Bản Ngã - Hữu Thức - Vô Thức & Chiêm Bao

Bản Ngã - Hữu Thức và Vô Thức
Bản ngã xuất hiện dưới hai hình thức: Một là cái ta hiện hành (dương bản, hữu thức) và hai là cái ta ngủ ngầm (âm bản, vô thức). Cái ta hiện hành là bản ngã biểu lộ ra ngoài qua khái niệm "tôi", như tôi hành động, tôi nói năng, tôi suy nghĩ, tôi tu hành v.v... hoặc "của tôi", như thân của tôi, cảm giác của tôi, hiểu biết của tôi, tâm thức của tôi, sở đắc của tôi v.v... Cái ta hiện hành là cái ta lộ liễu dễ thấy, nhưng nếu không tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì lý trí chỉ có thể suy luận ra nhưng vẫn không thấy được nó. Cái ta ngủ ngầm còn gọi là cái ta âm bản vì nó ẩn trú trong tiềm thức hay ẩn sâu trong vô thức, phần lớn nó hoạt động ngấm ngầm và kín đáo bên trong phần chìm của tâm thức (Bhavanga hoặc A-lại-da thức) nên rất khó thấy.
Tuy nhiên, nó vẫn thường xuất hiện như "kẻ tàng hình" dưới hình thức những khuynh hướng tính dục hay những xung động tâm lý, ẩn dưới những mặt nạ thiên hình vạn trạng, trá hình dưới nhiều chiêu thức quỷ quyệt khó lường. Những khuynh hướng này được gọi là những phiền não ngủ ngầm (anusaya kilesa) sai sử, xúi dục hành động, nói năng, suy nghĩ mà ý thức không biết được. Ngay cả giới định tuệ chế định cũng vẫn bị nó đánh lừa. Nhiều người giữ giới, hành thiền nhưng thật ra đang bị cái ta ngủ ngầm sai sử, nói rõ hơn là bị phiền não tham sân si xúi dục. Cái ta này có thể thấy được nơi những người tu hành ấy rất rõ, nhưng bản thân họ thì cứ tưởng mình đã đắc thiền đắc đạo rồi!
Cái ta bắt nguồn từ những điều kiện bên ngoài được thủ đắc qua các giác quan, lúc đầu hình thành cái ta ảo tưởng hữu thức, ý niệm cái ta này trở thành những chủng tử được thu nhập vào tiềm thức, gọi là những tập khí. Chính những tập khí này tạo thành cái ta ngủ ngầm một cách vô thức, rồi cái ta âm bản lại nhập vai kẻ giấu mặt tác động đàng sau cái ta dương bản. Tuy nhiên, hai cái ta này không hoàn toàn đồng nhất, có khi hỗ trợ cho nhau, có khi đối kháng lẫn nhau. Cái ta ý thức muốn làm một hành động đạo đức thì cái ta vô thức phản đối, ngược lại khi cái ta ý thức muốn làm điều xấu cái ta vô thức lại ngăn cản, chính sự mâu thuẫn này đã làm cho chúng ta lưỡng lự, bất an và căng thẳng. Dù là những xung động tâm lý hay những khuynh hướng tính dục hoạt động bí mật thế nào nhưng khi khởi động lên bề mặt tâm thức thì nó đã lộ diện dưới hình thức cái ta dương bản rồi, do đó chỉ cần thấy được cái ta dương bản thì dần dần cũng thấy ra mặt âm bản của nó.
Chánh niệm tỉnh giác giúp chúng ta phát hiện ra những hoạt động thúc đẩy từ vô thức mà Phật giáo gọi là những phiền não ngủ ngầm (Anusaya kilesa), và Phân Tâm học gọi là những khuynh hướng xung động (impulsive tendency). Tinh tấn chánh niệm tỉnh giác giúp chúng ta loại khỏi thực tại ý niệm tôi và của tôi trên thân, trên thọ, trên tâm, trên pháp để chỉ thấy thực tánh của danh sắc đang vận hành, cái ta hữu thức không còn quấy nhiễu thực tại thân tâm được nữa. Nếu tánh biết luôn lặng lẽ chiếu soi thì những phiền não ngủ ngầm dưới hình thức những khuynh hướng tính dục không còn có cơ hội trở thành những xung động của cái ta vô thức được nữa, và rồi khi nó không còn được cái ta hữu thức nuôi dưỡng, cũng không còn manh động thao túng được nữa thì nó sẽ tự hủy diệt ngay từ trong vô thức.
Nhưng khi tinh tấn chánh niệm tỉnh giác không đúng (khi ý niệm "tôi chánh niệm", "tôi tỉnh giác", "tôi tu tập", "tôi chứng đắc" vẫn còn nguyên đó) thì cái ta vô thức vẫn còn ẩn núp đàng sau! Hoặc chánh niệm tỉnh giác được lặp đi lặp lại theo lối mòn quán tính của những phương pháp, kỹ thuật chế định thì cái ta vô thức lại càng dễ xâm nhập hơn.Trong khi lý trí vọng thức tưởng rằng đã phát hiện ra được bản ngã thì chính nó là một trong những đường dẫn ưu ái nhất cho cái ta vô thức hoạt động. Lý trí không làm được công việc hữu thức hóa vô thức, mà chỉ tạo cơ hội cho cái ta ngủ ngầm trở thành cái ta hiện hữu. Ngay khi chúng ta đặt câu hỏi "phải làm sao" thì cái ta đã hiện diện ở đó rồi.
Hãy buông xuống đi thì pháp sẽ tự vận hành hoàn toàn vô vi vô ngã. Hãy đề cho tánh biết tự thấy pháp, tự nhận ra pháp. Như vậy mới là chính là chánh niệm tỉnh giác của tánh biết trên pháp tự nhiên.



Hỏi Đáp:
Chiêm bao và Vô Thức

1. Câu hỏi:


Kính thưa Thầy,
Con có một thắc mắc kính nhờ Thầy giảng cho con hiểu thêm.
Khi con ngủ mê, con không biết đến gì cả, ngủ như chết vậy, vì con không ý thức đến nhịp tim và hơi thở trong khi chúng vẫn còn làm việc tự nhiên, như vậy lúc đó là con vô minh phải không Thầy. Đến khi ai đụng chạm hay có tiếng động mạnh con cảm nhận được, con lại có ý thức và biết mình đang thở vô thở ra. Do đó tướng biết mà mình biết được là ý thức, còn tánh biết nó tịch lặng, không thể dùng ý thức để biết được nó. Con nói loanh quanh mong Thầy hiểu ý.
Con cám ơn Thầy. Kính chúc Thầy đi hoằng pháp ở Mỹ được nhiều sức khỏe tốt và thuận lợi.

Trả lời:

Lúc ngủ ý thức không biết gọi là vô thức chứ không gọi là vô minh. Nhưng khi thức dậy ý thức trở lại gọi là hữu thức nhưng nếu còn vô minh thì hữu thức vẫn vô minh. Khi nào trí tuệ thấy thực tánh mới gọi là minh. Khi tướng biết thanh tịnh gọi là tri kiến thanh tịnh thì tánh biết mới hiển lộ.


2. Câu hỏi:

Thưa thầy! Trong thời gian gần đây con gặp một hiện tượng lạ nên muốn hỏi thầy. Trong giấc ngủ, thình thoảng toàn thân con có cảm giác "bừng bừng" tỉnh. Mặc dù khi đó con đang ngủ, nhưng con biết rất rõ toàn thân. Cảm giác này "rất rõ ràng" từ đầu đến chân. Hiện tượng này xuất hiện và kết thúc trong vài phút. Khi đó nếu con thích thú chú ý hoặc ngắm nhìn thì sau khi hết, con có cảm giác hơi căng thẳng và đau đầu. Nhưng cũng có một số lần con không đau đầu. Vậy đây có phải là hiệu ứng của pháp hành thiền tuệ không ạ? Con xin thầy cho con lời khuyên ạ. Con cảm ơn thầy nhiều ạ!


Trả lời:

Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mới biết nó phát xuất từ đâu. Ví dụ như quá trình hành thiền tuệ như thế nào, Cảm giác "rất rõ ràng" là cảm giác thoải mái tự nhiên hay có kèm theo phản ứng phụ gì. Giấc ngủ có một loại hoạt động vô nhân của ý giới, nó là một dạng "ý thức" mà Duy Thức Học gọi là mộng trung ý thức. Nói chính xác theo Phân Tâm Học thì nó không hẳn là ý thức cũng không hẳn là vô thức. Dưới hình thức một giấc chiêm bao, nó tái tạo hoạt động của ý thức ban ngày nhưng tự động điều chỉnh sắp xếp lại cho đúng những gì mà ý thức chủ quan của bản ngã đã nghĩ và làm sai. Có những bài toán không giải được ban ngày thì trong giấc ngủ lại giải được. (Tất nhiên cũng có những giấc chiêm bao hư cấu để khẳng định hay biểu lộ bản chất của bản ngã ý chí ban ngày thôi chứ không điều chỉnh nội dung). Tánh biết (tâm) có một khả năng kỳ diệu rất tích cực là khả năng tự động điều chỉnh, cả trong hữu thức lẫn vô thức. Cái biết của vô thức rất "huyền bí" nó hỗ trợ cho cái biết hữu thức rất nhiều. Nếu là hữu thức trí tuệ vô ngã thì rất tốt, nhưng là hữu thức lý trí bản ngã thì chính là kẻ phá hoại tính tự động điều chỉnh kỳ diệu này của tánh biết trong vô thức. Tất nhiên vô thức này là hoạt động trong bhavanga, chứ không phải là vô thức theo nghĩa không ý thức của tâm si.
Đừng xác định gì cả, cứ để vậy mà chiêm nghiệm xem nó cho con bài học gì. Ví dụ như nó cho biết niệm thân là thấy rõ toàn thân như nó là một cách tự nhiên, chứ không phải cố gắng chú ý ngắm nhìn hay tìm kiếm điều gì trong đó một cách chủ quan.
3. Câu hỏi:

Con Kính chào Thầy,
Thật sự thì con không biết phải làm thế nào cho đúng lẽ đạo. Con đã có gia đình, chồng con là 1 người tốt nhưng trong cuộc sống con thấy có phần hơi ích kỷ. Nhưng không sao, tất cả con vẫn chấp nhận vì không ai hoàn hảo cả, kể cả con.
Có một điều con vô cùng buồn là không hiểu tại sao nhiều lúc con nằm mơ về những cái gì tình cảm/đẹp thì lại mơ về người cũ, mặc dù hiện tại bản thân con không còn yêu hay thích người đó nữa. Vậy con có phạm giới không chung thủy với chồng con không vậy Thầy ơi, và làm cách nào để mình có thể giải quyết được vấn đề nằm mơ của con? Rõ ràng là ban ngày con đâu có nghĩ đến, nhưng tại sao ban đêm con lại nằm mộng một cách vô thức như vậy? Làm sao để có thể giải quyết triệt để hình bóng người cũ?
Đúng là con đang không hài lòng về chồng, nhưng con lại không muốn mình không chung thủy như vậy.
Thật sự kỳ này con hỏi cũng hơi kỳ, nhưng con cũng băn khoăn quá, không biết mình có phạm giới nếu cứ năm mơ về người khác như vậy không Thầy ơi?
Con cảm ơn Thầy nhiều lắm ạ.


Trả lời:

Con chỉ nên xem mộng như những dấu hiệu để con chiêm nghiệm và hiểu rõ sâu hơn phần tâm lý tiềm ẩn bên trong. Ý thức chỉ là một phần nhỏ của sự tiếp hiện bên ngoài, bên trong tiềm thức mới là phần lớn những hoạt động vô thức của đời sống. Như vậy, giấc chiêm bao giúp con khám phá phần mà ý thức không biết được.
Đây là chuyện bình thường mà hầu như mọi người đều gặp. Nó nói lên những sự thật nào đó mà các nhà phân tâm học có thể biết được những uẩn khúc bên trong tâm thức của mỗi người. Nó vẫn chỉ là tiềm ẩn mang tính hậu quả, chưa phát ra tư tưởng, hành động hoặc lời nói cụ thể nên chưa phải là thái độ tạo nghiệp, con không cần lo lắng quá.
Tốt nhất là con nên thường biết mình trong hiện hiện tại, và cảm ơn những giấc chiêm bao giúp con khám phá chính mình, khám phá bản chất của nội tâm và sự tương đối của con người trong mối quan hệ đời sống. Không nên chạy trốn sự thật. Đó là những bài học quý giá để con hiểu biết chính mình hơn.
Thưa thầy! Trong thời gian gần đây con gặp một hiện tượng lạ nên muốn hỏi thầy. Trong giấc ngủ, thình thoảng toàn thân con có cảm giác "bừng bừng" tỉnh. Mặc dù khi đó con đang ngủ, nhưng con biết rất rõ toàn thân. Cảm giác này "rất rõ ràng" từ đầu đến chân. Hiện tượng này xuất hiện và kết thúc trong vài phút. Khi đó nếu con thích thú chú ý hoặc ngắm nhìn thì sau khi hết, con có cảm giác hơi căng thẳng và đau đầu. Nhưng cũng có một số lần con không đau đầu. Vậy đây có phải là hiệu ứng của pháp hành thiền tuệ không ạ? Con xin thầy cho con lời khuyên ạ. Con cảm ơn thầy nhiều ạ!


