◀◀ ⚫ ▶▶
Câu hỏi được đặt ra là: có thể nào giải thoát khỏi mọi hành vi vị ngã mà không có cố gắng, không nỗ lực giải trừ nó, để rồi tạo nên vấn đề không? Tôi hy vọng đã đặt câu hỏi rõ ràng, bằng không thì những điều được trình bày kế tiếp sau đây sẽ thiếu minh bạch hoàn toàn. Danh từ "tham thiền", đại khái, có nghĩa là suy xét một điều gì, khám phá nó, dừng lại với nó; hoặc cũng có thể danh từ ấy chỉ một tâm thái chiêm ngưỡng trong đó không có tư tưởng. Danh từ ấy rất ít có ý nghĩa đối với phần đất này của thế giới, nhưng nó mang một nghĩa lý phi thường ở Đông phương. Người ta đã viết nhiều về đề tài này, có nhiều trường phái giảng dạy những phương pháp và những hệ thống khác biệt về tham thiền. Theo tôi, tất cả những cái đó đều phải là tham thiền. Tham thiền là tự "làm trống rỗng" tâm thức mình, chứ ta không thể tự cưỡng bách làm trống rỗng tâm thức mình bằng cách thực hành một phương pháp, theo một trường phái hay hệ thống.
Một lần nữa cần phải thấy rằng tất cả mọi hệ thống đều hư ngụy. Thực hành một phương pháp tham thiền là đuổi bắt cảm giác và nhận thức, đó là toan tính sống một kinh nghiệm cao hơn hay "cùng tột", và khi ta đã thấu hiểu bản chất của tất cả mọi kinh nghiệm rồi, thì ta dẹp hết mọi phương pháp, ta gác chúng qua một bên, ta xa rời chúng vĩnh viễn, bởi vì ta không còn là đệ tử của ai cả, ta không còn tìm cách sống những kinh nghiệm nữa, ta không còn muốn có những thấy – biết nữa. Tất cả mọi tìm kiếm để thấy biết, tất cả mọi sự căng thẳng giả tạo về cảm giác – bằng những chất ma túy, bằng những giới luật, bằng những nghi thức lễ bái, sùng thượng, bằng cầu nguyện – đều toàn là hành vi vị ngã. Câu hỏi của tôi bây giờ là: làm sao cho cái tâm thức đã thành thiển cận bởi tập tục, bởi tác động của thời gian, bởi ký ức và kinh nghiệm, làm sao một tâm thức như vậy có thể tự giải thoát trạng thái thiển cận mà không cần cố gắng? Làm thế nào cái tâm ấy có thể tỉnh thức trọn vẹn để sự tìm kiếm kinh nghiệm không còn nghĩa lý gì với nó nữa? Các ngài hiểu chứ? Cái gì đã là tràn đầy ánh sáng, tất không đòi hỏi thêm ánh sáng – tự nó là ánh sáng rồi, và tất cả mọi ảnh hưởng nhiễm độc, mọi kinh nghiệm xâm nhập vào vùng ánh sáng ấy liền được thiêu hủy từng phút từng giây, để tâm thức luôn luôn sáng tỏ, vô nhiễm mới có thể thấy được chỗ siêu xuất khỏi giới hạn đo lường của thời gian. Và cái tâm thái ấy phát sinh như thế nào? Câu hỏi có rõ ràng không? Không phải là một câu hỏi, hay đó phải là câu hỏi của hết thảy mọi người, vậy tôi không gán ép cho các ngài đâu. Nếu tôi gán câu hỏi cho các ngài, các ngài sẽ biến nó thành một vấn đề, rồi các ngài tự hỏi:"Tôi phải làm sao cho được như thế đây?". Câu hỏi này phải