạn đi xa khỏi khổ hiện tại của bạn, nhưng thực ra chúng chẳng đưa bạn đi xa - chúng đơn giản làm cho bạn vô nhận biết về nó.
Chỉ một điều đã thành công và đó là việc trở nên có ý thức hơn, chấp nhận rằng đó là trách nhiệm của bạn; nếu bạn khổ, thế thì nhìn vào nó và tìm ra cách bạn đã chọn nó và tại sao bạn đã chọn nó. Và thấy rằng nó là chọn lựa của bạn: nếu bạn vẫn muốn ích lợi tới cùng nó...
Vâng, có vài ích lợi; đó là lí do tại sao mọi người chọn khổ. Không ai muốn khổ cả, nhưng có vài ích lợi tới cùng khổ. Mọi người đều muốn phúc lạc, nhưng có vài bất lợi - ít nhất chúng cũng có vẻ bất lợi theo quan điểm của bạn. Đó là lí do tại sao người ta muốn phúc lạc nhưng không chọn nó, người ta không muốn khổ những vẫn chọn nó.
Khổ cho bạn cảm giác về bản ngã. Khổ tách bạn khỏi sự tồn tại, xác định ra bạn. Phúc lạc là hội nhập, tan chảy. Các định nghĩa của bạn biến mất, bản ngã của bạn không được tìm thấy nữa. Cho nên những người muốn cảm thấy "tôi đây," họ phải chọn khổ, không có cách khác. Cái 'tôi' nuôi dưỡng cho khổ; bạn có thể không thích khổ nhưng bạn thích bản ngã, và đó là động cơ tinh vi cho việc chọn khổ. Bạn thích phúc lạc, nhưng bạn không muốn tan chảy.
Chuyện xảy ra nhiều lần: mọi người tới tôi và họ nói.... Và cùng điều đó đã xảy ra với Phật: nhiều lần ông ấy đã được hỏi cùng một câu hỏi - và có thể đó là cùng một người đã hỏi ông ấy và bây giờ họ đang hỏi tôi! Ông ấy đã được hỏi nhiều lần, "Thầy nói phúc lạc sẽ có đó khi chúng tôi đã biến mất. Nhưng nếu chúng tôi không có đó, phỏng có ích gì mà đạt tới phúc lạc? Nếu tôi không có đó để tận hưởng nó, phỏng có ích gì?"
Cùng những người đó tới tôi và hỏi, "Nếu tôi biến mất, thế thì tôi chẳng thấy ra vấn đề. Cho dù có phúc lạc, nếu tôi không có, ai sẽ kinh nghiệm nó?" Và về mặt logic dường như là luận cứ của họ là hợp thức - nhưng chỉ về mặt logic thôi, không về mặt tồn tại.
Phúc lạc không phải là kinh nghiệm. Không phải là có phúc lạc và bạn kinh nghiệm nó. Khi bạn biến mất bạn là phúc lạc; không cần bất kì ai để kinh nghiệm nó - bạn trở thành nó. Bạn bỏ trống... và phúc lạc bắt đầu nảy sinh trong bạn. Bạn đang chặn nó lại, bạn là rào chắn duy nhất.
Bạn phải nhìn sâu vào trong nó; chỉ thế thì kinh của Phật mới rõ ràng cho bạn.
Điều hại là của ông. Buồn khổ là của ông. Nhưng đức hạnh cũng là của ông. Và thuần khiết. Và ông ấy ngụ ý gì bởi thuần khiết? Đức hạnh không phải là thuần khiết sao? Không; do đó ông ấy phải nhắc tới nó một cách tách biệt. Thuần khiết nghĩa là trạng thái vượt ra ngoài cả hai tốt và xấu, khổ và phúc lạc - bên ngoài cả hai.
Có trạng thái siêu việt; nó là an bình. Phật gọi nó là niết bàn: việc dừng mọi trạng thái, tốt và xấu cả hai, ngày và đêm cả hai. Người ta đơn giản hiện hữu: đó là thuần khiết. Không kinh nghiệm nào, không cái gì xảy ra, không nội dung, tính chủ quan thuần tuý, im lặng vĩnh hằng: đó là thuần khiết.
Điều hại là của ông. Buồn khổ là của ông. Đức hạnh là của bạn, phúc lạc là của bạn, và bên ngoài mọi thứ là thuần khiết, phật tính, thức tỉnh, siêu việt. Cái đó cũng là của bạn.
Ông là cội nguồn
Của mọi thuần khiết và mọi không thuần khiết.
