Bạn có thể tự nói với mình, "Không có sự đau khổ; không có gì để lo âu cả; không có gì để sợ hãi cả." Nhưng nếu bạn càng chấp chặt vào những dòng chữ nầy, chắc chắn bạn sẽ gặp những gì trái ngược lại. Đức Phật nói có sự đau khổ, nhưng Ngài cũng nói là có con đường đi ra khỏi khổ đau. Ngài nói: "Ta thuyết giảng cho chúng sanh hai điều: khổ đau và con đường đi ra khỏi khổ đau." Và Ngài dạy chúng ta về thực tại, tại đây và ngay bây giờ, chứ không phải về kiếp sau. Ngài không dạy rằng, "Nếu các con là những người con trai và con gái nhỏ ngoan ngoãn trong kiếp này, các con sẽ được hưởng phước trọn vẹn trong kiếp sau." Trái lại, Ngài dạy, "Ngay bây giờ -- tại đây và ngay bây giờ -- trí tuệ là sống trong hiện tại." Và nơi nào có trí tuệ và sự sáng suốt sẽ không còn khổ đau.
Khi tỉnh giác và sống với thực tại, chúng ta sẽ không khổ đau nhưng vẫn còn sự cảm nhận. Sẽ vẫn có hợp và tan, sinh khởi và hoại diệt trong cuộc sống ở cõi dục giới nầy. Sẽ vẫn có những bước thăng trầm, những lúc lên cao và xuống thấp trong thế giới của giác quan và cảm thọ. Nhưng những điều nầy không còn là "tôi" và "của tôi" nữa. Chúng ta sẽ không còn chấp chặt hay tìm cách chối bỏ chúng. Tất cả các pháp đang xảy diễn như nó đang xảy diễn. Chỉ có sự thấy và biết. Chỉ có những điều kiện được sinh ra rồi diệt đi chứ không còn những phản ứng trước một hoàn cảnh cá biệt nào -- những phản ứng gắn liền với sự mê lầm, không thấy được quan hệ giữa hoàn cảnh đó với cái tổng thể của các pháp hữu vi và pháp vô vi trên thế gian nầy.
Khi chúng ta càng tự nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh giác về sự vận hành của các pháp, và càng hành thiền, chúng ta sẽ ngày càng tin tưởng giáo pháp và tăng cường khả năng gìn giữ và sống theo giáo pháp. Và rồi chúng ta sẽ có cách ứng xử thích hợp với những vụ việc mà chúng ta gặp trong hiện tại. Đây không phải là sự thông minh cá nhân; đây không phải là sự thông minh mà bạn thường nghĩ đến khi bạn cho là mình thông minh và khôn khéo. Sự thông minh hay trí tuệ nầy không bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa xã hội bên ngoài, nhưng nó luôn có công năng tiếp thu, đón nhận cuộc đời và học hỏi từ kinh nghiệm trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Với khả năng tỉnh thức và quán tưởng về cuộc đời, chúng ta sẽ không còn bị kẹt trong ảo tưởng thân nầy là tự ngã của tôi. Chúng ta sẽ không còn đòi hỏi hay mong cầu được thỏa mãn từ những cái không thể nào thỏa mãn chúng ta được. Chúng ta sẽ không còn đổ lỗi cho chúng ta hay người khác. Tất cả những thói quen suy nghĩ nầy sẽ từ từ tan biến đi, và chỉ còn lại sự đối đãi, cách ứng xử chân thật và nhạy cảm với cuộc đời, và sự hiểu biết của tâm tỉnh thức trước sự vận hành của các pháp. Chúng ta sẽ hiểu lời dạy của Đức Phật: Hãy thể nhập thực tại, sống với thực tại, và qua đó hiểu được thực tại.
***
Câu hỏi: Làm thế nào để chính niệm trong đời sống vô cùng bận rộn ngày nay?
Trả lời: Chính niệm là khả năng tỉnh thức và tỉnh giác cho dù bạn ở bất cứ nơi nào. Là cư sĩ, các bạn thường không được môi trường chung quanh khuyến khích và hỗ trợ thực hành chánh niệm, vì ngườiđời thường không quan tâm đến giáo pháp. Tuy nhiên, trong thiền viện, sẽ có những quy tắc và lề lối hỗ trợ bạn làm việc nầy. Đây là một thuận lợi của đời sống tu viện.