Hữu thức hoá vô thức

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Thầy! Thưa Thầy trước đây khi gặp Thầy do không sáng suốt mà con đã tỏ ý không tôn kính Thầy. Nay con xin sám hối lỗi lầm mà con đã mắc phải. Kính mong Thầy từ bi tha thứ cho con.
Giờ con mong Thầy giải đáp giúp con thắc mắc như sau: Gần đây khi ngồi thiền những suy nghĩ khởi lên trong tâm có ít đi, song khi ngủ nó lại khởi lên nhiều hơn. Và con có thể cảm nhận được nó. Những suy nghĩ này tới suy nghĩ khác cứ nối tiếp nhau như từng đợt sóng. Nhiều khi con lại không hài lòng về việc này, con biết như vậy là còn mong cầu một trạng thái nào đó an ổn hơn. Nhưng con vẫn còn hoài nghi nhiều về điều này. Con xin Thầy giúp con được sáng tỏ. Con thành tâm biết ơn Thầy!

Trả lời:



Có thể là trong khi ngồi thiền do mong cầu trạng thái yên ổn nên con đã ít nhiều dồn nén những cảm xúc hay tư tưởng vào tiềm thức, vì vậy mà con ít thấy có cảm xúc hoặc tư tưởng khởi lên. Chính những cảm xúc và tư tưởng bị dồn nén này đã trở thành tập khí hay những khuynh hướng vô thức, tạo lực xung động để xuất hiện thành những giấc chiêm bao.
Và ngay cả ban ngày khi con không ngồi thiền để ổn định tâm, thì những xung động này vẫn xuất hiện dưới dạng những tạp niệm (mộng mị ban ngày). Con nên trở về trọn vẹn trong sáng với những hoạt động hàng ngày nhiều hơn để hữu thức hoá những xung động vô thức và nên bỏ dần thói quen ngồi thiền với ý dồn nén để được yên ổn. Thiền là để thấy ra cái thực (thực tánh pháp) chứ không phải để bám trụ hay đạt được bất kỳ trạng thái nào.


Vô thức để tánh biết lo

Thầy ơi, trà đạo kỳ rồi Thầy nói về vô thức, đó là vấn đề của con mà con nghe đi nghe lại mãi vẫn không học ra được. Con hay bị rơi vào vô thức lắm, sự tập trung quan sát của con rất kém, nhất là những lúc quá mệt mỏi, buồn ngủ, hay khi bị cuốn vào làm việc gì đó miệt mài là rơi vào vô thức, không đủ tỉnh táo biết mình. Con bắt đầu tập theo cách quan sát bản thân hơn một năm rồi, ban đầu còn cứng ngắt, nhưng gần đây khi con quan sát thì rất tự nhiên. Khi con tự nhiên như vậy, bây giờ nghĩ lại không biết có xen vô thức vào đó mà không biết không nữa, vì lúc đó con cảm thấy mình đang ở giữa dòng thời gian và chỉ thấy tương tác. Không biết có phải bản ngã của con bất an hay là do con bị vô thức chi phối nữa (hay ban đầu không phải vô thức mà về sau dần rơi vào vô thức).
Còn có nhiều khi đang làm việc gì, hay đang quan sát thân tâm mình, tự nhiên đầu óc con trống rỗng, cảm thấy mọi thứ đều không, nhưng cái 'không' đó kì cục lắm... Con xin lỗi vì đã làm phiền Thầy ạ, con cứ lo lắng vì con tỉnh thì ít mà mê mờ thì nhiều, con sợ hãi vì sống trong vô thức, không rõ mình đang làm gì. Có nhiều khi đầu óc trống rỗng vậy nữa.

Trả lời:

Không hẳn vô thức đã xấu, có khi vô thức tốt hơn hữu thức. Chỉ khi hữu thức thanh tịnh mới đúng tốt, lúc đó gọi là tri kiến thanh tịnh, còn khi hữu thức sai xấu chỉ dẫn đến hậu quả tai hại. Tánh biết hoàn hảo hơn cả tri kiến thanh tịnh nhưng lại là cái biết không hữu thức, không vô thức, hoặc bao trùm cả hữu thức lẫn vô thức, nên có thể nói đó là "phi thức", "ngoại thức" gì cũng được. Con cứ lo phần hữu thức đúng tốt còn phần vô thức để tánh biết lo.
Trích: Hỏi Đáp Phật Pháp  trungtamhotong.org