được phát sinh từ chính nhận thức của các ngài, bởi vì các ngài đã sống, đã quan sát, đã thấy cuộc đời là gì và chính các ngài, các ngài đã nhận thức chính mình trong lúc mình hành động. Các ngài đã đọc, đã gom góp tài liệu, đã tiến bộ trong kiến thức. Các ngài đã thấy những người lanh lợi mà tâm thức giống như những bộ óc điện tử, thấy những giáo sư có thể phô diễn kiến thức thao thao bất tuyệt và các ngài đã gặp những nhà thần học có những ý niệm cố định, qua đấy họ đã xây dựng những lý thuyết tuyệt vời. Ý thức tất cả những điều đó, chắc chắn các ngài tự hỏi: làm sao một tâm thức đã là nô lệ của thời gian, con đẻ của quá khứ, làm sao một tâm thức như vậy có thể vứt bỏ quá khứ một cách trọn vẹn, dễ dàng mà không cố gắng. Làm thế nào cái tâm ấy có thể thoát khỏi thời gian mà không cần phải tuân theo một chỉ thị hay một động lực nào cả, và tự trở về nguồn cội cuộc sống uyên nguyên? Khi câu hỏi ấy đã được các ngài trực tiếp giáp mặt với một vấn đề to tát, khi một điều lớn lao và tức thời xảy đến với các ngài? Sự va chạm ấy hết sức trọng hệ, hết sức đáng quan tâm, đến nỗi nó thu hút các ngài trọn vẹn, phải thế không? Tâm thức bị thu hút bởi sự kiện xảy ra bất ngờ phi thường ấy, do đó nó trở nên tịch lặng. Đấy là một trong những hình thức của sự tịch lặng. Tâm thức các ngài phản ứng tựa như đứa trẻ quá thích thú khi được người ta cho đồ chơi. Đồ chơi thu hút nó, khiến nó tập trung, không còn phá phách ồn ào, không còn chạy nhảy lung tung nữa. Điều đó cũng xảy đến cho người lớn khi họ bị giáp mặt với một sự việc quá ư trọng hệ đối với họ. Không thấu hiểu trọn vẹn ý nghĩa của sự việc xảy đến, họ buông mình vào kinh nghiệm ấy và tâm thức họ tiếp nhận một sự va chạm đè bẹp họ, làm họ tê liệt bất động đến độ khiến họ câm nín đi một lúc. Chắc hẳn là cả thảy chúng ta đều đã sống những kinh nghiệm như thế rồi. Cũng có thứ tịch lặng được phát sinh khi người ta xem xét vấn đề bằng sự tập trung trọn vẹn. Trong tâm thái này, không có sự lơ đễnh, vì ngay lúc ấy không có một hứng thú nào khác. Không gì khác làm bận rộn tâm thức được ngoài cái vật mà tâm thức đã dồn hết sức tập trung vào loại trừ tất cả mọi cái khác, và trong sự cố gắng này có một sinh lực, một đòi hỏi, một khẩn cấp khiến phát sinh một sự tịch lặng nào đó. Nhưng khi tâm thức bị thu hút bởi đồ chơi, hoặc khi tâm thức say mê trong một vấn đề thì tâm thức chỉ biết lẩn trốn. Khi những hình ảnh, những biểu tượng, những danh từ như Thượng đế, đấng cứu thế và những cái khác xâm chiếm tâm thức, chúng cũng tạo nên một sự lẩn tránh, trốn chạy khỏi cái hiện tiền, và trong sự trốn chạy này cũng có một thứ tịch lặng. Khi tâm thức tự hiến và quên mình trong một sự đồng nhất