Năm Loại Chánh Kiến (sammā-diṭṭhi)

1. Kammassakatā-sammādiṭṭhi (chánh kiến rằng các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp) Sự hiểu biết về niềm tin đối với nghiệp và quả của nghiệp.
Nhờ nghe Pháp, nhờ thấy sự vận hành nhân quả trong cuộc sống, như thấy người đau khổ do tạo nghiệp xấu hay người đạt được thành công do tạo nhiều công đức, thiện pháp, nên chúng ta có niềm tin về nghiệp và quả của nghiệp, có Chánh kiến đối với nhân quả hay nghiệp. Ở trình độ cao hơn khi hành giả hành thiền, có thể thấy biết sự vận hành nhân quả của thân tâm, đó là chánh kiến về nhân quả. Những người không phải Phật Tử, khi thấy người khác nhận lãnh quả ngoài đời thì họ cũng có niềm tin, nhưng niềm tin này không có trí tuệ và không sâu sắc. Còn với người hiểu biết nhân quả nghiệp báu qua tu tập, qua trực giác, thì chánh kiến nhân quả sâu sắc và vững vàng hơn.



2. Nāma-rūpa-pariggaha-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ việc thấu triệt Thấy biết những đặc tính của các hiện tượng tâm-vật lý (Danh-sắc). Khi hành giả hành thiền quán hay thiền tuệ thì phân biệt được đây là danh pháp, đây là sắc pháp. Hiểu biết như vậy là có chánh kiến.
Người hành thiền định sau đó hành thiền tuệ, sau khi xuất ra khỏi tầng thiền định, quán chiếu những chi thiền của tầng thiền
đó và phân biệt, thấy biết rõ những chi thiền là danh pháp, nơi phát sinh tâm có những chi thiền đó là sắc pháp. Hay là khi hành giả thực hành đề mục cảm giác cảm thọ, thì cảm giác cảm thọ là danh pháp, nơi khởi sinh lên những cảm thọ đó là sắc pháp. Hay khi hành giả quán sát những đề mục như là tứ đại...v.v..., hành giả có thể thấy rõ phân biệt được danh pháp và sắc pháp, nên chánh kiến hiểu biết về danh sắc pháp này rất rộng.
Khi hành giả thấy rõ đây là danh pháp, đây là sắc pháp mà không có gì gọi là ta, là của ta, là tự ngã của ta, chỉ thấy danh pháp và sắc pháp mà thôi. Dù thực hành bất cứ đề mục nào (thân, thọ, tâm, pháp) thì tất cả chỉ có danh pháp và sắc pháp mà thôi.

3. Hetu-paccaya-pariggaha-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sinh từ việc thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của các hiện tưởng tâm-vật lý (Danh-sắc). Hiểu rõ Nhân và duyên của danh pháp và sắc pháp.
Đối với một danh pháp hay sắc pháp khởi sinh lên đều có nhân và duyên của nó. Một người có thể nhìn thấy những kiếp quá khứ thì có thể phân biệt, thấy rõ được những nghiệp đã từng tạo trong quá khứ, nên bây giờ trở thành như thế này, như thế kia, thì sự hiểu biết đó cũng gọi là chánh kiến. Và chánh kiến này là nhân và duyên của danh pháp và sắc pháp. 


4. Khi hành giả thấy rõ tam tướng của danh pháp và sắc pháp (vô thường, khổ, vô ngã) thì hành giả có chánh kiến thứ tư gọi là Vipassanā-ñāṇa-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ nhận thức với trí tuệ minh sát).
Chánh kiến này cũng thuộc lãnh vực rất rộng lớn, vì từ khi hành giả biết rõ tam tướng của danh pháp và sắc pháp thì hành giả sẽ biết, sẽ thấy rõ sự sanh diệt của danh sắc pháp, và cảm thấy sợ hãi. Từ đó tâm mới trở nên vô cầu vô tham, muốn giải thoát khỏi danh và sắc pháp gọi là tuệ xả hành, bao gồm 10 loại trí tuệ thiền tuệ, chánh kiến của trí tuệ thiền tuệ này rất rộng.
Mặc dù hành giả không qua 10 trí tuệ thiền tuệ này, nhưng nếu hành giả thực hành thuần thục biết rõ tam tướng của danh pháp và sắc pháp, thì những trí tuệ thiền tuệ này sẽ xuất hiện trong tâm của hành giả một cách tự nhiên, và đến trí tuệ nào hành giả cũng đều cảm nhận được. Nên điều quan trọng là hành giả cần phải thuần thục trong sự thấy biết tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã của danh pháp và sắc pháp.
Sau 10 loại trí tuệ thuộc chánh kiến thứ tư này (10 loại trí tuệ thiền tuệ) thì có trí tuệ thuận dòng hay thuận thứ.
Trí tuệ thuận thứ được ví dụ như bình minh đang lên, khi một người thấy bình minh đang lên thì người đó biết chắc chắn rằng mặt trời đang mọc. Tương tự như vậy, một hành giả khi đã thuần thục qua sự thực hành thiền quán và có đầy đủ balamật thì sau trí tuệ hành xả, tức là sau 10 loại trí tuệ thiền tuệ thì trí tuệ thuận thứ sẽ xuất hiện, và hành giả sẽ biết chắc chắn rằng trí tuệ thánh đạo nhập lưu sẽ khởi sinh lên ở trong tâm vị đó. Đó là ví dụ để chúng ta dễ so sánh trí tuệ thuận thứ gọi là bình minh, vì mặc dù mặt trời chưa mọc nhưng thấy bình minh đến thì chắc chắn mặt trời sẽ mọc. Ngay sau trí tuệ thuận thứ thì có một loại trí tuệ khởi sinh lên nằm ở giữa trí thế gian và trí tuệ xuất thế gian như là vạch ngang, như là biên giới trí tuệ này là chuyển tánh. Sở dĩ gọi là chuyển tánh bởi vì một người trước khi chứng đắc thánh đạo thánh quả nhập lưu, thì người đó vẫn còn tánh phàm, và khi vị đó chứng đắc được thánh đạo thánh quả nhập lưu thì vị đó trở thành bậc thánh. Vì vậy điểm giữa của trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thế gian gọi là trí tuệ chuyển tánh, cũng như vạch biên giới giữa 2 quốc gia thì vạch biên giới này nằm ở giữa không thuộc quốc gia này hay thuộc quốc gia kia.
Cũng tương tự như vậy trí tuệ chuyển tánh không phải là trí tuệ thế gian cũng không phải là trí tuệ xuất thế gian. Sau trí tuệ chuyển tánh thì trí tuệ thánh đạo nhập lưu là tầng thánh đầu tiên trong 4 thánh đạo sẽ sinh khởi. Để hiểu rõ thêm về 3 trí tuệ (thuận thứ, chuyển tánh, thánh đạo trí) này, có ví dụ như mặt trăng bị mây che thì chúng ta nhìn lên không thấy được, nhưng có những luồng gió thổi bay những đám mây thì mặt trăng sẽ hiện rõ. Có tất cả 3 làn gió để thổi những đám mây khỏi mặt trăng thì mặt trăng sẽ xuất hiện và được thấy rõ. Tương tự như vậy, khi trí tuệ thuận thứ như là những ngọn gió thổi bay những đám mây che mặt trăng thì trí tuệ chuyển tánh như là vầng trăng đang xuất hiện.
Trí tuệ chuyển tánh là trí tuệ có thể nhìn thấy được Niết bàn. Mặc dù không còn chức năng để loại trừ phiền não, nhưng đối tượng của tâm có trí tuệ chuyển tánh lấy đối tượng niết bàn làm đối tượng, và sau đó thì trí tuệ thánh đạo nhập lưu xuất hiện. Giống như là đám mây đã đi khỏi mặt trăng, không còn che mặt trăng nữa, nên trí tuệ thánh đạo là trí tuệ vừa lấy niết bàn làm đối tượng, vừa có chức năng loại trừ phiền não.
Trí tuệ thuận thứ chính là trí tuệ thuộc về thế gian. Còn trí tuệ chuyển tánh không phải trí tuệ thế gian và cũng không phải trí
tuệ xuất thế gian, mà là điểm giữa, lấy niết bàn làm đối tượng, nhưng không có chức năng loại trừ phiền não. Có trí tuệ gọi là thánh đạo tuệ mới có khả năng loại trừ phiền não và lấy Niết Bàn làm đối tượng. Trí tuệ Thánh đạo tuệ này là trí tuệ xuất thế gian, gọi là chánh kiến xuất thế, là chánh kiến thứ 5.

5. Trí tuệ thánh đạo tuệ gọi là chánh kiến xuất thế, là chánh kiến thứ 5 Lokuttarā-magga-phala-sammādiṭṭhi (chánh kiến phát sanh từ việc chứng các thánh đạo thánh quả). Như ông Cấp Cô Độc và bà Visaka là những vị Thánh nhập lưu đã có được Thánh Đạo tuệ của vị Thánh nhập lưu. Thánh nhập lưu vĩnh viễn không còn tái sanh vào 4 đường ác đạo ( địa ngục, ngạ quỷ, atula và súc sanh). Vừa rồi, Ngài đã trình bày 5 loại chánh kiến chúng ta nghe và hiểu biết. Sự hiểu biết này gọi là văn tuệ, rất quan trọng. Và quan trọng hơn là hành giả thực hành để có thể tự mình trực tiếp thấy rõ, trực tiếp biết được 5 loại chánh kiến này. Trong 5 loại chánh kiến này, thì 4 loại chánh kiến đầu tiên là chánh kiến hợp thế, hay còn gọi là chánh kiến ở thế gian. Chánh kiến thứ 5 là trí tuệ xuất thế gian hay gọi là thánh đạo tuệ.
Trong 4 loại chánh kiến hợp thế thì một nửa chánh kiến đầu tiên là niềm tin đối với nhân quả và nghiệp báu, trong phật giáo cũng có và ở ngoài phật giáo cũng có, nhưng chánh kiến còn lại chỉ có trong phật giáo mà thôi, và chỉ có thực hành thiền tuệ mới có được chánh kiến này. Để nhận được những loại chánh kiến duy nhất có trong phật giáo, trong kiếp này chúng ta có duyên lành gặp được chánh pháp, có điều kiện để thực hành, thì chúng ta phải tinh tấn thực hành mới có được 5 loại chánh kiến này.




Sayadaw Sundara Tipiṭaka 10 

Sư Thiện Đức - Kusalaguna thông dịch 

✽✽✽🌿✽✽✽


*Chánh Kiến Rằng Các Chúng Sanh Là Chủ Nhân Của Nghiệp (Kammassakatā-sammādiṭṭhi) Luôn Luôn Tồn Tại
Kammassakata-sammādiṭṭhi đã giải thích rõ ở trên là loại chánh kiến hiện hữu trong vô lượng vô biên vũ trụ và thời gian cho dù đức Chánh Biến Tri không xuất hiện.
Chính do sự hiện hữu rất dễ nhận ra của chánh kiến này trong thế gian mà những cõi vui có mặt, tức những cõi nhân, thiên và Phạm Thiên có mặt. Các bậc thượng thủ thinh văn, các bậc Độc giác Phật và các bậc Toàn Giác Phật tương lai cũng có mặt do chánh kiến về các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp này.
Những ai có trí tuệ phát sinh từ loại chánh kiến về nghiệp này sẽ thoát ra khỏi các loại tà kiến. Nó là 'Đại nhãn' - con mắt lớn) của cõi thế gian. Tuy nhiên, thân kiến của những người chỉ thuần có chánh kiến này vẫn còn nguyên vẹn không thay đổi.
Thân kiến này cũng được chia thành bốn loại:
1. Ati-oḷārika-attādiṭṭhi (thân kiến rất thô)
2. Oḷārika-attādiṭṭhi (thân kiến thô)
3. Sukhuma-attādiṭṭhi (thân kiến vi tế)
4. Ati-sukkhuma-attādiṭṭhi (thân kiến rất vi tế)
Bốn cấp độ của thân kiến này phải được đoạn trừ lần lượt rằng: chánh kiến phân tích danh sắc (nāma-rūpa pariggaha-sammādiṭṭhi), chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetupacaya sammādiṭṭhi), chánh kiến thuộc minh sát trí (vipassanā ñāṇa-sammādiṭṭhi) và chánh kiến thuộc đạo quả siêu thế (lokuttarā-magga-phala-sammādiṭṭhi).
Trong bốn loại chánh kiến ấy, chánh kiến phát sanh từ sự thấu triệt các hiện tượng tâm-vật-lý được gọi là chánh kiến phân tích danh-sắc (nāma-rūpa-pariggaha sammādiṭṭhi). Chánh kiến phát sanh từ sự thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của các hiện tượng tâm-vật lý, chánh kiến về duyên khởi của các hiện tượng ấy được gọi là chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetu-pacaya-pariggaha-sammādiṭṭhi). Chánh kiến phát sanh từ việc quán tính chất vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā) được gọi là chánh kiến thuộc tri kiến minh sát (vipassanā ñāṇa dassana-sammādiṭṭhi). Còn trí phát sinh từ sự chứng đắc các đạo quả siêu thế được gọi là chánh kiến thuộc đạo quả siêu thế (lokuttarā-magga-phala-sammādiṭṭhi).
Bốn loại chánh kiến này chỉ có thể đắc được trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật. Ngoài ra ở bất cứ thời kỳ nào khác, những chánh kiến này là bất khả đắc.
Ngã Kiến Rất Thô (ati-oḷārika diṭṭhi) Ngược Với Trí Phát Sanh Từ Thanh Tịnh Kiến (Diṭṭhi-visuddhiñāṇa)
Một số người chủ trương rằng năm uẩn là tự ngã (attā) hay linh hồn. Một số khác cho rằng ngoài năm uẩn này có một linh hồn điều khiển chúng. Tất cả các loại ảo tưởng như vậy được gọi là thân kiến rất thô (ati-oḷārika-attā-diṭṭhi). Tà kiến này chỉ những ai có chánh kiến phân tích danh sắc (nāma-rūpa pariggaha-sammādiṭṭhi) mới có thể loại trừ được.
Ghi chú :
Trí tuệ phát sinh từ việc thấu triệt đặc tính của các hiện tượng tâm vật lý hay còn gọi là Danh Sắc phân tích trí (nāma rūpa pariggaha ñāṇa), trí tuệ xác định các hiện tượng tâm vật lý (nāma rūpa navutthāna ñāṇa), và trí tuệ phát sinh từ việc thanh tịnh tri kiến (diṭṭhi visuddhi) là như nhau. Những loại trí ấy chỉ là những từ đồng nghĩa của chánh kiến phân tích Danh-Sắc (nāma rūpa pariggaha sammādiṭṭhi). Liên quan đến chánh kiến này, trong Paramattha saṅkhepa có nói: 'Thân kiến sẽ bị xua tan và thanh tịnh kiến sẽ phát sanh nếu người ta có thể xác lập Danh và Sắc (nāma rūpa) lần lượt theo tính chất, nhiệm vụ, sự cần thiết, khuynh hướng và căn bản của chúng'.
Ngã Kiến Thô (oḷārika-attā diṭṭhi) Và Trí Phát Sanh Từ Sự Thấu Triệt Căn Nguyên Và Các Nhân Khác Của Các Hiện Tượng Tâm-Vật Lý Hay Nhân Duyên Phân Biệt Trí (paccaya-pariggaha ñāṇā)
Một số người chủ trương một cách mê lầm rằng có 'người làm mọi hành động' - (người tạo nghiệp) và cũng có 'người thọ nhận các hậu quả'. Ảo tưởng về Tác Nhân Kiến (kāraka diṭṭhi: tà kiến cho rằng có một người làm và thọ nhận các quả báo) này được gọi là ngã kiến thô.
Những người có chánh kiến phân biệt nhân duyên có thể xua tan kāraka diṭṭhi (tác nhân kiến) và vedāka-diṭṭhi (thọ giả kiến). Chánh kiến này cũng có thể xua tan vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi) do những người chấp theo 'thuyết vô nhân' của hiện hữu, và dị nhân kiến (visama hetu-diṭṭhi) do những người tin rằng Thượng Đế là người sáng tạo chủ trương. Người có chánh kiến này cũng có thể tiêu diệt tám loại nghi và mười sáu loại nghi thuộc về tri thức hay đạo đức.
Ghi chú :
Trí phân biệt nhân duyên là Đoạn nghi thanh tịnh trí (kankhāvitarana-visuddhi-ñāṇa). Ở đây, trí phát sinh từ việc thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của các hiện tượng tâm vật lý và trí phát sanh từ sự thanh tịnh do mọi hoài nghi đã được loại trừ là như nhau. Chúng chỉ là những từ đồng nghĩa của chánh kiến phân biệt nhân duyên (paccaya pariggaha sammādiṭṭhi.