Chúng ta phải chính niệm về sự vận hành của các pháp cho dù cuộc sống của chúng ta là như thế nào đi nữa và không nên đổ lỗi là vì không có những điều kiện hỗ trợ nên chúng ta không thể chính niệm được. Nếu bạn ở một nơi mà công việc đòi hỏi bạn phải sống theo một lề lối nào đó hay phải làm một số công tác nào đó, thì bạn không thể chờ đợi là cuộc sống sẽ tĩnh lặng và giản dị. Áp lực nặng nề của công việc sẽ không giúp bạn lắng tâm hay sống an tịnh với môi trường chung quanh. Nhưng bạn vẫn có thể chánh niệm về cuộc sống bận rộn đó, và qua sự chánh niệm đó, bạn có thể thiết lập trong thân và tâm một sự an vui và tĩnh lặng cho dù điều kiện sống chung quanh rất ư là kích động và tạo nhiều áp lực nặng nề.
Đôi khi chúng ta lý tưởng hóa đời sống ở các tu viện, nhưng đời sống tu viện không thể nào hoàn hảo. Đôi khi tăng chúng sống hòa thuận nhau, trong đó mọi người đều hành động và ứng xử một cách trưởng thành và chân thật. Được gần những bạn đồng tu mà bạn có thể tin tưởng và kính trọng quả là một điều an lạc và bạn có thể trở nên quyến luyến và dính mắc với sự an lạc đó. Rồi khi có một vị tăngkhó chịu nào đó đến ở tu viện và không thuận theo nội quy của tăng đoàn, bạn sẽ nỗi giận và nghĩ rằng, "Tôi không chịu được điều nầy. Chúng ta phải đuổi vị tăng phá hoại nầy ra khỏi tu viện để bảo vệ tăng đoàn quý báu của chúng ta nơi đó mọi người sống thuận thảo và cùng nhau tu tập. Chúng ta không muốn bất cứ phần tử phá hoại và chia rẽ nào len lỏi vào tăng đoàn." Nhưng chính những tư tưởng nầy sẽ làm chúng ta đau khổ. Vì thế, chúng ta phải tập mở rộng tâm thức để sẵn sàng chấp nhận những phá hoại và đổ vỡ trong đời sống tu viện.
Thí dụ, bạn có thể dính mắc với bầu không khí tĩnh lặng của những khóa thiền dài ngày. Trong thiền đường yên lặng, nơi đó mọi người ngồi yên tĩnh, bất cứ tiếng động nào, dù nhỏ đến đâu đều có thể nghe được. Vì thế, bạn có thể bực mình khi nghe tiếng lạo xạo của một cái áo khoát ny-lông hay một ai đó ồn ào trong khi ăn uống. Bạn nghĩ, "Trời ơi, tôi chỉ mong vị đó không làm ồn nữa." Lúc đó, bạn đang khởi tâm sân hận với cái thực tại ồn ào đang xảy diễn, bởi vì bạn muốn sự yên lặng tuyệt đối được tiếp tục duy trì. Và khi sự yên lặng bị phá vỡ, bạn thấy rằng mình đã bị dính mắc với sự yên lặng. Khi nói chúng ta chấp nhận tất cả khả năng phá vỡ sự tĩnh lặng của thiền viện không có nghĩa là bạn sẽ tông cửa chạy ra khỏi thiền đường và tìm cách phá phách để chấm dứt sự tĩnh lặng, nhưng là mở rộng tâm để chấp nhận tất cả khả năng phá vỡ sự tĩnh lặng thay vì bám chặt vào sự tĩnh lặng mà bạn đang chiêm ngưỡng.
Tâm chánh niệm cho phép chúng ta mở rộng để đón nhận tất cả khả năng -- những gì chúng ta yêu thích và cả những gì chúng ta không yêu thích. Rồi chúng ta có thể bắt đầu chấp nhận dòng chảy không ngừng nghỉ của cuộc đời, chấp nhận sự thay đổi và chuyển hóa của cuộc sống như chính nó mà không sân hận hay chán nãn khi nó không xảy ra theo như ý chúng ta muốn. Thật ra, chúng ta sẽ chỉ thoải mái và hòa thuận với cuộc đời khi chúng ta có thể chấp nhận được toàn bộ cuộc đời, cả cái xấu lẫn cái tốt, như chính nó. Nhiều người dễ trở nên bực mình, nhút nhát và co cụm lại vì họ không muốn chung đụng với những gì làm họ kích động hoặc bực mình. Họ nghĩ, "Chao ôi, tôi không đến đó được vì tôi rất phiền muộn về những gì xảy ra ở đó." Nhưng khi chánh niệm, bạn sẽ không quan tâm là bạn có bị phiền muộn và bất mãn hay không. Bất mãn là một phần của cuộc sống. Bạn không đi tìm sự bất mãn nhưng bất mãn sẽ xảy ra. Và nếu nó xảy ra, bạn sẽ học từ kinh nghiệm bất mãn đó. Đó là một phần kinh nghiệm của cuộc sống làm người.
Trích: Tâm và Đạo
Quán tưởng về cuộc sống trong Đạo Phật
The Mind and The Way
Buddhist Relections on Life
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch