Sau khi tậu được căn nhà, anh liền trở lại học đường để hoàn thành ước mơ là nhà tâm lý trị liệu, một ngành học mà anh đã ấp ủ khao khát từ lâu, vì anh muốn tìm hiểu về thế giới tâm linh theo cách nhìn của các học giả Tây phương.
Trước đây, anh đã nghiên cứu về đạo phật, về vũ trụ quan Phật giáo, nhưng anh lại rất tâm đắc thiền Zen của Nhật. Mỗi khi gia đình họp mặt anh thường kể những chuyện thú vị về Thiền. Tôi nhớ hoài câu chuyện "Thiền trong nghệ thuật bắn cung" của tác giả Herrigel người Đức.
"Herrigel là một giáo sư triết học người Đức, qua Nhật Bản để học Thiền. Nơi đó, ông quen biết Thiền sinh Nhật. Người này rất thương yêu một cô gái, nhưng cô đó đã du học nước ngoài. Hai năm khắc khoải chờ tin, anh mới nhận được thư của nàng.
Anh không mở ra đọc liền mà để trên bàn và vẫn làm công việc bình thường.
Thấy vậy, giáo sư Herrigel hỏi, sao không mở thư xem liền. Anh trả lời: “Thầy tôi dạy, khi làm tất cả việc gì phải để tâm thật bình tĩnh. Lúc nhận lá thư này, tôi đang ở trong trạng thái hồi hộp xôn xao, nên đã không mở thư. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, từ những chuyện nhỏ nhặt bình thường nhất mà ta không bình tĩnh, thì đứng trước một sự kiện lớn lao làm sao ta có sự bình tĩnh được...”
Việc đào bới kinh sách vẫn không thỏa mãn được trí tò mò của anh. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học, anh vào làm trong bệnh viện về khoa tâm thần giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy biến. Một bài học đạo mầu! Anh phải quên mình để thật sáng suốt khơi nguồn bất ổn của bệnh nhân. Phải rỗng lặng đứng ở vị trí khách quan mới tập trung thấu hiểu giải quyết vấn đề cho họ. Phải trong lành và trọn tình đồng cảm hầu giúp họ tìm ra con đường phù hợp nhất.
Hạnh phúc thay khi những bệnh nhân được trở lại bình thường, anh biết mình đã sống đúng môi trường phát triển lòng từ như ước nguyện.
Nếu sự biến ảo của vô thường không tới, liệu con người có thể dung thông mọi trạng thái mâu thuẫn của tâm để trí tuệ tiến hóa chăng? Một ngày rồi cũng đến! Anh bàng hoàng như vỡ nát trái tim khi chị Thảo vợ anh mắc phải ung thư phổi ở giai đoạn ba.
Chị là người phụ nữ nề nếp, tế nhị, đảm đang và tháo vát, chỉ thích tạo phước và chăm sóc cửa nhà, thích nấu những món ăn ngon cho chồng con thưởng thức. Từ cuộc sống khá giả an cư lạc nghiệp, bây giờ không còn dư tiền để vị tha bao đồng cùng nhân thế, anh không còn là một nhà tâm lý học để hảo tâm lo cho những bệnh trầm cảm tâm thần. Những giọt nước mắt âm thầm chảy trong đêm tối, khi chị biết anh nghỉ việc với đôi vai gánh nặng đời mình hanh hao, dù anh rất kiên cường hoàn hảo mọi ngõ ngách trong ngoài.
Đối với chị con đường đưa đến giải thoát là phải bố thí cúng dường để tích phước, đến một ngày phước bao la vô lượng thì mình được giác ngộ. Chị thường phàn nàn vì mặc cảm không có tiền làm phước. Chị không hiểu được còn đối kháng với chính bản thân mình, thì ung thư càng phát triển.
Vì thiếu trí tuệ trong hành động vô ngã vị tha nên chị giữ mãi quan niệm hữu vi tạo tác. Trí tuệ là tấm gương trong suốt chỉ phản chiếu mọi điều đến rồi đi và không lưu giữ bất cứ tư liệu nào. Khi chưa thấy được bản chất rốt ráo của thực tại thì cho dù tu thế nào cũng là ảo vọng vô minh.
Một khuya giật mình thức giấc nhìn qua chị, anh thấy đôi mắt khép hờ phong kín niềm đau, còn dư lệ tràn lan dấu tích và căn phòng thin thít như tờ, chìm giữa lòng đêm!
Chợt thấy mình trên mốc cột thời gian
Quay vội vã quăng đời vào cơn lốc.
Cuộc trần thế mang đi từng chân tóc
Ôm mộng hờ nên sợ kiếp trùng lai
Anh trầm giọng nhỏ nhẹ như một người Thầy đầy trìu mến yêu thương:
- Em à, em đã nỗ lực làm việc thiện là tự trói buộc mình trong cái ta ảo tưởng. Tuy làm việc thiện là một việc làm rất tốt và rất ý nghĩa nhưng cũng phải tùy duyên, tùy hoàn cảnh. Khi mình không đủ điều kiện để sẻ chia vật chất thì mình có thể chia sẻ lòng yêu thương. Bố thí hay cúng dường là ở tấm lòng chân thật, bao dung và cởi mở, và cũng phải thành thật với chính mình, cho ra không phải để khoa trương hay che dấu tự ti đâu em.
Giọng anh đều đều chậm rãi, chị im lặng lắng nghe mà lòng đầy thán phục. Ngưng một chút để xem phản ứng chị, khi thấy chị có vẻ đồng tình, anh nói tiếp:
- Đối diện với tha nhân bằng vẻ mặt hay ánh mắt niềm nở tươi cười, bằng những lời khích lệ ủi an khen ngợi, bằng lời khiêm tốn ấm áp chân thành, biết lắng nghe và sẻ chia đúng pháp thực hành, là bố thí mắt, tai, miệng, lưỡi.
- Biết nhường chỗ ngồi cho người tàn tật, già nua hay khi có căn phòng trống cho người cần nghĩ ngơi dưỡng sức cũng được gọi là bố thí nơi ở cho người. Và giữ tròn ngũ giới là bố thí vô úy cho thế gian em ạ.
- Thật ra trong mạng lưới tương giao chằng chịt giữa mỗi cá nhân với toàn thế giới, mình chẳng bố thí cho ai cả. Tất cả đều là sự trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau. Thí dụ như nâng một tộ cơm, trong đó có những người sản xuất ra cái tộ, tổ tiên của những người này, những người tạo ra phương tiện chở gạo mang về, những người tạo ra chiếc máy cấy cày, những người tạo ra cơm ăn áo mặc..v v...vv...
Có sự liên hệ bất phân giữa mình cùng thế giới muôn loài. Mình luôn là kẻ thọ ơn của thế giới chúng sanh. Với ý niệm đó, đừng bao giờ cho rằng mình là kẻ ban ơn bố thí, dù mình đã cho ra bất cứ vật gì.
Trời bắt đầu hừng sáng, anh xuống bếp pha trà, rồi thưởng thức từng ngụm trà trong một tâm trạng nhẹ nhàng, thư thái anh khẽ nói:
- Anh muốn chia sẻ cùng em về Thiền vipassana mà anh được học từ một vị Thiền Sư vài tháng nay, anh đã thực tập và thấy lợi lạc vô cùng.
Mỗi khi em buồn vì bệnh hoạn trong người, hãy quan sát trọn vẹn phản ứng trong tâm mà chẳng hề phê phán đúng sai, thấy: "thất vọng chán nản phát sinh", "thất vọng chán nản hiện hành", "thất vọng chán nản lắng dịu", "thất vọng chán nản chấm dứt” v.v.. tức là em đang tỉnh giác. Chỉ còn lại sự xáo trộn trong thân, chứ không phải là chán nản thất vọng nữa. Em chỉ hít thở vài ba hơi thật sâu để điều hòa khí huyết và nhịp tim, kể như ổn thỏa.
Nhưng nếu em lại xen vào ý nghĩ muốn hết bệnh, là em đã chồng chất thêm vô minh, đánh mất sự tỉnh giác đích thực rồi đó em.
Trong khoảng thời gian chị bệnh, anh đảm nhiệm đủ vai trò vừa là người thầy, người bạn, người cha ..v.v... Lúc rảnh rang, anh lên mạng đọc phần vấn đáp Phật Pháp với những câu trả lời uyên bác của một vị Thầy, cho anh thấy và hiểu ra thêm nhiều khúc mắc trong biển Pháp thâm sâu vi diệu.
Xin trả lại khoảnh trời xưa vỡ rạn
Những đêm nao hằn vết tích lăn trầm
Ôi! Cơn bệnh hướng ta về bỉ ngạn
Cát bụi này xin hoàn lại trăm năm.
Giáng sinh 2017 vừa rồi tôi gặp lại vợ chồng anh chị. Chị đã khỏe nhiều để có thể tự lo nấu nướng lẫn việc nhà. Anh đã trở lại bệnh viện tận tụy trong công việc bán thời. Họ rất hạnh phúc vì biết sống Thiền nên không còn tham vọng muốn làm người phi thường hay cái ta cầu toàn tham thoát khổ. Anh nhìn chị trìu mến, ngân nga 2 câu thơ Kahlil Gibran bằng tiếng Anh:
"Wake at dawn with winged heart and give thanks for another day of loving"
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”.
Với sự dắt dìu của anh, chị đã biết sống tùy duyên theo sự vận hành tự nhiên của pháp. Vì có tuệ giác thì mới có được tâm từ vô ngã, một loại tâm từ thuần khiết tự nhiên cho dù không có đối tượng nào. Khi trải nghiệm được luôn luôn có vô lượng tâm từ mãi tồn tại trong vũ trụ bao la, mình mới không bao giờ sợ chết. Thật ra, chưa bao giờ mình chết, mình chỉ tái sinh để học trọn vẹn tâm từ viên mãn của đức Phật và của các bậc Thánh mà thôi.
Nhờ căn bệnh nghiệt ngã kia, chị mới hiểu khi còn vướng "ta cho ra", "người nhận vào", "tiền bạc vật chất của ta" là còn đau khổ.
Ôi! Lòng từ ba la mật! Khi thân tâm đã là Giới tự nhiên thì còn gì để giữ trong khuôn khổ định hình.
Từng bước chân đi qua một thoáng thôi, sỏi đá cũng rộn ràng dưới những gót thanh tân như bài hoan ca độc đáo. Biết rót cuộc sống vào vần thơ vũ trụ, mới biết thưởng thức vẻ đẹp nguyên sơ chân thiện mỹ của đất trời. Một thiền sư đã nói:
Hãy lắng nghe bước chân
Bước chân qua thời gian
Thời gian vô sở trụ
Chân bước hề thênh thang.
Viên Hướng - Như Tuệ