trọn vẹn, tâm thức có thể hoàn toàn tịch lặng, nhưng nó rơi vào một trạng thái loạn thần. Ước vọng đồng nhất vào một mục đích, một ý niệm, một biểu tượng, một xứ sở, một chủng tộc, tức là mắc chứng loạn thần, như trường hợp tất cả những người gọi là tu thành mộ đạo. Họ tự đồng nhất vào Đấng Cứu thế, vào đức thầy, vào cái này cái nọ, điều đó tạo cho họ một niềm an ủi lớn lao và một cái nhìn hạnh phúc về đời sống. Thái độ này hoàn toàn là loạn thần. Cũng còn có những tâm thức đã luyện được sự tập trung thuần thục, không lìa xa một ý niệm một hình ảnh, một biểu tượng nào mà các tâm thức ấy đã phóng hiện ra trước chính chúng. Và trong cái tâm thái tập trung ấy phát sinh được gì? Mọi sự tập trung đều là một cố gắng và mọi cố gắng đều là chống kháng. Sự thể đó lại trở về việc xây dựng một trường thành bọc quanh để bảo vệ chính nội tâm mình, chứa đủ một lỗ nho nhỏ qua đó họ nhìn một ý niệm hoặc tập trung, để đừng bao giờ bị lay chuyển, đừng bao giờ nghi ngờ âu lo gì nữa. Không bao giờ họ chịu mở tâm, họ sống trong cái vỏ tập trung, sau những tường lũy mà họ đã tạo thành bằng một sự đuổi bắt say mê và từ đó họ rút tỉa được một cảm giác nồng nhiệt sinh lực, một đà sống giúp họ thành tựu những việc phi thường, giúp họ cứu vớt những người nghèo túng, giúp họ sống trong sa mạc, giúp họ thực hiện những công cuộc từ thiện, đấy cũng vẫn còn là những hành vi vị ngã của những tâm thức tập trung vào một đối tượng duy nhất, loại trừ tất cả những cái khác. Điều đó, cũng tạo cho tâm thức một sự an bình và tịch lặng nào đó. Thế nhưng, vốn có một sự tịch lặng khác, tuyệt đối không liên quan với những tâm thái bệnh hoạn kia, và đó mới chính là nỗi khó khăn của chúng ta, và tôi xin đứng đắn nói điều này là, khổ thay phần đông chúng ta đều ở mức chứng loạn thần, muốn thấu hiểu sự tịch lặng ấy, trước hết, chúng ta phải tự chữa dứt hoàn toàn chứng bệnh ấy. Trong sự tịch lặng mà tôi nói không có tình tự thương thân xót phận, không có những cuộc đuổi bắt, tìm kiếm kết quả, không có sự phóng hiện hình ảnh, không có những quan điểm và sự phấn đấu để tập trung. Sự tịch lặng ấy hiện đến không cần ta mời gọi, nó đến khi ta thấu hiểu cách thế tâm thức bị thu hút bởi một ý niệm và bởi những hình thức khác biệt của sự tập trung được áp dụng và cũng phải thấu hiểu toàn bộ tiến trình của tư tưởng nữa. Do sự quan sát, do sự xem xét những hành vi vị ngã khiến phát sinh một ý hướng giới luật mềm dẻo phi thường, và giới luật đó rất cần thiết. Giới luật này không phải là để bảo vệ, để phản ứng, nó không liên quan chi đến hành vi ngồi tĩnh tọa trong một góc, hai chân xếp bằng, cũng như không giống với những công phu tập ấu trĩ khác và trong giới luật này không có sự bắt chước rập khuôn, cũng không có một cố gắng nhằm thu đạt kết quả nào. Quan sát tất cả mọi vận hành của tư tưởng và của dục vọng, quan sát sự thèm khát những cảm giác mới, quan sát tiến trình sự đồng nhất – quan sát và thấu hiểu tất cả những điều đó khiến tự nhiên phát sinh một giới luật cởi mở và tự do. Với giới luật của trí huệ này, một nhận thức đặc biệt tức thời và trực tiếp, tức là trạng thái chú tâm trọn vẹn, sẽ phát sinh. Chính trạng thái chú tâm này chứa đựng đức hạnh, cái đức hạnh duy nhất và đích thực. Chứ cái thứ luân lý xã hội cái thức đức tính trước phát triển bằng chống kháng, bằng thái độ đạo mạo rập khuôn theo đạo đức của một xã hội, tất cả mọi điều đó đều không phải là đức hạnh. Có đức hạnh là thấu hiểu mọi cơ cấu xã hội mà con người đã tạo dựng quanh mình và thấu hiểu cái gọi là hy sinh mà người ta tưởng tượng mình thực hiện được trong những cuộc đồng nhất và cưỡng bách. Trạng thái chú tâm được phát sinh do sự thấu hiểu này và chỉ trong chú tâm mới có đức hạnh. Cần thiết phải có một tâm thức đức hạnh, nhưng khi ta bằng lòng ép mình theo một khuôn mẫu xã hội và tôn giáo, của một xã hội nào đó dù là cộng sản hay tư bản, thì không có tự do. Tuy nhiên, không khác chi đức tính nhẫn nhục, ta không thể đào luyện được đức hạnh. Ta không thể đào luyện được đức hạnh cũng như không thể đào luyện được tình thương. Nhưng ở đâu có sự chú tâm trọn vẹn thì ở đó có đức hạnh và tình thương. Chú tâm trọn vẹn khiến sinh tịch lặng hoàn toàn, không những ở mức độ ý thức mà cả ở mực độ vô thức nữa. Ý thức và vô thức, thực ra vô nghĩa và nhận thức được sự vô nghĩa của chúng là giải thoát tâm thức khỏi quá khứ cũng như hiện tại. Đặt trọn vẹn chú tâm vào hiện tại là làm phát sinh sự tịch lặng, trong đó tâm thức không cần sống kinh nghiệm, vì nó không còn cần sống như thế nữa. Như thế, mọi kinh nghiệm đều chấm dứt. Tâm thái tỉnh thức trọn vẹn chính là một ánh sáng tự tại. Trong sự tịch lặng này có hòa bình. Không phải là thứ hòa bình của các nhà chính trị, cũng không phải thứ hòa bình giữa hai cuộc chiến tranh, đó là thứ hòa bình không do những phản ứng sinh khởi. Và khi cái tâm thái ấy tình hình tịnh định, ta có thể từ đó mà hành động. Sự hoạt động của tâm thái tịnh định hoàn toàn khác hẳn với hành vi vị ngã. Sự hoạt động này của tâm thái tịnh định đích thị là sáng tạo. Khi tâm thức có thể hoạt động với trạng thái tịnh định này, là nó đã nhận thức được sự chết và tình thương. Bấy giờ ta có thể sống trong cuộc đời này mà vẫn thoát "ngoài vòng tục lụy". Các ngài muốn hỏi gì không?
H: Tôi ngưỡng vọng sự tịch lặng, nhưng tôi nhận thấy những công phu dự định của tôi càng lúc càng hư hỏng với thời gian.