Đây là khăng khăng liên tục của ông ấy, rằng: Ông là cội nguồn... Ông ấy muốn bạn được nhắc nhở lặp đi lặp lại rằng: Ông là cội nguồn... Bạn đi vào trong thế giới như một tiềm năng thuần khiết, tiềm năng đa chiều. Bạn có thể trở thành bất kì cái gì. Bạn có thể là tội nhân, bạn có thể là thánh nhân. Bạn có thể là Adolf Hitler, Joseph Stalin, hay bạn có thể là vị Phật hay một Jesus. Bạn đem mọi loại tiềm năng cùng mình; bạn có thể chọn bất kì cái gì bạn muốn là. Bạn không được sinh ra được làm sẵn; bạn chỉ tới như một khả năng, cơ hội vô hạn.
Một cơ hội để trưởng thành, đó là điều cuộc sống là gì - một không gian để trưởng thành. Nhưng bạn có thể trưởng thành theo nhiều cách, những cách đối lập hẳn. Adolf Hitler có thể trở thành Phật Gautama; Gautam Siddhartha có thể trở thành Adolf Hitler. Adolf Hitler không được sinh ra như Adolf Hitler.
Chúng ta được sinh ra là tabula rasa, tấm đá sạch; không gì được viết lên nó. Chính là về sau chúng ta bắt đầu viết. Thế thì tấm này trở thành Bhagavadgita, Kinh Thánh, Talmud, Upanishads, và tấm khác trở thành cuốn sách khiêu dâm. Và đó là cùng một tờ giấy sạch mà trên đó sách báo khiêu dâm được in lên hay trên đó Bhagavadgita được in, và đó là cùng mực được dùng cho cả hai trường hợp và nó lại là cùng máy in nữa. Nhưng khác biệt thật bao la! Khác biệt bao la làm sao giữa Adolf Hitler và Phật Gautam! Và cả hai tới với cùng cơ hội, nhưng chọn lựa là khác nhau.
Tự nhắc nhở bản thân mình lặp đi lặp lại rằng: Ông là cội nguồn của mọi thuần khiết và mọi không thuần khiết. Một khi điều này được chấp nhận, tính đích thực lớn lao nảy sinh trong bạn.
Frederick II của Prussia, cũng nổi tiếng với cái tên Frederick Đại đế, đã thiết lập những cải cách và cải tiến xã hội trong cả nước mình. Một hôm ông ấy tới thăm bất ngờ trại tù để giám định các tiện nghi. Viên trưởng trại mất tinh thần khi bị yêu cầu chỉ cho vua xem nhà tù để xem các điều kiện sống một cách cá nhân.
Khi Frederick đi qua nhà giam, những người tù chạy tới ông ấy, biện hộ cho sự hồn nhiên và cầu xin tha thứ. Nhà vua nghe mọi người, rồi bước tiếp. Ông ấy bị bao quanh bởi những người nói rằng họ không phạm tội.
Tuy nhiên một người vẫn ở trong góc của mình. Nhà vua ngạc nhiên. "Anh kia!" ông ấy gọi. "Sao anh ở đây?"
"Ăn cướp, thưa bệ hạ," tù nhân tuyên bố. "Và anh phạm tội?" Frederick hỏi.
"Hoàn toàn phạm tội, thưa bệ hạ. Tôi xứng đáng với sự trừng phạt của mình."
Nhà vua lấy chiếc gậy của mình tách đám đông ra và trỏ nó vào người coi tù. "Ông cai ngục," ông ấy nói, "thả tay phạm tội này ngay. Ta sẽ không để anh ta ở đây trong tù nơi mà theo gương mọi người anh ta sẽ làm hư hỏng tất cả những người hồn nhiên, huy hoàng ở trong đó."
Khoảnh khắc bạn nhận trách nhiệm một cách toàn bộ, đó là việc chuộc lại lớn lao, nó là tự do. Bạn bỗng nhiên ở ngoài nhà giam - chỉ bằng việc nhận trách nhiệm. Khó, rất khó rất gian nan để chấp nhận rằng "Tôi chịu trách nhiệm"; điều đó làm tổn thương bản ngã. Nhưng không có cách khác.
Không ai làm thuần khiết người khác.
Đây là cách Phật vứt bỏ toàn thể giới tu sĩ. Nếu không ai có thể làm thuần khiết được bạn, nếu không ai có thể làm thuần khiết được người khác, thế thì toàn thể chức năng của giới tu sĩ biến mất.
Giới tu sĩ lớn nhất trên thế giới bây giờ là giới linh mục Cơ đốc giáo. Và bạn có thấy lí do tại sao không? - bởi vì trong hai mươi thế kỉ họ đã từng tuyên bố rằng việc cứu rỗi là qua Jesus. Đó là gốc rễ căn bản của giới linh mục Cơ đốc giáo; nó tuỳ thuộc vào điều đó. Nếu bằng cách nào đó người ta có thể chứng minh được rằng Jesus không thể cứu được bất kì ai khác, thế thì toàn thể nhà thờ Cơ đốc giáo sẽ trở thành không liên quan.
Nhà thờ có liên quan, giáo hoàng có liên quan chỉ bởi vì lời tuyên bố nhân danh Jesus rằng "Jesus làm thuần khiết," rằng "Jesus cứu vớt." Và giáo hoàng đại diện cho Jesus: ông ấy là đại diện của Jesus trên trần gian, của Thượng đế trên trần gian. Thượng đế là vô hình; Jesus không còn trong trần gian, nhưng ông ấy đã để lại các đại diện của mình và họ có những liên lạc trực tiếp - họ có thể quay số bất kì khoảnh khắc nào.
Họ có thể tiến cử bạn hay họ có thể cho tên bạn vào danh sách đen.
Phật nói: Không ai làm thuần khiết người khác. Bạn đã làm điều tai hại cho bản thân mình - bây giờ chỉ bạn mới có thể hoàn tác được nó. Sao lại đem ai đó khác vào trong nó? Nếu Jesus đã không là nguyên nhân cho điều hại của bạn, làm sao ông ấy có thể là nguyên nhân của việc cứu bạn khỏi những điều hại đó?
Phật nói: chư phật chỉ có thể chỉ con đường - nhưng ông phải bước đi. Họ không thể bước hộ bạn được; không ai có thể mang bạn tới thiên đường được. Bạn là người, bạn không phải là cừu! Nhưng ý niệm Ki tô giáo là ở chỗ Jesus là người chăn cừu và bạn là cừu. Và ý niệm Ki tô giáo là ở chỗ bạn càng lạc nhiều, cơ hội càng tốt để Jesus sẽ mang bạn trên vai ông ấy tới nhà tối thượng.
Điều này tất cả là bịa đặt! Jesus chỉ có thể cứu được bản thân ông ấy thôi, và bằng việc cứu bản thân mình, ông ấy có thể chỉ ra cho bạn con đường để cứu bản thân bạn, nhưng ông ấy không thể cứu bạn được.
Đây là chỗ Phật nổi bật trên mọi tôn giáo khác. Ông ấy thực sự rất, rất nhận biết không để bất kì cơ hội nào cho bất kì loại tu sĩ nào nảy sinh đằng sau ông ấy - bởi vì tu sĩ là kẻ thù lớn nhất của tôn giáo. Và các tu sĩ không phải là cây cầu giữa bạn và Thượng đế đâu; ngược lại, họ là bức tường.
Một quí ông Do Thái già cả trèo lên toa tầu hoả và chẳng mấy chốc bắt ngay vào cuộc hội thoại với một hành khách khác trong khoang, người này giải thích rằng mình là linh mục Cơ đốc giáo miền quê.
"Và sau khi là linh mục miền quê, ông trở thành cái rì trong nhà thờ của mình?" người Do Thái hỏi.
"Thế này, có thể tôi được chuyển vào một giáo xứ thị trấn."
"Rồi sau dó?"
"Ồ, không! Tôi sẽ không bao giờ được đặt cao hơn chỗ đó đâu."
"Nhưng nếu ông rất thạo trong việc ông có thể trở thành cái rì?" người Do Thái cứ hỏi dai dẳng.
"Thế này, tôi có thể trở thành một Đức ông." "Rồi sau dó?"
"Nếu tôi rất, rất may mắn tôi có thể trở thành giám mục."
"Rồi thì sao?" "Tổng giám mục." "Rồi sau dó?"
"À, hồng y giáo chủ ở Rome." "Thế dồi tiếp?"
"Từ các hồng ý giáo chủ, giáo hoàng được bầu ra." "Ồ, giáo hoàng. Sau ông ấy là rì?"
"Cái gì! Không có cái cao hơn giáo hoàng đâu. Ông ấy là linh mục của Thượng đế trên trần gian đấy!"
"Vậy về Jesus Christ thì xao?"
"Không, điều đó là báng bổ! Không ai có thể trở thành Christ được!"
"Ồ!" người Do Thái nói, "'một trong các bạn tui đã làm ra nó đấy."
Điều đó không báng bổ - mọi người đều có thể trở thành một christ, bởi vì christ là trạng thái của tâm thức; nó chẳng liên quan gì tới Jesus. Christ là tương đương với phật. Phật không liên quan gì tới Gautam Siddhartha - bất kì ai cũng đều có thể trở thành vị phật. Bất kì ai trở nên thức tỉnh đều là vị phật và bất kì ai thức tỉnh, được tôn lên bởi niềm vinh quang của thức tỉnh, đều là christ. Christ nghĩa là người được tôn lên. Người đã về nhà và được tôn lên với niềm vinh quang của việc trở thành một với Thượng đế, là một christ.
Bạn có thể là một christ.
Đã từng có nhiều christ trước Jesus Christ và sẽ có nhiều nữa. Thực ra, chung cuộc, từng cá nhân đều phải đạt tới trạng thái của tính christ. Điều đó không báng bổ - nhưng tu sĩ phải gọi nó là báng bổ. Ông ta không thể cho phép bạn trở thành một christ được, bởi vì nếu bạn trở thành một christ, tu sĩ không được cần tới chút nào nữa. Thậm chí ý niệm rằng bạn có thể trở thành christ nghĩa là bạn đã đi xa khỏi nanh vuốt của giới tu sĩ. Chính ý niệm này là nguy hiểm đối với giới tu sĩ; đó là lí do tại sao nó lại báng bổ.
Nhưng Phật nói: Không ai làm thuần khiết người khác.
Đừng bao giờ bỏ quên việc của ông
Do đó, đừng phụ thuộc vào bất kì ai khác cứu bạn - chỉ công việc riêng của bạn lên bản thân mình mới có thể cứu được bạn.
Đừng bao giờ bỏ quên việc của ông.... Điều gian nan là biến đổi bản thân bạn từ hình mẫu sai sang hình mẫu đúng, và từ hình mẫu đúng tới siêu việt. Điều đó là cuộc hành hương gian nan, vĩ đại, đó là nhiệm vụ lên dốc. Đừng cứ tin tưởng và lừa dối bản thân mình rằng ai đó sắp tới rồi: vị cứu tinh sẽ tới và sẽ cứu bạn khỏi tội lỗi của bạn và khỏi tù túng của bạn. Điều này chỉ là hi vọng, là sự thoả ước muốn. Và mọi người đã từng chờ đợi vị cứu tinh và cứu tinh chẳng bao giờ tới cả. 
Không phải là đã không có cứu tinh - đã từng có rồi: một Phật, một Krishna, một Zarathustra, một Jesus, một Mohammed, một Moses. Đây tất cả đều là các christs, tất cả chư phật! Nhưng không ai có thể làm thuần khiết bạn được - chừng nào bạn còn chưa lấy quyết định, chừng nào bạn còn chưa trở nên cam kết biến đổi bản thân mình.
Đừng chờ đợi bất kì lối tắt nào - bạn không thể ăn gian với sự tồn tại được. Không ai có thể cõng bạn trên vai người đó; bạn phải đi tới đỉnh tối thượng theo cách riêng của mình.
Đừng bao giờ bỏ quên việc của ông Vì việc của người khác,
Dù nhu cầu người đó lớn thế nào.
Và Phật nói: Có những người nghèo túng khắp xung quanh. Có những người ốm yếu, có những người bần cùng, có những người bại liệt người mù và người điếc và người què. Nếu bạn bắt đầu phục vụ tất cả những người này bạn sẽ quên mất công việc thực. Đó là điều đã xảy ra cho người truyền giáo Ki tô giáo. Người đó cai quản trường học, bệnh viện, người đó phục vụ người nghèo, và tất nhiên người đó được kính trọng lắm vì điều đó, nhưng người đó quên mất công việc thực.
Phật không nói đừng phục vụ bất kì ai; ông ấy nói đừng phục vụ với giá của công việc của bạn. Nếu bạn có thể phục vụ mọi người mà không quấy rối công việc thực của bạn với bản thân mình, điều đó là được; bên cạnh điều đó bạn có thể làm nó. Nhưng thực ra điều đó là không thể được - bạn không có nhiều năng lượng đâu. Trước hết bạn phải rót toàn thể năng lượng của bạn, toàn bộ năng lượng, vào tự trưởng thành.
Một khi bạn đã trở nên lớn, chín chắn, tỉnh táo, nhận biết, thế thì bạn có thể phục vụ mọi người và chỉ thế - bởi vì bạn sẽ có cái gì đó để chia sẻ: tình yêu, từ bi. Thế thì bạn sẽ có cái gì đó để thực sự giúp họ: hiểu biết, trí huệ. Ngay bây giờ bạn có thể làm được gì? Ngay bây giờ bản thân bạn còn trong lộn xộn tới mức bạn mà phục vụ ai đó thì bạn nhất định tạo ra nhiều lộn xộn hơn cho người đó.
Và đó là điều các nhà truyền giáo đã từng làm cho thế giới - họ tạo ra nhiều điều hại hơn, nhiều lộn xộn hơn. Họ nghĩ họ đang làm công việc vĩ đại, công việc thiêng liêng - điều đó là không thể được! Chừng nào bạn còn chưa thiêng liêng công việc của bạn không thể thiêng liêng được. Hành động không được quyết định bởi bản thân hành động mà bởi cội nguồn từ đó chúng nảy sinh.
Phật nói: Đừng bao giờ bỏ quên việc của ông... Phật đang nói đích xác điều tôi nói với bạn. Tôi nói với bạn: Trước hết hãy vị kỉ đã, hoàn toàn vị kỉ. Đó là một trong những chỉ trích về công việc của tôi: mọi người chỉ trích tôi bởi vì tôi làm cho mọi người vị kỉ. Tôi đang bảo họ thiền, trưởng thành, và quên hết về thế giới đi. Và thế giới đang trong rắc rối: có người nghèo và có người khổ, và đang cần những công bộc lớn. Và tôi đang dạy mọi người chỉ ngồi im lặng và thiền, hay nhảy múa và hân hoan.
Nhưng đó là điều Phật đang nói. Đó là điều người thức tỉnh bao giờ cũng nói cho thế giới. Trước hết trở nên chứng ngộ đi, tràn đầy ánh sáng, thế rồi làm bất kì cái gì xảy ra qua ánh sáng đó. Nếu việc phục vụ tới dễ dàng cho bạn, tốt. Nếu bạn muốn dạy mọi người, tốt. Nếu bạn muốn giúp người ốm, người già, tốt. Nhưng ngay bây giờ bản thân bạn đang mù, bản thân bạn đang trong đêm tối của linh hồn. Bạn có thể làm gì với việc phục vụ của bạn? Bạn sẽ cho mọi người cái gì? Bạn chẳng có gì cả - bạn trống rỗng, hổng hoác.
Đừng bao giờ bỏ quên việc của ông vì việc của người khác, dù nhu cầu người đó lớn thế nào. Lắng nghe lời của Phật: Dù nhu cầu của người đó lớn thế nào, đừng bao giờ quên công việc riêng của bạn. Có cái gì đó rất nền tảng tham gia vào trong nó: bạn có thể giúp người khác chỉ nếu bạn đã giúp cho bản thân mình trước hết.
Có lần tôi ngồi trên bờ sông và một người bắt đầu chìm. Anh ta kêu lên cầu cứu. Tôi chạy tới, nhưng lúc tôi tới gần dòng sông để nhảy, một người khác ở gần hơn, ngay bên bờ, đã nhảy xuống rồi. Thế là tôi dừng mình lại; không cần nữa. Nhưng thế rồi người kia bắt đầu chìm - tôi phải cứu cả hai!
Tôi hỏi người thứ hai, "Sao anh nhảy nếu anh không biết bơi?"
Anh ta nói, "Tôi hoàn toàn quên mất! Lúc tôi nghe anh ta kêu, 'Cứu tôi với!' - tôi hoàn toàn quên mất rằng tôi không biết bơi. Tôi đơn giản nhảy, đấy là đáp ứng máy móc."
Đây không phải là cách giúp đỡ! Tôi nói, "Nếu mà tôi không ở đây, cả hai anh chắc đã chết đuối rồi! Có mọi khả năng người kia lần tới bờ một mình, không có anh... Bởi vì anh không biết bơi và anh sẽ bắt giữ lấy người kia và cả hai anh sẽ phụ thuộc vào nhau, có nhiều khả năng là cả hai anh sẽ chết đuối. Và anh tạo ra rắc rối không cần thiết cho tôi - trước hết tôi phải cứu anh, bởi vì anh ở gần bờ hơn, và người kia phải đợi lâu thêm chút nữa."
Nhưng điều này xảy ra trong cuộc sống mọi ngày: bạn bắt đầu giúp người khác mà không trở nên nhận biết rằng bản thân bạn đang cần giúp.
Hãy vị tha chỉ khi cái ta riêng của bạn được hoàn thành. Vị kỉ và không vị kỉ không đối lập nhau. Người thực sự vị kỉ nhất định trở nên không vị kỉ một ngày nào đó, bởi vì người thực sự vị kỉ là người đi tới khám phá ra cái ta bên trong của mình. Người thực sự vị kỉ không thể quan tâm tới tiền, không thể quan tâm tới quyền, không thể quan tâm tới danh. Nếu người đó thực sự vị kỉ, mối quan tâm đầu tiên của người đó sẽ là: "Ta là ai?" Những người quan tâm tới tiền và quyền và danh không biết vị kỉ thực.
Tôi cũng dạy bạn vị kỉ thực, đích thực, bởi vì quan sát của riêng tôi là: từ nó nảy sinh ra tình yêu vị tha. Chúng không đối lập. Khi người ta được hoàn thành, người ta bắt đầu tuôn trào với từ bi.
Việc của ông là khám phá việc của ông
Và điều đầu tiên là - bước đầu tiên của công việc của bạn là - khám phá ra công việc của bạn.
Và thế rồi với cả trái tim mình
Để trao bản thân mình cho nó.
Phật ngụ ý gì khi ông ấy nói: Việc của ông là khám phá việc của ông...? Một phát biểu rất huyền bí, nhưng duy nhất rõ ràng như vậy; bằng không thì đơn giản, logic.
Có hai kiểu người trên thế giới. Cũng như về mặt sinh học có nam và nữ, về mặt tâm linh cũng có nam và nữ. Nam sinh học có thể không có tính tâm linh nam, nhớ lấy. Không có tất yếu về sự trùng hợp của chúng; lúc thì chúng trùng, lúc thì không. Nữ sinh học cũng nhất thiết là nữ tâm linh.
Đàn ông có thể thấy rằng sâu bên trong bản thân mình anh ta có nữ tính nhiều hơn nam tính: mềm mại hơn, mong manh hơn, nhạy cảm hơn, giống bụng mẹ hơn: ít hùng hổ hơn, ít tích cực hơn. Đàn bà có thể thấy sâu bên dưới rằng cô ấy không nhạy cảm, cô ấy hùng hổ.
Cũng như có nam và nữ về sinh học và tâm linh, vậy thì con đường tâm linh có thể được chia làm đôi: con đường nam và con đường nữ, âm và dương. Đây là phân chia căn bản. Toàn thể tự nhiên được phân chia thành hai: tiêu cực và tích cực, vật chất và tâm trí, đất và trời. Toàn thể tự nhiên phụ thuộc vào biện chứng này, vào nhị nguyên này - và chúng ta là một phần của nó ngay bây giờ. Khi bạn trở nên chứng ngộ bạn sẽ đi ra ngoài nó - thế thì không có biện chứng, thế thì không có nhị nguyên, thế thì bạn đạt tới cái một - nhưng trước khi bạn đạt tới cái một bạn sẽ phải tìm ra công việc gì sẽ phù hợp với bạn.
Tôi gọi hai kiểu công việc này là: yêu và thiền. Yêu là con đường nữ và thiền là con đường nam. Thiền ngụ ý năng lực để ở một mình tuyệt đối, và yêu ngụ ý năng lực ở cùng nhau tuyệt đối. Yêu nghĩa là hân hoan trong tính quan hệ; thiền nghĩa là hân hoan trong đơn độc, một mình. Cả hai đều làm cùng một việc, bởi vì trên cả hai con đường bản ngã đều biến mất. Nếu bạn thực sự trong yêu bạn phải vứt bỏ bản ngã của mình; bằng không yêu sẽ không thể được. Nếu bạn muốn đi sâu vào thiền bạn sẽ phải bỏ lại bản ngã đằng sau; bằng không bạn sẽ không một mình được. Bản ngã sẽ có đó và nhị nguyên sẽ còn lại: bản thể và bản ngã, tâm thức và tâm trí.
Bạn sẽ phải vứt bỏ tâm trí nếu bạn muốn đi vào thiền, và bạn sẽ phải vứt bỏ tâm trí nếu bạn muốn đi vào trong yêu.
Cho nên cơ chế căn bản là như nhau, nhưng chiều hướng là khác nhau. Thiền nhân đi vào trong; người đó hướng nội, người đó tìm kiếm nội tâm. Và người yêu đi ra ngoài; người đó hướng ngoại, người đó tìm kiếm bản thể của người khác. Trong yêu, người khác trở thành tấm gương trong đó bạn thấy khuôn mặt của mình, khuôn mặt nguyên thuỷ của mình. Trong thiền, bạn không cần có tấm gương nào; bạn đơn giản đi vào bản thân mình và bạn tìm thấy bản thân mình, sự phản xạ của bạn là không cần thiết. Đây là hai kiểu công việc cơ bản.
Phật nói: Việc của ông là khám phá việc của ông. Điều đầu tiên là khám phá ra đích xác bạn thuộc kiểu người nào. Mahavira, Phật, Lão Tử, đây là người kiểu thiền, người có tính thiền. Nhưng Jesus, Chaitanya, Kabir, những người này thuộc kiểu yêu; họ cần đối thoại với sự tồn tại. Trong thiền không có lời cầu nguyện bởi vì không có người khác; trong lời cầu nguyện có đối thoại của ta và người.
Liệu Thượng đế có tồn tại hay không là không liên quan. Patanjali đã nói Thượng đế chỉ là một phương cách cho kiểu yêu, người không thể tìm thấy bản thân mình nếu không tạo ra tấm gương; thế thì Thượng đế là tấm gương lớn nhất mà bạn có thể tạo ra. Liệu Thượng đế có tồn tại hay không không phải là vấn đề chút nào. Patanjali nói đó là phương cách thôi: phương cách cho lời cầu nguyện. Điều thực là lời cầu nguyện, không phải Thượng đế, nhớ điều đó: điều thực là lời cầu nguyện, không phải Thượng đế. Điều thực là tình yêu, không phải người được yêu.
Nếu bạn có thể yêu, nếu bạn có thể cầu nguyện, chẳng thành vấn đề liệu Thượng đế có tồn tại hay không, liệu lời cầu nguyện của bạn có được nghe hay không. Bản thân lời cầu nguyện đang biến đổi; nghe, không nghe, là vấn đề bên lề. Trong lời cầu nguyện sâu bạn làm tan biến bản ngã của mình. Nhưng với lời cầu nguyện bạn cần cái cớ: cầu nguyện với ai? Bạn cần cái cớ; do đó mới có Thượng đế, giả thuyết về Thượng đế. Nó là giả thuyết, nhớ lấy; nó không thực có đó.
Không có người nào như Thượng đế ngồi đâu đó trên trời nghe lời cầu nguyện của mọi người. Nếu có người như vậy ông ấy chắc đã phát điên từ lâu rồi - nhiều, nhiều người thế, hàng triệu người trên thế gian... Và bây giờ các nhà khoa học nói có ít nhất năm mươi nghìn trái đất trong vũ trụ, tất cả đều đầy dân chúng. Bây giờ hàng triệu và hàng triệu lời cầu nguyện đang phát sinh hàng ngày, và Thượng đế chỉ có một. Thượng đế đáng thương! Và nhiều người tôn thờ thế!
Khi tôi thường du hành trong đất nước này - trong mười lăm năm tôi đã du hành, hai mươi mốt ngày du hành trong một tháng - tôi gặp khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thái đội của người Ấn Độ với thánh nhân. Họ sẽ tới và họ sẽ cọ chân bạn, và tôi phát mệt bởi những kì cọ đó!
Có lần chuyện xảy ra tôi tới từ Udaipur. Tầu hoả dừng lại ở ga nào đó; lúc đó phải đã mười hai giờ đêm rồi. Sau một trại bẩy ngày tôi đã cảm thấy rất mệt mỏi, và một người bước vào khoang của tôi và bắt đầu cọ chân tôi. Tôi nói, "Ông sẽ làm việc phục vụ lớn lao cho tôi nếu ông chấm dứt tất cả những thứ vô nghĩa này đi. Đơn giản ra khỏi khoang!"
Ông ta nói, "Thầy đi ngủ đi, đừng ngăn cản tôi! Tôi đã chờ đợi cả năm để cho khi tầu hoả tới đây tới ga của tôi và thầy trở về từ trại Udaipur, tôi có thể cọ chân thầy, tôi có thể phục vụ thầy."
Tôi nói, "Tầu này sẽ dừng ở đây bao lâu?"
Ông ta nói, "Đừng lo! Nó dừng lại ở đây độ hai tiếng, bởi vì từ đây đầu máy đổi và đường đổi, cho nên thầy có thể ngủ được."
Tôi nói, "Làm sao tôi có thể đi ngủ được?"
Và ông ta thực sự làm công việc vất vả thế - cái gì đó tựa như Rolfing! Tôi hỏi ông ta, "Ông học Rolfing ở đâu thế?"
Ông ấy nói, "Tôi đã chờ đợi cả năm!"
Tôi nói, "Điều đó tôi hiểu." Thế là ông ấy trả thù!
Cuối cùng tôi phát mệt, mệt tới mức tôi phải gọi cảnh sát tới để loại người đó ra. Bây giờ người đó rất giận dữ. Người đó nói, "Không thánh nhân nào đã từng làm điều này!"
Tôi nói, "Tôi không phải là thánh nhân!"
Nhưng đó không phải là vấn đề: đầu tiên ông ta phóng chiếu thánh nhân, thế rồi ông ta có thể phục vụ thánh nhân. Ông ta thực sự muốn phục vụ người linh thiêng nào đó; liệu người linh thiêng đó có linh thiêng hay không không phải là vấn đề.
Tôi nói, "Tôi thậm chí sẵn sàng là tội nhân nếu ông để tôi một mình!"
Nghĩ về Thượng đế đi! Ngày đó tôi bắt đầu nghĩ về Thượng đế, điều gì phải xảy ra cho ông ấy. Việc cầu nguyện... cả triệu người cầu nguyện. Và có hàng triệu người đã trên trời - họ phải làm Rolfing lên ông ấy! Ông ấy phải thường xuyên chạy trốn, chạy xa.
Tôi đã nghe: 
Ban đầu Thượng đế thường sống ở đường M.G. ở Pune, nhưng thế rồi mọi người bắt đầu gây phiền phức cho ngài quá nhiều. Suốt ngày đêm họ gõ cửa nhà ngài - toàn phàn nàn với phàn nàn: "Làm cái này, làm cái nọ. Ngày mai chúng tôi cần mưa," ai đó sẽ nói. Và thế rồi ai đó khác sẽ tới; người đó sẽ nói, "Mai không mưa đâu, bởi vì tôi định giặt giũ phơi phóng ngày mai."
Ngài bắt đầu cảm thấy rằng mình sẽ phát rồ! Ngài hỏi các cố vấn. Họ nói, "Ngài có thể đi lên Himalayas."
Ngài nói, "Điều đó sẽ chẳng ích gì mấy đâu, bởi vì ta có thể nhìn vào tương lai: chẳng mấy chốc..." bởi vì trong thế giới của Thượng đế thời gian đi nhanh lắm. Với chúng ta nó là hàng thế kỉ, với Thượng đế nó là khoảnh khắc.
...
Họ càng đi sâu hơn vào bên trong, họ càng trở nên an bình hơn. Đến lúc họ đạt tới trung tâm họ đã đánh mất mọi ngôn ngữ, cho nên họ không thể phàn nàn và họ không thể cầu nguyện được! Đến lúc họ đạt tới ta họ sẽ tan chảy vào trong ta và ta sẽ tan chảy vào trong họ."
Và kể từ đó Thượng đế đã cư ngụ trong con người.
Đây là bí mật đáng ra tôi không nên nói với bạn. Ít nhất cho tôi một ân huệ - đừng kể nó cho bất kì ai khác nhé!
Việc của ông là khám phá việc của ông. Điều đầu tiên là quyết định xem liệu bạn có cảm thấy vui vẻ khi một mình không. Chẳng hạn, Chetana đang ngồi đây. Vivek bao giờ cũng hỏi tôi, "Chetana vẫn còn một mình và cô ấy trông hạnh phúc thế. Bí mật là gì?" Cô ấy thuộc kiểu thiền đấy! Vivek không thể nào hiểu được rằng người ta có thể sống một mình toàn bộ. Bây giờ toàn thể công việc của Chetana là làm việc giặt giũ cho tôi; đó là thiền của cô ấy. Cô ấy không bao giờ đi ra, thậm chí không đi ăn trong căng tin. Cô ấy mang theo thức ăn của mình... dường như không quan tâm tới bất kì người nào hết cả.
Nếu bạn có thể tận hưởng sự một mình này, thế thì con đường của bạn là thiền. Nhưng nếu bạn cảm thấy rằng bất kì khi nào bạn có quan hệ với mọi người, khi bạn ở cùng với mọi người, bạn cảm thấy vui vẻ, phấn khởi, phấn chấn, bạn cảm thấy sống động hơn, thế thì chắc chắn yêu là con đường của bạn.
Quan sát đi, và bạn sẽ thấy không khó để quyết định con đường của bạn là gì. Một khi bạn đã tìm ra công việc của mình, thế thì Phật nói: với cả trái tim mình để trao bản thân mình cho nó. Thế thì đừng chờ đợi một khoảnh khắc nào và đừng giữ lại bất kì năng lượng nào khỏi nó. Được tham dự một cách toàn bộ, tuyệt đối - bởi vì biến đổi là có thể chỉ khi bạn đang sôi lên tới điểm một trăm độ, không âm ấm. Chỉ âm ấm sẽ không có tác dụng; bạn phải sôi tại một trăm độ. Bạn phải toàn bộ trong công việc của mình. Đầu tiên khám phá ra, để thời gian.
Chức năng của thầy là để giúp bạn tìm ra công việc thực của bạn là gì, kiểu của bạn là gì. Nếu bạn không thể tìm ra được, hãy nhận sự giúp đỡ của thầy. Nhận sự giúp đỡ của thầy để tìm ra đích xác thiền và yêu là gì. Thầy sẽ chỉ cho bạn con đường, nhưng thế rồi bạn phải đi theo và bạn phải theo một cách toàn bộ. Bạn không thể theo điều đó trong từng mảnh mẩu, từng phần được; bạn phải đi hoàn toàn vào trong nó. Thế thì biến đổi là có thể ngay tức khắc. Trong một khoảnh khắc người ta có thể trở thành vị phật hay một christ.
Và nhớ lấy, duy nhất bạn có thể làm phép màu này, không ai khác có thể làm điều đó cho bạn được.

Dhammapada: Con đường của Phật (Tập 5)

Osho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét