Chánh Định - viễn ly tham mọi lúc

Hãy chiêm ngưỡng tấm gương của Đức Thế Tôn. Ngài đã làm cả hai việc cùng một lúc đó là tự tu và hướng dẫn phương pháp hành trì. Ngài đã thực chứng cho hàng đệ tử. Đức Thế Tôn chỉ dạy những cách thực tập cơ bản, đây cũng là những phương tiện thiện xảo để dứt trừ tánh kiêu mạn. Ngài không thể thực tập thay cho chúng ta. Khi nghe Đức Thế Tôn chỉ dạy xong, tự thân mỗi chúng ta phải chiêm nghiệm và thực tập lấy. Lời dạy của Ngài có thể có khả năng giúp chúng ta hiểu giáo pháp ngay, nhưng Pháp không hiện hữu trong tâm của chúng ta được. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta chưa thực tập Pháp, chúng ta chưa có kinh nghiệm gì cả. Giáo pháp sẽ được thông suốt khi có sự thực tập nghiêm túc. Nếu bạn hiểu rõ Pháp, điều đó cho biết bạn có thực tập rồi. Nếu bạn khởi hoài nghi cũng chứng tỏ bạn có thực tập mới khởi hoài nghi được.
Những lời dạy từ bậc Đạo Sư có thể là đúng nhưng chỉ lắng nghe Pháp một cách đơn giản thì chưa đủ làm cho chúng ta nhận chân ra Pháp. Lời dạy chỉ đơn thuần là con đường, còn việc nhận chân Pháp, tự chúng ta phải đưa lời dạy ấy vào trong tâm của chúng ta. Phần cho thân thì chúng ta sử dụng thân, phần của ngôn ngữ chúng ta dành cho ngôn ngữ, và phần cho tâm chúng ta phải thể hội bằng tâm. Điều này có nghĩa là khi nghe pháp rồi, chúng ta phải thực hành trải nghiệm ngay để hiểu Pháp, chính đó mới là Pháp.
Đức Thế Tôn nói rằng người dễ tin lời người khác là người không sáng suốt. Một người sáng suốt sẽ thực tập cho đến khi nào anh ta và Pháp là một, cho đến khi nào anh ta có thể tự tin chính mình, độc lập không ảnh hưởng bởi ai hay việc gì.
Một lần, trong khi đức Thế Tôn giảng giải giáo pháp, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi lắng nghe bên chân của Ngài. Bất chợt, Đức Thế Tôn quay xuống hỏi Tôn giả:
“Này Xá-lợi-phất, ông có tin những điều này không?”
Tôn giả trả lời: “Con chưa tin hẳn những điều này.”
Đây là một minh hoạ hùng hồn nhất. Tôn giả Xá-lợi-phất lắng nghe và ghi nhớ. Khi Tôn giả bảo rằng chưa tin, đó không phải là vì lơ đễnh để rồi không hiểu giáo pháp, mà đó là nói sự thật. Tôn giả chỉ ghi nhớ một cách đơn thuần, chưa dụng công chiêm nghiệm tu tập nên thật sự không tin tưởng và Tôn giả trả lời Đức Thế Tôn rằng chưa tin tưởng lời dạy của Ngài. Những lời của Tôn giả tưởng chừng Tôn giả là người khiếm nhã, nhưng thực sự Tôn giả không phải người như thế. Tôn giả đang nói sự thật, Đức Thế Tôn rất hài lòng và tán thán Tôn giả về sự nói thật này.
“Tốt lắm, Xá-lợi-phất. Một người sáng suốt không dễ dàng tin ngay, anh ta phải cân nhắc kỹ rồi mới tin.”
Thuyết phục làm phát khởi niềm tin có nhiều cách. Có người dùng lý lẽ trình bày Pháp theo chiều thuận, cũng có người trình bày theo chiều nghịch. Cách thứ hai khá liều lĩnh, khó hiểu, gần với tà kiến(micchaditthi). Họ không lắng nghe ai khác. Lấy ví dụ Bà-la-môn Dighanakha. Ông ta chỉ tin tưởng chính ông, không bao giờ tin bất cứ ai. Có một lần, Đức Thế Tôn lưu trú tại Vương Xá Thành, Bà-la-môn Dighanakha đến nghe pháp. Hoặc bạn cũng có thể nghĩ rằng ông ta đến để giáo huấn Đức Phật cũng được bởi vì ông ta chỉ biết quan điểm của mình mà thôi...
“Quan điểm của tôi không gì lay chuyển được.”
Đấy là quan điểm của ông ta. Đức Thế Tôn lắng nghe quan điểm của Bà-la-môn Dighanakha và rồi trả lời:
“Này ông, quan điểm này của ông không xứng hợp với ông.”
Khi Đức Thế Tôn trả lời theo cách này, Bà-la-môn sững sờ, bối rối. Ông không biết phải nói làm sao. Đức Thế Tôn bèn giải thích cho ông ta nghe bằng nhiều cách cho đến khi ông hiểu rõ. Ông thôi chỉ trích và thấy....
“Ồ, quan điểm này của ta thật không đúng.”
Sau khi nghe câu trả lời của Đức Phật, Bà-la-môn không còn kiêu căng ngạo mạn và ngay tức khắc giác ngộ chân lý. Ông quay về đường chánh như thể xoay bàn tay. Ông ca ngợi giáo pháp của Đức Thế Tôn như sau:

“Lắng nghe Thế Tôn dạy, tâm tôi bừng sáng lên,
Như thể người trong đêm, có được cây đuốc sáng.
Tâm tôi cũng như thế, quay về con đường chánh,
Như người bị lạc lối, nay tìm thấy lối về.”

Vào lúc này, một tia sáng nào đó loé lên trong tâm ông ta khiến ông tỉnh ngộ, vỡ lẽ. Tà niệm biến mất nhường chỗ cho chánh niệm. Bóng tối biến mất, chỉ còn ánh sáng ngự trị.
Đức Phật tuyên bố rằng Bà-la-môn Dighanakha pháp nhãn đã được khai thị. Trước đây Bà-la-môn Dighanakha cố chấp quan điểm của mình và chẳng hề nghĩ thay đổi chúng. Song khi nghe Đức Thế Tôn giảng giải giáo pháp, tâm ông ngộ ra sự thật và biết rõ quan điểm của mình lúc trước là không đúng. Khi nhận thức chân chánh có mặt, ông ta mới có thể nhận diện quan điểm sai trái của mình ngày trước, vì thế ông ví kinh nghiệm của ông như thể một người bao lâu nay sống trong căn nhà tối tăm nay đã tìm thấy ánh sáng. Kể từ đây, ông thay đổi quan điểm sai lầm của mình.
Bây giờ chúng ta hãy thay đổi như thế. Trước khi có thể dứt bỏ mọi uế nhiễm, chúng ta hãy thay đổi quan điểm của mình trước đã. Chúng ta hãy bắt đầu thực tập một cách đúng đắn và nghiêm túc. Trước đây chúng ta đã không thực tập một cách đúng đắn và nghiêm túc và chưa biết suy nghĩ đúng và chín chắn. Khi nhìn vào vấn đề gì, chúng ta hãy sáng suốt quán chiếu đúng đắn như là xoay bàn tay vậy. Như thế mới là “Người hiểu biết,” hay cũng gọi là người có trí tuệ mới có thể nhận diện sự vật một cách khác.
Do vậy, người tu tập phải thực tập khai triển sự nhận biết đúng đắn này. Ta gọi đây là Buddho, nghĩa là Phật, bậc giác ngộ, người trí tuệ, tuệ giác phát sinh trong tâm. Khởi thuỷ, sự sáng suốt không có mặt, tri giác của chúng ta lờ mờ, không rõ ràng, không biết đâu thật, đâu đúng. Tri giác rất yếu ớt, không sao giúp tâm sáng suốt. Nhưng khi tâm thay đổi, hay nghịch chuyển, tỉnh thức phát sinh, trí tuệ vượt xa sự tỉnh thức kia liền phát sinh. Cái biết ban đầu kia chưa đủ khả năng giúp chúng ta nhận biết đối tượng một cách rõ ràng, thấu triệt.
Thế cho nên, Đức Thế Tôn bảo chúng ta hãy quay về nội quán, nhìn vào bên trong (opanayiko). Hãy nhìn vào bên trong, đừng nhìn ra bên ngoài. Hay nếu bạn cứ nhìn ra bên ngoài rồi quay lại bên trong thấy nhân và quả bên trong. Nhìn bản chất thật trong vạn vật, bởi vì đối tượng bên ngoài và đối tượng bên trong luôn ảnh hưởng lẫn nhau. Việc thực tập của chúng ta phát triển một chút tỉnh thức nào đó cho đến khi nó mạnh hơn dần chút tỉnh thức trước đó. Trí tuệ từ đó phát sinh, tuệ quán phát sinh từ trong tâm có thể giúp chúng ta sáng suốt, hiểu rõ mọi hành hoạt trong tâm, ngôn ngữ của tâm và cả đường đi nước bước của phiền não.
Khi từ bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tìm cầu giải thoát, rất có thể lúc bấy giờ Đức Thế Tôn chưa định hình rõ việc mình làm, không khác gì sự bối rối của chúng ta bây giờ đây. Ngài hành trì thử hết cách này đến cách nọ để trí tuệ phát khởi. Ngài theo sự hướng dẫn của các vị thầy như Udaka Ramaputta tu tập thiền định, chân phải trên chân trái, tay phải trên tay trái, giữ thân thẳng, mắt nhắm lại, theo đúng phương thức cho đến khi Ngài có thể chứng đắc tầng định cao của pháp môn. Nhưng khi xả định, vọng tưởng lại khởi lên và Ngài lại đắm trước chúng như trước đây. Ngài biết trí tuệ vẫn chưa phát sinh. Tri giác của Ngài vẫn chưa thể nhập vào chân lý, chưa hoàn thiện, vẫn còn khiếm khuyết. Tuy nhiên, Ngài nhận thấy mình có sáng suốt hơn. Đây vẫn chưa là con đường tu tập rốt ráo nên Ngài rời nơi này đi tìm vị thầy mới. Khi rời vị thầy này, Ngài không hề chê bai, chỉ trích ông, cũng giống như loài ong hút mật trong hoa nhưng không hề làm hư hại đến cánh hoa.
Rồi Ngài đến học đạo với vị thầy Alara Kalama và cũng đạt đến tầng định cao sâu nhưng khi vừa xả định, hình ảnh Da-du-đà-la và La-hầu-la lại hiện về trong tâm, kỷ niệm và cảm giác xưa lại ùa về. Tâm tham ái vẫn còn nguyên. Quán chiếu nội tâm, thấy rằng vẫn chưa đạt được mục đích, nên Ngài lại rời vị thầy. Học pháp môn nào, Ngài cũng là người có công phu cao nhất. Ngài tiếp tục theo dõi kết quả tu tập của mình, không chỉ thực tập đơn thuần, Ngài loại bỏ những phương pháp không thích hợp thay vào đó những phương cách thích hợp.
Ngay cả thời gian tu tập khổ hạnh, sau khi nỗ lực tu theo những phương pháp ép xác này, Ngài nhận ra nhịn đói cho đến nỗi thân xác chỉ còn là bộ xương cũng chỉ là pháp tu cho thân mà thôi. Thân xác chẳng là gì cả, tu khổ hạnh như thế cũng giống như trừng phạt kẻ ngốc đi ăn trộm.
Khi nhận ra vấn đề then chốt rằng tu tập không liên quan gì đến thể xác cả mà chỉ liên quan đến tâm, Ngài càng nỗ lực thực tập và hiểu rõ thân thể có giới hạn của nó. Thực ra, chư Phật giác ngộ là ở nơi tâm.
Cho dù thân hay tâm, chúng đều là tạm thời, bất toàn, vô chủ (aniccam, dukkham and anatta). Đây chính là bản chất của mọi vật. Chúng có mặt do có sự hỗ tương tác động của nhiều yếu tố khác, tồn tại một thời gian rồi biến mất. Khi đầy đủ nhân duyên, chúng lại có mặt, tồn tại trong chốc lát rồi mất. Cứ như thế mọi thứ đều không có gì là tôi, là nó, là chúng ta, là họ cả. Không ai cả, chỉ đơn thuần là cảm thọ. Bản chất của hạnh phúc và đau khổ đều không có. Không thể nào tìm thấy cái tôi; bản chất của vạn pháp là phát sinh, hiện hữu rồi đoạn diệt. Chúng tuân theo trật tự tuần hoàn biến đổi này.
Tất cả chúng sinh, bao hàm con người đều biết tự thân họ được sinh ra, tồn tại và chết đi. Thế nên họ tham đắm, chấp giữ mọi thứ. Họ không muốn mọi thứ thay đổi, họ không muốn họ trở nên khác đi. Ví như có một món đồ, họ không muốn món đồ ấy mất đi; họ muốn có hạnh phúc và họ không muốn đau khổ. Nếu đau khổ đến, họ mong đau khổ sớm biến đi và tốt nhất đau khổ đừng bao giờ đến với họ. Bởi vì họ thấy thân và tâm chính là họ, thuộc về họ cho nên họ mong cầu mọi điều theo sở thích của họ.
Loại suy nghĩ này cũng giống như xây một cái đập hay con đê ngăn nước nhưng không làm chỗ thoát nước ra. Kết quả cái đập hay con đê ấy bị vỡ. Loại suy tưởng này cũng thế thôi. Đức Thế Tôn thấy vọng tưởng theo lối này là nguyên nhân của khổ. Thấy được nguyên nhân Ngài loại bỏ nó.
Đây là Sự thật về Khổ, Nguyên nhân của Khổ, Sự chấm dứt Khổ và Con đường đưa đến hết Khổ... và con người ta đang sa lầy ngay nơi đây. Nếu họ không còn hoài nghi, họ sẽ đến được mục đích ngay. Nhận diện tất cả những điều này là danh và sắc, hay nói cách khác là vật chất và tinh thần, rõ ràng họ không phải là họ, không phải là người nào, không phải là chúng ta. Tất cả tuân theo những trật tự của quy luật Tự nhiên.
Sự thực tập của chúng ta là nhận diện vạn pháp theo cách này. Chúng ta không có năng lực thật sự để thu thúc chúng, chúng ta thật sự không phải chủ nhân của chúng. Cố gắng hàng phục chúng chỉ tạo thêm đau khổ, bởi vì chúng không thuộc sự điều khiển của chúng ta. Cả thân lẫn tâm không phải là ta hay ai khác. Nếu biết chúng thật sự như chúng đang là thì chúng ta sẽ thông suốt. Chúng ta thấy được sự thật, chúng ta là một với chúng. Cũng như cục sắt nóng đỏ đang bị nung trong lò. Toàn cục sắt đều nóng cả, dù ở trên hay ở dưới, chỗ nào cũng đều rất nóng. Bất kể chỗ nào chúng ta đụng vào cũng đều nóng cả. Đây là cách bạn nhận chân sự vật.
Phần lớn, khi bắt đầu dụng công tu tập, chúng ta đều muốn chứng đạt, muốn thành tựu, muốn biết, muốn thấy nhưng chúng ta vẫn không biết chúng ta chứng đạt cái gì hay nhận thức ra cái gì. Một đệ tử của tôi trong khi anh ta thực tập thì bị mắc một chứng bệnh dịch “hoài nghi”. Nhưng anh vẫn tiếp tục thực tập và tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn anh cho đến một ngày anh tìm thấy chút bình an. Nhưng khi anh đạt được chút an lạc, anh lại để cho hoài nghi trổi lên trong anh - “Bước kế tiếp tôi phải làm gì đây?” Nghi ngờ theo anh không dứt. Anh nói, anh muốn được an lạc, nhưng khi anh được an lạc rồi, anh lại không muốn nó và hỏi phải làm gì kế tiếp!
Vì thế trong thực tập, chúng ta phải loại bỏ sự tham chấp trong mọi tình huống. Chúng ta loại trừ bằng cách nào? Chúng ta loại trừ bằng cách nhìn sự vật một cách rõ ràng. Nhận biết các đặc điểm của thân và tâm đúng với bản chất của chúng. Chúng ta thiền tập để được an lạc nhưng trong lúc tu tập chúng ta thấy rằng chúng ta không an lạc. Chính vì sự vận động là bản chất của tâm.
Khi thực tập thiền, chúng ta tập trung toàn bộ sự chú ý theo hơi thở vào ra tại mũi và môi trên. Khi tâm hướng đến đối tượng, đó gọi là Tầm (vitakka). Khi tâm ổn định trên đối tượng rồi, đó là Tứ (vicara), chuyên chú vào hơi thở và vùng mũi. Trong giai đoạn Tứ, chúng ta bắt đầu nhận diện sự có mặt của những cảm giác, và lúc ấy chúng ta cho rằng tâm chúng ta vẫn không yên lắng, không định nhưng thật sự giai đoạn của Tứ, trong tâm xuất hiện những cảm giác ấy. Bây giờ, nếu điều này đi xa hơn theo hướng tiêu cực, tâm chúng ta sẽ mất đi tự chủ, nên chúng ta phải điều chỉnh tâm trở lại, hướng tâm trở về giai đoạn Tầm. Ngay khi khởi động lại như thế, sự tập trung của Tứ chuyển giai đoạn, tâm nhận biết một số cảm giác khác.
Khi chúng ta thấy điều này xảy ra, do thiếu kinh nghiệm thực tập, có thể chúng ta thắc mắc: “Tại sao tâm của ta lang thang thế? Tôi muốn tĩnh lặng, tại sao nó không chịu yên lặng?” Thế là bạn đang thực tập với tham chấp rồi đó.
Thực sự, tâm vận hành theo quy luật tự nhiên bình thường của nó nhưng chúng ta sai bảo và tìm cách cho tâm yên tĩnh và nghĩ: “Tại sao tâm không chịu đứng yên?”. Sự bực dọc khởi lên và thế là chúng ta làm tâm đi lang thang xa hơn, khiến nghi ngờ càng mạnh hơn, đau khổ nhiều hơn, hỗn loạn hơn. Vậy là nếu có Tứ, quán sát những gì đang xảy ra trong tâm, theo cách này, chúng ta sẽ sáng suốt cân nhắc... “À, tâm ta đơn giản chỉ là vậy.” Một người có kinh nghiệm thực tập đang kể với bạn rằng họ nhận diện sự vật đúng như thật. Tâm đơn thuần như thế. Chúng ta hãy để tâm tự nhiên và tâm trở nên an bình. Khi nó dịu xuống chúng ta hướng nó vào đối tượng (Tầm) một lần nữa và rất nhanh, nó trở nên bình lặng. Tầm và Tứ làm việc cùng nhau giống như vậy. Chúng ta thực tập Tứ để làm dịu các cảm giác đang có mặt. Khi Tứ dần dần trở nên mất tập trung chúng ta khởi động mọi chú ý trở lại giai đoạn Tầm.
Điều quan trọng ở đây là việc thực tập của chúng ta trong gian đoạn này là phải tránh tham chấp. Thấy tiến trình Tứ có ảnh hưởng của những cảm giác, chúng ta có thể nghĩ rằng tâm bị rối loạn và trở nên bất bình với tiến trình này. Đây là nguyên nhân. Chúng ta không vui, đơn giản vì chúng ta muốn tâm yên lặng. Đây là nguyên nhân dẫn đến quan điểm sai. Nếu điều chỉnh tư tưởng của chúng ta một chút, chúng ta sẽ thấy điều này vận hành rất tự nhiên với bản chất của tâm, chỉ điều này cũng đủ làm giảm bớt sự rối bời. Đây còn gọi là “hãy để nó đi.”
Bây giờ, nếu chúng ta không tham chấp, nếu chúng ta thực tập với ý tưởng “hãy để nó đi”.... tức ly tham trong sự tu và tu trong trạng thái không còn tham chấp... nếu chúng ta học cách thực tập như thế, Tứ sẽ tự động không vận nhiều công sức nữa. Nếu tâm không còn bị quấy nhiễu, Tứ sẽ nghiêng về suy tưởng Pháp, bởi vì nếu chúng không quán chiếu Pháp, tâm ta lại lang thang mất định hướng ngay.
Cho nên, có Tầm rồi có Tứ, Tầm rồi Tứ, Tầm rồi Tứ, v.v... cho đến khi nào Tứ dần dần trở nên nhỏ nhiệm tinh tế. Lúc đầu, Tứ bao trùm mọi nơi. Khi chúng ta nhận biết điều này chỉ là vận hành tự nhiên của tâm, chúng ta không bị nó chi phối trừ phi chúng ta tham đắm nó. Cũng như dòng nước chảy. Nếu chúng ta bị nó chi phối, trong đầu khởi lên ý nghĩ: “Tại sao nó chảy?”, thế là tự nhiên tâm ta bị phiền toái. Nếu chúng ta hiểu nước chảy đơn giản vì bản chất của nó như thế, thì làm sao phiền toái rơi vào tâm ta được. Tứ cũng như thế. Có Tầm rồi sẽ đến Tứ, có tác động của cảm giác. Chúng ta có thể xem cảm giác này là đối tượng cho việc thiền quán, tâm chúng ta sẽ thanh tịnh ngay nhờ nhận biết các cảm giác này.
Nếu chúng ta biết bản chất của tâm giống như thế và cứ để chúng tự nhiên như dòng nước nhẹ trôi. Tứ sẽ trở nên vi tế dần, vi tế dần. Có thể tâm có khuynh hướng quán tưởng về thân hay sự chết chẳng hạn, hoặc một số đề tài về Pháp. Khi đề tài quán tưởng đúng đắn, cảm thọ dễ chịu khởi lên. Cảm thọ dễ chịu ấy là gì? Đó là hỷ (piti). Hỷ khởi lên. Trạng thái biểu hiện có thể là mát lạnh, chói sáng. Tâm ta thích thú. Đấy gọi là Hỷ, cũng gọi là sự an lạc (sukha), sự sanh diệt của nhiều cảm thọ khác nhau và đạt đến trạng thái nhất tâm (ekaggatarammana).
Chúng ta đã nói về một số thuật ngữ trong giai đoạn định thứ nhất đó là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, và Nhất tâm. Vậy giai đoạn định thứ hai như thế nào? Khi tâm dần dần trở nên nhu nhuyến, vi tế, Tầm và Tứ không cần thiết nữa, chỉ còn Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Trong giai đoạn này tâm tự nó vận hành, chúng ta không phải giúp đỡ gì cả, chỉ nhận biết bản chất tự nhiên của chúng.
Khi tâm được thanh lọc, thanh tịnh hơn, Hỷ cũng biến mất, chỉ còn Lạc và Nhất tâm hiện hữu, và chúng ta chỉ nhận biết chừng ấy. Thế thì Hỷ đi đâu vậy? Nó không đi đâu cả, chính vì tâm càng lúc càng vi tế hơn nên những đặc tính thô được loại trừ tự nhiên. Bất cứ đặc tính nào thô... cũng sẽ bị loại trừ hết cho đến khi đạt đến đỉnh điểm của sự tinh tế, theo trong kinh nói đó là giai đoạn Tứ thiền, tầng định cao thâm nhất. Ở đây tâm loại bỏ dần đi những yếu tố thô phù cho đến lúc chỉ còn Nhất tâm và Xả. Không còn giai đoạn nào xa hơn nữa, giới hạn dừng ở đây.
Để tâm đạt đến giai đoạn định, lộ trình này nhất định phải kinh qua, nhưng chúng ta phải hiểu phương pháp thực tập căn bản. Chúng ta muốn tâm được định tĩnh, nó sẽ không được định tĩnh. Chúng ta phải thực tập viễn ly tham chấp trước, nhưng chúng ta chưa nhận ra tầm quan trọng của nó. Chúng ta tham luyến sự an tĩnh. Tâm ta đã bị ô nhiễm và rồi chúng ta bị ô nhiễm hơn vì mong muốn được an tĩnh ấy. Sự mong ước chính là nguyên nhân. Chúng ta không biết rằng tâm mong muốn này chính là tham (tanha) đấy, giống như làm cho gánh nặng đã nặng lại nặng thêm. Càng tham luyến, tâm của chúng ta càng phiền não, cho đến khi nào chúng ta buông bỏ nó. Lúc nào chúng ta cũng chuẩn bị tinh thần chấm dứt cuộc chiến, ngồi và chiến đấu với chính mình.
Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta không quay về phản tỉnh rằng chúng ta đã sắp xếp cho tâm như thế nào. Hãy biết rằng các biểu hiện trong tâm là tự nhiên vẫn vậy. Bất cứ tâm khởi lên điều gì, chúng ta chỉ quán sát nó mà thôi. Bản chất của tâm đơn thuần, không làm tổn hại gì trừ khi chúng ta không hiểu bản chất của nó. Nó không có gì nguy hiểm nếu chúng ta nhận biết rõ vận hành của chúng và cứ để chúng vận hành tự nhiên. Thế là chúng ta đang thực tập Tầm và Tứ cho đến khi nào tâm bắt đầu dịu xuống, thanh tịnh dần và ít manh động. Khi các cảm thọ khởi lên, chúng ta quán chiếu chúng, chúng ta hoà nhập với chúng và nhận diện rõ chúng.
Tuy nhiên, chúng ta thướng chú ý đến việc chống đối chúng, bởi vì ngay từ đầu, chúng ta quy định phải làm cho tâm thanh tịnh. Bắt đầu ngồi, vọng tưởng ập đến phá rối chúng ta. Khi chúng ta chuẩn bị đối tượng thiền quán, sự chú ý của ta cứ lang thang, không chịu tập trung, tâm dừng nghĩ đằng sau tất cả vọng tưởng, trong ta khởi lên ý nghĩ rằng những vọng tưởng này đến làm phiền chúng ta, nhưng thật ra, vấn đề phát sinh ở đây từ sự mong muốn tâm đạt thanh tịnh của chúng ta đấy thôi.
Nếu chúng ta nhận biết tâm hành xử theo bản chất tự nhiên của nó, nó đến và đi tự nhiên và nếu chúng ta không quan tâm nó, chúng ta có thể hiểu được cách hành xử của nó như đứa trẻ con. Trẻ con không biết thế nào là tốt hơn, chúng có thể nói mọi thứ đều tốt. Nếu chúng ta hiểu chúng, chúng ta chỉ để chúng nói tự nhiên, trẻ con nói tự nhiên giống như thế. Khi chúng ta để chúng tự nhiên, trẻ con không bị áp lực nào chế ngự. Chúng ta có thể nói với những người khách miễn nhiễm phiền não, trong khi trẻ con nói chuyện chơi đùa xung quanh. Tâm cũng giống như vậy. Nó không bị tổn hại gì cả trừ khi chúng ta túm lấy nó và làm cho nó bị áp lực. Đó thật sự là cội nguồn phát sinh rắc rối.
Khi Hỷ khởi lên, chúng ta cảm thấy sung sướng dễ chịu không thể tả được, mà chỉ cảm thọ mà thôi. Lạc khởi lên, và có sự nhất tâm. Có Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Năm yếu tố này hội tụ về một nơi. Ngay cả đặc tính của chúng không giống nhau, chúng cũng vân tập lại một nơi và chúng ta có thể nhận biết chúng đang có mặt ở đó, giống như thấy nhiều loại trái cây ở trong cái giỏ vậy. Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm, cả năm đặc tính, chúng ta có thể thấy chúng trong một tâm. Nếu có người hỏi “Tầm đang như thế nào? Tứ đang như thế nào? Hỷ, Lạc?...” Thật khó trả lời nhưng chúng quy tụ trong tâm, chỉ tự mỗi chúng ta biết chúng như thế nào.
Về điểm thực tập này có chút đặc biệt. Chúng ta phải quán chiếu lại và tự tỉnh thức, không đánh mất chính mình. Nhận biết rõ mọi điều như chúng đang là. Các giai đoạn thiền quán này tiềm ẩn trong tâm. Không nghi ngờ gì với việc thực tập này cả. Nếu bạn lún sâu vào trong trái đất này hay bay trong hư không, ngay cả chết trong tư thế ngồi, cũng không có gì bận tâm. Bất cứ tâm khởi lên ý niệm hay cảm thọ gì, chỉ nhìn biết chúng thôi. Đây là nền tảng tu tập của chúng ta: có niệm (sati), quán chiếu và tỉnh thức bất cứ lúc nào đi, đứng, nằm, ngồi. Bất cứ tâm gì khởi lên cứ để chúng tự nhiên, không tham chấp chúng. Thích hay không thích, sung sướng hay đau khổ, nghi ngờ hay gì gì, tập trung với Tứ và nhận biết kết quả của các đặc tính ấy. Đừng cố đặt tên cho chúng, chỉ biết chúng thôi. Nhận biết những ý tưởng khởi lên trong tâm là bình thường. Chúng ngắn ngủi. Chúng sanh ra, tồn tại rồi mất đi. Bản chất thật của chúng là vậy, chúng không có bản ngã, chúng không phải ta cũng không phải chúng. Chúng không đáng để ta bám víu, tham đắm.
Khi nhận diện được sắc và danh theo cách này bằng trí tuệ, chúng ta sẽ thấy chúng đi theo quy luật cũ. Chúng ta sẽ thấy sự ngắn ngủi của tâm, sự ngắn ngủi của thân, của hạnh phúc, đau khổ, tình yêu và thù hận. Chúng đều vô thường. Nhận ra điều đó, tâm trở nên mỏi mệt, mỏi mệt của thân và tâm, mỏi mệt của vạn pháp sanh diệt và ngắn ngủi. Khi tâm tỉnh ngộ, nó tìm lối thoát ra ngoài tất cả những cảm thọ ấy. Nó không muốn bám víu lưu luyến những thứ ấy nữa, nó thấy sự không tương xứng của thế giới này và sự không tương xứng của sinh.
Khi tâm nhận ra như thế, bất cứ đi nơi đâu, chúng ta đều thấy sự Vô thường, Sự Bất toàn, Đau khổ, và Vô ngã. Không có gì để nắm giữ cả. Ngồi ở đâu hoặc bên cội cây, trên chóp núi, trong thung lũng sâu, chúng ta đều có thể nghe được lời dạy của Đức Thế Tôn. Tất cả cây cối dường như là một, mọi chúng sinh cũng là một, không có gì đặc biệt nơi chúng hết. Chúng sinh, tồn tại một thời gian, rồi già, rồi chết.
Chúng ta thấy thế giới này tường tận hơn, thấy thân tâm này tường tận hơn. Dưới ánh sáng của luật Vô thường, Khổ, Vô ngã, chúng hiển hiện rõ ràng. Nếu ai muốn nắm chắc điều gì, họ sẽ đau khổ ngay. Đó là nguồn gốc khiến cho khổ phát sinh. Nếu chúng ta biết thân và tâm vận hành theo cách của chúng, khổ sẽ không xuất hiện, vì chúng ta không chấp giữ chúng. Đi bất cứ nơi đâu, trí tuệ này cũng soi sáng cho ta. Ngay cả nhìn một cội cây, chúng ta cũng có thể suy tư về nó với trí tuệ này. Thấy bãi cỏ và vô số côn trùng, chúng cũng là thức ăn, là đối tượng cho sự quán tưởng của chúng ta.
Khi tâm lắng dịu, chúng ta thấy tất cả đều nằm trên một con thuyền. Chúng là Pháp, chúng trước sau vẫn vậy. Đây là sự thật, đây là chân lý, đây là Pháp, đây là bền vững. Nó bền vững như thế nào? Nó bền vững trong thế giới chân lý, trong Pháp, nó không bao giờ thay đổi khác hơn. Không có gì khác hơn sự thật này. Nếu chúng ta nhận rõ con đường này, hành trình của chúng ta sẽ chấm dứt.
Có người nói rằng chúng ta cảm thấy mình ngu muội hơn kẻ khác, nói thế là không đúng, hoặc nói chúng ta cảm thấy mình và kẻ khác như nhau, hay hơn kẻ khác, nói thế cũng đều không đúng. Bởi vì không có cái gì gọi là “chúng ta” cả. Học giáo lý đạo Phật, suy tư với cách này, chúng ta phải dứt bỏ tánh kiêu căng ngạo mạn.
Đây gọi là lokavidu tức là nhận biết thế giới một cách rõ ràng như nó đang hiện hữu. Nếu chúng ta nhận ra sự thật, tâm sẽ nhận diện chính mình trọn vẹn và sẽ đoạn lìa nguyên nhân đau khổ. Khi không còn nguyên nhân nào nữa, kết quả làm sao phát sinh. Đây là phương pháp thực tập, chúng ta hãy thực tập như thế.
Những điểm căn bản chúng ta cần phải thực thi: trước hết là phải chân thật; thứ hai cảnh giác làm sai; thứ ba hết sức khiêm nhường, sống hạnh viễn ly và hài lòng với đồ dùng vừa đủ. Nếu thiểu dục tri túc trong lời nói và trong mọi việc, chúng ta nhận diện ra chính mình, không còn đau khổ, cuồng loạn. Tâm là nền tảng của giới (sīla), định (samādhi) và tuệ (pañña).
Do vậy các hành giả đang đi trên con đường tu tập phải nên thận trọng. Ngay cả khi ta đúng cũng không được bất cẩn. Và nếu bạn sai, cũng không được cẩu thả. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, bạn cảm thấy hạnh phúc, khi ấy, bạn cũng không được dễ duôi. Tại sao tôi nói: “không được dễ duôi?” Bởi vì mọi thứ không chắc chắn. Hãy ghi nhớ như thế. Nếu bạn cảm giác hạnh phúc hãy cứ để cảm giác tự nhiên như thế. Có thể bạn muốn luôn có cảm thọ này, nhưng bạn biết sự thật về nó, cũng giống như những cảm giác buồn khổ vậy.
Mỗi cá nhân tập tâm mình như thế. Vị thầy chỉ giải thích con đường huân tập tâm bởi vì tâm ở trong mỗi cá nhân. Chúng ta biết cái gì ở đó, không ai khác có thể biết tâm chúng ta bằng chúng ta cả. Thực tập đòi hỏi đức tính chân thật. Hãy thực tập một cách đúng mức, đừng làm việc nửa chừng. Khi tôi nói:“Hãy thực tập một cách đúng mức,” có nghĩa là chính bạn phải nỗ lực hết sức mình để tu tập. Nỗ lực hết sức không phải là hành thân xác bạn mà việc tu là ở trong tâm. Nếu bạn biết điều này, bạn sẽ biết thực tập. Bạn không cần học hết các pháp môn, chỉ dùng những phương pháp tiêu chuẩn để thực tập, quán chiếu lại nội tâm chính bạn.
Nay chúng ta đã vào nửa mùa An cư. Sự thực tập của hầu hết mọi người có phần chậm lại. Họ không cố gắng kiên trì từ đầu đến cuối. Điều này cho thấy việc thực tập của họ chưa được thuần thục. Ví dụ ngay từ đầu mùa An cư, với kiên quyết thực tập, dù bất cứ cản trở nào, chúng ta phải hoàn tất ước nguyện ấy. Với ba tháng này bạn cố gắng thực tập đúng mức. Bạn đã tự mình quyết định thực tập, hãy ráng thực tập không được chểnh mảng. Được như thế sức mạnh tinh tấn tái lập, chuyên chú thực tập như khi chuyên chú quán sát hơi thở. Khi hơi thở ra vào, tâm có thể lộn xộn. Chú tâm lại vào hơi thở, tâm bị lôi trở lại, không lang thang nữa. Cũng thế cả thân và tâm thực tập theo tiến trình này. Hãy tinh tấn hành trì.


Trích: THỰC PHẨM CHO TÂM
Nguyên tác: Food for the Heart của Thiền sư Ajahn Chah.
Thường Huyễn chuyển ngữ