Đại sư Ledi Sayadaw trong Luận giải về các Chân lý tuyệt đối (Paramattha-saṅkhepa) có nói: ‘Nếu một người thấu triệt duyên khởi của các hiện tượng tâm vật lý của hiện hữu, họ sẽ đắc được trí liên hệ đến sự thanh tịnh vượt qua mọi hoài nghi, xua tan mười sáu loại nghi, tám loại nghi, và các loại tà kiến khác.’
Hai loại chánh kiến: Chánh kiến phân tích danh sắc và chánh kiến phân biệt nhân duyên, có thể nhổ bật gốc ngã kiến thô vốn khởi lên trong các chúng sinh một cách tích cực. Song chúng không thể bứng gốc thân kiến vi tế ngủ ngầm trong họ, chúng cũng không thể bứng gốc khuynh hướng hoài nghi của họ. Chúng ta biết, khuynh hướng này, thân kiến vi tế này là nhân căn để hay hạt giống của mọi tà kiến.
Thân Kiến Vi Tế Và Minh Sát Trí (sukhuma-attā diṭṭhi và Vipassanā-ñāṇa)
Khi, do quán vô thường, khổ, và vô ngã mà người ta đạt được minh sát trí, thân kiến vi tế và các trạng thái nghi đã bị dập tắt, song thân kiến cực kỳ vi tế và những hoài nghi ngủ ngầm vẫn còn nguyên vẹn.
Thân Kiến Cực Kỳ Vi Tế Và Đạo Quả Trí (Ati-sukhuma attā-diṭṭhi và Magga-phala-ñāṇa)
Khi chánh kiến thuộc Nhập lưu thánh đạo và Nhập lưu thánh quả, tức chánh kiến đầu tiên trong bốn loại chánh kiến siêu thế, phát sanh, thân kiến cực kỳ vi tế và những hoài nghi ngủ ngầm đã bị trục xuất. Một khi thân kiến và nghi đã bị trục xuất hoàn toàn, những hành động độc ác, thấp hèn khiến người ta phải tái sinh trong bốn ác đạo cũng hoàn toàn bị dập tắt. Từ khoảnh khắc ấy 'tuệ nhãn', nhờ đó mà người ta có thể chứng ngộ Tứ thánh đế, sẽ khởi lên trong họ một cách thường trực và kiên định. Cho dù họ có phải trải qua các cõi nhân, thiên, và Phạm Thiên trong vòng luân hồi này, song họ sẽ thong dong như những người lương thiện và giới đức, đã an lập trong chánh kiến, giới hạnh, thiền định và trí tuệ; tất cả những điều này sẽ là thường và không bao giờ bị tiêu hoại. Họ sẽ luôn luôn là người hiền lương, giới đức thuộc các giai tầng cao, thọ hưởng sự giàu sang, vinh dự to lớn và có đông đảo kẻ hầu người hạ… Họ sẽ luôn luôn có khả năng thể nhập Tứ Thánh Đế.
Trên đây là lời giải thích về những lợi ích của Phật Pháp (Buddha's sāsana) mà một vị Nhập lưu (sotāpanna), người đã đạt đến thánh đạo và thánh quả đầu tiên, thọ hưởng.
Ví Dụ Cái Bát Sắt
Bần tăng xin nêu ra đây một ví dụ. Giả sử người kia kiếm được một cái bát sắt còn chắc chắn nhưng rất hoen gỉ. Anh liền bóc lớp gỉ bên ngoài ra bằng một cái đục và thấy được chất sắt màu sẫm. Bước thứ hai, anh ta đánh bóng bề mặt sẫm của cái bát sắt bằng bột đá và bột gạch thì thấy được lớp màu nguyên thủy của cái bát. Bước thứ ba, anh đánh bóng những tạp chất còn lại trên mặt bát bằng một loại bột đá rất mịn để mặt bát trở nên sáng hơn. Lúc ấy cái bát sắt sẽ không còn những tạp chất thô trên bề mặt.
Mặc dù cái bát đã hết tạp chất thô ở mặt ngoài, song những tạp chất tế và cực kỳ vi tế nằm ngầm bên trong bát vẫn không suy suyễn, nghĩa là chúng không mất đi mà còn nguyên vẹn như hồi nào đến giờ. Những tạp chất vi tế và cực kỳ vi tế nằm ngầm bên trong cái bát này là căn nguyên của các tạp chất thô có thể hình thành trên mặt ngoài của cái bát bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng khi cái bát bị ẩm hay tiếp xúc với nước acit hoặc nước muối - những nhân tố sinh ra tạp chất - thì những tạp chất tế và cực kỳ vi tế nằm ngầm trong cái bát sẽ giúp cho sự tăng trưởng của những tạp chất thô và cực thô trên bề mặt bát, và một lần nữa cái bát trở nên sẫm màu hoàn toàn.
Chủ nhân của cái bát trước đó đã đánh bóng mặt ngoài rồi liền nhúng nó vào dung dịch acit hay một hóa chất nào đó nhiều lần, và bỏ nó vô một cái nồi nấu kim loại được đốt nóng tới một nhiệt độ cao. Lúc ấy các tạp chất vi tế chứa trong cái bát đã trở nên trong sạch, nhưng các tạp chất cực kỳ vi tế trong cái bát sắt chưa hết, chúng vẫn còn nguyên như trước. Cái bát chưa loại hết được mọi tạp chất. Nếu nó tiếp xúc với các điều kiện có thể tạo thành tạp chất mới, thì một lớp bất tịnh mới sẽ lại hình thành trên bề mặt.
Cuối cùng, chủ nhân của cái bát đã được làm cho khá sạch trước đó, lại nhúng nó vào trong một dung dịch acit mạnh hơn hay một loại hóa chất được pha chế đặc biệt trong bảy ngày rồi nướng nó trên một ngọn lửa rất nóng trong bảy ngày và bảy đêm. Lúc đó tất cả những tạp chất cực kỳ vi tế chứa trong cái bát bị loại trừ hoàn toàn. Từ khoảnh khắc đó những tạp chất này không còn cơ hội để hình thành lại trong cái bát sắt. Cái bát giờ đây trở thành vô nhiễm có ánh sáng luôn luôn rạng rỡ. Nó đã trở thành một cái bát được xem là chói sáng như một vầng nhật nguyệt.
Ở đây, cái bát lúc gỉ sét còn tích tụ trong một thời gian dài cũng giống như kẻ phàm phu còn chấp chặt thân kiến trong vòng luân hồi bất tận vậy.
Khi những lớp dày của tạp chất thô đã được bóc ra bằng một cái đục, cũng giống như kẻ phàm phu kia đã tẩy trừ được tiền định kiến (pubbekata-hetu-diṭṭhi – quan niệm cho rằng mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ hưởng trong kiếp hiện tại là do nhân, do duyên nghiệp quá khứ), tạo hóa kiến (issaranimmāna-hetu-diṭṭhi – quan niệm cho rằng mọi cảm thọ mà các chúng sinh thọ lãnh trong kiếp hiện tại là do Thượng Đế tạo ra) và Vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi – quan niệm về sự 'vô nhân và vô duyên' của hiện hữu) bằng chánh kiến về nghiệp (kammassakatā-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sinh từ việc hiểu rằng các chúng sinh là chủ nhân ông của nghiệp).
Cái bát sắt khi mặt ngoài của nó đã được đánh bóng bằng bột đá và bột gạch, cũng giống như kẻ phàm phu đã nhổ bật gốc được thân kiến rất thô bằng chánh kiến phân tích danh sắc (nāma-rūpa-pariggaha sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sanh từ sự thấu triệt các đặc tính của những hiện tượng tâm-vật lý).
Cái bát sắt khi được đánh bóng cao cấp hơn một lần nữa bằng một loại bột rất mịn cũng giống như kẻ phàm phu đã xua tan được thân kiến kém thô hơn bằng chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetu-paccaya-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sinh từ việc thấu triệt căn nguyên và các nhân khác của những hiện tượng tâm-vật lý).
Cái bát sắt khi những tạp chất vi tế nằm ngầm trong đó đã được làm cho trong sạch tới một mức nào đó bằng cách xử lý với acit mạnh và dung dịch hóa chất được pha chế đặc biệt rồi đốt nóng tới cao độ trong một cái nồi nấu kim loại, cũng giống như một người đã loại trừ được thân kiến bằng chánh kiến thuộc tri kiến minh sát (vipassanā-ñāṇa dassana-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sinh từ sự nhận thức với tuệ minh sát.)
Cái bát khi đã được chuyển đổi thành cái bát vô nhiễm bằng cách xử lý với acit cực mạnh hay một dung dịch hóa chất trong bảy ngày và bảy đêm, và được nướng trên một ngọn lửa cực nóng trong bảy ngày và bảy đêm khác, như vậy đã loại trừ tất cả những tạp chất một cách tuyệt đối, cũng giống như một vị thánh thuộc siêu thế vức, vị đã tuyệt trừ thân kiến cực kỳ vi tế bằng chánh kiến thuộc đạo quả siêu thế (lokuttarā magga-phala-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sanh từ sự chứng đắc các thánh đạo và thánh quả).
Những người giới đức mong muốn thọ hưởng những lợi ích của Phật Pháp nên cố gắng hết sức để chứng ngộ năm loại chánh kiến này.
Làm Thế Nào Để Có Được Danh Sắc Phân Tích Trí (Nāma-rūpa-pariggaha-ñāṇa)
Về năm loại Chánh kiến, phương pháp để có được kammassakattā-sammādiṭṭhi đã được giải thích tỉ mỉ trong một chương trước. Những người nỗ lực để có chánh kiến phân tích Danh-sắc (nāma-rūpa pariggaha-sammādiṭṭhi) nên ghi nhận thật kỹ và quán chỉ một danh pháp, danh pháp này nổi bật nhất trong số các hiện tượng tâm lý (Danh pháp), và cũng là một hiện tượng chính kết hợp bất khả phân với tất cả các tâm (bảy tâm sở biến hành : xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư, nhất tâm và mạng quyền).
Nếu một người tu tập các căn tinh thần (ngũ căn : tín, tấn, niệm, định, tuệ) bằng cách tập trung trên một tâm sở cơ bản và quan trọng, tâm sở vốn kết hợp bất khả phân với tất cả tâm, thì các hiện tượng tâm lý khác cũng sẽ được bao hàm bởi sự quán này, chứ không cần phải quán riêng chúng.
Lời này là thực. Trong Nidānavagga của Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-nikaaya), đức Phật tuyên bố rằng nếu một người tuệ tri xúc thực (phassa-āhāra – duyên của xúc), họ sẽ liễu tri ba loại thọ, lạc, khổ, bất lạc bất khổ (xả) và sẽ thành tựu cứu cánh (giải thoát).
Đức Phật, trong kinh này cũng tuyên bố, nếu một người tuệ tri tư niệm thực (mamo-sancetanāhāra – duyên của hành), họ sẽ liễu tri ba loại ái và thành tựu cứu cánh; và nếu một người tuệ tri thức thực (viññāṇāhara – duyên của thức), họ sẽ liễu tri danh sắc và thành tựu cứu cánh (giải thoát).
Trong Mahā-taṅhāsankhaya sutta Ngài cũng dạy cho Đế Thích Thiên Vương (Sakka) rằng, nếu một người có thể tuệ tri thọ (vedanā), họ có thể thành tựu cứu cánh. Ngoài ra, có nhiều bản kinh khác đức Phật dạy phương pháp quán dựa trên một danh pháp (hiện tượng tâm lý) duy nhất mà thôi.
Trong việc quán sắc (các hiện tượng vật lý) cũng vậy, nếu một người quán tứ đại, họ có thể quán đại chủng nào dễ thấy nhất, và các hiện tượng vật lý (sắc pháp) khác cũng sẽ nằm trong tầm quán này.
Trong chương nói về Kiến tịnh (Diṭṭhi-visuddhi) của bộ chú giải Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga Aṭṭhakathā), tiến trình để tuệ tri các đặc tính của các hiện tượng tâm-vật-lý (Danh-Sắc) đã được trình bày rất đầy đủ và chi tiết, song những điều trình bày ở đó chỉ dành cho những người rất mực thông minh và đặc biệt cho những người đã hiểu rõ Vi Diệu Pháp. Nó không dành cho người mới bắt đầu thực hành thiền quán.
Lời này là thực, vì đức Chánh Biến Tri đã không dạy Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) này ở cõi nhân loại, nơi mà Ngài chỉ đề cập đến những pháp như các thiện nghiệp, năm uẩn, v.v… Tạng Diệu Pháp chỉ được Ngài dạy cho các vị chư Thiên trên Thiên giới Đạo Lợi (Tāvatimsa) mà thôi.
Nói chung, ở cõi nhân loại, đức Chánh Đẳng Giác chỉ dạy những hiện tượng tâm-vật-lý hay các Danh pháp và Sắc pháp nào thích hợp với chúng sinh ở đây, cũng như để giúp cho họ khả năng đạt đến trí thuộc chánh kiến siêu thế (lokuttarā-sammā diṭṭhi-ñāṇa) bằng cách quán các hiện tượng ấy. Ngài không dạy họ chi tiết tất cả các hiện tượng tâm vật lý làm gì.
Khi một người theo đuổi những công trình nghiên cứu về Phật giáo, họ sẽ hiểu tất cả những lời dạy trong Tạng Diệu Pháp. Tuy nhiên, khi một người đang quán các hiện tượng tâm-vật-lý nhằm có được chánh kiến thuộc tri kiến minh sát (vipassanā-ñāṇa dassana-sammādiṭṭhi) - tức là chánh kiến về tính chất vô thường, khổ, và vô ngã qua trí tuệ minh sát, họ không cần thiết phải biết tất cả những gì chứa đựng trong Tạng Diệu Pháp. Họ chỉ cần xem xét kỹ coi pháp môn kinh (suttanta-method) nào trong số các pháp môn đã được giảng dạy trong Trung bộ (Majjhima-Nikāya) hoặc Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikāya) phù hợp nhất với mục đích của mình, rồi cố gắng để đạt đến Danh Sắc phân tích trí bằng pháp môn đó.
Để làm được như vậy, trước tiên hành giả phải có được những chỉ dẫn từ một bậc thầy thiền quán có khả năng và đã đắc danh-sắc phân tích trí (nāma-rūpa pariggaha-ñāṇa). Ngược lại, nếu hành giả chỉ dựa vào tri thức của mình và quán theo ý thích, có thể hành giả cũng thành tựu được mục tiêu mong mỏi, nhưng phải mất một thời gian khá lâu, hoặc có thể không hoàn thành tựu mục đích ấy cũng có.
Làm Thế Nào Để Có Nhân Duyên Phân Biệt Trí (Paccaya-pariggaha-ñāṇa 
Trí phát sinh từ sự tuệ tri căn nguyên và những nhân khác của các hiện tượng tâm-vật lý)
Trong nỗ lực để đạt đến Chánh kiến phân biệt nhân duyên (hetu-paccaya-pariggaha-sammādiṭṭhi – chánh kiến phát sinh từ sự tuệ tri căn nguyên và các nhân khác của các hiện tượng tâm-vật-lý), hành giả phải quán các pháp sau hợp với tinh thần kinh văn:'āhāra-samudaya rūpa samudayo' v.v…
1. Do có vật thực, các sắc sanh
2. Do có xúc, thọ sanh
3. Do có danh Sắc, thức sanh
4. Do nhãn căn và cảnh sắc làm duyên, nhãn thức sanh
5. Các hiện tượng tâm-vật-lý (danh-Sắc) khởi sanh theo nguyên lý Duyên Sanh.
Làm Cách Nào Để Đắc Minh Sát Tuệ
Khi tu tập các căn (ngũ căn tinh thần) để đạt đến tuệ minh sát, hành giả phải quán như sau:
1. Do vật thực diệt, các sắc diệt
2. Do xúc diệt, thọ diệt
3. Do các hành nghiệp diệt, thức diệt
4. Do thức diệt, danh sắc (hay các hiện tượng tâm-vật-lý) diệt.
5. Do danh Sắc diệt, lục nhập diệt.
6. Do lục nhập diệt, xúc diệt.
7. Do xúc diệt, thọ diệt.
8. Do thọ diệt, ái diệt.
Như vậy, bất cứ khi nào các nhân diệt, các quả cũng sẽ diệt.
Theo lời Đức Phật dạy: ‘yadaniccamtam dukkham’, pháp nào thực sự vô thường (anicca), pháp ấy hoàn toàn không có lạc (sukha), và trong thực tế đó chỉ là khổ (dukkha)thuần túy.
Yam dukkham tadanattā’, pháp (dhamma) nào chỉ thuần khổ (dukkha), thời không thể nương vào (pháp ấy) như là tự ngã (atta). Pháp thuần chỉ có khổ này không nên xem như một pháp có thể bị thống trị bởi ý muốn của con người vậy.

Trích: Chánh Kiến Và Nghiệp
Tác giả: Ledi Sayadaw
Dịch giả: Pháp Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét