CHÁNH NIỆM - TÀM QUÝ


CHÁNH NIỆM

Hỏi: Thưa Thầy, nếu như mình làm việc gì sai xấu thì sự tập trung đó không được gọi là chánh niệm vì chánh niệm chỉ sử dụng cho việc làm đúng tốt thôi phải không ạ?

- Đối tượng của chánh niệm là thực tánh. Khi làm việc xấu thì đã là tà niệm rồi làm sao có chánh niệm được, thậm chí lúc đó dù có tập trung tâm ý (định) đi nữa cũng không phải là chánh định. Ngay cả, trong chánh niệm vẫn có những mức độ khác nhau. Chánh niệm ở mức độ ý thức thường chỉ thấy đối tượng khái niệm tục đế, khi ý thức ở mức độ tri kiến thanh tịnh thì mới tương thông với tánh biết. Lúc đó chánh niệm bước qua một mức độ khác đó là chánh niệm của tánh biết thấy được thực tánh Chân đế, hay còn gọi là thấy Sự Thật.

Hàng ngày thấy đây là cái cột, đây là con chó, đây là sàn nhà, v.v... thì đó là thấy biết bằng ý thức trên tục đế. Chánh niệm tỉnh giác thật sự là trong thấy chỉ thấy trong nghe chỉ nghe thôi, nhưng khi làm điều xấu thì không phải trong thấy chỉ thấy trong nghe chỉ nghe mà là thấy nghe để phục vụ cho ý đồ xấu. Ý thức chỉ đúng khi tri kiến thanh tịnh, đó là lúc tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, không có cả ý đồ tốt nữa huống chi là ý đồ xấu.

Hỏi: Thưa Thầy theo lời Phật dạy "Khi tâm thanh tịnh thì các pháp đều thanh tịnh". Vậy khi đó có phải tri kiến thanh tịnh trở về với tánh biết thấy tất cả pháp là vô vi không sinh không diệt? Kính xin Thầy giảng chúng con hiểu thêm ạ?

- Trước hết cần hiểu rõ những từ hữu vi, vô vi và thanh tịnh nghĩa là gì mới hiểu được câu nói trên để không hiểu lầm là khi tri kiến thanh tịnh trở về với tánh biết thì thấy tất cả pháp đều là vô vi không sinh diệt. Hữu vi và vô vi có hai loại:
    • Hữu vi là tâm lăng xăng tạo tác ra các pháp thế gian - sinh tử khổ đau - qua Tập đế và Khổ đế, dù đó là tạo tác sở tri sở đắc. Ngược lại, Đạo đế và Diệt đế là “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” nên cũng “không sinh, không hữu, không tác, không thành”. Đó mới là vô vi.
    • Hữu vi là pháp duyên khởi tự nhiên, như các phản ứng hóa học chẳng hạn, thì chỉ vô thường chứ không đau khổ. Còn pháp nào khi độc lập chưa duyên khởi thành hiện tướng thì vẫn vô vi, như các nguyên tánh đất, nước, lửa, gió và hư không chẳng hạn.
Như vậy khi nói thanh tịnh hay vô vi ở đây chủ yếu là ám chỉ tâm không hữu vi tạo tác. Cũng như khi nói “thế gian là khổ” không phải là nói thế giới sinh vật lý trong trời đất mà ám chỉ thế gian do tâm tạo tác. Nên đức Phật nói 
Trong thân một trượng này thế gian tập khởi và thế gian đoạn diệt. Thế gian tập khởi nói ở đây là pháp hữu vi do tâm tạo tác gồm Tập đế và Khổ đế chứ không phải thế giới hữu vi do duyên khởi bên ngoài. Thế gian đoạn diệt có nghĩa là không còn Tập đế Khổ đế do tâm hữu vi tạo tác, tức khi tâm thanh tịnh trong sáng thì thế gian liền đoạn diệt, chứ không có nghĩa là thế giới này sụp đổ.
Vậy 
Khi tâm thanh tịnh thì các pháp đều thanh tịnh tức khi tâm không còn lăng xăng tạo tác bởi vô minh ái dục thì không còn các pháp thế gian do tâm tạo tác mà sinh hữu tác thành, không còn phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử nữa. Đó chính là “thế gian đoạn diệt” mà cũng là “các pháp đều thanh tịnh”. Còn đối với pháp hữu vi tự nhiên thì khi tâm thanh tịnh liền trả mọi hiện tượng về với nguyên lý vận hành của pháp chứ không còn vận hành theo tư kiến tư dục của bản ngã vô minh ái dục. Vận hành của bản ngã vô minh ái dục mới gọi là “thế gian tập khởi” nên khi bản ngã vô minh ái dục chấm dứt thì đó là “thế gian đoạn diệt” hay Niết-bàn.
Sở dĩ có Tam giới vì người có tâm tham ái trong sắc, thanh, hương, vị, xúc thì thấy thế giới này là Dục giới, người có tâm định trên đề mục “tưởng sắc” thì thấy thế giới này là Sắc giới, người có tâm định trên đề mục “tưởng không” thì thấy thế giới này là Vô Sắc giới. Như vậy, Niết-bàn - xuất Tam giới - có nghĩa là “tâm tịch tịnh thì các pháp tịch tịnh” chứ không phải như người sau hiểu thành hai quan niệm cực kỳ lệch lạc: Một, chủ trương Niết-bàn là cõi thường hằng tức chấp thường. Hai, chủ trương Niết-bàn là đoạn diệt không còn gì cả tức chấp đoạn. Đức Phật chỉ ra 62 tà kiến, cuối cùng chính hậu nhân lại rơi vào 2 tà kiến nặng nề nhất đó là thường kiến và đoạn kiến.

 TÀM  QUÝ


Hỏi: Kính xin sư ông giảng về vô tàm vô quý liên hệ đến bản ngã và bản lĩnh như thế nào?

- Chữ "tàm" được dịch là hổ thẹn tội lỗi, "quý" là ghê sợ tội lỗi. Có tàm và quý là do người thấy ra được đâu là tội - hại mình hại người; đâu là phước - lợi mình lợi người. Khi thấy rõ việc hại mình hại người đưa đến khổ đau như thế nào, tức thấy ra nhân quả nên mới biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi không dám làm điều tổn hại, sai trái.
Bản ngã thường đi đôi với vô minh ái dục nên thường mong muốn đạt được như ý mình, muốn sở đắc bản lĩnh nên bất chấp điều đó có hại mình, hại người, hại vật, hại môi trường hay không, vì vậy không biết hổ thẹn tội lỗi gọi là vô tàm và không biết ghê sợ tội lỗi gọi là vô quý. Người không có chánh niệm tỉnh giác không tự biết mình và không biết những nỗi khổ do đâu mà có, không biết điều sai xấu đưa đến hậu quả gì, nên không có tàm quý.
Sâu xa hơn, người nỗ lực tu hành cũng có khi không biết tàm quý khi mong cầu đạt được sở tri sở đắc, tưởng là đưa đến giải thoát nhưng thật ra chỉ tăng thêm bản ngã mà thôi. Nếu có tàm quý thì thấy ý đồ của bản ngã đã biết hỗ thẹn ghê sợ cái “ta” tham ái rồi. Chánh niệm, tỉnh giác càng sâu sắc, trí tuệ càng phát huy thì càng thấy lỗi trong các tầng trời Dục giới do tham ái phước báu và thọ lạc, cũng như các cõi Sắc, Vô sắc do tham ái thiền định, thần thông mà trong 10 kiết sử gọi là Sắc ái, Vô sắc ái v.v… nên mới có tàm quý trong những lỗi vi tế này.
Tóm lại, khi thấy ra được sai xấu có tác hại cho mình và người liền xấu hổ không dám làm gọi là tàm quý. Ngược lại, vô tàm vô quý là người không biết đạo lý, không biết nhân-quả, không biết phước-tội nên thích thú trong điều ác, vui sướng trong nỗi đau của người hay chúng sinh khác, như người xem sát sinh, trộm cướp, gian dâm, lừa gạt, săn bắn v.v… là niềm hứng thú của họ. Vì vậy, tàm và quý là 2 yếu tố hết sức quan trọng trong tu tập, để phát hiện, điều chỉnh nhận thức và hành vi sai xấu.

Tác giả: Thầy Viên Minh
NT Trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 
15/10/2017