K: Trước hết, ngài không thể ngưỡng vọng được sự tịch lặng, ngài không biết gì về sự tịch lặng. Thậm chí nếu ngài nhận biết điều chi về tịch lặng thì đó cũng là không phải là tịch lặng, bởi vì điều ta biết không phải là điều chân thực. Vậy ta cần phải cẩn thận đừng bảo rằng "ta biết". Xin ngài hãy xem xét điều này: điều gì ta biết là điều ta nhìn nhận được. Tôi nhận ra ngài vì tôi đã gặp ngài hôm qua. Vì đã nghe ngài nói và biết được cách thế sống, cư xử của ngài nên tôi nói tôi biết ngài. Điều tôi biết đã là quá khứ rồi và từ quá khứ đó tôi nhận biết ngài. Nhưng ta không thể nhận biết được sự tịch lặng này, vì trong sự tịch lặng đó không có cái tiến trình nhìn nhận. Trước tiên ta phải thấu hiểu điều đó. Muốn nhận biết một điều gì, cần phải được tiếp xúc với nó đã, sống với nó đã, đọc hoặc nghe người khác mô tả về nó đã, nhưng cái điều được nhìn nhận, được biết, được mô tả không phải là sự tịch lặng mà ta ngưỡng vọng bởi vì cuộc sống chúng ta quá đỗi trống rỗng, buồn chán, ngu muội. Chúng ta muốn lẩn trốn tất cả những phiền toái của cuộc sống, nhưng ta không thể lẩn trốn được cuộc sống mà cần phải thấu hiểu nó. Và muốn thấu hiểu bất cứ điều gì, ta không cần phải hất hủi cũng như lẩn trốn nó. Cần phải có một tình thương bao la, một sự trìu mến đích thực với điều ta muốn thấu hiểu. Nếu muốn thấu hiểu một đứa trẻ, ngài không nên cưỡng bách nó cũng như so sánh nó với anh nó. Mà ngài phải nhìn ngắm nó, kỹ lưỡng quan sát nó với niềm trìu mến luyến thương, với tất cả tâm hồn ngài. Tương tự như vậy, ngài phải thấu hiểu những cái tầm thường mà ngài gọi là cuộc sống với tất cả những tình tự ghen ghét, xung đột, khổ lụy, nhọc nhằn, phiền não của nó. Do sự thấu hiểu đó bèn xuất sinh một niềm an hòa mà ta không thể tìm thấy bằng lần mò dọ dẫm. Có một câu chuyện rất ngộ nghĩnh về việc một người đệ tử đến với vị đạo sư. Vị đạo sư ngồi trong một vườn hoa xinh đẹp và người đệ tử đến ngồi cận bên – không ngồi đối diện hẳn vì ngồi như thế bất kính lắm. Thế là người đệ tử ngồi hơi dịch sang một bên, chân xếp bằng và nhắm mắt lại. Vị đạo sư bèn hỏi:"Trò làm gì thế?". Mở mắt ra người đệ tử nói:"Thưa thầy, con đang luyện tâm, cố chứng đạt được cái tâm của Đức Phật" và nhắm mắt lại. Sau một lúc, vị đạo sư lượm hai hòn đá và cọ xát chúng vào nhau gây ra nhiều tiếng động, bấy giờ người đệ tử rơi từ trên cao xuống và hỏi:"Thưa thầy làm gì đó?". Và vị đạo sư đáp:"Ta cọ hai viên đá này vào nhau để làm một trong hai viên thành tấm gương". Người đệ tử nói:"Thưa thầy, chắc chắn thầy không bao giờ thành tựu, dù thầy có cọ hai viên đá này trong cả triệu năm đi nữa". Bấy giờ vị đạo sư mỉm cười trả lời:"Thì cũng thế, trò ôi, dù trò có ngồi đây, như thế, hàng cả triệu năm trò cũng không bao giờ đạt tới chỗ trò muốn đạt". Và đấy là việc cả thảy chúng ta đều làm. Ta có những địa vị, cả thảy chúng ta đều muốn đạt mục đích mà ta đang lần mò tiến tới, việc đó đòi hỏi nhiều cố gắng, nhiều tranh đấu, nhiều giới luật. Tôi e rằng tất cả mọi điều đều không thể làm mở cánh cửa được. Điều có thể làm mở cánh cửa là phải thấu hiểu mà không cố gắng, phải nhìn ngắm một cách đơn giản quan sát với thái độ trìu mến, thương yêu, nhưng ta không thể thương yêu nếu ta không từ tốn nhẫn nhục, và sự nhẫn nhục từ tốn chỉ có được khi ta không còn muốn chiếm hữu chi nữa cả, dù là chiếm hữu những thần thánh cũng như chiếm hữu một người.
Krishnamurti (30/7/1964)
Trích: Ý NGHĨA VỀ SỰ CHẾT, ĐAU KHỔ VÀ THỜI GIAN
Tác giả: Krishnamurti
Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch
An Tiêm 1974
An Tiêm 1974